Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở

Đánh giá, nhìn nhận lại công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trong năm 2021 đã bộc lộ những điểm yếu của y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Kinh nghiệm của Việt Nam qua nhiều đợt dịch là tăng cường sự tiếp cận của y tế cơ sở. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Kinh nghiệm của Việt Nam qua nhiều đợt dịch là tăng cường sự tiếp cận của y tế cơ sở. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Nhiều chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 là một “phép thử” quá kinh khủng buộc ngành y tế cũng như các địa phương phải nhìn lại chính mình để có những quyết sách cho phù hợp với tình hình mới.

Hơn lúc nào hết, đây được coi là thời điểm “không thể lùi” để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như một chiến lược đầu tư bài bản nhằm tạo lập một mạng lưới y tế cơ sở mạnh cả về con người và cơ sở vật chất, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy trong việc chăm lo sức khỏe người dân.

“Bơm” 14.000 tỷ đồng để phục hồi y tế

Năm 2022 là năm thứ 3 Việt Nam phải ứng phó với tình hình dịch COVID-19. Kinh nghiệm của Việt Nam qua nhiều đợt dịch là tăng cường sự tiếp cận của y tế cơ sở, y tế dự phòng để người dân được tư vấn, hướng dẫn về điều trị, cách dùng thuốc, tâm lý, cách ăn uống... giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng về tinh thần, đặc biệt giảm thiểu nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng.

Đánh giá, nhìn nhận lại công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trong năm 2021 đã bộc lộ những điểm yếu của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tuy nhiên, ngành y tế giữ được bình tĩnh, bản lĩnh trong thời khắc khó khăn đó, 21 tỉnh phía Nam áp dụng các biện pháp phù hợp mang lại hiệu quả, kêu gọi sự đoàn kết thống nhất, triển khai tăng cường hệ thống y tế cơ sở. Đợt dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh diễn ra vào tháng 8-9/2021, trong khi hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng quá tải, chúng ta tìm ra được một giải pháp để không bị đổ vỡ về hệ thống y tế trên phạm vi cả nước.

Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

“Khi số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng nhanh gây quá tải tuyến trên, trong 1 tuần chúng ta phải triển khai 700 trạm y tế lưu động ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Điều đó đã cho thấy sự cố gắng của ngành y tế để người dân tiếp cận nhanh nhất với y tế cơ sở. Đây cũng là việc làm kỷ lục, khi huy động hơn 300.000 người từ miền Bắc và các lực lượng vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam để tăng cường y tế cơ sở. Bởi chỉ có y tế cơ sở mới giúp người dân tiếp cận nhanh nhất với y tế,” Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, đợt dịch vừa qua cũng bộc lộ điểm yếu cần phải khắc phục ngay là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đưa ra chương trình phục hồi y tế trị giá 14.000 tỷ đồng cần phải làm ngay. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đưa ra lộ trình, giải pháp cho từng tháng, từng quý để 2 năm sau hoàn thành chương trình này.

Cụ thể, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất - Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết định tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023, trong đó nổi bật về đầu tư y tế: Bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch của bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị COVID-19...

Trên cơ sở đó, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế và các đơn vị có liên quan phải rà soát lại chính sách, chế độ để thu hút nguồn nhân lực trong phòng chống dịch và khám chữa bệnh. “Hiện nay tại sao y tế cơ sở lại yếu? Vì bác sỹ ngại về trạm y tế xã, về y tế cơ sở. Do vậy, chúng ta phải có chính sách để thu hút họ,” Thủ tướng nêu rõ.

Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên lực lượng tình nguyện viên chống dịch tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai vào tháng 8/2021. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Theo báo cáo của Bộ Y tế, những năm qua nhân lực y tế cơ sở tăng cả về số lượng và chất lượng với trên 187.000 người, chiếm 40% tổng số nhân lực y tế của cả nước; trong đó nhân lực tuyến huyện là 115.000 người (24,5%), tuyến xã là 72.000 người (15,5%). Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ làm việc tăng từ 84% năm 2016 lên 92% năm 2020, duy trì tỷ lệ trạm y tế xã có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh và tỷ lệ thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động trên 95%.

Sẽ thay đổi “bộ mặt” y tế cơ sở

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận cho đến nay, vẫn còn khoảng hơn 20% các trạm y tế chưa được xây dựng cũng như chưa được sửa chữa để đảm bảo theo các quy định.

Về năng lực đối với y tế cơ sở, nhất là đối với tuyến xã, chỉ có 48,4% các trạm y tế đảm bảo thực hiện được 80% các dịch vụ y tế cơ bản của tuyến xã, đây là một thực tế xảy ra và nhất là ở một số địa bàn, kể cả những tỉnh, thành phố lớn.

Trong khi đó, việc bố trí nhân lực đối với trạm y tế xã cũng còn nhiều bất cập. Thực tế, hiện một trạm y tế xã có từ 6 đến 12 người, đó là đối với những trạm y tế đông, còn thông thường là khoảng 6 đến 8 người, chưa đảm bảo được công tác phục vụ sức khỏe cho người dân…

Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang gấp rút chuẩn bị đề án tăng cường năng lực cũng như khả năng ứng phó đối với dịch bệnh của hệ thống y tế cơ sở, bao gồm cả tuyến huyện và tuyến xã.

Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở ảnh 3Thực tế, hiện một trạm y tế xã có từ 6 đến 12 người. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

“Chúng tôi đã nghiên cứu, báo cáo và trao đổi với các chuyên gia, các cơ quan về xây dựng mạng lưới y tế cơ sở theo tỷ lệ 10.000 người/trạm y tế để đảm bảo khi dịch bệnh xảy ra không bị quá tải và hạn chế như trong thời gian qua gặp phải tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương. Mặt khác, Chính phủ cũng đưa ra giải pháp thành lập các trạm y tế lưu động để khắc phục những điểm này,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tại Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong Dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) lần này, cơ quan soạn thảo hướng tới làm sao dồn tổng lực, dùng tất cả các giải pháp khác nhau để nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Cụ thể, về phân cấp chuyên môn, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh trước đây có 4 cấp chuyên môn nhưng trong dự thảo lần này có 3 cấp, trong đó cấp huyện và xã cơ bản là một, giúp người dân ở tuyến xã có thể tiếp cận y tế cơ sở ngay ở địa phương.

“Đặc biệt, trong Dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) đưa ra những chính sách khuyến khích đối với người hành nghề tại cơ sở và cả những chính sách bắt buộc. Trong Luật có ghi cơ sở y tế Nhà nước phân công cán bộ, sau này sẽ có hình thức luân chuyển cán bộ, chuyển giao giữa các cơ sở y tế Nhà nước," Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Biểu đồ về hiện trạng cung ứng dịch vụ của trạm y tế xã:

Ở tuyến y tế cơ sở, ngành y tế cũng sẽ tổ chức lại y tế tuyến xã theo nguyên lý y học gia đình, trong đó hình thành nên nhóm bác sỹ y học bao gồm cả các bác sỹ trong cơ sở công lập, các trạm y tế và các bác sỹ ở hệ thống tư nhân để quản lý, chăm sóc người bệnh.

Song song đó, Bộ Y tế cũng kiến nghị đổi mới cơ chế tài chính đối với trạm y tế theo các phương thức, các gói dịch vụ y tế cơ bản hay theo đặt hàng giao nhiệm vụ, phương thức chi trả đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư đối với hoạt động y tế, nhất là đối với trạm y tế.

Mong nhiều con trâu của người dân không bị mất đi

Mạng lưới y tế cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc dự phòng tích cực, chủ động và toàn diện. Ở nhiều nơi, trạm y tế cấp xã đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của y tế huyện, phát huy được vai trò “tuyến đầu” trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý, tư vấn sức khỏe cho người dân. Nhờ vậy, người dân được hưởng rất nhiều lợi ích.

Chia sẻ về những thay đổi của bệnh viện sau khi được tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao từ trung ương cử về, bác sỹ Trịnh Ngọc Hân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho biết sau nửa năm, bệnh viện được tăng cường nhân lực là một bác sỹ chuyên ngành khoa ngoại từ dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác, bệnh viện đã có nhiều thay đổi về việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt là chuyên khoa ngoại. Bệnh nhân không còn phải chuyển lên tuyến trên mà được phẫu thuật ngay tại y tế cơ sở.

Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở ảnh 4Bác sỹ trẻ Viên Đình Hải thực hiện một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chỉ trong hơn nửa năm, có hàng trăm ca phẫu thuật của người dân đã được bác sỹ trẻ Viên Đình Hải thực hiện ngay tại bệnh viện huyện. Nhiều người bệnh rất mừng vì họ không phải chuyển lên tuyến trên mà được các bác sỹ tay nghề cao chăm sóc ngay tại y tế tuyến cơ sở.

"Nhân dân huyện Như Xuân rất cần các dịch vụ y tế nâng cao. Một ca bệnh không phải chuyển viện thì một con trâu của người dân không bị mất đi, do người bệnh không phải bán trâu, bán bò để lấy kinh phí chữa bệnh khi chuyển viện. Vì vậy, bệnh viện rất mong có thêm đội ngũ nhân lực là các y bác sỹ được bổ sung về công tác để phục vụ người dân," bác sỹ Trịnh Ngọc Hân hồ hởi bày tỏ.

Nhu cầu theo dõi, điều trị của người dân ngay từ tuyến y tế cơ sở là chính đáng và cần thiết, để giảm những chi phí phát sinh lớn, không chỉ ở vùng khó khăn mà ngay cả tại những thành phố lớn. Vì vậy, tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cho hệ thống y tế cơ sở là vấn đề cần thiết. Việc củng cố y tế cơ sở trước tiên nhằm bảo đảm cho mọi người được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất, giảm quá tải bệnh viện và góp phần thực hiện công bằng xã hội.

Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở ảnh 5Với mỗi gia đình, chi phí cho y tế thường là chi phí bắt buộc và khó có thể tránh khỏi. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Với mỗi gia đình, chi phí cho y tế thường là chi phí bắt buộc và khó có thể tránh khỏi. Thậm chí, trong một gia đình chỉ cần có một người lâm trọng bệnh thì gia đình nguy cơ có thể khánh kiệt. Vì vậy, việc nâng thể trạng, sớm được chăm sóc và có hướng dẫn điều trị chuẩn xác từ y tế cơ sở sẽ góp phần lớn vào việc giảm thiểu bệnh nặng và tiết kiệm chi phí y tế của từng người dân và mỗi hộ gia đình.

Hãy hình dung cộng đồng dân cư như một thân thể. Nếu được dự báo nguy cơ bệnh tật sớm, đặt ra những biện pháp phòng ngừa và chăm sóc hợp lý thì cơ thể này sẽ tránh được trọng bệnh. Những vấn đề này chính là nhiệm vụ của y tế cơ sở - một lĩnh vực mà dường như chưa được đánh giá đúng tầm và đầu tư đúng mức.

Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại rất lớn, do đó cần tránh tình trạng dịch bệnh đang chớm bùng phát ở các tỉnh mà vẫn chống theo một kiểu cũ. Đã đến lúc, cần có những cải thiện cùng với chiến lược dài hạn kịp thời để tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng y tế trên diện rộng./.

Mời độc giả đón đọc toàn bộ loạt bài:

Bài 1: Y tế cơ sở: Thành trì vững chắc để ''Dĩ bất biến, ứng vạn biến''

Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt

Bài 3: ''Chân đế lỏng lẻo, hệ thống điều trị sẽ khó đứng vững''

Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở

Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục