Bài 6: "Hồ Hà Nội vẫn còn mang thân phận của một hệ thống cống rãnh"

Theo nhận định của chuyên gia môi trường, chừng nào các hồ Hà Nội vẫn tiếp tục mang thân phận là một phần của hệ thống cống rãnh, thì chừng đấy câu chuyện ô nhiễm Hồ Hà Nội vẫn tiếp tục xảy ra.
Chuyên gia kiến nghị đưa Hồ Tây trở thành một khu bảo tồn

Sau hàng loạt vụ việc ô nhiễm hồ Hà Nội, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho rằng, Hà Nội cần hướng tới việc “cứu” ao, hồ bằng các giải pháp dài hạn, cũng như phân cấp đơn vị quản lý và chịu trách nhiệm, để công tác bảo vệ hồ có sự thống nhất như “cơ thể con người.”

Theo bà Lý, hiện nay, phần lớn các hồ Hà Nội bị cô lập bởi các khu đô thị, nhiều hồ đã bị ô nhiễm, tổn thương. Kết quả khảo sát của trung tâm này cũng cho thấy, tính đến năm 2015, Hà Nội đã mất 17 hồ (gần đây có xây thêm 7 hồ điều hòa), với khoảng 70.000m2 nước mặt bị mất.

Đơn cử như Hồ Hoàng Cầu, từ năm 2011, Hà Nội đã đầu tư công phu để trở thành hồ đô thị đẹp. Hồ Văn Quán cũng là hồ đô thị mới, đó là hồ nhân tạo. Vậy tại sao ngay cả khi đã đầu tư rất nhiều tiền của, nhưng hồ Hà Nội vẫn bị ô nhiễm và bị tổn thương như vậy?

“Tôi cho rằng, lý do ở đây là việc bảo vệ, quản lý hồ Hà Nội hiện nay đang theo kiểu ‘cha chung không ai khóc.’ Tất cả các quy định đưa ra đều lỏng lẻo, trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường tại hầu hết các hồ đều chưa được kiểm soát. Thêm nữa, các hồ hiện đang phải mang thân phận của hệ thống thoát nước và chức năng nuôi cá thâm canh quá mức, chứ không còn chức năng tự nhiên” bà Lý nói.

Vị chuyên gia môi trường này cũng cảnh báo: "Nếu Hồ Hà Nội vẫn tiếp tục mang thân phận là một phần của hệ thống cống rãnh, thì chừng đấy câu chuyện ô nhiễm Hồ Hà Nội vẫn tiếp tục xảy ra và sẽ rất khó giải quyết."

Trước thực tế nêu trên, bà Lý kiến nghị, Hà Nội cần có những giải pháp tổng thể để bảo vệ cũng như khôi phục hồ trở lại chức năng cảnh quan, điều hòa không khí.

“Riêng với Hồ Tây, tôi cho rằng đã đến lúc nên cân nhắc đưa Hồ Tây trở thành một khu bảo tồn, một di sản thiên nhiên cần bảo vệ và có các quy định bảo vệ nghiêm ngặt như các vườn quốc gia, để từng bước khôi phục lại hệ sinh thái của Hồ và trả lại chức năng thiên nhiên của Hồ,” bà Lý nói.

Vẫn theo bà Lý, với hệ sinh thái vốn có, Hồ Tây sẽ là một danh lam thắng cảnh thu hút du lịch như “con ngỗng đẻ trứng vàng,” giúp Hà Nội thu hút nguồn lực. Đồng thời Hồ Tây cũng phải trở thành một phòng thí nghiệm sống để nghiên cứu về hệ sinh thái hồ.

“Mặc dù, Hồ Tây vừa trải qua vụ cá chết hết sức lo ngại, nhưng tôi tin rằng đây cũng là cơ hội để chúng ta nghiên cứu tổng thể mọi khía cạnh quản lý Hồ Tây một cách khoa học, nhằm giúp cho việc đưa ra các quyết sách và giải pháp khôi phục và quản lý Hồ Tây hiệu quả hơn, từ phương diện sinh thái, kinh tế, xã hội và môi trường,” bà Lý nói.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cũng khẳng định, các nghiên cứu và bài học của Hồ Tây sẽ giúp cho việc quản lý không phải chỉ là của Hồ Tây mà là việc quản lý ao hồ của cả nước. Các cơ chế tài chính, cơ chế quản lý, các năng lực được thực hiện ở Hồ Tây sẽ được thực hiện ở các nơi khác./.

Quang cảnh Hồ Tây. (Nguồn ảnh: TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục