Khi đã có thêm bằng chứng về hoạt động khai thác cao lanh tràn lan, chúng tôi tiếp tục có cuộc trao đổi với chính quyền địa phương.
Theo đó, ông Lê Văn Dũng - Phó Chủ tịch xã Tân Phương (người đã từng khẳng định tới 3-4 lần, là chắc chắn không có tình trạng khai thác quặng cao lanh trái phép), trả lời: “Quặng là đất chứ ai biết là quặng. Nay mai công an về kiểm tra thì nói tôi có đơn xin làm trại gà chứ không buôn bán gì cả.”
Cứ thế, quặng cũng chỉ là đất, công trường khai thác tài nguyên khoáng sản là chuồng trại chăn nuôi gà, phương án ứng phó đã được lập ra.
Trong một diễn biến khác, chiều 9/5, khi chúng tôi chia sẻ hình ảnh về hoạt động dỡ đồi khai thác quặng cao lanh diễn ra trong suốt nhiều tháng qua, ông Trần Dần - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Phương thừa nhận có một số trường hợp trong lúc hạ cốt đất đồi đã tranh thủ khai thác quặng và xã đã đình chỉ hoạt động này.
Báo cáo số 505/TNMT-KS của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ ngày 20/3/2018 cũng cho thấy, có 8 hộ gia đình ở xã Tân Phương và Đào Xã (huyện Thanh Thủy) tự ý cải tạo đất, hạ cốt nền đất đã được Ủy ban Nhân dân cấp xã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và đình chỉ hoạt động san hạ cốt nền.
Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị được xem biên bản đình chỉ các trường hợp vi phạm gần đây, ông Dần lại cung cấp biên bản xử phạt liên quan đã được lập từ những năm 2014, 2015. Còn các trường hợp vi phạm xảy ra trong năm 2018 thì ông Dần lại lấy lý do “tìm không thấy.”
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, trong năm 2017 và đầu năm 2018 đến nay có bao nhiêu tổ chức, cá nhân xin hạ cốt nền được xã đồng ý, có phải mục đích san nền, hạ cốt là để khai thác quặng? Ông Dần cho biết chưa nắm được con số chính xác, và xã chỉ thực hiện quản lý theo quy định của tỉnh, của huyện.
[Xử lý nghiêm nạn phá rừng, không để "xã hội đen" mua bán đất lộng hành]
Riêng với thông tin phản ánh một số ông trùm chuyên “thâu tóm” đất đồi của dân để khai thác quặng cao lanh, điển hình như trường hợp ông Tuấn “lộ,” Chủ tịch xã Tân Phương cho hay: “Chỗ ông này là mua đất của dân để trồng cây lâm nghiệp.”
Thế nhưng, thực tế ghi nhận của chúng tôi tại các vị trí đồi mà ông trùm Tuấn “lộ” mua của dân tại xã Tân Phương cho thấy, các quả đồi đã bị đào xới nham nhở, có những nơi đào sâu xuống hàng chục mét, không có bóng dáng một cây lâm nghiệp nào trồng trên đó, thậm chí có nơi hiện trường chỉ là bãi đá như sa mạc…
Đường đi của quặng cao lanh thổ phỉ
Thực tế hình ảnh, video chúng tôi ghi lại được trong suốt hơn 3 tháng qua cho thấy, ngoài xã Tân Phương, tại các xã như Đào Xá, Sơn Thủy, Thạch Đồng, Yến Mao (huyện Thanh Thủy), xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn)…, tình trạng dỡ đồi khai thác “vàng trắng” cao lanh cũng diễn ra hết sức phổ biến.
Theo ghi nhận chưa đầy đủ, trên địa bàn hai huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn có khoảng trên dưới 30 quả đồi đã bị “hạ cốt mặt bằng.” Thậm chí có những quả đồi đã bị đào sâu tới 30-40m, trở thành những công trường với đầy đủ máy móc đang đào bới, xúc cao lanh lên xe tải đưa đi tiêu thụ.
Từ các điểm hạ cốt dỡ đồi, những chiếc xe tải với biển số đủ các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định… làm nhiệm vụ cõng “vàng trắng” cao lanh từ các điểm đồi.
Theo tiết lộ của một số đầu nậu chuyên thu mua cao lanh trên địa bàn các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, cao lanh sau khi được múc lên khỏi lòng đất sẽ được bán thẳng luôn tới các điểm thu mua với giá 300.000 đồng/tấn. Những loại đã qua ép lọc, tùy vào độ trắng, và chất lượng cao lanh sẽ được bán từ 700-1.200.000 đồng/tấn.
Từ các điểm khai thác, tập kết và khu xử lý quặng cao lanh, “vàng trắng” sẽ được đóng vào bao tải, hoặc múc thẳng lên xe tải trọng lớn chở đi các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, đặc biệt là khu vực Bát Tràng (Hà Nội).
Riêng những chiếc xe tải chở “vàng trắng” cao lanh mang biển số 19 (Phú Thọ), “hàng” sẽ được vận chuyển tới các khu vực cảng trên sông Lô, để các con tàu chở đi các tỉnh Thái Bình, Hải Dương và đặc biệt là tỉnh Bình Dương theo đường thủy.
Quản lý quá lỏng lẻo
Theo đánh giá của các chuyên gia và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhà nước, để xảy ra tình trạng mua bán đồi rừng, “phù phép” đất đồi thành những điểm khai thác quặng cao lanh trái phép trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân chính là do “lỗ hổng” trong quản lý của cơ quan chức năng địa phương.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông Trần Văn Thắng - Giám đốc Công ty cổ phần ATA Phú Thọ khẳng định, thực trạng khai thác khoáng sản cao lanh trái phép ở trên địa bàn tỉnh là không thể chối bỏ. Nguyên nhân được ông Thắng đưa ra là do: “Nhà nước quản lý quá lỏng lẻo.”
“Ngay như ở các xã Đào Xã, Tân Phương, Sơn Thủy, Thạch Khoán,…tình trạng khai thác thổ phỉ đầy,” ông Thắng tiết lộ và khẳng định nếu không có những doanh nghiệp khai thác khoáng sản có phép, thì tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn bị “chảy máu,” mất hết.
Vị giám đốc doanh nghiệp này cũng cho biết, hoạt động khai thác quặng cao lanh trái phép ở trên địa bàn diễn ra công khai từ nhiều năm nay. “Vậy sao không bị phát hiện, xử lý?” Ông Thắng đặt câu hỏi và không ngần ngại trả lời rằng: “Đơn giản là người ta móc nối với nhau cả rồi thì sao kiểm soát được.”
Thông tin ông Thắng tiết lộ khiến chúng tôi không khỏi giật mình, nhưng trong ngày 9/5, khi làm việc với chính quyền cấp huyện, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Thủy vẫn một mực khẳng định trên địa bàn không có tình trạng lợi dụng hạ cốt đất đồi để khai thác quặng cao lanh trái phép.
“Để biết họ khai thác rất khó, họ toàn làm tận ở những chỗ sâu, khi mình đến nơi họ đã đi đâu rồi. Còn khi hạ cốt mặt bằng phát hiện quặng họ phải báo cáo, nếu không báo cáo rõ ràng là trái phép. Việc này phải có sự vào cuộc của cả hệ thống mới giải quyết được. Bây giờ, chúng tôi cho dừng hết cả rồi,” ông Hòa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khi nhóm phóng viên cung cấp những hình ảnh đã được ghi nhận nhiều tháng qua ở huyện Thanh Thủy, ông Hòa cho hay: “Bây giờ có xem cũng không giải quyết được gì” và giải thích rằng tình trạng bán đất có thể hiểu theo hai nghĩa là bán đất đồi trồng cây và bán đất trong quá trình san gạt, hạ cốt nền.
“Riêng tình trạng bán đất trong quá trình san gạt là không có. Tình trạng khai thác cao lanh trái phép là không có. Theo quy định kể cả các hộ gia đình làm nền nhà phát hiện quặng hay cổ vật phải báo cáo chính quyền, như trong Sơn Thủy và Đào Xá đã có vấn đề như vậy là do sự giám sát thiếu chặt chẽ, thiếu sót,” ông Hòa nói.
Trên bảo đã cấm, dưới vẫn làm?
Trong khi đó, ngày 10 và 15/5, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Toản, Trưởng phòng Khoáng sản-Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, cho biết lâu nay, việc cải tạo, hạ cốt đất đồi trên địa bàn được chấp thuận theo thẩm quyền của tỉnh, và theo nhu cầu chính đáng của người dân.
Tuy nhiên, ông Toản cũng thừa nhận, ở vùng Thanh Thủy, Thanh Sơn, có phân tán rải rác quặng cao lanh. Cho nên, bà con khi cải tạo cũng có thể gặp những loại hình khoáng sản như vậy nên tận thu mà không báo cơ quan chức năng. Việc tự ý tận thu khoáng sản mà không báo cáo cơ quan chức năng là hành vi trái phép.
Vậy hiện nay (tính đến ngày 10/5/2018), trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có còn tái diễn tình trạng hạ cốt đồi, khai thác quặng cao lanh trái phép? Câu hỏi này được phóng viên nhắc tới 4 lần khi trao đổi với ông Toản, tuy nhiên người đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã… từ chối trả lời.
Khi chúng tôi cung cấp một số thông tin, video ghi lại hoạt động khai thác cao lanh đang diễn ra trên địa bàn hai huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, ông Toản mới thừa nhận: “Vừa qua, tỉnh cũng có ghi nhận được một vài trường hợp khi hạ cốt đồi có dấu hiệu tận thu khoáng sản, và tỉnh cũng đã yêu cầu huyện xử lý.”
Ông Toản cũng cho biết, để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, ngày 9/4 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tạm dừng việc chấp thuận cho phép san gạt, hạ cốt nền cho cá nhân, đơn vị, tổ chức trên địa bàn huyện.
“Cho đến nay việc san gạt, hạ cốt đất đồi đã tạm dừng,” ông Toản nói.
Lời của vị Trưởng phòng Khoáng sản là vậy, nhưng thực tế đến giữa tháng 5/2018, tại một số xã, đặc biệt là xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn), tình trạng hạ cốt đồi để khai thác quặng cao lanh vẫn diễn ra rầm rộ ngay giữa ban ngày.
Gần đây nhất, ngày 9/5, một quả đồi ở xóm Nhang Quê, xã Thạch Khoán tiếp tục bị đào xới tan hoang, bên cạnh là những đống quặng cao lanh trắng. Để phục vụ việc khai thác, một tuyến đường có bề rộng khoảng 6-7m, dài hơn 300m ven quốc lộ 32C đã được mở tới khu đồi, hàng chục xe tải liên tiếp tới “ăn” hàng.
Điều khó hiểu là, dù hoạt động hạ cốt đồi, khai thác cao lanh tại xóm Nhang Quê đã diễn ra hơn tháng qua, diện tích thi công đến hàng nghìn mét vuông, nhưng lãnh đạo xã Thạch Khoán vẫn khẳng định không hề hay biết vì lý do: “Khi làm đơn, người ta không nói mục đích là khai thác quặng, mà chỉ là san ủi mặt bằng thôi.”
Chỉ đến khi chúng tôi đề nghị đi cùng kiểm tra đột xuất, ông Văn Mạnh Thắng-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thách Khoán tỏ ra… bất ngờ vì số lượng đất đá màu trắng mà ông cho rằng đó là quặng cao lanh được những chiếc máy xúc múc lên hoàn toàn khác so với những gì ông mới chứng kiến trước đó.
“Hôm qua chúng tôi kiểm tra nhưng không phát hiện gì, thấy họ đào xới diện tích lớn nên cũng nghi nghi, nhưng thật không ngờ hôm nay đến đây khung cảnh hoàn toàn khác. Có thể trong quá trình san gạt mặt bằng họ phát hiện có quặng và đem bán, chứ địa phương không ai cấp phép cả,” ông Thắng nhấn mạnh.
Theo quy định của tỉnh Phú Thọ, mỗi hộ dân khi san gạt đất đồi với diện tích dưới 300 mét vuông chỉ cần xin phép chính quyền cấp xã cho phép là được san gạt, còn từ 300 mét vuông trở lên do chính quyền cấp huyện cấp phép. Trong quá trình hạ cốt mặt bằng nếu phát hiện khoáng sản hay cổ vật phải báo cơ quan chức năng…
Thế nhưng, tại xóm Nhang Quê diện tích san gạt, hạ cốt mặt bằng đất đồi chuyên trồng rừng lên đến hàng nghìn mét vuông lại không cần thông báo, và đơn vị thi công là ai chính quyền xã cũng không biết. Cứ thế, đơn vị thi công vô tư đưa máy móc vào đào xới, chở đất, chở cao lanh rời khỏi địa bàn mà không ai hay biết?./.