Bài 3: Vụ án “đòi con” chậm thực thi: Cơ quan công an cần vào cuộc

Trước sự bế tắc trong "kỳ án" mẹ đẻ đòi con, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho rằng: Cần phải đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho trẻ.
Trước sự bế tắc trong kỳ án mẹ đòi con bất thành, đại diện cơ quan thi hành án huyện Tĩnh Gia cho rằng: Cần thiết phải đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc. (Ảnh được mẹ bé D.A cung cấp và đồng ý để VietnamPlus đăng tải)

Sau gần 4 tháng Tòa án có quyết định giao cháu D.A cho chị Bùi Thị Hằng nuôi dưỡng, bản án vẫn không thể thực hiện với nhiều lý do khác nhau. Sự chậm trễ trong thi hành án đang khiến câu chuyện về hành trình đòi con của chị Hằng kéo dài hơn. Câu hỏi được đặt ra là: Đến bao giờ, bé D.A mới có thể được về với mẹ?

Có dấu hiệu giữ người trái pháp luật?

Như VietnamPlus đã thông tin, đầu tháng 11/2016, Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia đã có quyết định về việc thuận tình ly hôn và thỏa thuận giữa các đương sự; trong đó giao cháu D.A lại cho mẹ đẻ là chị Bùi Thị Hằng nuôi dưỡng. Thỏa thuận này đến từ cả hai phía là chị Hằng và anh Ngọc.

Ngay sau đó một ngày, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Tĩnh Gia cũng đã ban hành quyết định thi hành án số 120/QĐ-CCTHA nhằm cụ thể hóa hiệu lực quyết định của Tòa. Tuy nhiên, ngay trong khoảng thời gian này, anh Ngọc đã đưa cháu D.A di chuyển vào miền Nam để né tránh việc thi hành án. Bản thân gia đình Ngọc cũng không nhận quyết định, cũng như không ký vào các văn bản có liên quan. Những diễn biến này buộc Chi cục Thi hành án huyện Tĩnh Gia phải đưa ra văn bản về việc chưa đủ điều kiện thi hành án.

Trước sự bất hợp tác của đương sự Ngọc, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tĩnh Gia buộc phải "gác" vụ việc lại bằng văn bản chưa đủ điều kiện thi hành án (Ảnh: Vietnam+)

Ông Hồ Như Kỳ, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tĩnh Gia cho biết: Tính tới thời điểm hiện tại, đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn trong việc thi hành bản án “đòi con” của chị Hằng. Các cán bộ của Chi cục đã rất nhiều lần xuống làm việc với gia đình Ngọc nhưng chưa gặp đương sự lần nào. Phía gia đình cũng bất hợp tác khi không cung cấp địa chỉ chính xác của đương sự cùng bé D.A để Chi cục tiến hành ủy thác thi hành án cho địa phương khác.


[Người đàn bà khắc khoải trong hành trình tìm con]

Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Kỳ chia sẻ: Ngay đợt giáp Tết, theo yêu cầu của đương sự, đơn vị cũng đã cử hai chấp hành viên và một thư ký phối hợp cùng chính quyền địa phương xuống nhà anh Ngọc. Nhưng anh Ngọc cũng không có nhà.

Gần đây nhất, chiều ngày 10/2, chấp hành viên Lương Chí Thành tiếp tục có mặt tại xã Thanh Sơn để thi hành án theo yêu cầu đương sự Hằng. Vào thời điểm này, những người trong gia đình Ngọc liên tục to tiếng, có dấu hiệu bất hợp tác và tiếp tục cho hay không biết hiện Ngọc và bé D.A đang ở đâu.

“Cơ quan thi hành án đã thông báo hợp lệ cho đương sự Ngọc. Bản thân đương sự cũng biết sẽ phải giao con cho chị Hằng mà vẫn cố tình giữ người trái pháp luật. Như vậy là vi phạm,” ông Kỳ ngao ngán nói.

Cũng theo quan điểm của vị Chi cục trưởng này, nếu còn tiếp tục lẩn trốn, không cẩn thận, đương sự Ngọc sẽ có thể mắc vào tội danh bắt cóc.

Ông Nguyễn Duy Loan, Chủ tịch xã Thanh Sơn, địa phương cư trú của đương sự Ngọc cũng đánh giá hành vi của đương sự Ngọc là “mang tính chất lẩn trốn”. Ông Loan cho hay: Đương sự Ngọc thường xuyên rời khỏi địa phương nhưng không báo cáo. Vì vậy, bản thân ông cũng không nắm được việc anh này và bé D.A có mặt trên địa bàn mình hay không.

Cần đề nghị cơ quan công an vào cuộc

Một bản án đã có hiệu lực nhưng không thể thực thi vì những lý do khách quan đang khiến cho câu chuyện về hành trình đòi con của bà mẹ bất hạnh tại huyện Tĩnh Gia ngày càng trở nên bế tắc và phức tạp. Bản thân cơ quan thi hành án cũng hết sức loay hoay và bị động khi tiến hành các bước tiếp theo. Chính quyền địa phương thậm chí còn không nắm được việc đương sự có mặt trên địa bàn mình hay không. Một loạt các yếu tố trên đẩy vụ việc vào ngõ cụt.

Ông Hồ Như Kỳ, người đứng đầu cơ quan thi hành án huyện Tĩnh Gia tỏ ra chán nản khi đề cập đến những tác động khách quan như trên. Theo ông Kỳ, điểm khó khăn nhất hiện nay là không thể xác định chính xác địa phương cũng như địa chỉ cụ thể nơi đương sự Ngọc đưa bé D.A tới tạm trú.

“Nếu xác định chính xác được điểm này, chúng tôi mới có thể ủy thác thi hành án cho địa phương nơi đương sự đang có mặt để tiến hành thi hành án. Tuy nhiên, thực tế rất khó khăn khi ngay cả người nhà của Ngọc cũng không hợp tác,” ông Kỳ chia sẻ.


[Hành trình gần 1 năm đi tìm đứa con mang nặng đẻ đau]

Đánh giá trên khía cạnh chống đối thi hành án, chấp hành viên thụ lý, ông Lương Chí Thành nhấn mạnh: Đây là vụ việc làm ông đau đầu nhất từ trước tới nay vì có liên quan trực tiếp đến quyền trẻ em. Việc đương sự Ngọc liên tục đưa bé D.A đi khỏi nơi cư trú, di chuyển qua nhiều địa phương có thể gây ảnh hưởng không tốt tới tâm sinh lý của bé.

Căn nhà của đương sự Ngọc từ sau vụ kỳ án thường xuyên ở trong tình trạng cửa đóng, then cài kín mít. Đến cả lãnh đạo địa phương cũng không nắm được anh Ngọc hiện đang có mặt tại nơi cư trú hay không. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Cũng theo ông, trong trường hợp đương sự Ngọc tiếp tục cố tình đem bé D.A lẩn trốn, thì cần thiết phải đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Đây là cách tối ưu để có thể đảm bảo quyền lợi của bé D.A cũng như chị Hằng.

Trong một diễn biến khác, chị Bùi Thị Hằng cũng đã tiếp tục làm đơn gửi Công an huyện Tĩnh Gia đề nghị đơn vị này xem xét giải quyết.

Trong khi đợi một động thái mạnh tay và quyết liệt hơn từ các cơ quan có thẩm quyền của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, thì quyền lợi của bé D.A vẫn đang bị xâm hại nghiêm trọng. Và người mẹ khốn khổ vẫn cứ khắc khoải giấc mơ tìm được đứa con gái bé bỏng của mình.

VietnamPlus sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất của kỳ án đòi con tới độc giả./.

Liên quan đến vụ kỳ án mẹ đi đòi con trên, các luật sư đều cho rằng: Ngay từ khi tách bé D.A ra khỏi mẹ, anh Ngọc đã vi phạm nghiêm trọng một loạt các điều Luật. Đặc biệt, khi không chấp hành thi hành án, nhất là trong trường hợp đã có biện pháp cưỡng chế cần thiết, đương sự này rất có thể sẽ đối mặt với việc bị khởi tố hình sự và có thể chịu mức hình phạt cao nhất lên tới 3 năm tù.

Bài 4: Tiếp tục không trả con, đương sự có thể bị khởi tố hình sự

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục