Chuyến xe cuối năm tăng tốc đưa đoàn nhà báo nhanh chóng thoát ra khỏi bầu không khí đặc quánh khói bụi của thành phố, hướng về cung đường Đông Bắc đến với các vùng nguyên liệu hữu cơ nằm treo leo bên những quả núi của tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng và Lạng Sơn.
Không khí mỗi lúc một trong lành, nắng sáng vàng ruộm chiếu rọi xuyên qua các tán cây mọc hai bên đường, lấp loáng đổ tràn xuống dòng suối nước trong leo lẻo.
Cả vùng rừng núi nở rộ trong tiết trời ấm ấp ngay giữa những ngày cuối Đông, hiện tượng này không còn là hy hữu trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra thường xuyên hơn.
“Bây giờ mình mới biết củ gừng có thể ra… tiền!”
Đến thăm ruộng gừng của gia đình Trương Văn Lần, 43 tuổi, người dân tộc Nùng sống tại thôn Ngườm Vài, xã Cải Viên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, gặp đúng lúc hai cha con anh đang khẩn trương thu hoạch nốt vụ gừng năm ngoái. Thửa ruộng nhà anh Lần nằm lọt giữa những dãy núi tai mèo, ngay sát cột mốc biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Trước mắt chúng tôi, đồng ruộng chỉ còn là một bãi đất, đá lổn nhổn, gồ ghề với vài ba cái cây trơ trọi sót lại. Ấy vậy, khi những củ gừng được thu hoạch lên lại rất lớn, vàng ươm và sáng bóng. Theo đó, anh Lần cũng phấn khởi khoe: Gia đình anh chuyển đổi từ trồng cây ngô sang gừng hữu cơ đã được hai năm. Năm đầu, nhà anh thu về gần 30 triệu đồng và năm nay dự kiến có được 50 triệu đồng. Với khoản tiền này, anh Lần cho hay đã có thể cho hai đứa con nhỏ đi học, thay vì trước đó đứa con gái lớn 14 tuổi đã phải nghỉ do nhà nghèo quá.
[Người dân Hà Quảng trồng gừng hữu cơ tiến ra thị trường thế giới]
“Trồng gừng tốt chứ, thích chứ! Công ty giới thiệu cho mình, thế là phấn khởi làm luôn, trồng gừng có tiền nuôi con ăn học mà. Vất vả mới có tiền, bây giờ mình mới biết củ gừng có thể cho ra tiền!” anh Lần thành thật nói.
Tại vùng biên viễn hoang sơ này, điều kiện sinh sống của người dân rất khó khăn. Nơi đây, đâu đâu cũng chỉ thấy núi đá, không có mạch nước ngầm, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa vì thế nhà nào cũng có những chiếc chum lớn để chứa nước. Tuy nhiên, với điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt như vậy cộng thêm sương sớm bao phủ quanh năm, vùng đất này lại trở thành “thiên đường” của cây gừng và cho ra hương vị rất đặc biệt.
Ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty Phát triển Nông nghiệp và tư vấn Môi trường (DACE), cho biết gừng của Hà Quảng là món gia vị rất được ưu chuộng tại các thị trường quốc tế. Vì thế, tất cả nguồn nguyên liệu thu mua sẽ chuyển về nhà máy chế biến, chiết xuất tinh dầu, sau đó sẽ xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản...
“Đây là khu vực biên giới, đời sống kinh tế của người dân còn rất nghèo. Những năm gần đây, Nhà nước có chủ trương khuyến khích bà con trồng trọt, một phần để giữ đất đồng thời nâng cao đời sống hiện tại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được kêu gọi vào cùng hướng dẫn, tạo sinh kế cho bà con. Ở đây, điểm thuận lợi là vùng hoang sơ, nên việc áp dụng trồng gừng hữu cơ là khá dễ. Thời điểm này, diện tích trồng gừng cả xã là 11,6 ha với 17 hộ tham gia liên kết với Công ty,” ông Hiếu nói.
Đứa con gái anh Lần lặng thinh nghe cha mình nói chuyện với các nhà báo, nó mới 14 tuổi, không được đi học vì trước đó nhà quá nghèo. Tỷ mẩn giũ đất, làm sạch nhặt từng củ gừng, khóe mắt cố bé đượm buồn và thỉnh thoảng ngẩn ra nhìn về phía những cô phóng viên trẻ nhí nhảnh đang tác nghiệp gần đó. Một lát sau cô bé lặng lẽ rời đi. Tôi chợt thấy chạnh lòng! Thầm hy vọng với hoạt động sản xuất bền vững, cây gừng hữu cơ có thể từng bước những thay đổi đời sống của người dân nơi đây và trong đó có cả tương lai của cô bé con anh Lần.
Nhìn vào những nếp nhà của bà con, mới thấy các cấp chính quyền địa phương ở đầy còn quá nhiều việc phải làm. Xa xa, bản làng san sát với những viên ngói tàu rêu phong, xếp đều hình vảy cá, đẹp như trong tranh. Song khi lại gần, những vách nhà chỉ được đan bằng những thanh gỗ, thanh tre siêu vẹo, trống huơ, trống huếch, đang oằn mình chống chọi với mưa, nắng và thời gian. Có như vậy mới thấu hiểu sự tâm đắc của ông Lưu Trọng Hính, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hà Quảng khi hào hứng chia sẻ, cây gừng đang trở thành “cây thoát nghèo,” nó cho giá trị thu nhập cao gấp 13 lần so với cây ngô, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trong huyện đã giảm từ từ 96% xuống khoảng 66%.
“Việc Công ty DACE chuyển giao kỹ thuật trồng gừng hữu cơ đồng thời bao tiêu nguyên liệu đầu đầu ra cho bà con chủ động là việc làm thiết thực. Theo kế hoạch, huyện sẽ tiếp tục hợp tác với Công ty phát triển mô hình trồng gừng hữu cơ, dự kiến đạt 200 ha vào năm 2020 và mở rộng ra 500 ha đến năm 2025,” ông Hính nói tiếp.
Ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty Phát triển Nông nghiệp và tư vấn Môi trường (DACE) trao đổi với phóng viên:
Chuyển đổi canh tác, củ nghệ thành…“vàng”
Không phải vượt đèo sợ đến “thót tim” như lúc lên Hà Quảng, nhưng đoàn công tác có một hành trình khó quên khi vào thăm Tổ hợp tác Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Ban đầu, chúng tôi khá ngạc nhiên khi chị trưởng đoàn đề nghị một nữ phóng viên mới mang thai tạm tách đoàn, lưu trú lại thành phố Bắc Kạn, vì con đường sắp tới sẽ đường rất xóc. Một chuyến công tác, ngồi xe mấy tiếng từ Hà Nội lên đến Bắc Kạn rồi tới đoạn đường “nước rút” phải dừng chân, thật sự là tiếc. Nhưng sau khi trải nghiệm, chúng tôi mới hiểu quyết định đó là đúng đắn. Đoạn đường đất gần chục km, gồ ghề dấu tích sau những cơn mưa lầy lội, chiếc xe 9 chỗ lăn bánh ì ạch từng bước, hết rung lắc rồi lại nhảy lên, nhảy xuống làm người ngồi trong xe đến hoa mắt, chóng mặt.
Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do khiến củ nghệ của Đôn Phong suốt thời gian dài trước đó không ra được thị trường và vì thế nghèo đói mặc sức cứ hoành hành nơi đây.
Tuy nhiên giờ đây mọi thứ đã thay đổi, người dân đã phối hợp với doanh nghiệp chuyển đổi mô hình trồng trọt nghệ truyền thống manh múm và nhỏ lẻ sang tổ hợp tác sản xuất nghệ hữu cơ.
Đúng là không phụ công người! Trước mắt chúng tôi là đồi trồng nghệ hữu cơ thơm nức, hương đưa ngào ngạt tràn vào lồng ngực, những mệt mỏi sau hành trình ngồi xe theo đó mà tan nhanh. Anh Hà Văn Cường, Giám đốc Công ty Nông sản Bắc Kạn cho biết cây nghệ là sản phẩm truyền thống lâu đời của bà con Bắc Kạn. Điều kiện tự nhiên ở đây rất thuận lợi cho cây nghệ sinh trưởng và đặc biệt hàm lượng curcumin trong tinh bột nghệ đạt trên 6%, trong khi nghệ trồng ở các nơi khác đạt khoảng 5% đã là cao. Vì vậy, cây nghệ của Bắc Kạn chuyển sang trồng hữu cơ đã được các nhà sản xuất dược liệu rất ưa chuộng.
“Trước đây, người nông dân canh tác manh mún, không theo quy chuẩn nên năng suất rất thấp. Bên cạnh đó, người nông dân phải tự mang củ nghệ ra chợ bán, đường sá thì khó khăn cộng thêm việc mua bán lúc may, lúc rẻ nên củ nghệ không mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương,” anh Cường nói.
Từ việc đánh giá tiềm năng cây nghệ hữu cơ có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính, phân khúc giá cao. Công ty Nông sản Bắc Kạn đã kết hợp với một vài đối tác đưa ra một quy trình sản xuất hướng dẫn cho bà con làm. Sau đó, Công ty thực hiện giám sát với những cam kết ràng buộc từ hai phía. Hiện nay, cây nghệ đã cho năng suất tốt, có thể lên tới 40 tấn/ha mà trước đó trung bình khoảng 20 tấn-25 tấn/ha.
“Công ty đang hợp tác triển khai trồng nghệ hữu cơ với 1.089 hộ nông dân, chia thành 44 tổ thuộc 18 xã, trên địa bàn 4 huyện. Với giá thu mua ổn định trên 5.000 đồng/kg, bà con cũng yên tâm,” ông Cường cho biết.
Ông Nguyễn Văn Luyến, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đôn Phong hồ hởi đón chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, một phần trong đó có sự đóng góp từ cây nghệ. Ông chia sẻ, “trồng nghệ hữu cơ khó hơn so với trồng tự nhiên, quá trình đặt đưa mầm xuống sẽ phải làm thêm công đoạn phải chuẩn bị đất bằng thủ công, như cuốc, dẫy, dập cỏ, sau đó bón phân khô mục thay phân hóa học. Do không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên phải làm cỏ liên tục và bằng tay, vì thế sẽ vất vả hơn trước.”
Về điều này, chị Nguyễn Thị Phấn, xã viên của Tổ hợp tác giải thích: Lúc đầu trồng nghệ hữu cơ hơi khó, những sau khi vào Tổ hợp tác được tập huấn kỹ thuật đã thấy dễ hơn nhiều. Gia đình chị Phấn đã trồng nghệ được năm thứ 3 và thu nhập cũng khá ổn định. Tết về, gia đình chị Phấn sẽ sum vầy với niềm tin gia đình được đoàn tụ, không còn mỗi người một nơi đất khách quê người để mưu sinh./.
Bài 4: Người dân Hà Quảng trồng gừng hữu cơ tiến ra thế giới