Bài 3: Ngang nhiên chạy chui, vì sao chưa “trói” được Uber?

Uber chưa có giấy phép kinh doanh vận tải ở Việt Nam nhưng vẫn cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải là vi phạm pháp luật.
Uber chưa có giấy phép kinh doanh vận tải ở Việt Nam. (Nguồn: businessofapps.com)

Không thể phủ nhận Uber đã mang đến cho khách hàng giá rẻ hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn so với taxi truyền thống, tuy nhiên, Uber chưa có giấy phép kinh doanh vận tải ở Việt Nam nhưng vẫn cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải là vi phạm pháp luật.

Và như vậy, hàng nghìn xe Uber đã được tài xế đăng ký với hãng này vẫn đang ngang nhiên chạy… chui. Sau mỗi đợt ra quân của lực lượng chức năng, lái xe cũng nơm nớp lo ngại về tính pháp lý của chính dịch vụ này.

Lình xình về giấy phép

Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp phép thí điểm cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam thực hiện Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng trên địa bàn một số địa phương.

Về lý thuyết, Uber chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên thực tế, Uber vẫn đang hoạt động bình thường tại các thành phố lớn.

Để hiểu rõ hơn về bản chất của Uber và Grab, cần phải phân tích rằng, nếu như Grab đăng ký kinh doanh là "vận tải hành khách" và "vận tải hàng hóa" thì công ty con của Uber ở Việt Nam (Uber Việt Nam) lại chỉ nhận vai trò "tư vấn quản lý", "nghiên cứu thị trường".

Các tài xế Uber được điều hành bởi Uber BV (Hà Lan), ký hợp đồng với đối tác ở Hà Lan, doanh thu tại Việt Nam được chuyển về Hà Lan còn Uber Việt Nam lại không được công ty mẹ ủy quyền việc này. Do đó, khi phát sinh vướng mắc, khách hàng sẽ phải kiện thẳng tới Uber BV, còn Uber Việt Nam không liên quan.

[Tài xế vỡ mộng làm giàu từ Uber, dùng chiêu kiếm thêm thu nhập]

  

Trong khi tại Grab, tất cả các lái xe phải ký hợp đồng với hợp tác xã vận tải để chạy xe dưới dạng hợp đồng thì tại Uber, vẫn còn rất nhiều chủ xe không thuộc một hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải nào cả. Do đó, trong khi Grab thông qua các hợp tác xã, dễ dàng kê khai và thu hộ thuế của tài xế thì Uber lại không thể. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Bộ Giao thông Vận tải "tuýt còi" đề án mới đây của Uber Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, về luật, Uber Việt Nam không bị cấm hoạt động. Bất cứ doanh nghiệp nào muốn hoạt động thì phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh, hiện Uber mới đăng ký “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận” chứ chưa đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ xe vận tải hợp đồng nên cần bổ sung.

[Uber Việt Nam vẫn hoạt động "chui", ngoài vòng đề án thí điểm]

“Hiện tại, các cá nhân ký kết hợp đồng với Uber mà không có đăng ký kinh doanh vận tải, không có hợp đồng sẽ bị xem là ‘chạy chui’ và xử lý. Các Sở Giao thông Vận tải như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý rất nhiều trường hợp như thế này, nếu xe cá nhân nhàn rỗi, không có đăng ký kinh doanh vận tải, không hợp đồng... chạy xe Uber là sai và sẽ bị xử lý hành chính,” Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, từ khi vào nước ta tới nay Uber vẫn chưa đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo luật. Ban đầu khi Uber vào, do chưa có mô hình nên các bộ, ngành tỏ ra lúng túng, nhưng sau khi đã có kinh nghiệm quản lý, vẫn không đưa ra được hướng xử lý.

“Về mặt quản lý Nhà nước, vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Nhà nước quản lý giá. Uber không đăng ký giá theo quy định của Bộ Tài chính vì thế Nhà nước cũng bị thất thu về thuế. Chưa kể, khi Uber hoạt động chui nhưng không có chế tài và thiếu bộ máy nên lực lượng tuần tra cũng không xử lý triệt để được các xe liên kết Uber,” ông Thanh cho biết.

Taxi truyền thống “kêu”, Uber phải có phù hiệu xe

Những người lái xe tham gia Uber trong những ngày qua không khỏi băn khoăn bởi nếu Uber không đủ điều kiện hoạt động đồng nghĩa với việc có nhiều lái xe Uber hiện nay sẽ bị ảnh hưởng.

Đa số cánh tài xế Uber đều mong muốn là sẽ có hành lang pháp lý cho taxi Uber hoạt động, quan trọng hơn là làm cho tài xế yên tâm về tính pháp lý của dịch vụ trong kinh doanh, để hoạt động taxi được hợp pháp, ổn định và an toàn.

“Làn sóng” ứng dụng công nghệ dịch vụ kết nối vận tải của Grab và Uber cũng đã khiến các hãng taxi truyền thống phải chuyển mình trước “cơn bão” xu thế của thời đại. Tuy nhiên, taxi hiện vẫn bị “trói” bởi các quy định trong đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải khi phải có số lượng xe quy định, logo thương hiệu hãng, hệ thống quản lý giám sát...

Đại diện taxi Thanh Nga cho biết, dù có áp dụng công nghệ, không hãng taxi truyền thống nào chạy đua được với giá cước 6.000 đồng/km như Uber bởi các xe đăng ký Uber không mất chi phí bảo hiểm, thương hiệu, bộ đàm… nên giá thành sẽ giảm hơn so với chi phí đầu tư của hãng taxi truyền thống.

“Ngoài ra, tất cả xe chạy Uber hiện nay đều không dán phù hiệu xe hợp đồng nên xe tư nhân có thể dễ dàng trà trộn để chạy taxi, khiến việc quản lý hết sức phức tạp, môi trường kinh doanh trở nên bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh,” đại diện taxi Thanh Nga nhìn nhận.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã công bố dự thảo lấy ý kiến người dân cùng các bộ ngành, tổ chức liên quan. Theo đó, xe ôtô hợp đồng dưới 9 chỗ bao gồm Uber, GrabTaxi là loại hình vận tải cũng phải có phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật đối với loại hình này. Trong quá trình hoạt động, xe Uber và Grab cũng phải tuân thủ theo quyết định phân luồng tổ chức giao thông như taxi.

Hà Nội đề xuất xe ôtô hợp đồng dưới 9 chỗ bao gồm Uber, GrabTaxi là loại hình vận tải cũng phải có phù hiệu xe hợp đồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngoài tính pháp lý, một trong những vấn đề nóng nhất của Uber trong những năm qua là việc truy thu thuế của đơn vị này. Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi nào xác định rõ tính pháp lý của Uber thì việc truy thu thế của đơn vị này sẽ thực hiện một cách dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, Uber đã kết nối nhu cầu của khách hàng cần đi lại. Toàn bộ doanh thu vận chuyển chuyển khoản do Uber thu về Hà Lan sau đó chuyển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam 80%. Doanh thu bằng tiền mặt tổ chức, cá nhân vận tải giữ lại 80%, sau đó chuyển cho Uber 20%, như vậy có thể thấy Uber kiểm soát toàn bộ doanh thu.

[Bộ Tài chính chính thức chốt phương án kê khai, nộp thuế của Uber]

“Cơ quan thuế sẽ phải xác định doanh thu quy đổi để tính thuế cho cả phía Uber Hà Lan và đối tác vận tải Việt Nam thông qua số tiền chuyển 20% trả cho Uber qua tài khoản để quy đổi 100% phát sinh,” bà Cúc phân tích.

Với những biện pháp rắn trong thời gian qua, Uber sẽ không thể “một mình một ngựa” chạy trên con đường riêng của mình, chắc chắn đơn vị này phải xây dựng lại đề án nếu muốn hoạt động tại Việt Nam, từ đó đem đến sự bình đẳng trong kinh doanh./.

Bài 4: Taxi truyền thống vừa ganh tỵ vừa lo sợ Uber và Grab "xóa sổ"? 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục