Nhìn lại siêu bão YAGI với những giải pháp lâu dài (bài cuối)

Bài học của tinh thần đoàn kết trong ứng phó với thiên tai

Bão số 3 là bài học của tình đoàn kết, là phép thử của tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chung sức đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị trong ứng phó thiên tai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên người dân bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra tại Quảng Ninh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên người dân bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra tại Quảng Ninh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường thì càng cần có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và các cấp Bộ, ngành cũng như sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân với các quyết sách này.

Bài cuối: Bài học ứng phó với thiên tai

Siêu bão số 3 được cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng như một số đài khí tượng quốc tế đánh giá là hiếm thấy trên Biển Đông. Bão có thời gian tăng cấp độ nhanh nhất trong lịch sử, mạnh nhất trong số các cơn bão đổ bộ vào Biển Đông trong 30 năm qua; duy trì cấp siêu bão trong 30 giờ.

Với một quốc gia có hơn 3.260km đường biển, mỗi năm gánh chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới như Việt Nam, kinh nghiệm chống bão không ít.

Tuy nhiên, với bão số 3, bài học mà cơn bão này để lại là sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ cả hệ thống chính trị, tinh thần cảnh giác cao độ trước thiên tai, sự chung sức đồng lòng của nhân dân khi tuân thủ tuyệt đối những khuyến cáo, quy định của lực lượng chức năng trong phòng, chống bão số 3.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường thì càng cần có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và các cấp Bộ, ngành cũng như sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân với các quyết sách này.

Chỉ đạo quyết liệt, điều hành kịp thời

Ngay khi bão YAGI còn ở phía Đông Philippines, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện khẩn số 86/CĐ-TTg ngày 3/9; tiếp theo đó là Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9 và số 88/CĐ-TTg ngày 6/9.

Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung ứng phó với bão từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại.

TTXVN_0809Thutuong1.jpg
Thủ tướng chủ trì hội nghị đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng đã phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó; quyết định lập Ban Chỉ huy tiền phương do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban đóng tại Quân khu 3 (thành phố Hải Phòng) để trực tiếp phối hợp với các địa phương ứng phó khi bão đổ bộ vào đất liền.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 2 công điện, văn bản chỉ đạo sớm từ ngày 2/9 khi bão còn ở phía Đông Philippines. Chiều 4/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã họp trực tuyến với các bộ, ngành và 11 tỉnh, thành phố ven biển.

Ngày 6/9, trước khi bão đổ bộ, 2 đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra, chỉ đạo tại 4 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình.

Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo tại Quảng Ninh.Theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành địa phương đã ban hành công điện; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, các trọng điểm xung yếu.

Với sự vào cuộc quyết liệt trên tinh thần cảnh giác cao độ, bão số 3 đã được “đón” sự huy động “100% sức chiến đấu” của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhờ đó, bão đã đi qua trong sự “thở phào” của nhiều người dân dù còn thiệt hại về người cùng nhiều tài sản, hoa màu ở các địa phương bão đi qua.

Tính đến 17 giờ ngày 8/9, theo số liệu thông tin thiệt hại ban đầu tại một số địa phương do bão số 3 gây ra từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Quân khu 3 ghi nhận 22 người chết, mất tích; 229 người bị thương.

Tỉnh Quảng Ninh thống kê có 25 tàu ximăng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

TTXVN_0809ThutuongQuangninh8.jpg
Nhiều nhà hàng khu vực Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh bị tàn phá do cơn bão số 3 gây ra. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 8.017 nhà ở bị hư hỏng; 5 đoạn đường dây 500KV, 31 đường dây 220KV, 97 đường dây 110KV bị sự cố; hàng trăm cột điện bị gãy đổ. Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội..

Về nông nghiệp, trước mắt đã thống kê 127.303ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 6.902ha cây ăn quả bị hư hại và trên 1.100 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh.

Đặc biệt, thông tin từ Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa (Lào Cai) chiều 8/9 cho biết do mưa lớn liên tục trong nhiều giờ, trên địa bàn thị xã Sa Pa xảy ra lũ quét vùi lấp 4 ngôi nhà khiến 17 nạn nhân thương vong và mất tích.

Một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 0 giờ 5 phút ngày 8/9, tại xóm Chầm, xã Tân Minh huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cũng làm 4 người thiệt mạng và 1 người bị thương cùng trong một hộ gia đình.

Đánh giá công tác chuẩn bị ứng phó bão, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, các lực lượng, địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc 3 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trước khi bão đổ bộ.

Cụ thể, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán gần 53 nghìn người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn.

Cùng với đó, huy động hơn 400.000 người và hơn 6.000 phương tiện các loại để ứng phó với bão, phân công lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu; tổ chức bơm tiêu rút nước trên các hệ thống kênh, mương và mặt ruộng; hệ thống các trạm bơm tiêu và các công trình thuỷ lợi sẵn sàng vận hành tiêu úng khi có mưa lớn xẩy ra để bảo vệ sản xuất.

Triển khai các phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, có phương án chống tràn cho các tuyến đê.

TTXVN_1607thuydienhoabinhxalu.jpg
Thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy. (Ảnh: Thanh Hải/ TTXVN)

Các hồ thủy lợi có cửa van xả đã vận hành xả nước theo quy trình để đón lũ do hoàn lưu bão gây ra và tổ chức ứng trực vận hành đảm bảo an toàn.

Công tác ứng phó được triển khai đồng bộ đến tất cả các hoạt động kinh tế trên biển, trên bờ vùng chịu tác động trực tiếp của gió bão.

Ban Chỉ đạo tiền phương đã khẩn trương cơ động vào vùng trung tâm ảnh hưởng bão, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trọng điểm, lực lượng Quân Khu 3, công an để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó với bão.

Ban đã có 4 cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các địa phương để chỉ đạo, đôn đốc và động viên các lực lượng trực tiếp ứng phó tại hiện trường.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo tiền phương diễn ra sáng 7/9, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn.

Thành phố đang triển khai các biện pháp ứng phó theo các kịch bản đã đề ra; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành điện lực, viễn thông khẩn trương khôi phục lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc sớm nhất.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với địa phương sớm đánh giá thiệt hại, chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung khắc phục, sửa chữa lưới điện, hệ thống thông tin, liên lạc.

Ngay sau khi tâm bão đi qua, Ban Chỉ đạo tiền phương đã đi kiểm tra thực địa tại thành phố Hải Phòng, chỉ đạo thống kê, đánh giá thiệt hại, có cuộc họp thứ 4 trực tiếp và trực tuyến với các địa phương để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời theo diễn biến của bão.

Ưu tiên hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống

22 giờ ngày 7/9, tại cuộc họp thứ tư hình thức trực tiếp và trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo tiền phương với các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đến thời điểm này bão số 3 đã suy yếu nhanh, các địa phương phải khẩn trương triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả.

Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị trôi dạt, chìm trong bão, người mất tích.

Cùng với đó, huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp điện lực đánh giá thiệt hại, sớm khôi phục lưới điện, điều phối cấp điện cho các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp sản xuất quan trọng.

Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm khôi phục lại hệ thống thông tin liên lạc. Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hoạt động vận hành các hồ chứa, không để lũ chồng lũ. Các địa phương tiếp tục bám sát thông tin dự báo về lũ, bản đồ nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

TTXVN_0809Thutuong2.jpg
Thủ tướng chủ trì hội nghị đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 8/9, chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, công tác dự báo, ứng trực, lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin truyền thông cơ bản đáp ứng yêu cầu; các bộ, ngành, cơ quan, địa phương vào cuộc quyết liệt theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tuy nhiên, thiệt hại của bão số 3 vẫn rất lớn.

Thủ tướng đã chỉ ra một số bài học quan trọng trong quá trình chống bão số 3. Về lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương phải bám sát tình hình, quyết liệt, dứt khoát, có trọng tâm, trọng điểm.

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chủ động, tích cực, sáng tạo trong phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả; huy động "4 tại chỗ" triệt để, diễn tập thường xuyên, sát tình hình, chuẩn bị dự trữ đầy đủ; làm tốt công tác truyền thông và biểu dương, khen thưởng, kỷ luật, xử lý kịp thời.

Nêu cụ thể 5 nhiệm vụ sắp tới, khi tâm bão số 3 đã qua nhưng hoàn lưu sau bão còn diễn biến phức tạp, kéo theo nguy cơ mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Thủ tướng yêu cầu, tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh.

Cùng với đó, khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Đồng thời, thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún.

Ngay trong chiều 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh và Hải Phòng - nơi bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nhất theo thống kê tới sáng 8/9.

Thủ tướng đã thăm hỏi người dân về các thiệt hại và động viên các lực lượng Quân đội, Công an, thanh niên, công nhân môi trường đô thị đang làm nhiệm vụ dọn dẹp sau bão.Có thể nói, với tinh thần cảnh giác cao độ trước thiên tai của toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ và các cấp Bộ, ngành cùng sự chung sức đồng lòng, tinh thần đoàn kết tuân thủ mọi khuyến cáo, quy định chống bão của nhân dân ta, Việt Nam đã vững vàng vượt qua thử thách siêu bão YAGI đưa ra.

Với một số người bị mất người thân, thiệt hại tài sản, bão số 3 là một nỗi đau khó quên. Nhưng với phần nhiều trong chúng ta, bão số 3 là bài học của tình đoàn kết, là phép thử của tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, sự chung sức đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị.

Trước mắt, hoàn lưu sau bão số 3 đang gây mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều địa phương miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Những bài học này càng cần được phát huy cao độ. Đất nước còn nhiều thử thách, có thể còn lớn hơn, khó khăn hơn, với niềm tin, ý chí, quyết tâm hướng về Tổ quốc, nhân dân Việt Nam sẽ vẫn vững vàng vượt qua và cùng nhau lớn mạnh, phát triển./.

Bài 1: Những bài toán cân não trong phòng chống thiên tai

Bài 2: Lan tỏa tinh thần đoàn kết

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục