Bài học cho các đồng minh và tình báo Mỹ tại Afghanistan

Sự sụp đổ của chế độ Kabul đã khiến người Mỹ không khỏi bất ngờ vào thời điểm họ đang tiến hành chiến dịch sơ tán những nhân viên cuối cùng của mình khỏi thủ đô Afghanistan.
Bài học cho các đồng minh và tình báo Mỹ tại Afghanistan ảnh 1Lực lượng Taliban tuần tra tại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 17/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tình hình rối ren hiện nay tại Afghanistan đang là tâm điểm chú ý của báo chí quốc tế. Tờ Haaretz của Israel quan tâm đến những bài học cho các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các đồng minh Arab. Trong khi đó, tờ Le Figaro của Pháp nhắc nhở bài học đối với tình báo Mỹ.

Theo tờ Le Figaro, cuộc tấn công của Taliban, được phát động vào tháng 5/2021 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút hoàn toàn lực lượng vào cuối tháng 8, đã được đẩy mạnh trong những ngày gần đây.

Chỉ trong hơn một tuần, lực lượng Taliban đã kiểm soát hầu hết đất nước, bao gồm các thủ phủ trong khu vực mà họ chưa bao giờ khuất phục được. Taliban đã chứng minh họ kiểm soát Afghanistan hiện nay còn tốt hơn so với giai đoạn nắm quyền 1996-2001.

Quả thực là Kabul thất thủ chỉ trong vài giờ đồng hồ, không có một sự kháng cự, đánh dấu chiến thắng hoàn toàn của Taliban. Sáng 15/8, các tay súng Hồi giáo đã bao vây ngoại ô thủ đô, nơi đã trở thành một thành phố mở không chính thức.

Sự sụp đổ của chế độ Kabul đã khiến người Mỹ không khỏi bất ngờ vào thời điểm họ đang tiến hành chiến dịch sơ tán những nhân viên cuối cùng của mình khỏi thủ đô Afghanistan.

Đã có những ý kiến cảnh báo hậu quả của việc đơn phương rút quân và sự yếu kém chính trị và quân sự của chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, Tổng thống Biden, người theo đuổi chính sách của Donald Trump, vẫn quyết định chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan.

Thất bại sau thời gian hiện diện gần 20 năm đã để lại những bài học cho các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các đồng minh Arab, đồng thời rút ra được những bài học về hoạt động tình báo của Mỹ.

Bài học cho đồng minh Mỹ

Theo Haaretz, chiến thắng áp đảo của Taliban và sự sụp đổ của chính quyền Kabul đã đem lại bài học cho các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các đồng minh ở khu vực Trung Đông.

Với nhiều đồng minh của Mỹ, chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là l‎ý do để thở phào nhẹ nhõm. Ông Biden đã khôi phục được lòng tin.

Thậm chí những đồng minh của Mỹ mà ông Trump từng thiên vị, chủ yếu là Israel, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đến nay cũng yên tâm trước các chính sách của Tổng thống Biden.

Ông không gây áp lực để Israel phải nhượng bộ lớn trước người Palestine, cũng không vội trở lại thoả thuận hạt nhân Iran hay thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử về việc sẽ buộc Saudi Arabia phải trả giá cho hồ sơ nhân quyền của mình.

Sự sụp đổ của Kabul xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden ảnh hưởng thực sự đối với các đồng minh của Mỹ, nhất là Israel và các chế độ Arab thân phương Tây. Đó là việc Mỹ hiện nay và trong tương lai gần ngày càng nhận thức được hạn chế của mình.

Điều này không mới. Rõ ràng, trong những năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush, các chiến dịch tại Afghanistan và Iraq đã bắt đầu gặp khó khăn do Washington không còn nhiều mong muốn tiến hành các cuộc phiêu lưu quân sự bên ngoài.

Cựu Tổng thống Barack Obama cũng công khai từ bỏ đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại Trung Đông là cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, bội ước trước những lời hứa bảo vệ người dân Syria khỏi vũ khí hóa  học và "khoanh tay đứng nhìn" khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Ít nhất, ông Obama còn được lời nói. Trong khi đó, ông Trump cơ bản không thể nào vô tâm hơn. Trong tất cả phát biểu nhằm vào Iran, ngoại trừ vụ Tướng Qassem Soleimani bị sát hại, ông chỉ một lần nghiêm túc cân nhắc khi thất bại trong bầu cử và mất sự kiểm soát với Lầu Năm Góc.

Việc nhận thức rằng người Mỹ không còn sẵn sàng mạo hiểm tính mạng các binh sỹ của mình không phải là tác động lâu dài duy nhất từ những thất bại quân sự trong hai thập kỷ qua mà còn nhiều hơn thế. Như ông Biden hôm 14/8 đã khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ "sẽ không mang lại sự khác biệt nào nếu quân đội Afghanistan không thể hoặc sẽ không bảo vệ được đất nước của mình."

[Taliban khẳng định đang "giữ lời hứa" hỗ trợ các nước sơ tán công dân]

Mỹ không thể cứu vãn một nhà nước thất bại. Đối với Israel, quốc gia bị bao vây giữa các nhà nước thất bại tại Liban và Syria và hai nhà nước khác có nguy cơ tiến tới bờ vực sụp đổ ở Ai Cập và Jordan, thì đây là một kết luận nghiêm túc.

Thật trớ trêu, trong thời gian Mỹ triển khai các chiến dịch suốt hai thập kỷ qua tại Trung Đông và Afghanistan, hoạt động can thiệp quân sự nước ngoài duy nhất đạt được mục tiêu là chiến dịch của Nga tại Syria. Điều này rất đúng khi một đối thủ như Taliban có thể mất kiểm soát lãnh thổ trong gần 20 năm nhưng không biến mất mà vẫn kiên nhẫn chờ đợi người Mỹ rời đi.

Có lẽ biện pháp duy nhất để tiêu diệt Taliban là xóa sổ các làng mạc và cộng đồng chứa chấp họ, song đây không phải cách Mỹ tiến hành các cuộc chiến trong thế kỷ 21. Hạn chế của Mỹ đồng nghĩa với việc các đồng minh đôi khi phải tự bảo vệ mình.

Kết luận trực tiếp nhất với Israel là nếu Liban chìm sâu trong hỗn loạn, một tình huống có thể sớm xảy ra, nước này sẽ không thể dựa vào Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác hỗ trợ ngăn chặn Hezbollah giành quyền kiểm soát đất nước. Bài học Kabul chỉ phai mờ sau nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.

Thất bại của tình báo Mỹ

Báo Le Figaro cho rằng mặc dù đã cảnh giác với hậu quả của một cuộc rút quân đơn phương, nhưng tình báo Mỹ vẫn không có bất cứ phân tích nào dự báo chế độ Kabul sẽ sụp đổ chóng vánh đến như vậy.

Theo các nhà phân tích lạc quan nhất, thủ đô Kabul của Afghanistan có thể cầm cự trong vài tháng, trong khi những người bi quan nhất chỉ dự đoán Kabul có thể "trụ" được khoảng 30 ngày. Liệu Taliban có treo cờ của họ trên thành phố trước lễ kỷ niệm 20 năm xảy ra sự kiện tấn công khủng bố 11/9 dẫn tới cuộc xâm lược đất nước họ hay không? Liệu họ có nắm quyền trở lại ở nơi hai thập kỷ trước từng chứa chấp các bộ não của Al-Qaeda hay không?

Kể từ khi bắt đầu rút quân, giới chuyên gia phân tích của nhiều cơ quan tình báo Mỹ đã bày tỏ nghi ngờ đối với khả năng cầm cự trước Taliban của chính phủ Afghanistan. Nhưng trước hết, họ vẫn tập trung đánh giá xem Taliban sẽ giành được sự kiểm soát Afghanistan trong bao lâu sau khi lực lượng binh sỹ nước ngoài cuối cùng rút đi. Không một thông tin tình báo nào dự báo chế độ Kabul sụp đổ ngay trước khi lực lượng nước ngoài ra đi.

Ban đầu, các chuyên gia phân tích ước tính chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani có thể cầm cự được hai năm sau khi lực lượng Mỹ rút quân.

Việc Taliban đẩy nhanh cuộc tấn công và sự tan rã của các lực lượng an ninh Afghanistan đã khiến tình báo Mỹ phải sớm xem lại các dự báo của mình. Cuối tháng 6, khi quân nổi dậy tiến đến biên giới Tajikistan, các đánh giá mới của tình báo Mỹ đã nâng khả năng kháng chiến của chính quyền Kabul từ 6 tháng lên một năm.

Hôm 8/7, khi được hỏi về những cảnh báo từ các cơ quan tình báo về khả năng sụp đổ của chính quyền Kabul, Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ giả thuyết này. Tổng thống Mỹ khẳng định: “Không đúng như vậy. Họ chưa đi đến một kết luận như vậy. Trong mọi trường hợp, bạn sẽ không thấy người dân được sơ tán trên một nóc nhà đại sứ quán... Giả thuyết Taliban sẽ chiếm toàn bộ đất nước là rất khó xảy ra."

Một tháng sau, khi 8 thủ phủ trong khu vực thất thủ trong vòng chưa đầy một tuần, các cơ quan tình báo Mỹ lại tiếp tục điều chỉnh các đánh giá của mình.

Hôm 11/8, tình báo Mỹ nhận định quân nổi dậy có thể bao vây Kabul trong một tháng và chiếm được thủ đô trong vòng ba tháng. Nhưng chỉ vỏn vẹn bốn ngày sau đó Taliban đã tiến  vào thủ đô Afghanistan và hoàn toàn làm chủ nó. 

Điều này nhắc nhở một điều rằng, chiến tranh không tuân theo các quy tắc toán học thuần túy và rằng chiều hướng tâm lý vẫn là yếu tố quan trọng và các diễn biến thường xảy ra trên chiến trường luôn có động lực của riêng nó.

Việc nháo nhào đốt tài liệu mật của Đại sứ quán Mỹ ở Kabul, bối rối và bất lực trong việc sơ tán hàng ngàn người Afghanistan đã từng làm việc cho mình và đã hứa cấp thị thực cho họ... người Mỹ đã chính thức hoàn thành một thất bại chính trị và quân sự trong cuộc phiêu lưu ở Afghanistan bằng một thảm họa mà họ gần như hoàn toàn tự tạo ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục