Bài học từ vụ máy bay Nga bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ

Các chiến dịch không kích ở Syria hoàn toàn có thể gây ra những sự cố khôn lường nếu các bên liên quan không có sự trao đổi, phối hợp với nhau.
Bài học từ vụ máy bay Nga bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Máy bay Su-25 của không quân Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vụ máy bay Nga bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi thực hiện các cuộc không kích nhằm vào lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở Syria đã khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.

 

Moskva khẳng định đây là một sự cố đáng tiếc, một tai nạn không đáng có do điều kiện thời tiết xấu nên phi công không xác định được chính xác hướng bay. Thế nhưng, một số giới chức phương Tây lại tỏ ra nghi ngờ, thậm chí cho rằng đó là một sự tính toán có chủ đích của Nga. Hai bên lời qua tiếng lại. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn cảnh báo Nga sẽ mất mát nhiều nếu hủy hoại quan hệ hữu nghị với Ankara.

Dường như nhận thấy việc làm gia tăng căng thẳng với Nga cũng khiến chính mình bị mất mát do Moskva là một đối tác kinh tế quan trọng nên Ankara ngay sau đó đã dịu giọng với đề xuất thành lập nhóm công tác chung với Nga để phối hợp hành động liên quan tới các cuộc không kích của Moskva nhằm vào IS để ngăn chặn những sự cố tương tự.

Từ sự việc trên, có thể thấy các chiến dịch không kích ở Syria hoàn toàn có thể gây ra những sự cố khôn lường nếu các bên liên quan không có sự trao đổi, phối hợp với nhau. Và hậu quả từ những sự cố như vậy chắc chắn là không hề nhỏ.

Ngay khi Nga bắt đầu những cuộc không kích đầu tiên, người ta cũng đã lo ngại về khả năng máy bay Nga và máy bay thuộc liên minh do Mỹ dẫn đầu có thể va chạm nhau khi cùng thực hiện các vụ tấn công IS.

Sự lo ngại này hoàn toàn có cơ sở bởi các hoạt động không kích của hai bên là riêng rẽ và không có sự kết nối với nhau. Nga và Mỹ chưa sẵn sàng hợp tác để cùng thực hiện một mục tiêu chung là chống IS do giữa hai bên vẫn còn những bất đồng lớn liên quan tới tương lai của Tổng thống Syria Basa Al-Assad cũng như những căng thẳng chưa được tháo gỡ do cuộc khủng hoảng Ukraine. Có lẽ, sau sự cố máy bay Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, Moskva và Washington càng thấy cần thiết phải có một hình thức phối hợp cụ thể để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Ở một mức độ nào đó, hai bên dường như đã nhất trí được với nhau về một số vấn đề liên quan tới hoạt động điều phối các chuyến bay quân sự ở Syria. Thậm chí, Moskva còn đề nghị liên minh do Mỹ đứng đầu cung cấp cho Nga thông tin tình báo về những cứ điểm của IS.

Thế nên, để đảm bảo lợi ích của mỗi bên, cách tốt nhất là các bên cần hợp tác với nhau ở mức độ có thể chấp nhận được để tránh “cái sảy nảy cái ung”, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với phương Tây và NATO vốn đã vô cùng lạnh giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục