Việt Nam chống COVID-19: 'Cú đấm thép' nơi tuyến đầu chống dịch

Bài 3: Việt Nam chống COVID-19: 'Cú đấm thép' nơi tuyến đầu chống dịch

Nửa tháng nay quay cuồng với điều trị, sát khuẩn… hôm nay, những y, bác sỹ tại "tâm dịch Bình Xuyên" thở phào nhẹ nhõm khi hai bệnh nhân được chữa khỏi.
Bác sỹ Trần Quang Vịnh khám cho bệnh nhân được cách ly tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Bác sỹ Trần Quang Vịnh khám cho bệnh nhân được cách ly tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Chiều 18/2, tại "tâm dịch Bình Xuyên" trời nắng chói chang, đối nghịch với kiểu thời tiết nồm ẩm ướt, lép nhép từ Tết âm lịch đến nay.

Trên chiếc bàn làm việc của các bác sỹ Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hôm nay cũng... khác thường. Bên cạnh những vật dụng phòng chống dịch như, khẩu trang, nước sát khuẩn, quần áo bảo hộ có thêm những bó hoa tươi đặt ngay ngắn.

Nửa tháng nay quay cuồng với điều trị, sát khuẩn… hôm nay bác sỹ Trần Quang Vịnh và những đồng nghiệp của mình tại đây thở phào nhẹ nhõm khi hai bệnh nhân được chữa khỏi.

"Tia nắng đầu tiên" ở khu cách ly đặc biệt

Ở khoảng sân rộng chừng 300m của Trung tâm điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2, những cây hoa ban tím lác đác nở trên những tán lá xanh, khoe sắc trong nắng mặt trời vàng rực. Trên mặt sân bê tông không còn những vũng nước lầy, ẩm ướt. Dưới gốc cây, những tấm biển cảnh báo đỏ được đặt ngay ngắn giữa sân: “Khu vực cách ly đặc biệt” hay “Để đảm bảo an toàn cho khu cách ly đề nghị người dân không tự ý vào buồng bệnh.”

Từ cuối tháng Một, đầu tháng Hai, Vĩnh Phúc là tâm điểm của cả nước khi là địa phương có nhiều ca dương tính với COVID-19 nhất, trong đó huyện Bình Xuyên được coi là tâm dịch với 9 ca dương tính. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và số trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng, Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà được tỉnh Vĩnh Phúc chỉ định là trung tâm điều trị và là nơi thực hiện cách ly các trường hợp bị nghi nhiễm COVID-19.

[Việt Nam chống COVID-19: Cuộc "tấn công thần tốc" của virus SARS-CoV-2]

Vốn là Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phúc Yên), bác sỹ Vịnh chia sẻ, khi có dịch xảy ra, anh được cử về tăng cường và chịu trách nhiệm chuyên môn tại Phòng Khám đa khoa Khu vực Quang Hà.

Tại Trung tâm điều trị có hai khu rõ rệt, khu nhà 1 tầng với những phòng bệnh đơn sơ của tuyến huyện-nơi dành cho các bệnh nhân dương tính (khác hẳn với các bệnh viện Trung ương khi điều trị các bệnh nhân COVID-19 có phòng cách ly áp lực âm được trang bị với hệ thống máy móc hiện đại). Cách đó 100 mét, khu nhà 3 tầng được bố trí làm nơi ở dành cho những người thuộc đối tượng cách ly.

Bác sỹ từ nơi tâm dịch chia sẻ:

Rời khỏi phòng bệnh dành cho những bệnh nhân mắc COVID-19, bác sỹ chuyên khoa 2 Trần Quang Vịnh cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ, hồ hởi: “Cuối cùng, những nỗ lực của các y bác sỹ suốt nửa tháng qua đã được ghi nhận. Đã có hai bệnh nhân đã có kết quả dương tính, khỏi COVID-19 tại đây rồi...”

Rồi anh bảo rằng, chỉ vài ngày trước, không khí chăm sóc bệnh nhân nơi đây rất khẩn trương và căng thẳng: Nào là tẩy trùng, sát khuẩn, lấy mẫu máu, theo dõi sát sao... thì mấy hôm nay dù bận hơn, vì phải chuẩn bị cho buổi lễ công bố 2 bệnh nhân khỏi COVID-19, nhưng tất cả các y bác sỹ đều phấn chấn.

Tới 3 giờ chiều, hai bệnh nhân Phạm Thị Bình và Nguyễn Thị Nam được các y bác sỹ đưa khỏi Khu cách ly đặc biệt ra Khu cách ly bình thường. Như vậy, sau 19 ngày nhập viện, chị Bình được ra khỏi khu phòng bệnh gặp gỡ mọi người, còn với Nam là sau 10 ngày.

Nghẹn ngào ôm bó hoa trên tay, Nam xúc động không nói nên lời. Chần chừ một lát, cô gái ấy cúi gập người, nghẹn ngào nói lời cảm tạ.

Bác sỹ Vịnh cho biết, tính tới 18/2, phòng khám theo dõi và quản lý 44 bệnh nhân, trong đó có 5 bệnh nhân dương tính với COVID-19. Trong 5 bệnh nhân đó, ngày 18/2 có 2 bệnh nhân được ra viện. Còn lại 3 bệnh nhân dương tính (2 bệnh nhân tiếp theo ra viện ngày 20/2), 39 bệnh nhân đang trong diện theo dõi (trong đó 29 bệnh nhân đã có kết quả âm tính lần 1, còn lại 10 bệnh nhân đang theo dõi chờ kết quả xét nghiệm âm tính tiếp theo).

“Đáng mừng các bệnh nhân dương tính tình hình sức khoẻ hoàn toàn ổn định, không có biểu hiện bất thường, không sốt, còn ho nhẹ, không khó thở. Tất cả mọi diễn biến chỉ số xét nghiệm hàng ngày đều hoàn toàn bình thường và sẽ sớm khỏi bệnh,” bác sỹ Vịnh kể lại.

Bài 3: Việt Nam chống COVID-19: 'Cú đấm thép' nơi tuyến đầu chống dịch ảnh 1Lấy mẫu máu xét nghiệm cho bệnh nhân xét nghiệm COVID-19 tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Khi được hỏi về nỗi sợ hãi với dịch, bác sỹ Vịnh cười bảo rằng, anh làm công tác chống dịch đến bây giờ là gần 20 năm và có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta thấy phòng chống dịch bệnh được triển khai với chủ trương rất lớn, cách ly cả 1 xã.

“Vấn đề về mặt tinh thần không có gì cả, chúng tôi làm về bệnh truyền nhiễm nên đã quen rồi. Chúng ta phải đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cùng với nhân viên y tế đó với những trang thiết bị bảo hộ lao động tuyệt đối an toàn; thứ hai là làm theo dây truyền khép kín, đi theo một chiều rất rõ ràng,” vị bác sỹ cười hiền, nói.

Những liều thuốc tinh thần

Bác sỹ Vịnh kể, khi gặp và tiếp xúc với những bệnh nhân, anh nhận thấy tâm lý của họ rất bất an, sợ hãi khi biết mình dương tính với COVID-19 bởi những thông tin họ ghi nhận được trên báo đài về tình hình tại Vũ Hán.

Bởi thế, không chỉ trong vai trò bác sỹ điều trị, bác sỹ Vịnh và những người đồng nghiệp của mình phải rất tích cực làm công tác tư tưởng với bệnh nhân.

Bài 3: Việt Nam chống COVID-19: 'Cú đấm thép' nơi tuyến đầu chống dịch ảnh 2Bác sỹ Trần Quang Vịnh, Trưởng Khoa Bệnh Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Chúng tôi luôn giải thích, trấn an với họ rằng, các bệnh nhân mắc COVID-19 hiện nay tại Việt Nam là thể nhẹ, không có diễn biến bất thường. Tiếp theo là mọi người phải tin tưởng COVID-19 trên người bệnh bình thường, khoẻ mạnh thường diễn biến nhẹ và nhanh khỏi. Bệnh chỉ đáng lo ngại chủ yếu là những người mắc bệnh mạn tính lây bệnh mới là vấn đề quan trọng,” bác sỹ Vịnh cho biết.

Theo lời anh, từ khi được tăng cường xuống tuyến huyện, lệnh là 24/24 giờ ở tại trung tâm, liên tục bám sát bệnh nhân, từ diễn biến rất nhỏ các bác sỹ đều biết cả như bệnh nhân sốt ra làm sao, những cơn ho thế nào... đều được các bác sỹ ghi lại và theo dõi tỷ mỷ, cặn kẽ.

Và để đảm bảo an toàn các bác sỹ phải có thiết bị bảo hộ và thực hiện một cách nghiêm ngặt, không thể sai bất kỳ một nguyên tắc bảo hộ lao động nào bởi chỉ sở hở, bất cẩn một chút có thể lây nhiễm cho mình và cộng đồng...

Bác sỹ Vịnh cho hay, việc điều trị được các bác sỹ tuân thủ theo quy tắc của Bộ Y tế đưa ra, tất cả các bệnh nhân đều được kiểm tra các xét nghiệm lần 1, lần 2 và lần 3.

Phân tích về dịch bệnh tại đây, bác sỹ Vịnh cho biết, với những bệnh nhân ở Trung tâm, có thể nói bệnh hiện chủ yếu mang tính chất gia đình. Họ là những người đã tiếp xúc với các vật dụng, tay, chân, cho con ăn uống...

Về vấn đề chuyên môn, tại Trung tâm, các y bác sỹ đã đảm nhiệm vấn đề điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở dạng nhẹ và thể trung bình với các biểu hiện như ho, viêm long đường hô hấp, sốt nhẹ, mệt mỏi. Còn các bệnh nhân viêm phổi ở thể nặng phải chuyển tuyến.

“Kinh nghiệm điều trị của chúng tôi đã được phát huy. Các bác sỹ không những ngồi đây hội chẩn mà trong thời đại 4.0 có thể hội chẩn thẳng với các thầy ở tuyến Trung ương, nên người dân hoàn toàn yên tâm,” bác sỹ Vịnh cho biết.

Tự tin điều trị ở tuyến huyện

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phụ trách tổ trưởng tổ công tác đặc biệt Ban chỉ đạo Quốc gia tại Vĩnh Phúc cho biết khi thiết lập khu điều trị tại phòng khám đa khoa Quang Hà có rất nhiều lực lượng tham gia. Trong đó có cả Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên, Sở Y tế tỉnh và một số bệnh viện tuyến Trung ương. Phòng khám phải làm cả hai nhiệm vụ: đảm bảo khám sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ; đảm bảo công tác khám chữa bệnh bình thường cho người dân.

Bài 3: Việt Nam chống COVID-19: 'Cú đấm thép' nơi tuyến đầu chống dịch ảnh 3Các y bác sỹ Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên giao ban. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Theo ông Khoa, với diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy có khoảng 80% người bệnh COVID-19 có thể điều trị ở tuyến huyện, chỉ có một số ít bệnh nhân có triệu chứng nặng về hô hấp mới cần đưa về tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, còn lại hoàn toàn tự tin có thể điều trị ở tuyến huyện.

[Bài 2: VN chống COVID-19: Bác sỹ, bệnh nhân kiên cường 'vượt bão']

“Đặc biệt ở đây chúng tôi đánh giá rất coi trọng việc phòng chống lây nhiễm. Bởi mặc dù triệu chứng có thể nhẹ nhưng khả năng lây nhiễm chưa thể biết được như thế nào. Mọi nhân viên y tế phải tuân thủ và áp dụng tất cả các biện pháp phòng hộ, vệ sinh môi trường, khử khuẩn.

Chúng tôi cũng triển khai nhiều công việc nên áp lực đòi hỏi nhanh, đồng thời triển khai điều phối nhiều lực lượng để làm các công việc khác nhau. Tuy nhiên, về bệnh tật chúng tôi hoàn toàn tự tin vì đã áp dụng các biện pháp phòng hộ khi đi thực địa,” ông Khoa nói.

Đến nay, đã có 5/5 bệnh nhân dương tính với COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh tại Phòng Khám đa khoa Khu vực Quang Hà./.

Bài 4: “Việt Nam xây dựng phác đồ điều trị COVID-19 từ rất sớm”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục