Nạn buôn bán người - Đừng để nỗi đau tận cùng cho nạn nhân và người thân

Bài 4: "Gia đình mới" giúp những cô gái trẻ tái hòa nhập cộng đồng

Những địa chỉ như Nhà Nhân ái ở Lào Cai, Ngôi nhà Bình Yên ở Hà Nội được ví như nơi trú ẩn an toàn, là gia đình mới của những cô gái trẻ từng bị mua bán được giải cứu hoặc tự giải thoát trở về.
Các nạn nhân được học tập vui vẻ tại Nhà Nhân ái ở Lào Cai. (Nguồn: Sở Lao động-Thương binh Xã hội Lào Cai)

Phần lớn nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Những người này sau khi được giải cứu hoặc tự giải thoát trở về thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng.

Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các ngành chức năng và các địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều chiến dịch, các chương trình hỗ trợ để giúp nạn nhân tránh nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội và bị tái mua bán.

Cũng từ đó, những địa chỉ như Nhà Nhân ái ở Lào Cai, Ngôi nhà Bình Yên ở Hà Nội được ví như nơi trú ẩn an toàn, là gia đình mới của những cô gái trẻ bị mua bán trở về.

Viết lại những ước mơ

Lào Cai, tỉnh biên giới phía Bắc. Nhà Nhân ái nằm lặng lẽ giữa thành phố biên cương nhộn nhịp. Đây là một trong hai cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai.

Nhà Nhân ái được thành lập từ năm 2010 khi nạn mua bán người tại địa phương có nhiều phức tạp và khó khăn, những nạn nhân bị mua bán trở về cần được hỗ trợ khẩn cấp. Ngôi nhà này do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam hỗ trợ xây dựng; Tổ chức Vòng Tay Thái Bình (PacificLinks Foundation) tài trợ toàn bộ kinh phí hoạt động, vận hành và kỹ thuật chuyên môn. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai là đơn vị quản lý, điều hành.

Ngôi nhà đặc biệt này có những con người tuy không cùng chung huyết thống nhưng lại chung hoàn cảnh: những số phận bị mua bán trở về.

Một trong những số phận đó là P.K (quê quán tại huyện biên giới Bát Xát, Lào Cai). Năm 12 tuổi, P. K đã phải sống xa mẹ. Khi ấy, em chỉ nghĩ mẹ mình đi làm ăn xa chứ không biết mẹ đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Biết P. K nhớ mẹ, người cậu đã đưa P. K sang bên Trung Quốc với lý do để mẹ con đoàn tụ. Nhưng khi sang đến nơi, P. K không những không gặp được mẹ mà còn bị bán cho một gia đình người Trung Quốc.

Tại đây, do không hiểu tiếng địa phương, lại bị nhốt trong nhà nhiều ngày, P. K gần như tuyệt vọng vì không thể cầu cứu được lực lượng chức năng. May thay, trong một lần người trông chủ quan, P. K đã tìm cách trèo qua cửa sổ trốn ra ngoài. Khi ra được ngoài đường, em đã phải đi bộ hai ngày hai đêm. Trên đường đi, em gặp được một người dân Trung Quốc. Người này đã đưa em đến giao cho cơ quan chức năng địa phương.

Khi đến với Nhà Nhân ái, thời gian đầu, em không nói được tiếng Kinh, chỉ nói được chút tiếng Trung Quốc pha lẫn tiếng Mông.

"Cô bé P. K lúc ấy dù đã 13 tuổi song bé nhỏ như chỉ khoảng 9-10 tuổi, run rẩy, sợ sệt không khác gì chú chim non bị gặp bão," ông Nguyễn Tường Long, Trưởng Ban Quản lý Dự án “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” cho biết.

Sau những buổi trị liệu, tư vấn tâm lý kỹ càng, thận trọng, cô bé bắt đầu mở lòng, chia sẻ quá trình bị lừa bán và chạy trốn của mình thông qua những hình vẽ non nớt.

Với sự động viên, hỗ trợ của các cán bộ, tổ chức chuyên trách và sự chia sẻ, yêu thương đến từ những người đồng cảnh ngộ trong Nhà Nhân ái, bằng sự cố gắng và chăm chỉ học tập, sau hai năm, em P. K đã thi đỗ vào một trường nghề. Hiện em đã trở thành hướng dẫn viên du lịch.

L. T. M (sinh năm 1994) - chị cả của các em tại Nhà Nhân ái lại trải qua cuộc sống hôn nhân với một người đàn ông ngoại quốc và sinh con. Sóng gió đã qua đi nhưng M vẫn không giấu được u buồn khi kể về những gì mình đã trải qua khi ở bên kia biên giới.

Năm 2013, L.T.M. bị bạn bè lừa bán sang Trung Quốc. Em bị gả làm vợ một người đàn ông Trung Quốc, họ ép em phải sinh con. Em đã sinh một bé gái cho gia đình họ. Trong lúc họ lơ là, em đã gạt nước mắt, bỏ lại con nơi đất khách và chạy trốn về nước.

Từ một cô gái mang trong mình vết thương lòng tưởng như không thể nguôi ngoai được, lúc nào cũng mặc cảm tự ti và buồn tủi, giờ đây, M. đã trưởng thành hơn rất nhiều.

"Em được hỗ trợ học chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, em đã xin được việc làm tại thành phố Lào Cai. Nhà Nhân ái như một mái nhà thực sự của em. Nơi đây, em đã nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương, giúp đỡ của mọi người," M chia sẻ.

P. K và L.T.M là 2 trong số 275 nạn nhân bị mua bán trở về được Nhà Nhân ái tiếp nhận và cung cấp nơi ở an toàn cùng các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, tham vấn, kỹ năng sống, ngoại khóa, học văn hóa, học nghề, việc làm, tiết kiệm có định hướng… nhằm giúp các em tái hòa nhập cộng đồng bền vững trong gần 13 năm qua. Riêng sau đợt dịch COVID-19, từ năm 2021 đến giữa năm 2023, Nhà Nhân ái tiếp nhận mới 66 trường hợp, trong đó có 20 nạn nhân bị mua bán trở về và 46 công dân nghi là nạn nhân bị mua bán trở về.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Sơn, sau gần 13 năm triển khai hoạt động, Nhà Nhân ái đã tiếp nhận và hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập gia đình cộng đồng an toàn. 100% nạn nhân được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được hỗ trợ học hết văn hóa phổ thông; 80% được học nghề, có việc làm ổn định. 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình ổn định cuộc sống. 100% được hồi gia an toàn, không bị tái mua bán, không rơi vào tệ nạn xã hội.

Nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học, góp phần tuyên truyền kịp thời ngăn chặn có hiệu quả nạn mua bán người tại các xã vùng cao và các điểm trường học.

Trung tâm của mọi giải pháp

Liên quan đến công tác hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân, theo báo cáo chưa đầy đủ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, từ tháng 7-9/2023, số người được tiếp nhận, xác minh là 25 người; xác định 13 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 14 người, bao gồm cả những người đang trong quá trình xác minh.

Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, các lực lượng chức năng đã thực hiện bảo vệ an toàn cho 14 nạn nhân, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho 13 nạn nhân, hỗ trợ chi phí đi lại cho 12 nạn nhân, hỗ trợ y tế cho 12 nạn nhân, hỗ trợ tâm lý cho 13 nạn nhân, trợ giúp pháp lý cho 4 nạn nhân.

Giai đoạn từ 1/7 đến 30/9/2023, Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111) tiếp nhận 591 cuộc gọi. Trong đó, 479 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng, chống mua bán người, 88 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 24 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ cho 29 nạn nhân.

Các nạn nhân tại Ngôi nhà Nhân ái. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ngôi nhà Bình Yên, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh,... đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận, giải cứu và hỗ trợ được 26 nạn nhân bị mua bán trở về. Nạn nhân sau khi tiếp nhận được các tổ chức xã hội hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu và được bàn giao cho địa phương, gia đình chăm sóc, giúp đỡ.

Chia sẻ về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), khẳng định các cấp, các ngành luôn xác định lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người. Những năm qua, hệ thống văn bản quy định pháp luật đã từng bước được hoàn thiện, tạo khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Các cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách và các chương trình, đề án phòng, chống mua bán người, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giảm nghèo, giải quyết việc làm và tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của tội phạm mua bán người.

“Việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, đoàn thể, nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, qua đó, giúp nạn nhân có điều kiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Không chỉ vậy, nhiều địa phương đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tại cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, thông qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội ở địa phương," bà Đàm Thị Minh Thu cho hay.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xác định và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán, bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, cho hay để hỗ trợ cam kết của Việt Nam trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, dưới sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, IOM đã phối hợp với các cơ quan Chính phủ và các chủ thể địa phương trong việc giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của cá nhân và cộng đồng trước nạn buôn bán người thông qua truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường tiếp cận tư pháp; hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập lấy nạn nhân làm trung tâm.

“Từ năm 2018 đến năm 2022, dự án đã nâng cao năng lực cho hơn 1.700 đối tượng chống mua bán người, nâng cao nhận thức của hơn 2,93 triệu người về phòng, chống mua bán người và di cư an toàn, đồng thời giúp 1.680 người tiếp cận các cơ hội việc làm tại địa phương và con đường di cư lao động phổ thông," bà Park Mihyung cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục