Bài 9: Những món quà bất ngờ từ đất liền gửi tới Trường Sa

Đó là những lời ca, vần thơ chất chứa tình cảm của những người con đất liền với biển đảo, để tri ân những người lính Trường Sa đang ngày đêm chắc tay súng, canh giữ biển trời của Tổ quốc, quê hương.
Nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu hát cùng các chiến sỹ Trường Sa. (Ảnh: Vietnam+)

Trong chuyến thăm Trường Sa, bên cạnh những món quà vật chất còn có những món quà tinh thần mà người lính đảo giữ gìn như “bảo vật.” Đó là những lời ca, vần thơ chất chứa tình cảm của những người con đất Việt với biển đảo quê hương, tri ân những người lính ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc…

Vọng Vườn Châu: Người về, tình ở lại

Với tình cảm tha thiết của một người con đất liền đã từng ra thăm biển đảo Trường Sa, thông qua thành viên đoàn công tác, nhà báo-nhà thơ Đoàn Ngọc Thu-Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus đã “gói tình cảm” gửi tới các chiến sỹ Trường Sa vào bài thơ “Vọng Vườn Châu” được nhạc sĩ Thanh Phương phối khí và ca sĩ Tùng Dương thể hiện.

Lời bài thơ được Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu sáng tác ngay trên chuyến hải trình ra thăm biển đảo Trường Sa trong năm 2016. Khi chị đăng bài thơ lên báo, nhạc sĩ Trần Anh Linh đã phổ nhạc và sau đó được ca sĩ Tùng Dương thể hiện bằng chất giọng nồng cháy, khắc khoải, mang đến cho người nghe nhạc những sắc thái mới.

Khi lời bài thơ được phát bằng điện thoại ở trên các điểm đảo, cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại Trường Sa đã không khỏi xúc động và càng thêm tin yêu trước tình cảm của đất liền gửi gắm tới biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài thơ Vọng Vườn Châu được phổ nhạc do ca sỹ Tùng Dương thể hiện:

Thông qua lời bài thơ “Vọng Vườn Châu,” nhà thơ Đoàn Ngọc Thu muốn nhắn nhủ với các cán bộ, chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió rằng “đất liền luôn hướng tới Trường Sa, luôn quan tâm và biết ơn các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ giữa biển trời, đang ngày đêm bảo vệ ‘máu thịt’ của Tổ quốc, quê hương mình.”

[‘Sức sống xanh’ trường tồn nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa]

Điều tiếc nuối nhất của đoàn trong chuyến ra Trường Sa lần này là không lên được Nhà giàn DK1 Phúc Tần. Nhìn từ xa, trên nhà giàn lấp ló các cán bộ, chiến sĩ dõi mắt về phía tàu mà cả đoàn ai cũng ứa lệ. Qua bộ đàm tại phòng điều hành của tàu, các thành viên đoàn công tác đã hát tặng các anh mà không cầm được nước mắt.

Trong số đó, ấn tượng trong tôi là bài Ca cổ “Tâm Sự Trường Sa” của tác giả Trần Việt Trường-Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus ngay trên boong tàu, tác giả Trần Việt Trường cho biết, bài ca cổ này được sáng tác từ tháng 4/2018 trong lần đầu tiên ông ra thăm Trường Sa. Tuy nhiên, lần đó bài ca cổ chưa hoàn chỉnh và cũng chưa có nghệ sĩ thể hiện.

Sau lần đi đó, tác giả bài ca luôn trăn trở về mong muốn được trở lại Trường Sa để hoàn thành bài ca cổ được sáng tác bằng cả trái tim hướng về biển đảo của mình.

“May mắn đã đến. Và lần này, ngay sau khi có mặt tại điểm đảo đầu tiên của hải trình, tôi đã hoàn thành bài ca cổ và chuyển lời tới nghệ sỹ Hồng Thuỷ luyện giọng. Cuối cùng, trong buổi giao lưu văn nghệ đầu tiên trên tàu KN-491, tôi và nghệ sĩ Hồng Thuỷ đã có thể hiện bài ca cổ cho cả đoàn cùng nghe,” ông Trường chia sẻ.

Bài ca cổ sâu lắng được thể hiện ngay trên tàu, vang vọng giữa biển đảo Trường Sa, khiến gần 200 thành viên đoàn công tác có mặt ở trên tàu rơi nước mắt. Hai tiếng Trường Sa qua lời vọng cổ càng thêm gần với đất.

Nghệ sĩ Hồng Thủy thể hiện bài ca cổ "Tâm sự Trường Sa":

Được tác giả Trần Việt Trường lựa chọn thể hiện bài ca cổ “Tâm sự Trường Sa” trong một hải trình đặc biệt, nghệ sĩ Hồng Thuỷ đã không giấu nổi xúc động: “Đó là bài vọng cổ ý nghĩa nhất mà tôi đã từng thể hiện. Có hai lý do khiến tôi không kìm được nước mắt, thứ nhất là thể hiện ở giữa biển đảo Trường Sa thân yêu, nơi mà mới nhắc tới đã thấy tự hào. Thứ hai là thể hiện trong sự tiếc nuối, xúc động khi Nhà giàn ở trước mắt mà không thể đặt chân lên, khiến tất cả các thành viên đoàn công tác ở trên tàu chỉ biết vẫy tay và rơi lệ.”

Những lời thơ gửi trọn tâm tình

Ngoài “Vọng Vườn Châu,” nhà thơ Đoàn Ngọc Thu còn gửi tới các chiến sỹ Trường Sa bài thơ “Đồng hồ cát” bằng ngôn từ lãng mạn, nhưng cũng mang nặng tâm tình, những nỗi nhớ dịch chuyển theo năm tháng của người lính đảo.

Bài thơ này được sáng tác trong chuyến đi ngang qua roi cát gần đảo Song Tử Tây. Các chiến sỹ đã kể cho nữ nhà thơ về sự dung tưởng của họ, nỗi nhớ nhung đất liền qua hình thù roi cát, được biến chuyển theo khí hậu nhiệt đới hai mùa của Quần đảo Trường Sa: Gió mùa Đông Nam thổi qua Trường Sa từ tháng Ba đến tháng Tư, trong khi gió mùa Tây Nam thổi từ tháng Năm đến tháng Mười Một, chị đã viết nên bài thơ này và đọc cho lính đảo nghe. Khi ấy, nhiều người đã không nén được xúc động:

Những nhớ thương dồn thành từng doi cát
Theo mùa gió thổi
Ngược Tây sang Đông
Dịch chuyển 
chiếc đồng hồ cát
Đong thời gian 
Nhớ thương dồn thành doi cát
Chạy vòng quanh 
Hồn san hô bọt sóng
Kết thành
Trái tim biển
Giữa trùng khơi đập nhịp
Hòa hơi thở đất liền
Xoay hoàng hôn về phía bình minh
Đồng hồ cát
Đong thời gian …

[Bài 3: Thắp sáng ‘quần đảo bão tố’ bằng năng lượng sạch]

Trong khi đó, tâm sự trước lúc trở về đất liền, bà Hoàng Thị Hiền-Chủ tịch Công đoàn Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Khi đi thăm và được chứng kiến cuộc sống của những cán bộ, chiến sỹ trên các điểm đảo, nhà giàn với muôn vàn khắc nghiệt, hiểm nguy mới càng thấy trân trọng ý nghĩa cuộc sống trong đất liền. Ta tự hỏi để có được vinh quang này là biết bao người đã ngã xuống hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng để tô thắm lá cờ Tổ quốc Việt Nam.

Với những tâm tình đó, bà Hiền đã sáng tác bài thơ Nhớ Trường Sa: “Tàu đã đi rồi sao em còn đứng lặng/ Biết yêu biển thật nhiều hay muôn thuở vắng anh/ Tiếng còi tàu hay tiếng lòng em nức nở/ Ôi xuôi ngược dòng đời mới gặp đã chia xa.”

Nhà giàn DK1 hiên ngang giữa biển trời của Tổ quốc. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cảm xúc ấy tiếp tục được bà Hiền gửi gắm vào bài thơ “Thương lắm Phúc Tần” với lời thơ xao xuyến: “Phúc Tần ơi, thương lắm Phúc Tần ơi/ Chỉ xải tay thôi mà chẳng kịp nữa rồi/ Cơn sóng to, gió nhấn chìm tất cả/ Bao say mê, háo hức, đợi chờ/ Cuộc chia ly chẳng ai có thể ngờ/ Nỗi đớn đau đặt tên thành khoảnh khắc/ Nỗi đớn đau đặt tên thành hy vọng/ Hẹn gặp lại nhé Phúc Tần ơi!”

Trong giây phút xúc động chia tay Nhà giàn, chị Hồ Thanh Thủy, công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã kịp tâm sự vào bài thơ “Gửi anh người chiến sĩ Nhà giàn”: “Em vẫn biết nơi đại dương sâu thẳm/ Đã có anh giữ Cột mốc chủ quyền/ Cho đất nước này mãi được bình yên/ Thềm lục địa chính là nhà ta đó/ Trên Nhà giàn giữa mênh mông sóng vỗ/ Anh muốn nghe câu hát của quê nhà...”

[Bài 2: ‘Bầu sữa quý’ giữa trùng khơi giúp Trường Sa thay da đổi thịt]

Dành trọn tâm tình cho biển đảo Trường Sa, Đại tá Lê Khắc Thuyết-Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng gửi tới cán bộ chiến sĩ Trường Sa bài thơ “Cảm nhận Trường Sa” được ông sáng tác ngay trên boong tàu trước lúc chia tay nhà giàn trở về đất liền: “Trường Sa tình cảm bao la/ Hải quân canh giữ ngôi nhà Biển Đông/ Trường Sa truyền thống anh hùng/ Chống quân xâm lược bạo hung bá quyền/ Trường Sa biển đảo thiêng liêng/ Nhấn chìm bè lũ bá quyền xâm lăng…”

Những bài thơ, bản nhạc chất chứa tình cảm của những người con đất liền ấy được nhiều chiến sỹ Trường Sa ghi chép vào cuốn sổ tay của họ. Tôi nhớ mãi lời của một lính đảo: “Ở đảo dù thiếu thốn, nhưng với sự quan tâm từ đất liền, đặc biệt là những món quà tinh thần đã giúp người lính luôn vững vàng trước sóng to, gió cả, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”./.

Xúc động giây phút chia tay các chiến sỹ tại Nhà giàn DK1. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bài 10: Hiên ngang Trường Sa: Sức sống mãnh liệt, tình quân dân thắm thiết

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục