Bài 7: Ngang nhiên khai thác than khi tỉnh đã yêu cầu dừng hoạt động

Trong quá trình điều tra, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus còn phát hiện ra cả một “đại công trường” khai thác than trái phép, hoạt động công khai bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương.
Bài 7: Ngang nhiên khai thác than khi tỉnh đã yêu cầu dừng hoạt động ảnh 1Mỏ than bị đào bới nham nhở. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Không chỉ chứng kiến hoạt động tuyển rửa xít, tuồn bán “vàng đen” trái phép tại hàng loạt “thiên đường than” ở các tỉnh miền Bắc, trong quá trình điều tra về than lậu, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus còn phát hiện ra cả một “đại công trường” khai thác than trái phép, hoạt động công khai bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương.

“Đại công trường” này thuộc mỏ than Suối Bàng (Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La) và mỏ than Suối Bàng II (Công ty cổ phần đầu tư Khoáng sản KTB) tại xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Hai mỏ than này nằm “treo” trên vách núi cao cả nghìn mét so với mực nước biển và đều đang hoạt động trái với giấy phép được cấp.

Cấp phép một đằng, khai thác một nẻo

Những ngày giữa tháng 11/2018, phóng viên có mặt tại hiện trường khai thác than mỏ Suối Bàng II thuộc Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản KTB (Công ty KTB) cách Ủy ban Nhân dân xã Suối Bàng chỉ vài cây số. Thời điểm có mặt tại mỏ, máy móc bốc xúc và xe tải vận chuyển than xuống cảng ven hồ thủy điện Hòa Bình diễn ra hết sức rầm rộ. Phía bên trong hầm, công nhân đang chuyển những chiếc máng đầy than được kéo bằng ròng rọc…

Tại một lán trại gần hầm khai thác than có khoảng chục công nhân đang nghỉ ngơi chờ đến ca làm việc của mình. Một công nhân cho biết: “Than ở đây rất tốt, có thể sánh ngang với than ở Quảng Ninh, lâu nay mỏ vẫn hoạt động bình thường, khai thác kết hợp cả lộ thiên và hầm lò.”

Mỏ than Suối Bàng II được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cấp phép khai thác tại Giấy phép số 3099/QĐ-UBND ngày 19/7/2010. Theo giấy phép này, Công ty KTB được phép khai thác hầm lò nhưng hiện nay phía doanh nghiệp đã đào xới tan hoang, san cả đồi, có những điểm đào sâu hàng chục mét với diện tích lên đến vài hécta.

[Mega Story ‘Ma trận vàng đen’ trong cơn khát năng lượng]

Bài 7: Ngang nhiên khai thác than khi tỉnh đã yêu cầu dừng hoạt động ảnh 2Khu vực khai trường Mỏ than Suối Bàng II. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Với hình thức khai thác hầm lò thì chủ đầu tư Mỏ than Suối Bàng II chỉ cần thực hiện Cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Việc khai thác lộ thiên như hiện nay cần lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các điểm đổ thải trên triền đồi của mỏ than Suối Bàng II đã bị sạt lở, trôi theo sông suối xuống ruộng lúa, và thung lũng phía dưới. Ngoài ra, việc vận chuyển than từ mỏ xuống cảng ở ven hồ đi qua các khu dân cư nhưng không được che cẩn thận bị rơi vãi, khi trời nắng gây ra hiện tượng bụi mù mịt. Nhiều hộ dân phải căng bạt bịt kín nhà vì bụi, mưa xuống là đường trở nên lầy lội, đầy bùn đen.

Cách khu mỏ của Công ty KTB khoảng 1km là khai trường khai thác than của Công ty cổ phần Khoáng sản Sơn La. Tại đây, cả một quả đồi bị đào tung, bãi thải luôn được xe tải và máy ủi đổ ầm ầm xuống khe núi, nhiều chỗ bị sạt lở. Công ty cổ phần Khoáng sản Sơn La được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cấp phép khai thác mỏ Suối Bàng tại Giấy phép số 1975/QĐ-UBND ngày 30/8/2011.

Trong quá trình khai thác than tại xã Suối Bàng, cả hai Công ty đã từng bị Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đình chỉ khai thác để khắc phục những tồn tại, khuyết điểm sau khi đoàn kiểm tra lập biên bản. Tuy nhiên, cả hai Công ty vẫn chưa được thực hiện đúng nghĩa vụ của mình mà vẫn tiếp tục khai thác.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc khai thác của hai mỏ than trên đã ảnh hưởng đến môi trưởng và cuộc sống đồng bào của 4 bản thuộc xã Suối Bàng gồm Bản Bó (hơn 70 hộ), bản Pưa Ta (57 hộ), bản Suối Khẩu (37 hộ) và bản Nà Lồi (55 hộ). Toàn xã Suối Bàng có 12 bản, trong đó 6 bản đặc biệt khó khăn, 3 bản chưa có điện lưới quốc gia (bản Sôi, Chiềng Đa, Suối Khẩu)…gồm 879 hộ với 3.599 khẩu. Trong đó, số hộ nghèo chiếm 52,10% (458 hộ), cận nghèo là 82 hộ.

[Lộ diện những ‘bà trùm’ sở hữu bãi xít than lớn nhất Quảng Ninh]

Bài 7: Ngang nhiên khai thác than khi tỉnh đã yêu cầu dừng hoạt động ảnh 3Một điểm xử lý than ở Mỏ than Suối Bàng II. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Mới đây nhất, ngày 19/9/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Văn bản số 3248/UBND-KT yêu cầu Công ty KTB tiếp tục dừng hoạt động khai thác than tại mỏ than Suối Bàng II, xã Suối Bàng, để khắc phục những tồn tại khuyết điểm gồm: Lập bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt khu vực được phép khai thác, thống kê, kiểm kê số lượng khoáng sản còn lại năm 2017; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền chậm nộp là hơn 9,7 tỷ đồng; làm thủ tục cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước.

Ngoài ra, văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cũng đề nghị Công ty KTB điều chỉnh dự án đầu tư cho phù hợp với với phương pháp thực tế khai thác; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường bổ sung; điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho phù hợp với dự án đầu tư điều chỉnh; điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác...

Đồng thời yêu cầu Công ty KTB tiếp tục hạ độ cao bãi thải, kè rọ đá dưới chân bãi thải, trồng cây keo lên tất cả các bãi thải, khắc phục hậu quả đã sạt lở và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tính mạng do hai bãi thải gây ra; nộp tiền sử dụng số liệu thông tin thống kê kết quả thăm dò mỏ than khi có quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thời gian hoàn thành trong 90 ngày kể từ ngày 19/9/2018, nếu không thực hiện sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác. Văn bản cũng yêu cầu và giao các Sở, ban ngành liên quan giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện những nội dung trong văn bản và yêu cầu công ty KTB báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 25 hàng tháng.

Tuy nhiên khi làm việc với phóng viên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La lại cho rằng, hiện nay chưa nhận bất kỳ thông tin văn bản nào từ phía Công ty KTB và việc họ tiếp túc khai thác Sở cũng không nắm được.

[Bài 3: Những bản ‘hợp đồng ma’ hô biến ‘vàng đen’ thành xỉ thải]

Bài 7: Ngang nhiên khai thác than khi tỉnh đã yêu cầu dừng hoạt động ảnh 4Bãi thải của Mỏ than Suối Bàng thuộc Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Vẫn bài "đổ lỗi vòng vo" của chính quyền địa phương

Dù hàng loạt tồn tại của doanh nghiệp khai thác than đã được chỉ ra, trong khi nguồn tài nguyên khoáng sản của Quốc gia bị đánh cắp, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng…nhưng các ngành chức năng tỉnh Sơn La lại đổ lỗi cho nhau. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm cho những sự việc đã diễn ra?

Trước đó, ngày 16/8/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cũng đã ban hành Văn bản số 2823/UBND-KT đề nghị Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong việc khai thác than tại Mỏ than Suối Bàng.

Văn bản yêu cầu Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La lập hồ sơ thuê đất theo quy định pháp luật đất đai hiện hành; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La phê duyệt theo quy định; xử lý hai bãi thải đất đá có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất nhân dân 2 bản Pưa Ta, bản Bó với mức độ nguy hiểm nhất là trong năm 2018. Thời gian hoàn thành là 90 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Học- Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La) cho hay: “Họ (mỏ than Suối Bàng II) đang dừng hoạt động để khắc phục, 2 bãi thải thì họ đã thuê Đoàn xã kè rọ thép vào cái bãi thải. Hiện tỉnh vẫn có Văn bản dừng hoạt động và yêu cầu khắc phục.”

Bài 7: Ngang nhiên khai thác than khi tỉnh đã yêu cầu dừng hoạt động ảnh 5Khai trường khai thác than tại Mỏ than Suối Bàng II, tại xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. (Video: P.V/Vietnam+)

“Trước đây tỉnh xử phạt 1 lần rồi, cấp phép hầm lò nhưng họ khai thác lộ thiên, nhưng hiện họ vẫn khai thác lộ thiên. Chúng tôi là cơ quan quản lý cấp tỉnh, không thể trong một sớm một chiều có mặt kiểm tra được, nội dung đã rất rõ là theo Điều 18 và 81 của Luật khoáng sản là trách nhiệm của cơ sở.”

“Phòng tôi đây có 2 anh em, không thể đi hết được, dưới địa phương phải có trách nhiệm… Về biên bản kiểm tra dù tôi ký với chức danh trưởng đoàn nhưng ‘không có giá trị gì về pháp lý cả,’ sở không thể mà nắm được địa bàn, đó là thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương,” ông Trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản của Sở Tài Nguyên và Môi trường Sơn La bộc bạch.

“Mà nói thật với các anh là đường xa, chúng tôi mà có ở đây đi xuống kiểm tra, thì đến nơi họ cũng đã thu hết máy móc về rồi. Sai thì sai rồi nhưng không thể nắm hết được, lỗi là do xã, huyện. Ông phải giám sát việc dừng như nào chứ làm sao trên Sở giám sát được…”

Trước những thông tin từ Đoàn Văn Học- Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La), phóng viên tiếp tục trao đổi với ông Lò Cầm Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Suối Bàng để xác định trách nhiệm.

Ông Hoàng phân trần: “Để khỏi ‘đổ trách nhiệm’ về xã thì Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép cho họ nghỉ hẳn, có thế dân mới đỡ khổ. Chứ Sở xuống kiểm tra, lập biên bản rồi yêu cầu xã giám sát, báo cáo nhưng báo cáo lên không xử lý thì xã cũng chịu.”

[Theo chân đội phu than đột kích vào ‘thiên đường than lậu’]

“Giờ làm sao có biện pháp thu hồi hoặc đuổi họ đi, trước đây có công văn yêu cầu dừng để khắc phục sạt lở, trồng rừng… nhưng giấy tờ cũ không phù hợp với thực tại vì vậy phải thêm văn bản bổ sung. Tuy nhiên, thời gian cũng đã lâu nhưng đến nay xã cũng chưa nhận được giấy tờ gì cả,” ông Hoàng chia sẻ thêm.

Còn ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vân Hồ lại tỏ ra hoàn toàn bất ngờ với việc mỏ than Suối Bàng II đang khai thác. Ông nhấn mạnh: “Bây giờ làm gì còn than nữa mà chuyển. Chắc là họ chuyển cái cũ thôi, chứ mình vừa vào đó tháng trước…”

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến trách nhiệm của chính quyền sở tại, ông Anh nói: “Họ được yêu cầu nghỉ khai thác để đợi đánh giá tác động môi trường, việc này phóng viên nên gặp Phòng Tài nguyên và Môi trường, nhưng họ có hoạt động không thì tôi không biết…” Nói đoạn, ông Huy Anh tắt máy với lý do “bận đi họp trên tỉnh!”./.

Bài 7: Ngang nhiên khai thác than khi tỉnh đã yêu cầu dừng hoạt động ảnh 6Đường vào mỏ than. (Ảnh: P.V/Vietnam+) (Video: P.V/Vietnam+)

Việc quản lý, sử dụng than “vô tội vạ” như một thứ tài nguyên có thể tái tạo không chỉ gây thất thoát than, lãng phí tài nguyên, làm suy giảm ngân sách của quốc gia mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh của người dân vùng mỏ. Thực trạng dòng suối quanh năm đầy ắp “bùn than” chảy ra từ khu vực khai thác “vàng đen” của các mỏ than Cọc 6, Đèo Nai, Cao Sơn (thuộc TKV) qua khu dân sinh rồi đổ ra vịnh Bái Tử Long tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh là minh chứng có hồn nhất cho thấy điều này.

Mời độc giả đón đọc Bài 8: Bí ẩn dòng suối than quanh Bái Tử Long:‘Vị đắng’ từ các mỏ ‘vàng đen’

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục