Bài 4: Hệ lụy kép từ vụ để rò rỉ hóa chất ra suối thượng nguồn

Mặc dù phía doanh nghiệp đã tự nhận trách nhiệm, nhưng, những hệ lụy của sự cố tràn thải ra suối Màn ngày 4/6 vừa qua vẫn còn dai dẳng và hết sức đáng lo ngại.
Bài 4: Hệ lụy kép từ vụ để rò rỉ hóa chất ra suối thượng nguồn ảnh 1Hệ lụy nào sau vụ rò rỉ hóa chất xuống suối Màn? (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Ngày 4/7, trên địa bàn các xã Yên Thượng, Yên Lập thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc theo suối Màn, con suối thượng nguồn chảy vào sông Đà. Nguyên nhân của vụ việc là do Công ty Cổ phần khoáng sản đồng An Phú trong quá trình tuyển quặng đồng đã để tràn dung dịch quặng ra môi trường.

Mặc dù phía doanh nghiệp đã tự nhận trách nhiệm, nhưng những hệ lụy của sự cố vẫn còn dai dẳng và hết sức đáng lo ngại.

Cá chết, người trắng vốn

Đã nhiều ngày từ khi cá, tôm dọc suối Màn bỗng dưng nổ bụng nổi trắng, anh Bùi Văn Thủy (xóm Quà, xã Yên Lập, huyện Cao Phong) vẫn chưa thể tin vào chuyện đã xảy ra. Từ hai năm nay, anh em anh Thủy đã tận dụng nguồn nước sạch của dòng suối thượng nguồn này dẫn vào ao rộng chừng 100m2 trên đỉnh đồi để nuôi thả cá thương phẩm, đem lại nguồn lợi kinh tế khá ổn định.

Đầu tháng Ba, như thông lệ, anh Thủy tiếp tục thả 6 tạ cá tạp, dự định đến cuối tháng Bảy sẽ thu hoạch. Nhưng chỉ trong một đêm, toàn bộ số cá ấy đã nổi trắng mặt ao.

“Sáng 4/7, tôi như rụng rời vì phát hiện cá đã ngửa bụng chết hết. Có những con to bằng bắp chân cũng lập lờ, thoi thóp. Đến chiều thì hầu như không còn con nào nữa,” anh Thủy cay đắng nói.

Cách ao nhà anh Thủy chỉ chừng 10 mét, ao cá của anh Bùi Văn Biên cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong suốt 3, 4 ngày sau sự cố tràn dung dịch quặng xuống suối, hôm nào người đàn ông khắc khổ cũng phải mang cây sào dài cả mét ra vớt xác cá rồi ngẩn ngơ nhìn nước ao xanh ngăn ngắt vì nhiễm hóa chất chứa đồng.

Anh Biên cho biết: Mặc dù nhà còn mấy sào ruộng, nhưng kinh tế gia đình chủ yếu trông chờ vào việc nuôi cá thương phẩm. Nay chỉ sau một đêm, tất cả hy vọng đã mất hết. “Bảo sao không xót cho được anh ơi.”

Bài 4: Hệ lụy kép từ vụ để rò rỉ hóa chất ra suối thượng nguồn ảnh 2Điều khiến người dân lo lắng nhất là nguy cơ ao nuôi cá bị nhiễm độc kim loại nặng vì lượng đồng kết tủa từ bãi quặng từ công ty An Phú trôi xuống. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Điều khiến người dân lo lắng nhất là nguy cơ ao nuôi cá bị nhiễm độc kim loại nặng vì lượng đồng kết tủa từ bãi quặng từ công ty An Phú trôi xuống.

“Không biết các năm sau, cá có còn sống được ở đây nữa không,” anh Biên thắc mắc.

Theo thống kê nhanh của huyện Cao Phong, chỉ trong ngày 4/7, cơ quan chức năng đã vớt được 24kg gồm các loại cá trắm, chép tại hai ao của các anh Thủy và Biên. Những ngày sau đó, hiện tượng cá chết vẫn không dừng lại. Thậm chí, đến chiều 6/7, trải qua trận mưa rất lớn, hiện tượng cá chết tại hai ao trên vẫn tiếp diễn. Các loại khỏe như cá rô phi, cá trê, ốc… cũng phải ngửa trắng bụng.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong thừa nhận: 24kg chỉ là con số thống kê vào ngày đầu xảy ra sự cố. Cơ quan chức năng của huyện, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát để đánh giá chính xác mức độ thiệt hại của các hộ dân.

Ông Dũng cho biết thêm, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình đã lấy mẫu nước tại khu vực bị ảnh hưởng để xét nghiệm và sẽ sớm đưa ra kết quả.

Dân hạ nguồn hoang mang

Ngoài hậu quả nhãn tiền, vụ hóa chất bãi quặng tràn xuống sông Màn còn kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác.

Có mặt tại các xã Yên Thượng, Yên Lập, Dũng Phong…, đi tới đâu, chúng tôi đều nhận ra sự lo lắng hiện lên trên nét mặt những người dân nơi đây.

Dẫn chúng tôi đi ngượi suối Màn, anh Trịnh Xuân Thành, người dân xóm Quà, xã Yên Lập chia sẻ: “Bao nhiêu năm nay, chúng tôi vẫn phải sử dụng nước suối Màn để tưới tiêu cho ruộng đồng. Sau sự cố, chúng tôi lo ngại hóa chất vẫn ở trong nước nên không dám dùng nữa. Ruộng đồng cũng phải bỏ đấy.”

Ông Bùi Ngọc Hòa, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Lập cho biết: Suối Màn bắt nguồn từ xã Yên Thượng, chảy dọc qua nhiều xã khác. Bà con nông dân thường dẫn nước vào ruộng trồng hai vụ lúa và để phục vụ canh tác như để tưới tiêu mía, cam…

Tiếp lời ông Hòa, ông Bùi Huy Du – Trưởng công an xã Yên Lập lo lắng: “Dòng nước này chảy qua xóm Quà nơi có hơn 20ha lúa, rồi tiếp tục đến xóm Đẩy cũng có 20ha nữa. Ngoài ra dưới hạ nguồn bà con xóm Ngái tiếp tục dẫn và trữ nước để tưới cho cây cối. Nên sự cố này rất nguy hiểm cho bà con xã Yên Lập nói chung và các xã phía dưới hạ nguồn nói riêng.”

Bài 4: Hệ lụy kép từ vụ để rò rỉ hóa chất ra suối thượng nguồn ảnh 3Ông Bùi Huy Du – Trưởng công an xã Yên Lập. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Một người dân xóm Đẩy yêu cầu giấu tên cũng không kìm nén được sự bức xúc khi dẫn chúng tôi ra khoảng ruộng ngay sát bờ suối. Chị này chia sẻ: Từ khi có thông tin nước bị nhiễm hóa chất, chị và gia đình không dám canh tác tiếp.

“Chúng tôi rất lo sợ vì không biết nước, chất đất có bị ảnh hưởng ra sao nên đang có ý định san ruộng trồng cây ngô trong vụ tới,” chị chia sẻ.

Cách xã Yên Lập chừng 3km về phía hạ nguồn, xã Dũng Phong vốn là vùng chuyên canh cây cam Cao Phong đặc sản cũng phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề. Theo lãnh đạo xã này, ngay sau sự cố, toàn bộ xã đã phải họp khẩn. Trong thời gian đợi kết luận cuối cùng về mức độ ảnh hưởng, xã Dũng Phong thống nhất và yêu cầu bà con nông dân ngừng việc dẫn nước suối Màn để tưới tiêu cho cây cam.

“Điều này gây khó khăn cho người nông dân rất lớn. Dự kiến, khoảng 50% diện tích cây cam thương phẩm sẽ bị tác động trực tiếp,” vị lãnh đạo buồn rầu.

Ông Hồ Xuân Dũng, Phó chủ tịch huyện Cao Phong xác nhận: Sự cố từ nhà máy tuyển đồng An Phú đã khiến một dải suối dài tới 5km phía hạ nguồn bị ảnh hưởng. Các vùng đất ven suối cũng khó tránh khỏi hệ lụy.

Phía Ủy ban nhân dân huyện cũng đã có văn bản khẩn yêu cầu các xã ven suối Màn khuyến cáo người dân không sử dụng nước từ đây để tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt; không vớt và đánh bắt cá cho tới khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Về nguy cơ hàng chục héc ta đất ven suối Màn có thể bị ảnh hưởng bởi hóa chất và kim loại đồng. ông Dũng cho biết: Hiện, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình cũng đã lấy mẫu để tiến hành xét nghiệm. Riêng với huyện Cao Phong, các phòng, ban cũng sẽ đánh giá khẩn trương và khách quan, nhằm đưa ra kết luận sớm để bà con nông dân có phương án sản xuất hiệu quả.

Trong thời gian đợi kết luận cuối cùng, người dân vẫn phải sống trong “hệ lụy kép” từ sự cố tràn, ngấm hóa chất từ bãi quặng vào suối thượng nguồn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục