“Kim chỉ nam” để “những người gác cổng y tế” dựng xây một Việt Nam khỏe mạnh

Bài 4: Phát huy sứ mệnh của y tế cơ sở từ những “cú hích” dồn lực đầu tư

Để hoàn thành được mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhiều đại biểu quốc hội đề xuất, cần tập trung chính sách và ngân sách của Nhà nước cho những người "gác cổng" trong hệ thống y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay chưa bao giờ sự quan tâm của hệ thống chính trị và người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và mạng lưới y tế cơ sở lại cao như hiện nay. Những chính sách chiến lược mới liên quan tới y tế cơ sở được Ban Bí thư ban hành trong thời gian gần đây đã xác định rõ con đường phát triển mạng lưới y tế cơ sở.

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe sẽ từng bước được cải thiện. Thời gian qua, sự phối hợp giữa Bộ Y tế và các địa phương, giữa ngành y tế với các ban, ngành, đoàn thể cùng với các tổ chức quốc tế đồng hành với sự phát triển mạng lưới y tế cơ sở ngày càng gắn kết và có hiệu quả hơn.

Luôn ưu tiên đặc biệt cho “mắt xích then chốt”

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng đã trở thành “mắt xích then chốt,” là lực lượng chính trong kiểm soát tình hình, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cũng chính thời gian này, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng lại bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cả về mô hình tổ chức bộ máy, quản lý và chất lượng hoạt động.

Để hoàn thành được mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhiều đại biểu quốc hội đề xuất, cần tập trung chính sách và ngân sách của Nhà nước cho lực lượng giữ vai trò "gác cổng" trong hệ thống y tế của nước ta.

Trung ương, Quốc hội dành ưu tiên đặc biệt cho ngành y tế với văn bản như Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Trong năm 2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; Nghị quyết số 99/2023/QH15 về "Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".

Trung ương, Quốc hội dành ưu tiên đặc biệt cho ngành y tế. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Về bảo đảm kinh phí ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế, theo Bộ Tài chính, đối với chi đầu tư phát triển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025. Trong đó, quy định phân bổ nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ mục tiêu về y tế, dân số, gia đình, sức khỏe sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong 5 năm này ngành y tế được phân bổ 24.135,4 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước. Trong đó, các dự án thuộc bộ, cơ quan trung ương quản lý là 10.945,7 tỷ đồng, các dự án địa phương quản lý là 13.189,7 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021- 2025, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị: “Bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị COVID-19.”

Quốc hội cũng cho phép “sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; quan tâm lồng ghép hiệu quả và đẩy nhanh giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế cơ sở tại các địa phương.”

Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế giai đoạn 2021-2025 (bao gồm cả vốn đầu tư trung hạn và vốn chương trình phục hồi) lên tới 38.135 tỷ đồng, chưa kể các nội dung chi cho y tế được lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tri Thức phát biểu ý kiến tại Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về vấn đề đầu tư phát triển cho y tế cơ sở, Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đầu tư cho lĩnh vực này không thể cào bằng, mà tập trung đầu tư cho trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, đối với trạm y tế ở thành phố lớn có thể nghiên cứu không duy trì mô hình.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng đề nghị Chính phủ cần có đề án luân chuyển bác sỹ có kinh nghiệm về trạm y tế xã trong thời gian 3 tháng hoặc 6 tháng. Bởi hiện nay, tại nhiều trạm y tế không có trang thiết bị xét nghiệm, máy móc để chẩn đoán chính xác. Hơn nữa, thu nhập khó khăn, bác sĩ trẻ vẫn phải tự thân vận động để tăng thêm thu nhập, phải làm thêm ngành khác…

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề chế độ, chính sách cho nhân viên y tế cơ sở. Theo Đại biểu Nhị Hà, hiện chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng đã gần 20 năm, chế độ phụ cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm. Đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.

Chính phủ cần xây dựng một đề án riêng cho trạm y tế xã, với mục tiêu đến năm 2030, các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn, khu vực.

Theo vị đại biểu này, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo vốn ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị y tế cơ sở. Chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ cho đơn vị được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xây dựng một đề án riêng cho trạm y tế xã, với mục tiêu đến năm 2030, các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn, khu vực, theo bán kính phục vụ, bảo đảm tính căn cơ.

Hiện có rất nhiều trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện và một số bệnh viện tuyến tỉnh ở nhiều tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Lai Châu được đầu tư kiên cố từ lâu, đến nay đã quá tải hoặc xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nguồn kinh phí địa phương không thể đáp ứng được. Việc thực hiện các dự án theo Nghị quyết 43 sẽ kết thúc trong năm nay. Do đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả và sớm đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030 để có giải pháp trong thời gian tới.

Sự chung tay từ các tổ chức quốc tế

Thực tế cho thấy, quán triệt Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua ngân sách Nhà nước vẫn luôn ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng cho phát triển lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm thu hút các nguồn lực xã hội và các nguồn tài chính khác tham gia đầu tư cho lĩnh vực y tế cũng đã được thực thi, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, chữa trị cho người bệnh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Theo đại diện Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, được tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và là mô hình mà nhiều nước quan tâm, học hỏi kinh nghiệm. Những năm qua, từ các nguồn đầu tư trong nước và từ các tổ chức quốc tế dành cho y tế tuyến cơ sở đã được triển khai trên toàn quốc đã dần mang lại hiệu quả.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, được tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và là mô hình mà nhiều nước quan tâm, học hỏi kinh nghiệm.

Điển hình như Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở sử dụng nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai thực hiện từ năm 2020. Về quy mô nguồn vốn, Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở là một trong số những dự án có tổng mức đầu tư lớn của ngành y tế, với tổng kinh phí khoảng 120 triệu USD. Điều này phản ánh chiến lược của ngành y tế trong việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mạng lưới cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu tại những địa bàn khó khăn.

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở cho hay đây được xem là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế nói chung, đặc biệt là đối với mạng lưới y tế cơ sở của 13 tỉnh khó khăn về kinh tế xã hội tham gia, gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Long An.

Trạm Y tế xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) được xây dựng từ Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở sử dụng nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới (WB). (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Dự án với chiến lược đầu tư tương đối toàn diện: Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới trang thiết bị y tế, đào tạo phát triển nhân lực y tế, cải thiện hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, hỗ trợ hoàn thiện khung chính sách liên quan đến y tế cơ sở và thực hiện thí điểm các mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu mang tính sáng tạo.

Đến nay, thông qua dự án, đã có 412 công trình xây dựng bao gồm các trạm y tế nâng cấp hoặc xây mới và các trung tâm y tế trên địa bàn 109 huyện/thị xã của 13 tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt trên 86% so với số công trình dự kiến. Các công trình còn lại đều đang trong giai đoạn thi công và dự kiến sẽ được hoàn thành toàn bộ trong tháng 11/2024. Hầu hết các tỉnh cũng đã triển khai ký kết các hợp đồng để bàn giao các trang thiết bị thiết yếu cho các trạm y tế trên địa bàn tỉnh, nhờ đó hầu hết trạm y tế được bổ sung trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn.

Được ví như cánh tay nối dài của ngành y tế, những năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Y tế, các địa phương cũng như của cộng đồng quốc tế, trong đó có Dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam” của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và các đối tác. Nhờ có nguồn lực đầu tư từ Dự án của UNFPA, mạng lưới cô đỡ thôn bản đã được xây dựng rộng khắp ở các khu vực vùng dân tộc thiểu số, vùng cao của tỉnh Lai Châu, Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai.

Mô hình này đã và đang từng ngày góp phần thay đổi nhận thức của người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ và trẻ em ngay ở tuyến y tế cơ sở tại các xã.

Những chuyển biến tích cực đã hiển hiện rõ. Tại xã Mù Sang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nếu năm 2021 chỉ có khoảng hơn 44% bà mẹ mang thai đến khám thai, theo dõi thai tại trạm 3 lần, thì cuối năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 80%. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai 4 lần trong thai kỳ tăng từ 37% lên gần 71%.

“Có những tiến bộ trong phát triển hệ thống y tế cơ sở ở Việt Nam”

Trong những năm gần đây, các trạm y tế được đầu tư xây mới, nâng cấp từ kinh phí của ngân sách nhà nước và của Dự án Đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, đều khang trang, rộng rãi hơn và được, trang bị ghế ngồi đợi khám, quạt mát… Người dân đến khám chữa bệnh hài lòng hơn, cán bộ y tế làm việc trong điều kiện tốt hơn.

Khi đánh giá về vai trò của y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Việt Nam, ông Christophe Lemiere - Giám đốc Ban phát triển con người của Ngân hàng Thế giới bày tỏ, đã có những tiến bộ trong phát triển hệ thống y tế cơ sở ở Việt Nam thể hiện thông qua chỉ số bao phủ y tế toàn dân. Chỉ số bao phủ y tế toàn dân của Việt Nam hiện có mức xếp hạng cao trên thế giới.

Ông Christophe Lemiere - Giám đốc Ban phát triển con người của Ngân hàng thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Như chúng ta thấy, theo thống kê về y tế quốc gia, 45% chi tiêu y tế là chi tiêu cho chăm sóc cho bệnh nhân nội trú, trong khi tỷ lệ này ở các nước đang phát triển khác chỉ khoảng 30%. Trong một nghiên cứu khác cho thấy khoảng 30% trường hợp điều trị nội trú có thể tránh được và được điều trị ở cấp y tế cơ sở," ông Christophe Lemiere chỉ rõ. Do đó, ông Christophe Lemiere cho rằng để đạt được mục tiêu này Việt Nam cần thêm đầu tư vào hệ thống y tế cơ sở và có chính sách mới về đảm bảo kinh phí cho hoạt động của hệ thống y tế cơ sở. Ngân hàng Thế giới sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa có thể cho Việt Nam.

Những kết quả khả quan của Dự án đã đạt được, như hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản nâng cấp, xây mới các trạm y tế xã hoàn thành sớm và đúng tiến độ, các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cũng như áp dụng công cụ bảng điểm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã. Ngân hàng thế giới cũng ghi nhận đây là dự án được đánh giá tốt nhất trong các dự án y tế do Ngân hàng thế giới tài trợ tại Việt Nam.

Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Đây là một trong những ưu tiên đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó có đề cập đến tài chính y tế và Bộ Y tế cũng đang xây dựng hướng dẫn về đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở. Như vậy, tuyến y tế cơ sở sẽ được quan tâm, đổi mới về tài chính, tuy nhiên bản thân trạm y tế cũng phải nỗ lực để thu hút người dân đến khám chữa bệnh, có nguồn thu bảo hiểm y tế mới có tài chính bền vững cho chăm sóc sức khỏe ban đầu./.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng ông Matt Jackson - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã đến làm việc tại Trạm Y tế xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục