Bài toán "gả" EVN Telecom về đâu cho có lợi nhất?

EVN Telecom thuộc về ai thì có lợi? Lợi ở đây trước hết về phía lợi cho Nhà nước - vì đây là một doanh nghiệp của Nhà nước.
Trước động thái của HanoiTelecom, thì người bất ngờ không chỉ là Viettel mà là cả Chính phủ. Có lẽ, không có việc bất ngờ có kẻ ngáng đường, thì ông bố cũng đã thỏa hiệp kha khá trong việc miễn và giảm lễ sính hỏi của "chú rể Viettel," mà "gả phứt" EVN Telecom đi cho rảnh.

Và như thế, thì các chủ nợ của "nàng" xem ra sẽ rơi vào thế bí. Chả thế mà mới đây, trong cuộc họp thông báo kế hoạch kinh doanh của mình, FPT đã phải sớm "gióng trống khua chiêng" với báo giới về món nợ 708 tỷ đồng tiền cọc - một trong những chiêu xử lý món nợ khó đòi - của doanh nghiệp này.

[FPT quyết tâm thu hồi 708 tỷ đồng thương vụ EVN]

Bây giờ, khi đã được quyền chọn lựa, thì lại khác. Phải xem rằng, với "chàng rể" nào thì EVN Telecom sẽ có một tương lai khả dĩ, không chỉ là để cứu vãn công nuôi nấng nàng bấy lâu, mà còn là cho cả đám con cháu, dâu rể trong nhánh "viễn thông" của mình.

Vậy EVN Telecom thuộc về ai thì có lợi?

Đứng về phía vĩ mô, bản chất EVN Telecom là một doanh nghiệp của Nhà nước. Như vậy, bài toán vốn/tài sản/lỗ là liên quan đến thiệt/lợi của hơn 86 triệu người dân.

Do vậy, nếu luân chuyển từ doanh nghiệp nhà nước này sang doanh nghiệp nhà nước khác thì xem ra lại là chuyển cái gánh từ vai trái sang vai phải.

Nhưng chuyển sang các doanh nghiệp cổ phần hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, cũng cần xem xét trên bình diện, họ có "lực" hay không, nếu họ có tiền mua nhưng lại không có lực làm thì cũng sẽ làm cho thị trường lao đao thêm.

Nhìn trên khía cạnh thị trường, nếu "gả" EVN Telecom về tay Viettel, cũng đồng nghĩa là giao "quyền lực tối ưu" cho mạng này. Viettel sẽ như "rồng thêm vây, hổ thêm cánh" và có lẽ sẽ là "thiên hạ vô địch" bất chấp cả việc anh em nhà VNPT là MobiFone và Vinaphone có hợp nhất.

Cùng đó, cũng là "khai tử" các mạng di động còn lại.

Nhận định vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Khi không thể kinh doanh có lãi, việc tiếp tục giải thể, sáp nhập trong ngành viễn thông phải diễn ra theo đúng quy luật của nó. Bài toán ở đây là, Chính phủ có quyết "dứt bỏ" các mạng viễn thông hiện đang hoạt động cầm chừng để tập trung cho các mạng đang ưu thế hay không? Nếu quyết thì có thể chọn Viettel, tuy nhiên sẽ phải đối đầu với giải quyết hệ lụy của các giấy phép viễn thông đã cấp trước đó cho các nhà mạng " sẽ chết"  nhất là những nhà mạng nhỏ lại đều là có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó cũng cần tính thêm đến nguy cơ tình trạng độc quyền  trên lĩnh vực viễn thông hoàn toàn có khả năng "tái xuất!" Về phía các doanh nghiệp chủ nợ, thì hẳn là họ chỉ mong muốn có được sự trả nợ nhanh và đủ từ phía người chủ mới, mà như vậy thì họ sẽ ủng hộ Hanoi Telecom bởi doanh nghiệp này đã tuyên bố sẽ "thanh toán tiền mặt" và "chấp nhận trả hết nợ nần của EVN Telecom." Với tiềm lực của Hutchison Telecom đằng sau, tuyên bố này của Hanoi Telecom cũng không phải là không có cơ sở. 

Theo giới phân tích, nếu bán EVN Telecom cho các doanh nghiệp khác mà thu lại được tiền ngay để trả nợ ngân hàng, để tiền lỗ không cộng thêm vào giá điện xem ra tối ưu hơn cả. Thêm vào đó, nó sẽ làm cho thị trường viễn thông phát triển đúng theo quy hoạch trước đó, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh và bền vững.

Trả lời phóng viên Vietnam+ chiều nay, một quan chức Hanoi Telecom cho biết, hiện bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Hội đồng thi tuyển 3G đều cho rằng" băng tần 3G về với Hanoi Telecom" là hợp lẽ. Quyết định cuối cùng, đang nằm trong tay Chính phủ.

Thương vụ EVN Teleocom đang hứa hẹn còn nhiều điều bất ngờ.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục