Bài chòi xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa

Bài chòi xứng đáng được công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại

Bài chòi là một trong những hình thức nghệ thuật dân gian sinh động, bởi trong đó có sự kết hợp khéo léo cả thơ, nhạc, hát, diễn xuất, ứng tác, mà không phải loại hình trình diễn nào cũng có.
Hát Bài chòi. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Năm 2012, loại hình nghệ thuật dân gian Bài chòi đã được đưa vào danh sách lập hồ sơ đề cử quốc gia trong giai đoạn 2012-2016 trình UNESCO xét duyệt và ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Viện Âm nhạc (Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành có di sản Bài chòi xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam” đệ trình UNESCO, đề nghị tổ chức này ghi danh Bài chòi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hồ sơ quốc gia nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam chính thức trình UNESCO trong tháng 12 năm nay.

Từ hình thái nghệ thuật dân gian

Tiến sỹ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc khẳng định trong số các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ở các nước thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Bài chòi là một trong những hình thức nghệ thuật dân gian sinh động, bởi trong đó có sự kết hợp khéo léo cả thơ, nhạc, hát, diễn xuất, ứng tác. Đây chính là điểm đặc sắc mà không phải loại hình trình diễn nào cũng có.

Từ hình thức đánh bài lá tiến tới hội chơi Bài chòi, Bài chòi chiếu; rồi từ chỗ trình diễn dưới đất đi lên hình thức trình diễn trên giàn và sau đó còn bước tiếp để phát triển thành hình thức sân khấu truyền thống, mang tính chuyên nghiệp đã cho thấy nghệ thuật Bài chòi có sức sống mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.

Theo nhạc sỹ Trần Hồng, người cả đời nặng lòng với nghệ thuật Bài chòi thì giáo sư Hoàng Châu Ký, giáo sư-nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, các nghệ sỹ nhân dân như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu là những người được sinh ra từ những năm đầu thế kỷ 20 cho biết từ lúc các cụ còn bé đã theo cha mẹ ngồi trên chòi để vui chơi Hội Bài chòi ở các đình chợ, đình làng. Điều này cũng có nghĩa là Bài chòi đã có ít nhất cách đây hàng trăm năm.

Năm 1902, khi hoàn thành tập sách "La Rousse Misicale," học giả người Pháp G.L Bovier cho rằng Bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến, tức là sau những năm 1470, tính đến nay là 544 năm. Bài chòi phát xuất từ các chòi giữ thú rừng, các trò chơi giải trí trên chòi, rồi bày ra Hội chơi Bài chòi.

Còn nhạc sỹ Trương Đình Quang nghiêng về giả thuyết cho rằng Bài chòi bắt nguồn từ bài tổ tôm. Theo đó, các con bài trong bộ Bài chòi cũng có đủ từ 1 đến 9, có những tên gọi nhất, nhị, tam, tứ... và có thể xếp theo như các pho văn, vạn, sách của tổ tôm.

Hiện tượng trên không đủ để chứng minh sự “dân gian hóa” tổ tôm, mà có thể chứng minh cho sự “nho hóa” Bài chòi. Và cũng có thể do dụng ý của các nhà nho bình dân, muốn nho hóa ngữ vựng và dụng tâm tham khảo tổ tôm để chỉnh lý Bài chòi cho phù hợp.

Xét về mặt nghệ thuật, nghệ thuật hô Bài chòi là nghệ thuật kéo dài sự hồi hộp của người chơi bài. Có lẽ vì vậy nên cổ nhân mới đặt cho các câu Hô này là câu Hô Thai.

Về mặt âm nhạc, Hô Thai là một câu nhạc hoàn chỉnh, có giai điệu riêng, tiết tấu riêng, có trật tự âm thanh riêng. Không thể tìm thấy âm hưởng riêng ấy, phong cách đặc biệt ấy của câu Hô Thai trong bất cứ hình thức nghệ thuật cổ truyền nào khác ở Việt Nam.

Từ điệu nhạc của câu Hô Thai, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo thành sáu điệu nhạc khác nhau gồm điệu "Xuân nữ cổ," điệu "Xuân nữ mới" (được bổ sung nhiều âm luyến láy hơn, hát mềm mại và êm dịu hơn), điệu "Cổ Bản," điệu "Xàng Xê," điệu "Hò Quảng" và điệu vè "Chàng Lía" (điệu kể vè dân gian).

Xét về nghệ thuật biểu diễn, theo nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, người biểu diễn và cũng là người sáng tác (ứng tác) các câu Hô Thai trong Hội chơi Bài chòi được gọi là anh Hiệu.

Anh Hiệu là người nghệ sỹ dân gian có vai trò lớn nhất tạo nên không khí nghệ thuật của Hội chơi Bài chòi. Khi biểu diễn, anh Hiệu vừa sáng tác lời ca vừa hát, vừa làm điệu bộ minh họa cho nội dung câu hát và vừa đánh phách. Tiếng phách nhịp nhàng, tiếng hát trầm bổng, điệu bộ khéo léo, ứng tác nhanh nhạy là những nhân tố tạo ta nghệ thuật của anh Hiệu.

Nghệ thuật của anh Hiệu là mấu chốt tạo không khí vui vẻ náo nhiệt cho Hội chơi Bài chòi. Hội chơi Bài chòi thường diễn ra vào dịp đầu Xuân, thu hút nhiều người tham gia nhưng người chơi đến với Bài chòi không phải vì tính ăn thua, thắng được mà là để tìm sự thanh thản, vui vẻ đầu năm, để đắm mình trong những làn điện dân ca quen thuộc, thả hồn theo những câu hò, điệu hát mộc mạc, dân dã, đồng thời cũng muốn tìm sự may mắn, chúc phúc đầu năm. Tính nhân văn của Bài chòi là ở đó.


Đến di sản văn hóa nhân loại

Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, Tổng đạo diễn xây dựng hồ sơ quốc gia nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam trình UNESCO để tổ chức này công nhận Bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã khẳng định Bài chòi là hình thái nghệ thuật dân gian bình dân, mang bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng dân cư. Bài chòi mang hơi thở của cuộc sống, thể hiện tính đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của những cộng đồng dân cư và được kế tục qua nhiều thế hệ.

Về yếu tố lịch sử, cho đến nay vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu thấu đáo về lịch sử ra đời của Bài chòi. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến đều cho rằng Bài chòi được sinh ra trong khoảng thế kỷ 15.

Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng theo nhạc sỹ Trần Hồng và nhạc sỹ Trương Đình Quang, các nhạc sỹ, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân đều gặp nhau ở chỗ Bài chòi là sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, vào đến tận các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai.

Điểm đặc sắc của trò chơi Bài chòi và ý nghĩa nhân văn của nó đã vượt ra khỏi hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, là nơi trổ tài, biểu diễn, là nơi gặp gỡ của cộng đồng và trở thành sợi dây vô hình gắn kết tính cộng đồng, mang nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt.

Cũng theo nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, để xây dựng hồ sơ nghệ thuật Quốc gia về Bài chòi trình UNESCO, việc đầu tiên có vai trò hết sức quan trọng là công tác điền dã. Qua điền dã sẽ tìm hiểu được toàn bộ giá trị và đời sống của Bài chòi, xác định nghệ thuật Bài chòi tồn tại trong cộng đồng, được cộng đồng gìn giữ và bảo vệ như thế nào. Cộng đồng có yêu cầu, đề xuất gì và cộng đồng có ý kiến gì chung quanh việc giữ gìn nghệ thuật Bài chòi. Bởi chỉ có cộng đồng là chủ thể văn hóa mới có thể phát biểu chính xác nhất, đầy đủ nhất về nghệ thuật Bài chòi từ việc loại hình nghệ thuật này được sinh ra cho đến quá trình nó tồn tại và phát triển trong đời sống cộng đồng.

Thông qua công tác điền dã, các nhạc sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu về Bài chòi sẽ xây dựng bộ hồ sơ công nghệ cho hồ sơ quốc gia về nghệ thuật bài chòi để những người quan tâm đến loại hình nghệ thuật này có thể tiếp cận dễ dàng.

Cũng qua công tác điền dã mới có thể tập hợp được tất cả những tài liệu, văn bản, thư tịch, những tài liệu chép tay của nghệ nhân và truyền miệng của cộng đồng, qua đó tranh thủ được sự cộng tác của các nghệ nhân và của cộng đồng cho việc xây dựng bộ hồ sơ nghệ thuật Bài chòi quốc gia trình UNESCO thẩm định.

Đặc biệt, qua điền dã, những người làm chương trình sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn về đối tượng Bài chòi để có cách tiếp cận khoa học và đầy đủ trước khi bắt tay xây dựng bộ hồ sơ quốc gia nghệ thuật Bài chòi trình UNESCO.

Sản phẩm chính của bộ hồ sơ quốc gia nghệ thuật Bài chòi trình UNESCO trước hết là bộ hồ sơ đăng ký khoa học, thể hiện toàn bộ các yêu cầu của UNESCO gồm tất cả các yêu cầu về mặt lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và sự cam kết của cộng đồng, sự đồng thuận của cộng đồng khi đề đạt nghệ thuật Bài chòi để UESCO công nhận đây là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ câu Hô Bài chòi (Hô Thai) đến hát Bài chòi trải chiếu là sự phát triển vượt bậc của Bài chòi về mặt nghệ thuật. Sự phát triển đó đã tạo ra được một loại hình nghệ thuật biển diễn độc đáo của Việt Nam - nghệ thuật độc diễn Bài chòi.

Hình thức nghệ thuật độc diễn này đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa nghệ thuật đặc sắc của cư dân Việt ở vùng Trung bộ. Sản phẩm văn hóa ấy xứng đáng có chỗ đứng trong kho tàng di sản văn hóa dân gian Việt Nam.

Cũng chính loại hình nghệ thuật này là nguồn cội sinh ra sân khấu dân ca kịch Bài chòi Nam Trung bộ với các tên gọi khác nhau. Đây cũng chính là một trong những lý do để Bài chòi xứng đáng là đối tượng được đề cử để tổ chức UNESCO thẩm định và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục