Theo AFP, năm 2019 đến với Liên hợp quốc với việc Somalia trục xuất đặc phái viên của Liên hợp quốc, ngay sau khi Guatemala giải thể ủy ban chống tham nhũng tại nước này do Liên hợp quốc bảo trợ.
Sau một năm khó khăn chứng kiến Mỹ, "nhà tài trợ" hàng đầu của Liên hợp quốc, cắt giảm ngân sách đóng góp, rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và bác bỏ các thỏa thuận do Liên hợp quốc hậu thuẫn, Liên hợp quốc đang tiếp tục đối mặt với những "cơn bão" mạnh hơn.
Giới quan sát đang đặt ra câu hỏi liệu tổ chức toàn cầu, được thành lập vào thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc để bảo vệ hòa bình thế giới, có đang dần đi đến hồi kết, ngày càng bị các chính phủ "chĩa mũi dùi" với các chương trình nghị sự mang tính dân tộc chủ nghĩa.
Gần nửa nhiệm kỳ 5 năm của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo rằng chủ nghĩa đa phương đang được thử thách vào thời điểm mà thế giới cần đến điều này nhất.
Theo giới phân tích, dẫn đầu cáo buộc chống Liên hợp quốc là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có cách tiếp cận "Nước Mỹ trước tiên" đối với chính sách đối ngoại, đã khuyến khích các chính phủ khác chế nhạo Liên hợp quốc.
Richard Gowan, học giả giàu kinh nghiệm về chính sách tại trường Đại học Liên hợp quốc, nói: "Liên hợp quốc đang đau đầu ngay khi năm 2019 vừa đến."
Trong khi Liên hợp quốc lẽ ra không đến mức ở bên bờ vực sụp đổ hoàn toàn, song "thái độ của Chính quyền Tổng thống Trump khuyến khích các nước khác coi thường Liên hợp quốc," ông nói.
Ngày 7/1, đặc phái viên mới của Liên hợp quốc về vấn đề Syria, Geir Petersen người Na Uy, đã nhận nhiệm vụ như một nhà trung gian hòa bình thứ tư của Liên hợp quốc, tuy nhiên Nga và Iran đã gạt Liên hợp quốc sang một bên khi tổ chức này đang nỗ lực kết thúc cuộc chiến đã kéo dài gần 8 năm tại Syria.
Gìn giữ hòa bình - trọng tâm trong cách tiếp cận an ninh của Liên hợp quốc - đang bị bó buộc trong vấn đề tài chính đáng ngại sau khi Mỹ đưa ra kế hoạch hồi cuối tháng 12 cho biết sẽ cắt giảm hơn nữa mức đóng góp ngân sách của nước này cho Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang bị chia rẽ về cách phản ứng đối với cuộc bầu cử tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Cả Somalia và Guatemala đều cho rằng Liên hợp quốc đã can thiệp vào công việc nội bộ để giải thích cho quyết định của họ.
Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Somalia, Nicholas Haysom được cho là một nhân vật không được hoan nghênh sau khi ông đã chất vấn quyết định của Mogadishu về việc bắt giữ kẻ đảo ngũ thuộc phiến quân Al-Shabaab, người đã ra tranh cử.
Guatemala tuyên bố nước này đơn phương kết thúc sứ mệnh của Ủy ban chống tham nhũng do Liên hợp quốc hậu thuẫn, vốn đang thẩm tra về vấn đề tài chính trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Jimmy Morales.
Mỹ từ bỏ Liên hợp quốc?
Jeffrey Feltman, cựu Giám đốc chính trị của Liên hợp quốc, người vừa nghỉ hưu năm ngoái, lo ngại rằng Mỹ và các quốc gia quyền lực tại châu Âu không còn ủng hộ Liên hợp quốc khi những bất đồng như vấn đề của Guatemala hay Somalia gia tăng.
Feltman, hiện là học giả tại Viện Brookings, nhấn mạnh: "Điều mà tôi quan ngại là dường như không còn có sự ngăn chặn hiệu quả đối với các quyết định như vậy."
Theo ông, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, những nước bình thường được cho là sẽ bảo vệ các nguyên tắc, đã có "quan điểm truyền thống bị từ bỏ," ví dụ như Mỹ, hoặc bị phá hủy hoàn toàn với bất ổn chính trị như nước Anh với tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và các nước EU với phong trào dân túy.
Ông bổ sung: "Văn phòng Liên hợp quốc, lo ngại về việc mất đi sự ủng hộ của các nước thành viên thiết yếu, sẽ không còn tiếng nói có trọng lượng do thiếu vắng sự ủng hộ của các nước thành viên có thẩm quyền."
[Liên hợp quốc với những mục tiêu còn dang dở của năm 2018]
Điểm sáng tiềm tàng là Yemen, nơi Liên hợp quốc đã thành công trong việc đưa các bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán để tìm giảm pháp kết thúc cuộc chiến kinh hoàng, tuy nhiên các nhà ngoại giao cảnh báo rằng tiến trình hòa bình là rất mong manh.
Louis Charbonneau, Giám đốc Tổ chức theo dõi nhân quyền Liên hợp quốc, cho rằng "có lẽ Liên hợp quốc đang trải qua bài sát hạch chưa từng có từ trước đến nay."
Louis cũng đưa ra lập luận rằng vai trò lãnh đạo mãnh mẽ của Liên hợp quốc là cần thiết để giúp thế giới vượt qua thời điểm khó khăn. "Tổng thư ký nên sử dụng diễn đàn của mình để nêu đích danh những kẻ bôi xấu Liên hợp quốc, cho dù nước đó mạnh cỡ nào. Chúng ta cần ông Guterres với vai trò là một tổng tư lệnh hơn là một tổng thư ký."
Đối mặt với những "cơn gió ngược," ông Guterres khẳng định rằng thế giới vẫn coi Liên hợp quốc là diễn đàn tốt nhất để giải quyết những vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.
Tháng 9 tới, Liên hợp quốc sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu và đây sẽ được xem như bài sát hạch quan trọng đối với vai trò của Liên hợp quốc./.