Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende, ngày 23/9, tại thành phố New York (Hoa Kỳ), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại Hội nghị về Tác động của Phát triển bền vững (SDI) do WEF tổ chức nhân dịp Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77.
Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh:
Thưa toàn thể quý vị,
Tôi cảm ơn Diễn đàn Kinh tế thế giới đã mời dự và phát biểu tại phiên họp “Thúc đẩy thương mại bao trùm” trong khuôn khổ Hội nghị Tác động của Phát triển bền vững.
Nhìn lại tiến trình toàn cầu hóa, thương mại quốc tế là động lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong thời đại ngày nay, thương mại quốc tế có vai trò then chốt để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.
Chính sách thương mại không chỉ phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế thuần túy mà còn cần bảo đảm tính bền vững về môi trường và lợi ích bao trùm cho tất cả mọi người.
Đó chính là lý do chúng ta cần chú trọng vai trò quản lý nhà nước đi đôi với tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công-tư và hợp tác nhiều bên để lợi ích kinh tế-phát triển do thương mại mang lại được chia sẻ công bằng cho tất cả mọi người.
Thưa quý vị,
Từ góc nhìn và cách tiếp cận trên, tôi cho rằng cần quan tâm thúc đẩy một số vấn đề sau:
Thứ nhất, người dân và doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy thương mại bao trùm.
Đối với người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo và đào tạo lại kỹ năng cho các nhóm dễ bị tổn thương; thúc đẩy tiêu dùng xanh, bền vững là những giải pháp căn cơ cho phát triển bền vững thương mại.
Từ góc độ doanh nghiệp, cần chú trọng bảo đảm đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội trong thương mại quốc tế, điển hình như việc áp dụng mô hình ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị).
Thứ hai, cần xây dựng chính sách thương mại có tính tổng thể, tương hỗ và gắn kết giữa thương mại xanh, thương mại số và thương mại bao trùm.
Trong quá trình này, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò nền tảng, kết nối xuyên suốt các chuyển dịch thương mại mang tính thời đại này.
Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò không thể thiếu của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, công bằng, minh bạch và bao trùm.
Các bên liên quan cần đẩy nhanh quá trình cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) theo hướng phát huy vai trò điều phối, thúc đẩy thương mại toàn cầu theo hướng bao trùm, cân bằng.
Thưa quý vị,
Là nền kinh tế có độ mở hơn 200%, đã tham gia mạng lưới 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có các FTA thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường, Việt Nam là minh chứng cụ thể, sống động về việc phát huy vai trò của thương mại quốc tế phục vụ tăng trưởng kinh tế, xoá đói nghèo và phát triển bền vững.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, bài học kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam rút ra là không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030 của Việt Nam nhấn mạnh quan điểm:
Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả từ thương mại.
Gắn thương mại xanh và thương mại công bằng với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khuôn khổ hợp tác của WEF, Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là nền tảng quan trọng cho thúc đẩy hợp tác công-tư trong lĩnh vực thương mại bao trùm; huy động nguồn lực cho thương mại bền vững và tăng tốc thu hẹp khoảng cách kỹ năng của lao động Việt Nam.
Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn./.