Nạn buôn bán người - Đừng để nỗi đau tận cùng cho nạn nhân và người thân

Bài 3: Lấp đầy những “lỗ hổng” pháp lý trong phòng, chống mua bán người

Sửa đổi Luật Phòng, Chống Mua Bán người, tiếp tục hoàn thiện, thống nhất các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến loại tội phạm phi nhân tính này đang là yêu cầu cấp thiết, khách quan…
Các nạn nhân mua bán người được bảo vệ an toàn để bàn giao cho gia đình. (Ảnh: TTXVN/phát)

Luật Phòng, Chống Mua Bán người được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 9 thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2012.

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song cũng bộc lộ những bất cập khi áp dụng các quy định vào thực tiễn, nhất là trong công tác phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận, xác minh, nguồn lực bảo đảm. Đây phần nào là một trong những nguyên nhân tội phạm mua bán người chưa bị trừng trị nghiêm minh hoặc để lọt tội phạm.

Sửa đổi Luật Phòng, Chống Mua Bán người, tiếp tục hoàn thiện, thống nhất các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến loại tội phạm phi nhân tính này đang là yêu cầu cấp thiết, khách quan…

Theo Bộ Công an, một số quy định trong Luật Phòng, Chống Mua Bán người hiện không bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước, không còn phù hợp với quy định của các luật được ban hành sau như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Trợ giúp Pháp lý năm 2017, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra Hình sự và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành có liên quan…

Các quy định cụ thể của Luật Phòng, Chống Mua Bán người chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết liên quan đến mua bán người. Hành vi “mua bán người” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Điều 3 của Nghị định thư về việc Ngăn ngừa, Phòng, Chống và Trừng trị việc Buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về Phòng, Chống Tội phạm có Tổ chức, Tội phạm xuyên Quốc gia còn khác biệt dẫn đến xác định tiêu chí nạn nhân trong các vụ án chưa phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người hiện hành.

Nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người hiện không còn phù hợp, mâu thuẫn với các luật có liên quan, dẫn đến khó khăn trong thực hiện...

Phân tích những bất cập, khó khăn trong thi hành Luật, Bộ Công an cho hay những tồn tại, khó khăn này đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống mua bán người và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, Chống Mua Bán người là cần thiết nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Do đó, Bộ Công an đề xuất dự thảo Luật Phòng, Chống Mua Bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 62 điều nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những đòi hỏi cấp bách trong việc hoàn thiện Luật Phòng, chống tội phạm mua bán người (sửa đổi), bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam cho rằng sau hơn 10 năm thi hành Luật Phòng, Chống Mua Bán người, đây là thời điểm thích hợp để rà soát, sửa đổi luật. Đây là một bước cần thiết để đảm bảo Việt Nam được trang bị để ứng phó với các xu hướng và nguy cơ buôn bán người đang nổi lên, vốn ảnh hưởng không đồng đều đến tất cả mọi người, bao gồm cả nam giới, phụ nữ, người già, trẻ em trai và trẻ em gái.

Đã đến lúc, chúng ta cần tăng nặng hình phạt đối với tội phạm mua bán người, đặc biệt là tội phạm mua bán người trên không gian mạng, để răn đe tội phạm mua bán người và gửi thông điệp mạnh mẽ đây là tội phạm nghiêm trọng cần phải ngăn chặn. Để làm như vậy, chúng ta cần tăng cường các cơ chế để điều tra, truy tố và kết án những kẻ buôn người một cách hiệu quả, bao gồm đào tạo chuyên sâu cho lực lượng thực thi pháp luật và công tố viên xử lý các vụ buôn bán người và đảm bảo việc thực thi nhất quán ở cấp Trung ương và địa phương.

“Việc sửa đổi luật cần xem xét tăng cường các chính sách hỗ trợ và mức độ hỗ trợ đối với nạn nhân buôn bán người để giúp họ hòa nhập cộng đồng bền vững và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn," bà Park Mihyung nhấn mạnh.

Các chiến sỹ công an xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Đỉnh Sơn 1 nhận diện các thủ đoạn, phương thức của tội phạm mua bán người, bào thai. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

“Giải quyết hiệu quả nạn buôn người đòi hỏi phải có dữ liệu cập nhật và đáng tin cậy để làm cơ sở thực nghiệm cho các chính sách, chương trình và hỗ trợ cho các nạn nhân. Do đó, việc sửa đổi luật nên xem xét thể chế hóa việc thiết lập cơ sở dữ liệu buôn người tập trung, bao gồm cả dữ liệu về nạn nhân và nhu cầu hỗ trợ của họ. Về vấn đề này, IOM sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thu thập, cập nhật, phân tích và sử dụng những dữ liệu," bà Park Mihyung khẳng định.

Đề cập đến những đòi hỏi cần khắc phục, tháo gỡ trong đấu tranh với vấn nạn mua bán người, nhiều ý kiến cho rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến vấn nạn này còn có sự đan xen, mâu thuẫn, chưa có sự thống nhất.

Một số quy định về hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân bị mua bán đến nay không còn phù hợp với thực tế, thiếu khả thi... Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Bộ luật Hình sự về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em. Theo đó, cần nâng độ tuổi nạn nhân bị mua bán tại Điều 151 Bộ luật Hình sự là người dưới 18 tuổi (hiện nay là người dưới 16 tuổi) và sửa tên tội danh cho phù hợp. Bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi là pháp nhân thương mại…

Cảnh báo về một số quy định của pháp luật liên quan đến loại tội phạm này đang gặp vướng mắc, gây khó khăn trong công tác điều tra, xét xử, nhất là với việc xuất hiện hành vi mới là mua bán thai nhi trong bụng mẹ, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an), cho rằng việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn trong công tác xử lý.

Xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ ra nước ngoài sinh con rồi bán có dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam chưa khởi tố được người mẹ nào bán thai nhi như vậy. Ngoài lý do vì nhân đạo, nguyên nhân khiến cơ quan chức năng chưa xử lý được là vì luật pháp của nước ta chưa quy định về hành vi mua bán bào thai. Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có quy định nào về hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ để làm cơ sở, căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự.

Do đó, cơ quan chức năng cần sớm xem xét hoàn thiện khung pháp lý xử lý hành vi mua bán bào thai, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong xử lý vi phạm liên quan đến mua bán bào thai - Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

Kết quả khảo sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành mới đây ở một số địa phương cho thấy, những nguyên nhân hạn chế đối với vấn nạn này xuất phát từ các quy định của pháp luật liên quan phòng, chống mua bán người được ban hành đã lâu, không còn phù hợp thực tiễn.

Đại diện Bộ đội Biên phòng Cao Bằng bàn giao cháu bé là nạn nhân một vụ buôn bán người cho cơ quan bảo trợ xã hội địa phương. (Ảnh: Nông Tuấn/TTXVN phát)

Trong khi đó, quy định pháp luật thiếu sự thống nhất giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, Chống Mua Bán người, gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý. Mặt khác, việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương chưa nghiêm. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng này chưa thật sự đáp ứng yêu cầu.

Ðể nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, giải pháp trọng tâm, mang tính chiến lược là sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống mua bán người, sửa đổi Luật Phòng, Chống Mua Bán người là yêu cầu cấp thiết.

Cơ quan của Quốc hội đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý địa bàn, biên giới, trên biển, xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải cứu, tiếp nhận nạn nhân.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; sớm trình cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền, sửa đổi các quy định liên quan chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng./.

Bài 1: Nạn nhân buôn người và những cuộc đời bị đánh cắp

Bài 2: Mua bán người - Tội ác phải bị luật pháp nghiêm trị

Bài 4: "Gia đình mới" giúp những cô gái trẻ tái hòa nhập cộng đồng

Bài cuối: Quyết tâm không để tội phạm mua bán người tiếp tục gây tội ác

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục