Bài 4: Rào cản nào đối với việc thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài?

“Các nhà đầu tư nước ngoài không hài lòng khi họ không có đủ quyền tương ứng với khối lượng cổ phần được nắm giữ. Vì thế, họ không thể thể tạo ra những thay đổi cần thiết cho những công ty."
Bài 4: Rào cản nào đối với việc thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Các nhà đầu tư nước ngoài không hài lòng khi họ không có đủ quyền tương ứng với khối lượng cổ phần được nắm giữ. Vì thế, họ không thể thể tạo ra những thay đổi cần thiết cho những công ty mà họ đầu tư phát triển một cách đầy đủ,” ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội trả lời phỏng vấn báo chí với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.

[Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Quyền lực của dòng tiền 'khôn']

Giới hạn sở hữu nước ngoài

Quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa đã có nhiều thay đổi. Nhưng đến nay, các nhà đầu tư ngoại vẫn chịu sự khống chế về tỷ lệ sở hữu khi tham gia làm cổ đông chiến lược của các công ty niêm yết.

Mặc dù Nghị định 189/2013/NĐ và Nghị định 116/2015/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Nghị định 59/2011/NĐ-CP đã bỏ khống chế về số lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phần trăm cổ phần bán ra, song Nghị định 60/2015-NĐCP sửa đổi Nghị định 58/2012-NĐCP hướng dẫn Luật chứng khoán và Luật chứng khoán sửa đổi lại khống chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Báo cáo từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện có khoảng 113 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhóm ngành tập trung tại các doanh nghiệp Nhà nước, như sản xuất hàng hóa, dịch vụ vận tải, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp. Theo Nghị định 60, các cổ đông nước ngoài sẽ không được sở hữu quá 49% tại các công ty đại chúng thuộc tất cả nhóm ngành nghề trên.

[Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm vì thiếu hấp dẫn]

Ngoài ra, quy định cụ thể tại một số ngành nghề, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài còn tiếp tục thấp hơn nữa, như ngành kinh doanh các dịch vụ liên quan tới khai thác thủy sản 40%, các dịch vụ liên quan tới thuê tàu cá 30%, các dịch vụ liên quan đến gửi tàu đi mua các sản phẩm nguồn gốc từ biển 30%... Thêm vào đó, theo Danh mục điều kiện đầu tư áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài theo hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN, có tới 54 ngành nhà đầu tư nước ngoài không được phép tham gia.

Môi trường đầu tư chưa bình đẳng?

Theo ông Phan Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển Doanh nghiệp – CIEM, các quy định giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể được thiết kế với mục đích tạo hàng rào bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ trong nước, tuy nhiên lại gây ra những tác động tiêu cực tới việc thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài.

Cụ thể, các quy định trên đang tạo ra sự thiếu bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của khối ngoại cũng làm giảm động cơ đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước do không đảm bảo được quyền điều hành, quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp.

Ông Trung chỉ ra, điều này thể hiện đặc biệt rõ trong các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn. Mặc dù, các nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra hàng chục triệu USD đầu tư vào doanh nghiệp nhưng họ lại không có quyền chi phối, điều hành doanh nghiệp theo chiến lược của mình. Điều này gây ra tâm lý lo ngại, e dè, vì nhà đầu tư nước ngoài có thể bị cổ đông đa số chèn ép dẫn đến thiệt thòi về lợi ích và không được đảm bảo quyền lợi như cam kết.

Ngoài ra, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM còn cho hay, việc giới hạn tỷ lệ sở hữu không tạo động lực cho cổ đông chiến lược thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ, cam kết trong hợp đồng.

“Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phải có nghĩa vụ cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp và không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm. Trong khi, họ phải thực hiện nhiều nghĩa vụ như chuyển giao công nghệ, đầu tư nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện quản trị,... song lại không được lại phép sở hữu chi phối doanh nghiệp.

[Cổ phần hóa - Định giá tài sản bất hợp lý 'hàng hót' vẫn ế]

Theo lý thuyết, trong trường hợp lợi ích không trùng khớp thì có khả năng xảy ra rủi ro đạo đức hậu hợp đồng, mà ở đây là việc nhà đầu tư ngoại không thực hiện hoặc thực hiện một cách hình thức các nghĩa vụ, cam kết của mình,” ông chỉ ra.

Thực tế cũng minh chứng, việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự thiếu thu hút cổ đông chiến lược trong các thương vụ cổ phần hóa vừa qua.

Cổ phần hóa minh bạch

Bài 4: Rào cản nào đối với việc thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài? ảnh 2Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội

Theo ông Adam Sitkoff, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp rất tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Song, các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có các thương nhân đến từ Mỹ) kỳ vọng các quá trình ra quyết định của Chính phủ được đẩy nhanh hơn, với các quy tắc, quy định được áp dụng bình đẳng cho tất cả các bên tham gia.

Đối với việc tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài cần có một quy trình và thông tin minh bạch, để có thể biết được chính xác giá trị tài sản được.

Ông này chia sẻ, việc bị hạn chế số lượng cổ phần được mua khiến nhà đầu tư không có quyền tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như, một nhà đầu tư chiến lược chỉ được mua có 5% cổ phần trong doanh nghiệp, như tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, với quy định đó các nhà đầu tư chiến lược không thể đưa ra những thay đổi cần thiết cho EVN.

“Các quyết định đầu tư chỉ có được với những quy trình định giá của các doanh nghiệp được thực hiện theo đúng chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng vào việc nới rộng và hủy bỏ những hạn chế về vốn sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp cổ phần hóa, để các nhà đầu tư có quyền tham gia quản trị rộng hơn, tạo được sự phát triển tốt hơn trong doanh nghiệp,” ông Adam đề xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục