Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, xe điện đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ôtô thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là thị trường ôtô điện đầy tiềm năng trong tương lai gần.
Tuy nhiên, để khai phá thị trường này, các chuyên gia cho rằng cần có lộ trình, chính sách phát triển cụ thể để viết lại kịch bản ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong xu hướng dịch chuyển của dòng xe này.
Bài 3: Yếu tố nào tác động tới chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam?
Bên cạnh việc phát triển xe điện, cơ sở hạ tầng trạm sạc điện cho ôtô phủ rộng, đảm bảo khả năng vận hành thông suốt của xe là yếu tố then chốt, tác động tới việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện tại Việt Nam.
Thiếu quy chuẩn cho trạm sạc
Theo ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), hạ tầng trạm sạc là yếu tố tác động tới việc chuyển đổi sang xe điện hóa tại Việt Nam. Đối với những nước đã phát triển về các dòng xe điện hóa, trạm sạc là điều kiện tiên quyết. Trạm sạc cũng cần được bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý cho khách hàng.
Tuy nhiên, do đặc thù hầu hết các gia đình ở Việt Nam không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà, trong khuôn viên của gia đình mình trong khi sạc tại nhà là một hình thức sạc phổ biến cho xe điện. Cùng với đó, tiêu thụ điện để sạc cho xe điện cũng đòi hỏi nguồn cung cấp điện của Việt Nam phải tăng lên rất nhiều.
Là doanh nghiệp đi tắt đón đầu xu hướng điện hóa, ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast, cho biết bên cạnh chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hiện vẫn còn rất ít, xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất như thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ, thì các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn chung và hạ tầng là các trạm sạc xe điện vẫn chưa có nhiều, VinFast đang phải áp dụng tiêu chuẩn riêng của chính doanh nghiệp dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, việc thiếu hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn từ các cơ quan quản lý đang đặt ra cho VinFast những thách thức cần giải quyết trong quá trình xây dựng trạm sạc. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ mới có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, VinFast phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.
[Dịch vụ sạc pin lưu động của VinFast gây ấn tượng với người dùng Việt]
Cùng với đó là khó khăn về nguồn cung linh kiện khi giá thành cao ảnh hưởng tới việc sản xuất các trụ sạc, thời gian sản xuất lâu hơn. Giải pháp là VinFast đang liên kết với các nhà sản xuất trụ sạc nổi tiếng (cho xe Mercedes, Porsche) để giải quyết khó khăn này. Bên cạnh đó là khó khăn về lắp đặt trạm sạc tại 63 tỉnh thành nên nhiều dạng địa hình, khu vực khác nhau. Còn thiếu các văn bản pháp luật hướng dẫn, chỉ đạo cho việc lắp trạm sạc để VinFast có thể làm theo.
Ngoài ra, khó khăn về nguồn điện cho trạm sạc cũng khó khăn. Ở một số khu vực, trạm sạc đặt ở các khu vực xa nguồn điện hoặc nguồn điện còn dư không còn nhiều. Một số rào cản từ địa phương về việc xây dựng các tuyến đường điện như phải băng đường, băng sông, vướng mắc đền bù giải tỏa mặt bằng cho người dân để trồng cột điện…
Trước những khó khăn đó, VinFast đang nghiên cứu áp dụng các giải pháp về lưu trữ năng lượng để giảm sự phụ thuộc cũng như giảm áp lực lên lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo ông Thắng, dù chỉ có duy nhất một nhà sản xuất là VinFast tham gia xây dựng trạm sạc nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, bản đồ sạc đã lên tới 150.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh, thành phố cả nước. So với các nước châu Á, thậm chí là nhiều nước tại châu Âu, đây là hệ thống hạ tầng có quy mô lớn.
Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ phủ xanh trạm sạc trên khắp cả nước, VinFast đã hợp tác với Petrolimex - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang sở hữu mạng lưới cửa hàng, đại lý xăng dầu lớn nhất trên cả nước để triển khai lắp đặt trạm sạc xe điện, song hành cùng những “cây xăng” là “cây sạc” nhằm mang đến sự thuận tiện cho khách hàng.
Xây dựng quy hoạch hạ tầng
Với vai trò là doanh nghiệp đi đầu và trải nghiệm nhiều khó khăn trong việc phát triển hạ tầng trạm sạc, VinFast kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, đưa trạm sạc pin trở thành một hạng mục bắt buộc phải có trong hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng đô thị.
Cụ thể là bổ sung quy định bắt buộc “có bố trí khu vực ưu tiên cho phương tiện chạy bằng điện và trạm sạc (nạp) pin” tại các bãi đỗ xe, các công trình công cộng, dịch vụ, các khu chung cư, trung tâm thương mại, các tòa nhà cơ quan nhà nước, khuôn viên nhà máy xí nghiệp. Bổ sung trạm sạc pin, đổi pin cho các phương tiện chạy điện vào các hạng mục bắt buộc phải có tại trạm dừng nghỉ, công trình đường bộ, điểm đấu nối giao thông.
Ngoài ra cần đưa quy hoạch trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị và quy hoạch mạng lưới hạ tầng điện đi kèm theo một cách đồng bộ. Để bắt kịp xu thế xe điện là tất yếu, quy hoạch đó cần phải đồng bộ mới có sự phát triển bền vững, lâu dài. Có thể làm quy hoạch trước, sau đó các nhà đầu tư thuộc các loại hình khác nhau hay ngay cả Nhà nước cũng có thể đầu tư. Tuy nhiên cần thiết phải có quy hoạch dài hạn, đồng bộ thì mới tối ưu được hạ tầng trạm sạc.
Đại diện VAMA cũng cho rằng hiện tại Việt Nam chưa có hạ tầng hệ thống trạm sạc, chưa có tiêu chuẩn cho trạm sạc và cũng chưa có nhà cung cấp trạm sạc trong khi trên thế giới đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn trạm sạc khác nhau. Do vậy, VAMA đề xuất xây dựng tiêu chuẩn trạm sạc và lưới điện (TCVN); xây dựng quy hoạch hạ tầng trạm sạc trên toàn quốc (lưới điện phù hợp, mặt bằng tối thiểu…); ưu tiên các thành phố lớn và các điểm dừng nghỉ trên quốc lộ; có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất cung cấp trạm sạc. Đặc biệt, các trạm sạc công cộng có thể được sử dụng chung cho các thương hiệu xe, nhờ đó nâng cao hiệu quả đầu tư…
Để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong quản lý trụ/thiết bị sạc điện, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc cho xe điện đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tháng 10/2022, tại Cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường Pháp định quốc tế (CIML) - Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML), đã thông báo về việc ban hành hướng dẫn OIML G22 "Các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình thử nghiệm và kiểm soát đo lường đối với trụ sạc điện cho xe điện" và đề nghị các nước thành viên; trong đó có Việt Nam chủ động xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp với thực tế và hài hòa với hướng dẫn OIML G22 để kiểm soát đo lường đối với phương tiện đo này khi có nhu cầu.
Ở Việt Nam, qua thu thập số liệu cho thấy số lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý đối với xe điện, trạm sạc điện vẫn còn hạn chế, thiếu các quy định quản lý nhà nước về yêu cầu kỹ thuật thiết kế, lắp đặt, vận hành và đo lường đối với trạm sạc điện.
Do đó, việc đề xuất bổ sung quản lý đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện là rất cần thiết, nhằm thống nhất chung các yêu cầu quản lý nhà nước về kỹ thuật đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện, phù hợp, hài hòa với quy định, yêu cầu kỹ thuật đo lường trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã được Chính phủ phê duyệt quyết định 1454 về mạng lưới đường bộ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 và tiếp tục thực hiện Luật Quy hoạch. Bộ đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ; trong đó coi trạm sạc là 1 kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc.
Dự kiến tháng 9/2023, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Bài 1: Thị trường ôtô điện đầy tiềm năng trong tương lai gần
Bài 2: Sôi động cuộc đua giành thị phần xe ôtô điện tại Việt Nam
Bài cuối: Xe điện Việt Nam - xây dựng chính sách để đón đầu xu thế