Để lưu trữ tài liệu và sách giáo khoa trong điều kiện chiến tranh, Tiểu ban Giáo dục R đã đào một căn hầm sâu và rộng chừng 80m2, thiết kế một sàn gỗ lớn cách tường hầm khoảng 0,6m để đi lại. “Để dưới hầm thì an toàn, nhưng mỗi lần soi đèn pin tìm sách thì những con chôm chôm lại nhảy choi choi vào mặt rất khó chịu,” cô giáo Đinh Lê Hà, nguyện cán bộ Văn thư- Phát hành, Tiểu ban Giáo dục R kể.
Thâu đêm in sách
Mùa hè năm 1968, sau thất bại của chiến dịch Mậu Thân, địch phản kích quyết liệt. Do các nhà giáo cũng tham gia chiến dịch nên các cơ sở trường lớp ở địa phương trước đây được cán bộ giáo dục dày công xây dựng hầu như bị xóa. Hoạt động của Tiểu ban Giáo dục gặp nhiều khó khăn do số cán bộ giáo dục hy sinh và bị bắt rất nhiều. Cô giáo Đinh Lê Hà được huy động về bộ phận Văn thư-Phát hành của Tiểu ban Giáo dục R. Năm ấy, cô Hà tròn 17 tuổi...
Dù hơn 40 năm đã trôi qua, bà Hà vẫn không thể quên những ngày đầu làm công tác văn thư, lưu trữ, bắt đầu làm quen với đánh máy chữ, in sách giáo khoa. “Anh Hiếu, tổ trưởng, ân cần hướng dẫn tôi đánh máy, cách đặt bàn tay trên phím, phân công các ngón tay, mắt nhìn vào trang bản thảo thế nào để vừa đọc bản thảo vừa đánh cho nhanh. Ban đầu tôi lóng ngóng, gõ lên chữ cứ như gà mổ thóc. Buổi tối, tôi chong đèn học thuộc vị trí các chữ cái trên bàn phím để sớm thành thạo. Nhờ vậy, trong vòng một tuần, tôi đã sử dụng được mười ngón tay, lướt nhanh gần như đánh vần. Chúng tôi đặc biệt lưu ý chữ i và o, vì các từ trong văn bản nếu nhầm thì nghĩa sẽ đổi rất tệ, như từ đồng chí, giáo dục,” bà Hà kể.
Khi đánh máy đạt cấp độ cao, bà Hà mới được giao nhiệm vụ đánh trên giấy stencil để in sách. Đó là loại giấy bằng chất liệu đặc biệt dai, được tráng qua một lớp sáp, khi đánh chữ lên đó, máy sẽ đục thủng lớp sáp. Lắp tờ giấy sáp vào khung lụa hoặc vải, kéo ru-lô tráng lớp mực in đi qua sẽ được trang sách đầy chữ. Phương pháp in stencil này được sử dụng tới năm 1973, khi Tiểu ban Giáo dục R được chi viện từ miền Bắc một số thiết bị in typo hiện đại hơn.
Trong điều kiện chiến tranh, phải đảm bảo tiêu chí gọn, nhẹ, vận chuyển thuận lợi nên sách được in theo khổ 13x19, chữ nhỏ, sắc nét để một trang được nhiều chữ.
Ban ngày làm việc ở cứ, ban đêm, bà Hà lại cùng đồng đội đi tải giấy mực, vật liệu văn phòng phẩm, gạo, muối, thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. “Nhiều khi đi cả đêm, ban ngày đánh máy buồn ngủ quá, đang nghe tiếng gõ giòn tan, phút chốc đã im bặt, quay lại thấy Hiền [đồng đội của bà Hà-PV] gục đầu vào máy ngủ rồi. Những hôm cần tài liệu gấp, chúng tôi làm việc xuyên đêm, đứa nọ phải canh đứa kia dậy, rửa mặt, vận động xua tan cơn buồn ngủ rồi lại đánh tiếp cho kịp,” bà Hà kể.
[Bài 1: Mặt trận giáo dục-đặc thù riêng có của chiến tranh Việt Nam]
Hàng ngày, vào một giờ nhất định, các đơn vị trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục cử nhân viên mang văn thư và những tài liệu, sách vở cần phát hành đến tại một điểm an toàn trong khu căn cứ. Địa điểm này được thay đổi luôn để bảo mật. Tài liệu cần chuyển về địa phương hoặc các cơ quan khác sẽ được chuyển ra trạm giao bưu. Ngoài các bọc tài liệu, sách giáo khoa, thư từ cần chuyển thì khi ra trạm giao bưu, ai cũng phải mang một khẩu tiểu liên để phòng biệt kích và thú dữ.
“Chúng tôi thường sử dụng lại những bản tin của Thông tấn xã Giải phóng đã đọc xong để làm phong bì. Gói sách giáo khoa bằng giấy dầu, loại dai như bao xi măng, để bảo vệ được sách khi vận chuyển trong điều kiện mưa gió, đi lại khó khăn khi phải tránh các trận càn của địch. Việc phân phối tài liệu, sách giáo khoa dựa trên số điểm trường, lớp ở các tỉnh và các cơ quan. Khi có thêm lớp, thêm trường sẽ được gửi bổ sung,” bà Hà chia sẻ.
Thư viện trong lòng đất
Để lưu trữ tài liệu và sách giáo khoa đã in, Tiểu ban Giáo dục Ra đã đào một căn hầm sâu và rộng chừng 70-80m2, dưới hầm thiết kế một lớp sàn gỗ lớn, chỉ cách tường hầm khoảng 0,6m để đi lại kiểm tra và xuất nhập sách vở, tài liệu. Hầm chứa sách như một thư viện mini trong lòng đất.
Thư viện trong lòng đất tránh được bom đạn kẻ thù, nhưng lại phải đối diện với nhiều mối nguy cơ khác như mối, mọt, ẩm mốc, đặc biệt là vào mùa mưa. Các cán bộ Văn thư-Phát hành tránh mối bằng cách buộc vào thân mỗi cột tiếp giáp đất một mảnh vải dày, cứ vài ba ngày lại thấm dầu vào miếng vải đó một lần để mối sợ mùi dầu không dám tới.
“Dưới hầm có rất nhiều con chôm chôm, chúng tôi hay gọi là con vũ nữ, cứ nghe hơi người là nó chạy nhảy choi choi, nhảy luôn vào mặt, vào người rất khó chịu. Để khắc phục, chúng tôi xếp sách thành một sơ đồ hợp lý, thuộc nằm lòng để khi cẩn soạn, chỉ quét đèn pin sơ qua là tìm được ngay, ít tốn pin mà lại khỏi làm bạn lâu với mấy con ‘chân dài’ này,” bà Hà cười kể.
Thư viên mini ngoài các tài liệu, sách giáo khoa còn có nhiều tiểu thuyết và truyện dịch như “Thép đã tôi thế đấy”, “Ruồi trâu”, “Sông Đông êm đềm”, “Thời thơ ấu”... Tranh thủ những giờ phút hiếm hoi được nghỉ ngơi để đọc sách, bà Hà bảo những tác phẩm văn học kinh điển ấy đã giúp bồi dưỡng cho vốn ngôn ngữ và những ước mơ thời thiếu nữ của mình được bay bổng hơn, ý chí cũng vững vàng hơn.
Còng lưng cõng sách
Với sự càn quét của địch, hoạt động văn thư cũng như mọi công tác khác đều phải liên tục di chuyển để bảo mật, an toàn. Nhưng với những cán bộ văn thư, phát hành như bà Hà, mỗi lần di chuyển là một lần đào hầm làm thư viện rồi còng lưng cõng sách từ điểm cũ sang điểm mới. “Chúng tôi bỏ sách vào từng bao lớn, cột dưới đáy bao hai cục giấy để giữ sách không bị bẩn và hỏng khi di chuyển, mỗi bao chừng 20 đến 30kg, tùy sức mỗi người, đeo trên lưng để mang đi,” bà Hà kể.
Trong ký ức của người cán bộ giáo dục năm xưa vẫn không quên được những lần địch tấn công, những cán bộ văn thư phải chạy đến điểm an toàn để giữ tính mạng, chờ giặc đi rồi lại quay về khuân vác sách giáo khoa, tài liệu sang cứ mới.
[Bài 2: Lớp học thời chiến và phong trào giáo dục "cơm chấm cơm"]
“Còn nhớ vào một ngày tháng 5/1970, chúng tôi được lệnh di chuyển khẩn cấp do có thông tin địch sẽ rải thảm vùng căn cứ Sáu Cầu. Đó là thời điểm bắt đầu trận càn Đông Dương. Trong vòng 15 phút, chúng tôi phải thu xếp tư trang cá nhân cùng với máy móc, công cụ để có thể làm việc bất cứu lúc nào. Khi ấy tôi mang hai ba lô, cái đằng trước là tư trang cá nhân, cái sau lưng là máy chữ, giấy và vật liệu đủ để dùng khi đi đường, đến cứ dự bị Côngpôngchàm ở sâu trên đất bạn Campuchia. Chúng tôi vừa đi vừa chạy, chỉ đi chừng 15 phút là nghe bom nổ ầm ầm nơi cứ cũ. Căn nhà của tôi trúng một trái bom, không còn lại một dấu vết gì là nơi tôi từng sống,” bà Hà kể.
Đến cứ mới, bà Hà cùng đồng đội căng tăng, mắc võng ở tạm, khi ổn định chỗ làm việc lại xây dựng thư viện mini, nhà ở... “Cứ như thế chúng tôi làm việc, lao động và chiến đấu không ngơi nghỉ. Xây dựng rồi bị giặc đánh phá, rồi tiếp tục xây dựng, từ khi phong trào giáo dục còn là số không, phát triển dần lên, quần nhau với giặc... Cho tới một ngày, chính là ngày 30/4/1975, chúng tôi đã vui sướng cùng nhau vào tiếp quản Bộ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Sài Gòn,” bà Hà xúc động chia sẻ./.
Bài 4: Thầy cô giáo bộ đội và niềm vui vỡ òa khi tiếp quản