Bài 3: Nợ đọng thuế phí: “Cứ bắt bỏ tù, doanh nghiệp có dám không?"

Tình trạng thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường từ mảnh đất được mệnh danh “núi quặng” Cao Bằng là thực trạng nhức nhối kéo dài trong suốt nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải.
Bài 3: Nợ đọng thuế phí: “Cứ bắt bỏ tù, doanh nghiệp có dám không?" ảnh 1Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại tỉnh Cao Bằng dây dưa, nợ đọng thuế lên đến hơn 10 tỷ đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tình trạng thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường từ mảnh đất được mệnh danh “núi quặng” Cao Bằng là thực trạng nhức nhối kéo dài trong suốt nhiều năm qua, nhưng đến nay chính quyền sở tại vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

Thực tế trên đã dẫn tới lỗ hổng về nguồn thu ngân sách. Không còn cách nào khác, cơ quan thuế lại phải ngày ngày đến "gõ cửa," hối thúc doanh nghiệp còn dây dưa, nợ thuế phí.

Theo thống kê của ngành thuế tỉnh Cao Bằng, trên địa bàn có 74 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, đáng chú ý nhất quặng sắt, mănggan, than…nhưng nguồn thu ngân sách của việc này hiện nay rất ít.

Không những thế, nhiều doanh nghiệp còn để nợ đọng thuế kéo dài nhiều năm, khiến con số nợ có thời điểm lên đến cả trăm tỷ đồng, chưa kể tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước và sau khi đi vào khai thác mỏ.

Trong số các doanh nghiệp hiện còn nợ thế, đáng chú ý là Công ty cổ phần công nghiệp mănggan Cao Bằng nợ trên 10 tỷ đồng; Công ty cổ phần khoáng sản và công nghiệp Cao Bằng nợ trên 13 tỷ đồng; Công ty than cốc và khoáng sản Việt Trung nợ trên 14 tỷ đồng…

Theo bà Chu Thúy Oanh, Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh Cao Bằng, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã áp dụng mọi biện pháp truy thu thuế phí, nhưng doanh nghiệp vẫn dây dưa, kêu khó nên đến nay vẫn “lụy thu” ngân sách.

Nghịch lý đáng buồn là, kể cả trước đây, khi các doanh nghiệp lớn được cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản được đánh giá là tiềm năng, họ chấp hành việc nộp thuế, thì số tiền mà các doanh nghiệp phải đóng cũng rất thấp.

Lý giải rõ hơn về việc mất mát nguồn thu nêu trên, bà Oanh cho biết: "Theo quy định, trước khi đi vào khai thác doanh nghiệp sẽ phải nộp một khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nhưng thực tế chủ mỏ lại không đủ năng lực. Đến khi khai thác ổn định, phát sinh nguồn thu, các doanh nghiệp bắt đầu khai thuế phí lại dây dưa, không nộp."

“Đây là thực trạng phổ biến đối với các doanh nghiệp trong ngành khai khoáng,” bà Oanh nhấn mạnh.

Vẫn theo bà Oanh, để đảm bảo nguồn thu ngân sách, nhiều năm nay, cơ quan thuế đã trực tiếp đến gõ cửa lãnh đạo các doanh nghiệp để đôn thúc, nhưng phần lớn doanh nghiệp đều kêu gặp khó trong khai thác do trữ lượng không đảm bảo, trong khi giá bán giảm.

“Về việc này, tôi nghĩ cơ quan quản lý trước khi ký quyết định cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ cũng phải có trách nhiệm, chứ không phải cứ cấp bừa rồi đẩy sang cho ngành thuế. Còn việc doanh nghiệp có hoạt động, tồn tại hay không cũng mặc kệ sẽ dẫn đến việc dây dưa, nợ thuế rất lớn,” bà Oanh nói.

Bài 3: Nợ đọng thuế phí: “Cứ bắt bỏ tù, doanh nghiệp có dám không?" ảnh 2Bà Chu Thúy Oanh, Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Mặc cả như ngoài chợ”

Thở dài nhấp chén trà, bà Oanh cho hay: “Việc thu thuế của các doanh nghiệp khai khoáng trong nhiều năm nay rất khó thực hiện. Mặc dù tỉnh cũng có ý kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thuế phí là theo luật, chứ không thể du di theo cảm tính được.”

Vì thế, tỉnh Cao Bằng cũng đã quyết áp đến ngày 31/12/2016, doanh nghiệp nào chưa nộp tiền thuế phí và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hồi. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn dây dưa.

“Thậm chí, có doanh nghiệp khi chúng tôi đến đôn đốc còn bức xúc bảo đã bỏ ra rất nhiều tiền để có mỏ, trong khi khoản nợ dây dưa ngày càng tăng. Nói thật là việc này cơ quan quản lý họ cứ nhắm mắt cấp mỏ, cuối cùng chỉ khổ cho ngành thuế,” bà Oanh chia sẻ.

Người phát ngôn của Cục thuế tỉnh Cao Bằng cũng cho biết, để thu được thuế phí sau khi đôn đốc, hàng tháng ngành thuế đều thông báo công khai các doanh nghiệp nợ thuế cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thông tin trên trang thông tin của thuế, đưa lên đài truyền hình, và gửi thẳng đến các doanh nghiệp, song vẫn không hiệu quả.

“Ví dụ như chiều ngày 29/12 vừa qua, ông lãnh đạo doanh nghiệp Tây Giang Cao Bằng hứa sẽ nộp 1 tỷ, nhưng ngày hôm sau bảo chỉ nộp được 8 trăm, thế nhưng đến sáng 31 lại trả lời không nộp được đồng nào. Làm như kiểu mặc cả ngoài chợ, không chịu nộp,” bà Oanh buồn rầu cho biết.

Về công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp, bà Oanh khẳng định: “Theo quy định, mỗi năm cơ quan thuế chỉ có lực lượng thanh tra 20% số doanh nghiệp, nhưng cứ tổ chức thanh kiểm tra là phát hiện vi phạm. Bởi vì các doanh nghiệp không chấp hành luật. Nếu còn dây dưa thuế phí, tình trạng này sẽ không bao giờ dứt được.”

“Nói thật là, ngày xưa các doanh nghiệp họ ý thức nên chấp hành hết, chứ bây giờ rất phức tạp. Cực kỳ khó xử, chứ làm mạnh tay, ai trốn thuế cứ cho bắt bỏ tù thì ai dám.”

“Nói thật là trong ngành khai khoáng này, hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có dây hết, nên con số nợ đọng thuế phí cứ kéo dài trên sổ. Trong khi, một số doanh nghiệp khai khoáng còn nợ đọng thế, trước đây xuất khẩu thô, nay đã ngừng hoạt động, chỉ còn lại đống sắt vụn,” người phát ngôn của Cục Thuế Cao Bằng nói./.

Bài 4: Sống bất an bên "đại công trường" khai thác mỏ ở Cao Bằng

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục