Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước, Quốc hội khóa XV được kỳ vọng ngày càng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn
- Quốc hội khóa XV vẫn có 500 đại biểu, trong đó đại biểu chuyên trách tăng từ 35% ít nhất lên 40%. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chất lượng đại biểu mới là yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách là yêu cầu hết sức bức thiết được đặt ra trong các nhiệm kỳ vừa qua và chúng ta đã tiến hành theo lộ trình tăng dần để phù hợp với điều kiện thể chế và kinh tế-xã hội của đất nước.
Tôi cho rằng việc tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách là tăng lượng đại biểu tập trung toàn bộ thời gian để thực hiện nhiệm vụ đại biểu khi vấn đề về kinh tế-xã hội và các vấn đề khác của Quốc hội ngày càng phong phú, phức tạp. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với các cuộc khủng hoảng cũng như cạnh tranh về kinh tế toàn cầu hết sức khốc liệt thì rõ ràng cần lực lượng đại biểu chuyên trách chuyên sâu có kiến thức, kinh nghiệm để tạo nên dấu ấn về trí tuệ của Quốc hội trong các diễn đàn.
Tuy nhiên, việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách là cần thiết nhưng vấn đề đặt ra là chất lượng. Nếu tăng về mặt số lượng nhưng không tăng về mặt chất lượng thì không giải quyết được bài toán cuối cùng, đó là chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh việc cơ cấu Đại biểu Quốc hội được giới thiệu từ cơ quan chuyên trách của Quốc hội hay đại diện bộ, ngành thì còn có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Đây là lực lượng cán bộ có chuyên môn hết sức phong phú qua thực tiễn và đang đảm đương công việc ở nhiều lĩnh vực sẽ đảm bảo tiếng nói hết sức toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng tại các kỳ họp của Quốc hội.
Như vậy, tăng chuyên trách là cần thiết nhưng chất lượng đại biểu chuyên trách mới là mục tiêu cuối cùng. Và chất lượng đó thể hiện qua các quyết sách của Quốc hội trong nhiệm kỳ XV này.
- Là Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, ông đánh giá như thế nào về vị trí, vai trò, chất lượng của đại biểu Quốc hội tại các phiên chất vấn, diễn đàn ở nghị trường?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Nếu ý kiến nói rằng tăng chuyên trách cũng có nghĩa là Quốc hội, các kỳ chất vấn sẽ tốt hơn thì cũng chưa đủ căn cứ để khẳng định mà phải liên quan đến chất lượng đại biểu. Vì vậy, số đại biểu dành toàn bộ thời gian tâm huyết cho công việc ở Quốc hội tăng thì về con số có thể khẳng định, nhưng chất lượng có tăng hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào việc hiệp thương để lựa chọn và đề xuất các nhân sự vào các vị trí, đây là khâu quan trọng đầu tiên.
Khâu thứ hai là sự chọn lựa và sàng lọc của cử tri bởi chính họ sẽ là người lựa chọn đại biểu của mình. Do vậy, tôi hy vọng cử tri hết sức sáng suốt, thể hiện trách nhiệm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh mà cụ thể là cơ quan quyền lực cao nhất để thực hiện mục tiêu Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đảm đương trách nhiệm trước yêu cầu mới.
[Bầu cử Quốc hội: Phát huy vai trò cầu nối giữa cử tri và Quốc hội]
Với đại biểu chuyên trách, họ sẽ toàn tâm toàn ý học hỏi các kỹ năng, kinh nghiệm, rèn rũa phương pháp của mình để thể hiện và khẳng định. Đại biểu chuyên trách làm việc ở chính cơ quan Quốc hội sẽ không bị ràng buộc trách nhiệm liên quan đến ngành, lĩnh vực nhiều và như vậy sự độc lập, tinh thần phản biện được nâng lên. Với những yếu tố này, tôi hy vọng Quốc hội nhiệm kỳ XV sẽ tiếp tục sôi động và có chất lượng, hiệu quả hơn.
- Đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân và gửi gắm đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết thấu đáo các kiến nghị này như thế nào, thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Một trong những nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là phải sâu sát, lắng nghe ý kiến của cử tri; trong đó có nhiều tâm tư, nguyện vọng hay các vụ việc cử tri nêu để từ đó chuyển đến diễn đàn Quốc hội hay tới các bộ, ngành, các cơ quan chức năng để giải quyết. Đại biểu Quốc hội cũng thực hiện chức năng giám sát của các cơ quan này.
Thực tế, nhiệm kỳ qua, hầu hết các đại biểu Quốc hội đã làm tốt nhiệm vụ này, chuyển tải những vấn đề nhân dân quan tâm tới diễn đàn Quốc hội và những “hơi thở" của đời sống cũng làm "nóng" nghị trường Quốc hội… Có thể thấy rằng những vấn đề của đời sống đã vào diễn đàn Quốc hội rất tự nhiên và sinh động, từ trách nhiệm và sự tận tụy hết lòng vì nhân dân của đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn “nợ” cử tri và nhiều vụ việc chưa thể đi đến cùng. Cũng có đại biểu quá bận công tác chuyên môn nên chưa dành thời gian toàn tâm, toàn ý để chuyển tải hết những vấn đề của cử tri tới Quốc hội.
Từ góc độ cá nhân, tôi thấy mình vẫn còn “nợ” cử tri và sẽ cố gắng “trả nợ” dần dù ở vị trí nào đi chăng nữa, kể cả không còn là đại biểu Quốc hội nhưng với chức trách, nhiệm vụ được phân công tôi tự thấy mình vẫn cần phải nỗ lực quan tâm tới các vấn đề của cử tri, bởi mình là cán bộ Đảng viên.
Gắn bó với cử tri là bổn phận của đại biểu Quốc hội
- Theo ông, trách nhiệm của mỗi cử tri là như thế nào để có thể lựa chọn được đại biểu Quốc hội vừa có đức, có tài nhằm nói lên tiếng nói của mình?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Từ thành công của nhiệm kỳ vừa qua, nhiệm kỳ tới, đại biểu Quốc hội cần phải quan tâm tới việc lắng nghe, chuyển tải ý kiến cử tri, muốn vậy phải đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri để hoạt động này thực sự là một diễn đàn dân chủ từ việc tổ chức đảm bảo nhiều cử tri đến hội nghị, không được chuyên nghiệp hóa cử tri bởi bất kỳ ai quan tâm đều có cơ hội đến.
Cử tri nếu được lựa chọn thì phải chọn những người thực sự điển hình, có tính đại diện cao, lắng nghe nguyện vọng từ chính phía cử tri và đủ mạnh dạn để nói với đại biểu Quốc hội những vấn đề mà cử tri quan tâm. Họ cũng phải có khả năng diễn đạt, khả năng giám sát và khả năng theo dõi.
Mặt khác, chúng ta quan tâm tới tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri ở nơi đại biểu Quốc hội sinh sống và tiếp xúc theo các vấn đề cụ thể. Khi có một điểm nóng nào đó, đại biểu Quốc hội phải về để lắng nghe cử tri mà không đợi đến kỳ họp. Cách thức này sẽ giúp cho việc lắng nghe ý kiến hết sức kịp thời, toàn diện, đầy đủ, đa chiều để từ đó chuyển tới Quốc hội một cách tự nhiên nhưng cũng đảm bảo giải quyết các vấn đề mà cử tri nêu.
Cuối cùng, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội không chỉ đến với cử tri do kỳ tiếp xúc mà gắn bó với cử tri, coi đó như là một bổn phận của đại biểu Quốc hội vì đại biểu Quốc hội là đại diện của cử tri bầu ra.
- Quốc hội khóa XIV đã đạt được nhiều thành công và được người dân đánh giá cao qua các phiên họp. Vậy ông kỳ vọng gì vào Đại biểu Quốc hội khóa XV?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Xu thế chung, thời gian qua đất nước ta liên tục phát triển, thường là nhiệm kỳ sau phát triển hơn nhiệm kỳ trước. Phải khẳng định, chúng ta đã có nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV thành công toàn diện. Tuy nhiên, với tinh thần của Nghị quyết Đại hội 13, đó là cả dân tộc phải nỗ lực thực hiện khát vọng về một Việt Nam thực sự thịnh vượng, hùng cường, phồn vinh và phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta là một nước phát triển thì một trong các cơ quan có vai trò hết sức quan trọng đó chính là Quốc hội-nơi tập trung quyền lực, ý chí nguyện vọng của người dân-phải thực sự đổi mới, nâng cao chất lượng mới, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hết sức to lớn này.
[Bầu cử QH: Lựa chọn những ứng cử viên ưu tú để cử tri bầu chọn]
Tôi kỳ vọng trong bối cảnh thế giới phát triển, sự sàng lọc của cử tri sẽ ngày càng có chất lượng hơn, bởi rõ ràng cử tri ngày càng có nhiều thông tin cho sự lựa chọn hơn, thông minh hơn trong việc lựa chọn của mình. Cùng với đó là sự chuẩn bị, lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp Ủy đảng để có được những đại biểu thực sự xứng đáng, vừa có tài có đức và điều quan trọng là những đại biểu gắn bó với cử tri, trăn trở, lo lắng những vấn đề của cử tri, suy nghĩ những vấn đề của cử tri quan tâm.
Hy vọng Quốc hội khóa XV đổi mới, kiến tạo để trở thành cơ quan hình mẫu trong hệ thống chính trị của nước ta.
- Là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhưng cũng là lãnh đạo trong khối lao động, qua các cuộc tiếp xúc, tiếng nói của người lao động đã được đại biểu Quốc hội thể hiện ra sao tại các kỳ họp hay tiếp xúc cử tri, thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Công nhân viên chức lao động là một lực lượng hết sức quan trọng trong xã hội, nhất là trong bối cảnh chúng ta hội nhập và đang coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.
Qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, với cả 2 tư cách, tôi đã lắng nghe nhiều ý kiến của anh em công nhân người lao động; trong đó vấn đề nổi lên là Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, trong đó đạt tới mục tiêu cuối cùng là người lao động được hưởng xứng đáng các thành quả đổi mới cũng như đất nước phát triển từ sức lao động của chính họ; quan tâm tới các vấn đề phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, nơi khám bệnh, vui chơi giải trí.
Người lao động rất mong muốn đất nước phát triển và trong các chính sách chung cần hết sức quan tâm tới con cái họ vì trẻ em chính là tương lai của đất nước và là tương lai của lực lượng lao động. Xã hội phát triển đòi hỏi chúng ta phải quan tâm tới những đối tượng yếu thế, những người còn khó khăn để đảm bảo cho họ yên tâm lao động, sản xuất, đóng góp công sức trí tuệ của mình cho đất nước nhiều hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mời độc giả đón đọc cả loạt bài:
Bài 1: Bài học từ phát huy dân chủ, “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”
Bài 2: Đại biểu Quốc hội: Cần những người hội đủ đức, tâm và tầm
Bài 3: 'Mục tiêu cuối cùng là chất lượng hoạt động của đại biểu QH'