Bài toán khó về lợi nhuận trong lĩnh vực tái chế pin quang điện

Khi các tấm pin quang điện thế hệ đầu được thải ra ngày càng nhiều, tái chế chúng đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh mới. Tuy nhiên, sinh lời từ lĩnh vực này hiện vẫn là bài toán khó.
Tái chế pin quang điện tại công ty We Recycle Solar. (Nguồn: AP)

Ánh Mặt trời dần chiếu sáng một “nghĩa địa” khổng lồ dành cho các tấm pin quang điện đã mất giá trị sử dụng tại Yuma, Arizona, Mỹ. 

Nơi đây, vô số tấm pin được xếp thành đống ngay ngắn, chờ đợi được tái sử dụng vào thời điểm nào đó. Trong lúc đó, vô số các tấm pin trong tình trạng hao mòn và hư hỏng nặng tiếp tục được đưa tới đây, với số lượng mỗi ngày một lớn. Điều này khiến cho hoạt động tích trữ pin hỏng không thể kéo dài mãi. 

Tại Yuma, thành phố sa mạc và là điểm giao nhau của các bang Arizona, California (Mỹ) với Sonora và Baja California (Mexico), nhà máy tái chế pin quang điện quy mô lớn đầu tiên ở khu vực Bắc Mỹ đã được khai trương. Nhà máy mang tên We Recycle Solar được tạo ra nhằm giải quyết vấn đề được gọi là “cơn sóng thần” của rác thải năng lượng mặt trời. 

Nhà máy được thành lập trong bối cảnh hàng loạt kế hoạch giải quyết thách thức biến đổi khí hậu đều dựa vào việc mở rộng quy mô lớn nguồn điện sạch tạo ra từ ánh sáng Mặt trời.

Các tấm pin đang được xếp chồng lên nhau trong khuôn viên công ty được tập hợp từ kho thu gom chính nằm tại Hackettstown, New Jersey, cùng với sáu địa điểm khác trên toàn nước Mỹ.

Công nhân di chuyển các chồng pin vào cơ sở lưu trữ rộng gần 7.000 mét vuông bằng xe nâng. Sau đó, họ hẹn nhàng nhấc từng tấm pin ra để phân loại theo nhãn hiệu và mẫu mã. 

Adam Saghei, Giám đốc điều hành của We Recycle Solar, cho biết những tấm pin quang điện bị thải hồi có thể được tái sử dụng. Ngoài kia có một thị trường dành riêng cho chúng — những khách hàng trên toàn cầu vẫn luôn muốn mua các tấm pin quang điện đã được tân trang với giá cả hợp lý. 

Những tấm pin không thể bán lại sẽ được chuyển thẳng xuống khu vực tái chế, nơi thủy tinh, kim loại và các vật liệu có giá trị khác được tách ra thành từng nhóm riêng. 

Cần biết rằng các tấm pin quang điện được thiết kế để chịu đựng thời tiết khắc nghiệt trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, rất khó để phá vỡ cấu trúc bền bỉ của chúng. Ví dụ, tách kính mà không làm vỡ kính là cả một vấn đề. Nhưng với các cánh tay robot được điều khiển bởi công nhân lành nghề, các tấm kính trong mỗi bộ pin quang điện hỏng đều được We Recycle Solar tách ra nguyên vẹn.

Những vật liệu có giá trị cao nhất là đồng, bạc, nhôm, thủy tinh và tinh thể silicon. We Recycle Solar sẽ tái sử dụng những thứ này thông qua việc bán chúng cho những nơi có nhu cầu, ví dụ thủy tinh được chuyển cho các công ty có dịch vụ phun cát để xử lý bề mặt chất liệu.

Đối với Saghei, nguồn cảm hứng để thành lập We Recycle Solar đã đến vào năm 2017. Thời điểm đó, anh đang làm việc trong lĩnh vực rác thải điện tử máy tính. Anh nhìn thấy rất nhiều tấm pin quang điện nằm trên phần mái các nhà kho và tự hỏi rằng cuối cùng chúng sẽ đi về đâu. Anh nhận ra rằng công nghệ xanh sẽ không còn “xanh” nữa một khi hết giá trị sử dụng. Và anh quyết định rằng tái chế các tấm pin quang điện sẽ vừa giải quyết được bài toán môi trường, vừa giúp xử lý vấn đề thiếu vật liệu. 

Dwight Clark, Giám đốc Công nghệ và Tái chế tại We Recycle Solar, cho biết đồng là một trong những kim loại thu được trong quá trình tái chế. “Mỗi tấm pin mặt trời không mang lại quá nhiều đồng. Nhưng khi xử lý hàng chục tấn pin mặt trời mỗi giờ, chúng tôi sẽ thu được hàng trăm kilogram đồng từ chúng,” ông nói, cho biết thêm. “Riêng nhôm thì có nhiều hơn và được tái sử dụng để làm khung pin quang điện mới, hoặc làm sàn đáp của một chiếc máy bay Boeing.”

Mool Gupta, giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Điện và Máy tính tại Đại học Virginia, cho biết đến năm 2050, tổng lượng chất thải do hoạt động sản xuất năng lượng mặt trời sẽ lên tới khoảng 78 triệu tấn trên toàn cầu. Gupta cho biết, hoạt động tái chế pin quang điện vẫn chưa mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay là bởi các công ty gặp khó khăn trong việc đưa ra lý do hợp lý để thu tới 30 USD cho việc xử lý mỗi tấm pin, khi người ta chỉ mất khoảng 1 USD để vứt nó ra bãi rác.

Garvin Heath, thành viên đội ngũ nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia của Bộ Năng lượng Mỹ có đồng quan điểm: “Nếu vẫn giữ hy vọng một ngày nào đó sẽ thấy pin quang điện được tái chế 100%, chúng ta không nên làm cho hoạt động tái chế có phí đắt hơn phí chôn lấp. Đừng để người tiêu dùng phải trả bất kỳ chi phí nào. Thay vào đó, hãy tìm cách giúp các nhà tái chế có thể hoà vốn.”

Dù khởi đầu còn khó khăn nhưng đã có thêm nhiều công ty bắt đầu tham gia ngành công nghiệp mới này.

Solarcycle, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Odessa, Texas, đã huy động được 30 triệu USD vào đầu năm nay. Ngoài ra, Solarpanelrecycling.com, một nhánh của công ty tái chế đồ điện tử PowerHouse Recycling, cũng vừa tham gia xử lý pin quang điện. Nhà nghiên cứu thị trường Visiongain ước tính thị trường xử lý pin quang điện toàn cầu có tổng giá trị 138 triệu USD trong năm ngoái và đang tăng nhanh.

Hiện công ty We Recycle Solar có thể xử lý 7.500 tấm pin quang điện trong một ngày, tức khoảng 31 nghìn tấn pin mỗi năm. Các ước tính quy đổi cho thấy tính đến đầu tháng 6, công ty đã giúp giảm phát thải khoảng 650.000 tấn CO2 và giúp tái chế 60% lượng pin quang điện hư hỏng đã qua xử lý. Công ty đã có kế hoạch mở một cơ sở tái chế khác, cùng với một công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn ở hai bang Bắc Carolina và Nam Carolina.

Hiện tại, các công ty tái chế pin quang điện vẫn đang tìm cách để gia tăng lợi nhuận. We Recycle Solar cung cấp dịch vụ tháo dỡ các hệ thống năng lượng mặt trời lớn và đây đang là nguồn doanh thu lớn nhất của công ty.

Bán lại các tấm pin quang điện đã được tân trang là nguồn thu số hai, nhưng cũng đem lại ít lợi nhuận nhất. Saghei cho biết, tiền thu từ hoạt động tháo dỡ pin quang điện và thậm chí cả tiền lãi từ việc bán pin đang được sử dụng vào hoạt động tái chế, do chi phí của việc này quá cao. Nhưng nhiều chuyên gia tin vấn đề này chỉ mang tính tạm thời và dần dần sẽ được khắc phục trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục