Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết với tựa đề “Bài học đối với các công ty fintech Trung Quốc tại Indonesia.”
Nội dung bài viết như sau:
Thành công của việc ký kết các thỏa thuận cơ sở hạ tầng quan trọng giữa Trung Quốc và Indonesia trong vài năm qua chính là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, thêm vào đó với hợp tác Nam-Nam đã đảm bảo sự gia nhập suôn sẻ của các công ty công nghệ dịch vụ tài chính Trung Quốc (fintech) tại Indonesia.
Mặt khác, từ đầu năm 2019 đến nay, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những quy định thắt chặt các khoản vay tín dụng trực tuyến ở Trung Quốc nên đã thúc đẩy hơn nữa các công ty fintech đổ vào Indonesia.
Trong giới đầu tư và dịch vụ tài chính của Trung Quốc, Indonesia là một đại dương xanh, một thị trường tiềm năng với lượng người dùng điện thoại thông minh lớn.
Nhiều công ty dịch vụ tài chính gần như bị phá sản hoặc không có cơ hội cạnh tranh ở Trung Quốc đã tìm thấy hy vọng mới ở thị trường mới nổi này.
Theo báo cáo Fintech Edge của Klynveld Peat Marwick Goerdeler (KPMG), có 58 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trên khắp Indonesia, trong khi 95 triệu người chiếm 1/3 dân số không tiếp cận được dịch vụ ngân hàng.
Sự mất cân bằng giữa tiềm năng người cần vay vốn và người cho vay khiến hàng nghìn tỷ rupiah được giao dịch qua các kênh tài chính không chính thức và tín dụng trực tuyến để lấp vào khoảng trống.
[Quản lý Fintech - Tiền đề phát triển xã hội số, nền kinh tế số]
Thật đáng tiếc, mặc dù có tiềm năng và cơ hội lớn, các công ty fintech Trung Quốc vẫn chưa thích nghi với hệ sinh thái fintech của Indonesia và vẫn đang giữ hệ thống và tư duy rất riêng của họ trong việc điều hành các công ty ở Indonesia.
Các công ty fintech Trung Quốc kinh doanh thiếu bền vững trên thị trường. Họ tập trung chủ yếu vào việc mua lại khách hàng; mở rộng quan hệ đối tác và cơ sở, trong khi không cải thiện chất lượng của các kênh dịch vụ và sản phẩm, vốn là cốt lõi của các công ty công nghệ.
Ở Trung Quốc, cách tiếp cận quản lý từ trên xuống với quy tắc 996 (nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) được áp dụng rộng rãi tại các công ty khởi nghiệp và các công ty Internet để đạt được năng suất và giá trị cao, vốn là ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
Trong khi đó, ở Indonesia, các công ty và tập đoàn không áp đặt thời gian làm việc dài. Mối quan hệ thân thiết giữa các đồng nghiệp, môi trường làm việc sáng tạo và phong cách quản lý linh hoạt được đánh giá cao tại các nơi làm việc trên Internet và fintech của Indonesia.
Khi các nhà lãnh đạo fintech Trung Quốc ra mắt các doanh nghiệp của họ ở Indonesia, họ đã áp đặt phong cách quản lý vào văn hóa làm việc của Indonesia. Dùng kỷ luật để áp dụng cho tất cả nhân viên nhằm đảm bảo năng suất tối đa ở thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, sự thiếu khôn ngoan khi làm việc với sự khác biệt và không có khả năng thay đổi, rút cục các công ty fintech Trung Quốc đã mất nhân viên và đối tác trung thành.
Phong cách quản lý có vấn đề cũng là hậu quả của việc thiếu các nhà lãnh đạo có trình độ, có tầm nhìn trong các vị trí quản lý. Theo các trang web nghề nghiệp của Trung Quốc, các công ty Internet hàng đầu của Trung Quốc, như Tencent và Alibaba, là một trong những công ty phổ biến nhất cho sinh viên mới tốt nghiệp.
Họ có tiêu chuẩn tuyển dụng cao nhất và chỉ những sinh viên tốt nghiệp hàng đầu mới được tham gia các công ty này. So với những gã khổng lồ Internet này, các công ty mới ít được biết đến, vẫn đang phát triển hoạt động bên ngoài Trung Quốc, nơi có ít cạnh tranh hơn trong thị trường việc làm.
Để thu hút sinh viên tốt nghiệp, họ cung cấp các vị trí quản lý từ trung bình đến cao nhất, không yêu cầu kinh nghiệm làm việc liên quan.
Quản lý một doanh nghiệp fintech ở thị trường nước ngoài đòi hỏi các nhà quản lý phải có nhiều năm kinh nghiệm, kiến thức xuyên suốt vững chắc, tầm nhìn chiến lược dài hạn và kỹ năng giao tiếp liên văn hóa.
Tuy nhiên, mới tham gia vào lĩnh vực làm việc và kinh doanh, những nhà quản lý trẻ, ít hoặc không nói tiếng Indonesia, không có khả năng điều khiển doanh nghiệp đi đúng hướng, cảm nhận xu hướng thị trường và quản lý con người ở Indonesia.
Khi nói đến việc ra quyết định, giải quyết vấn đề và giao tiếp, áp lực, năng lực hạn chế và kinh nghiệm chưa nhiều đã khiến họ có những bước đi thiếu khôn ngoan, gây rắc rối cho cấp dưới ở địa phương. Thực tập sinh trẻ tuổi từ Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự thất vọng khi làm việc cùng với các giám sát viên khà khắc.
Một báo cáo của PricewaterhouseCoopers (PwC) chỉ ra rằng các công ty fintech đã tạo ra khoảng 200.000 việc làm tại Indonesia. Khi ngành công nghiệp fintech tiếp tục phát triển, nhiều sinh viên trẻ tốt nghiệp Indonesia chọn tham gia một fintech nước ngoài như một bàn đạp cho kinh nghiệm và thăng tiến nghề nghiệp.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty fintech nhỏ từ Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư mạo hiểm; họ thiếu phân bổ ngân sách và hướng đến kết quả nhanh chóng, ngắn hạn và do đó, không đầu tư vào nhân viên thông qua đào tạo công việc.
Nếu không có kế hoạch đào tạo và phát triển nghề nghiệp đầy đủ, hiệu suất và tiềm năng của nhân viên chỉ có thể được đánh giá thông qua các con số và chỉ số hiệu suất chính (KPI).
Văn hóa làm việc theo định hướng KPI này không hỗ trợ những người trẻ tuổi phát triển và học hỏi. Do đó, mặc dù có nhiều lời mời làm việc có sẵn, nhưng chúng không bền vững và an toàn trong dài hạn.
Đối với các nhà lãnh đạo fintech Trung Quốc, thị trường Indonesia rất dễ tiếp cận, nhưng để các doanh nghiệp phát triển và thành công rất khó. Hệ sinh thái fintech của Indonesia và bối cảnh kinh tế vi mô khác biệt và đa dạng hơn so với Trung Quốc.
Hơn nữa, phép màu năng suất độc đáo đạt được của những người khổng lồ fintech ở Trung Quốc chỉ hoạt động theo một số chính sách nhất định và do đó không thể được sao chép, áp dụng đơn giản ở Indonesia.
Quản lý và nhà đầu tư của các công ty fintech Trung Quốc nên học cách điều hướng sự khác biệt về văn hóa và nắm lấy các cách thức địa phương, nhưng điều này cần phải có thời gian.
Phong cách quản lý từ trên xuống phản tác dụng và sự thờ ơ đối với thị trường địa phương sẽ không những làm tổn thương doanh nghiệp và hình ảnh của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài mà cuối cùng còn buộc họ rời khỏi cuộc chơi.
Hiểu về văn hóa của mỗi quốc gia là điều rất quan trọng, là chìa khóa thành công cho cả hai bên./.