Kỳ tuyển dụng viên chức của huyện Thạch Thất năm 2015 không chỉ xuất hiện nhiều nghi vấn trong các khâu tổ chức. Đáng buồn hơn, nó trở thành một “công cụ sàng lọc” để hất hơn chục cán bộ chuyên trách dân số và kế hoạch hóa gia đình thuộc các xã nghèo ra khỏi công việc vốn đã gắn với họ cả chục năm nay. Họ, hoặc bị gạt bỏ khỏi kỳ tuyển dụng từ đầu, hoặc không vượt qua nổi kỳ kiểm tra lạ kỳ của cấp trên. Những người cầm cân nảy mực của Thạch Thất không quan tâm đến yếu tố thâm niên công tác, ký một loạt các quyết định thôi trả lương cho họ.
[Xung quanh chuyện tuyển dụng viên chức "kỳ lạ" ở huyện Thạch Thất]
Bỗng dưng mất việc sau hàng chục năm công tác
Kỳ tuyển dụng viên chức diễn ra tháng 7/2015 tại huyện Thạch Thất, Hà Nội được tiến hành theo kế hoạch 200/KH-UBND do huyện này ban hành và được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, thông qua.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, theo kế hoạch nói trên, những cán bộ, bất chấp thời gian công tác mà nằm ngoài khung độ tuổi giới hạn từ 18-45 đương nhiên sẽ không được tham dự. Điều này đồng nghĩa với việc họ bị “gạt” ra khỏi vị trí làm việc vốn đã gắn bó với mình cả hàng chục năm mà không được bất cứ quyền lợi nào.
Trong số 23 cán bộ chuyên trách dân số kế hoạch hóa gia đình thuộc 23 xã, thị trấn của Thạch Thất có hai trường hợp như vậy.
Chị Nguyễn Thị Nhài, năm nay 51 tuổi thì đã có tới gần 30 năm công tác tại vị trí cán bộ chuyên trách dân số cấp xã.
Người phụ nữ trước mặt chúng tôi, mắt đã đỏ hoe khi nghĩ về những gì mình đang phải trải qua. Chị kể: “Tôi có bằng trung cấp y tế, từng làm công tác dân số cho xã đã gần 30 năm với đồng lương còm cõi. Trong suốt thời gian này, tôi không được ký hợp đồng lao động, không có bảo hiểm.”
Đến tháng 11/2012, chị Nhài là một trong số 12 người được xét tuyển để trở thành viên chức Nhà nước. Chưa kịp vui mừng, thì kế hoạch này lại đột ngột bị dừng lại do những điều chỉnh về chính sách của Bộ Nội vụ. Chị lại phải mỏi mòn chờ đợi cơ hội khác sẽ tới với mình.
[Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng huyện: Trong đề chung có cái riêng?]
Tuy nhiên, đến kỳ tuyển dụng 2015, người phụ nữ khốn khổ xã Bình Phú ấy lại nhận được thông báo mình không nằm trong diện được tham gia vì đã quá tuổi. Lo lắng, ngày 16/8, chị đã gửi đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại cả quá trình công tác và xin được giữ lại vị trí công tác đến hết tuổi lao động. Thế nhưng, phũ phàng hơn, chỉ hơn 1 tháng sau, tới đầu tháng 10/2015, để hoàn tất việc “hất văng” chị, trung tâm dân số huyện Thạch Thất đã ban hành công văn chính thức chấm dứt trả lương cho vị cựu cán bộ dân số khốn khổ này.
Đến tận bây giờ, chị vẫn không thể hiểu nổi vì sao mình bị đối xử phũ phàng đến vậy khi chỉ một vài năm nữa chị sẽ đến tuổi về hưu. Cũng từ đó, ngày ngày chị liên tục đội đơn gõ cửa các cơ quan có thẩm quyền để cầu cứu. Nhưng mọi nỗ lực vẫn cứ rơi vào thinh không.
Tương tự hoàn cảnh của chị Nhài là trường hợp của chị Nguyễn Thị Huyền, cựu cán bộ dân số xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất. Chị Huyền được bổ nhiệm làm cán bộ chuyên trách dân số xã theo quyết định số 215 ngày 26/9/1996 do ông Khuất Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất thời điểm đó ký. Cũng do quá tuổi quy định, chị Huyền đã bị gạt bỏ khỏi kỳ thi tuyển và cuối cùng trắng tay “nhờ” quyết định thôi lương số 24/CV-TTDS từ trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Thạch Thất.
Ngoài hai trường hợp của chị Nhài và chị Huyền, khá nhiều cán bộ phụ trách dân số cấp xã khác cũng bị loại bỏ ra khỏi kỳ tuyển dụng viên chức năm 2015 do không đủ điều kiện về bằng cấp. Điển hình là các chị Đỗ Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Nga đều không được dự tuyển do bằng tốt nghiệp không đúng với chuyên ngành cần tuyển.
Tổng cộng, chỉ tính trong nhóm các cán bộ dân số cấp xã, có tới 8 trường hợp đã được “đặt ngoài” diện được có cơ hội trở thành viên chức Nhà nước, bất chấp thâm niên công tác.
Phải rút đơn mới cho làm tiếp?
Trong số những người may mắn hơn đủ điều kiện dự tuyển, trường hợp của chị Khuất Thị Chiều, nguyên cán bộ dân số xã Cẩm Yên, Thạch Thất là bi hài hơn cả. Tham dự kỳ tuyển dụng “lạ lùng,” chị Chiều không đạt. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, xã Cẩm Yên cũng không có ai đỗ viên chức. Thay vì xem xét cho chị Chiều tiếp tục đảm trách vị trí mà người phụ nữ này đã làm việc trong suốt 12 năm qua, Ủy ban nhân dân xã Cẩm Yên đã cử một cán bộ văn hóa sang tạm thay thế.
Ngoài xã Cẩm Yên, 3 xã khác cũng trong tình trạng “trắng” người trúng tuyển. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ: Các xã khác đều nhanh chóng đưa các cán bộ chuyên trách dân số cũ trám vào vị trí này theo đúng quy định.
Chị Chiều cho hay: Lý do chính khiến chị không được tái ký hợp đồng là do chị đã có đơn khiếu nại lên các cấp.
“Nhiều lần bà Giám đốc Trung tâm dân số huyện và Thường trực Ủy ban nhân dân xã đã vận động tôi rút đơn nhưng tôi thấy có nhiều vấn đề không rõ ràng nên kiên quyết không thực hiện,” chị Chiều tâm sự.
Cũng vì phải liên tục “vận động” chị Chiều rút đơn thư, nên phải đến ngày 20/10/2015, nghĩa là chậm hơn khoảng gần 1 tháng so với các trường hợp khác trượt kỳ xét tuyển, công văn thôi trả lương cho chị mới được chính thức “ban hành”.
“Công văn này đồng nghĩa với việc quyết định buộc tôi phải nghỉ việc bắt đầu từ ngày 1/11. 12 năm cống hiến với đồng lương ít ỏi, không có quyền lợi bảo hiểm nhưng tôi vẫn luôn vượt qua những khó khăn của cuộc sống để hoàn thành công việc. Sao họ lại nỡ đối xử với tôi như vậy”, chị Chiều nói trong nước mắt.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Thạch Thất cũng thừa nhận: “Tôi đã làm việc với Phòng Nội vụ về trường hợp của chị Chiều, tuy nhiên các anh ấy trả lời là bao giờ chị Chiều rút đơn thì mới cho làm lại.”
Gần đây nhất, ngay trước buổi làm việc chính thức giữa phóng viên VietnamPlus với lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất vào ngày 18/11, bà Mai cũng liên tục gọi và yêu cầu, “vận động” chị Chiều rút đơn và lên ký nhận hợp đồng làm lại tại vị trí cũ.
Về việc quyết định thôi trả lương cho các cán bộ dân số cấp xã cũ, bà Mai cho rằng: Đây là do Ủy ban Nhân dân huyện gửi công văn yêu cầu bà ra quyết định, chứ bản thân bà cũng cảm thấy “bất nhẫn” với họ quá.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Trần Đình Triển, Văn phòng Luật sư Vì dân đánh giá: Việc đơn vị sử dụng lao động cắt hợp đồng với hàng loạt lao động có thâm niên như trên là có dấu hiệu bất thường.
“Hợp đồng lao động được ký nhưng người lao động không được đóng bảo hiểm, việc làm này chứng tỏ Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất đã làm sai mấy chục năm nay. Đối với lao động có thâm niên công tác, họ chỉ bị cắt hợp đồng khi có những lý do: tự xin nghỉ việc, sức khỏe không đảm bảo, đến tuổi nghỉ hưu, vi phạm kỷ luật công viên chức và có quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Tuy nhiên, trong số các trường hợp cán bộ chuyên trách dân số cấp xã tại Thạch Thất không có ai rơi vào những trường hợp nêu trên để bị buộc thôi việc. Vì vậy, quyết định sa thải lao động, vô tình đuổi họ ra đường, tổn hại đến quyền lợi của lao động là việc làm tắc trách của Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất,” luật sư Trần Đình Triển nêu quan điểm./.
Bài 4: Thảm cảnh của những người “bỗng dưng thất nghiệp”
Bỗng dưng thất nghiệp sau hàng chục năm công tác, hầu hết những cựu cán bộ dân số cấp xã tại Thạch Thất đã trắng tay khi trở lại đời thường. Không trợ cấp, không hỗ trợ, họ đối mặt với nguy cơ đói nghèo, con cái thất học.
Hơn lúc nào hết, gần 20 con người đang phải đối diện với những khủng hoảng, bế tắc khó có thể giải quyết nếu không có sự quan tâm thực sự từ các cấp có trách nhiệm và thẩm quyền.