Bài 3: Những cam kết chính trị để y tế cơ sở làm tròn vai 'người gác cổng'

“Kim chỉ nam” để “những người gác cổng y tế” dựng xây một Việt Nam khỏe mạnh

Bài 3: Những cam kết chính trị để y tế cơ sở làm tròn vai 'người gác cổng'

Những thành tựu quan trọng nhất của hệ thống y tế Việt Nam đều gắn chặt với những nỗ lực của y tế cơ sở, góp phần quan trọng giúp các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam cao hơn.

Mạng lưới y tế cơ sở hiện nay đã phủ rộng khắp toàn quốc, 100% xã phường/thị trấn có trạm y tế xã. Khi công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tại tuyến y tế cơ sở làm tốt sẽ góp phần quan trọng để giảm tải cho tuyến trên và quan trọng hơn là giảm chi phí, thời gian cho người dân khi khám, điều trị bệnh, nhất là các loại bệnh mãn tính có thể điều trị tại cơ sở.

Chính vì vậy, trong 20 năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chính sách quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở.

Chìa khóa đổi mới mạnh mẽ xương sống y tế

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở cho hay cả nước hiện có hơn 11.400 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản... Những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở được tổ chức đồng bộ, bao phủ rộng khắp, ở tất cả các xã đều có trạm y tế. Mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế cấp xã, có 2 chức năng chủ yếu, bao gồm cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân và điều tiết hệ thống và được xem là "người gác cổng hệ thống y tế."

Hệ thống y tế cơ sở có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là nơi tiếp xúc đầu tiên của người dân với hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Đây cũng là nơi phân tích, sàng lọc, phân loại để đảm bảo sự kết nối giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế phù hợp nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn mà hệ thống y tế cơ sở đã đạt được, công tác y tế cơ sở thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn.

VNP_c Hang.jpg
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là yếu tố hàng đầu của công tác an sinh xã hội, trực tiếp bảo vệ giống nòi, bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng chủ trương “Đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển.” Ngành y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế qua các thời kỳ.

“Đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển.”

Mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam không ngừng được củng cố qua các thời kỳ, trở thành xương sống của hệ thống y tế Việt Nam. Trong đó, ngày 22/01/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 06- CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Đây là văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng với nội dung riêng về y tế cơ sở, yêu cầu các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể quán triệt, nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của mạng lưới y tế cơ sở, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.

Sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX, mạng lưới y tế cơ sở đến nay đã bao phủ rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và có cơ chế vận hành hiệu quả. Những thành tựu quan trọng nhất của hệ thống y tế Việt Nam đều gắn chặt với những nỗ lực của y tế cơ sở, góp phần quan trọng giúp các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam cao hơn các quốc gia có cùng mức thu nhập.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám, chữa bệnh tại mạng lưới y tế cơ sở. Việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế tuyến xã có sự gia tăng đáng kể. Tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở tăng từ 86 triệu lượt (năm 2012) lên tới 113 triệu lượt (năm 2022); duy trì mức trên 70% tổng số lượt khám, chữa bệnh của cả hệ thống y tế. Tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong tổng số khám, chữa bệnh tại tuyến huyện là 14,6% và ở tuyến xã là 30,5%.

VNP_kham tram y té cc.jpg
Người dân đến khám tại Trạm Y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Trong giai đoạn hiện nay, y tế cơ sở đang được đẩy mạnh vai trò triển khai phòng, chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, y tế học đường; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, môi trường y tế. Đến nay có 85% số trạm y tế tuyến xã triển khai quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, quản lý bệnh nhân rối loạn sức khỏe tâm thần...

Trước những yêu cầu cần thay đổi để đáp ứng thực tế trong tình hình mới, ngày 25/10/2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở với quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong Chỉ thị nêu rõ: “Thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân…, mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ; đẩy mạnh phong trào rèn luyện, nâng cao sức khoẻ toàn dân.”

Mới đây, ngày 23/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030. Những văn bản quan trọng này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của y tế cơ sở trong thời gian tới.

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng đánh giá đây là 2 văn bản đặc biệt quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với công tác y tế trong thời gian tới. Nếu như Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030 được xem là chính sách chiến lược chung, bao trùm toàn bộ phạm vi hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong đó dành ưu tiên hàng đầu cho y tế cơ sở thì Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư được xem là chính sách chiến lược được thiết kế riêng cho mạng lưới y tế cơ sở. Những chính sách chiến lược này không chỉ đề ra chiến lược tiếp cận, mục tiêu cần hướng tới, danh mục ưu tiên (hay các nhóm nhiệm vụ giải pháp chính) để phát triển và đổi mới mạng lưới y tế cơ sở, mà còn cả phương thức thực hiện các ưu tiên để hướng tới mục tiêu mong muốn.

Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư được xem là chính sách chiến lược được thiết kế riêng cho mạng lưới y tế cơ sở.

Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 5/4/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Kế hoạch nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân về công tác y tế cơ sở; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho công tác y tế cơ sở. Về nhiệm vụ, giải pháp, Kế hoạch nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.

Kế hoạch đưa ra với những mục tiêu rõ ràng về luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sỹ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo hoặc tập huấn về chuyên môn. Ngành y tế nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ cho nhân lực y tế cơ sở tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở.

Theo Kế hoạch, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số, trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả, trên 95% dân số được quản lý sức khỏe, người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân.

“Kim chỉ nam” cho y tế cơ sở

Tư lệnh ngành Y tế cho biết trong thời gian qua, để triển khai thực hiện Chỉ thị 25, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình ưu tiên dành cho y tế cơ sở như nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, triển khai các chính sách về cơ chế tài chính, đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở...

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng thì cho hay Chỉ thị số 25-CT/TW đã khẳng định quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.

Chỉ thị xác định rõ những ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế cơ sở, theo đó nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở.

VNP_Vĩnh phú tây 2.jpg

Theo bà Hằng, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp và đảm bảo đội ngũ nhân lực này hoạt động một cách hiệu quả trong việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng dân cư là yêu cầu được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư. Những định hướng ưu tiên về đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng được nêu trong Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đối với tự thân mạng lưới y tế cơ sở, những định hướng này giúp nâng cao năng lực toàn diện (bao gồm năng lực chuyên môn, quản lý và tài chính) một cách bền vững.

Chỉ thị số 25-CT/TW đã khẳng định quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân.

Về tài chính, Chỉ thị số 25 nhấn mạnh vai trò chủ chốt của Đảng và Nhà nước cũng như trách nhiệm đảm bảo nguồn tài chính đẩy đủ ở cấp độ quốc gia cũng như cấp độ địa phương để đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở. Đó là chưa bao giờ, sự quan tâm của hệ thống chính trị và người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và mạng lưới y tế cơ sở lại cao như hiện nay. Những chính sách chiến lược mới liên quan tới y tế cơ sở được ban hành trong thời gian gần đây được cập nhật những xu hướng đổi mới mang tính toàn cầu về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đã xác định rõ con đường phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe sẽ từng bước được cải thiện. Sự phối hợp giữa Bộ Y tế và các địa phương, giữa ngành y tế với các ban, ngành, đoàn thể đối với sự phát triển mạng lưới y tế cơ sở ngày càng gắn kết và có hiệu quả hơn.

Bà Phan Lê Thu Hằng cho hay Bộ Y tế kiến nghị cần tăng cường cam kết chính trị và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động của y tế cơ sở. Bộ Y tế cũng mong muốn Đảng, Chính phủ và Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế của y tế cơ sở và tạo niềm tin cho người dân, đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cấp xã.

Thực tế cho thấy việc thực hiện thành công các chính sách về y tế cơ sở sẽ phụ thuộc phần lớn vào chính các địa phương, theo đó sự vào cuộc một cách tích cực và chủ động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư địa phương đóng vai trò quyết định./.

b45de8a9bc5a1a04434b.jpg
Nhân viên y tế theo dõi sức khỏe cho trẻ nhỏ sau tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục