Bài 3: Ghềnh đá khổng lồ trên dòng Mekong trước nguy cơ bị “khai tử”

Ghềnh đá và hệ động thực vật dưới dòng sông Mekong đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử” bởi kế hoạch phá mỏm đá và dải cù lao để mở đường cho hoạt động giao thương xuyên biên giới.
Ghềnh đá trên dòng sông Mekong. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong cuộc hành trình từ cao nguyên Tây Tạng về Biển Đông, sông Mekong hùng vĩ đã hút hồn biết bao du khách với hàng loạt ghềnh xoáy, dải cù lao, hay những bãi cồn nửa chìm nửa nổi trên mặt nước, trông như các cô gái độ xuân thì đang khỏa mình phơi lộ sức sống căng tràn, thách thức ranh giới giữa trời và đất.

Tuy nhiên, hiện nay, ghềnh đá và hệ động thực vật dưới dòng sông thuộc nhóm rộng lớn nhất thế giới lại này đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử” bởi kế hoạch phá mỏm đá và dải cù lao để mở đường cho hoạt động giao thương xuyên biên giới, đang gây nhiều tranh cãi.

Khơi thông hay phá hủy?

Suốt chặng đường dài qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, sông Mekong tràn đầy màu sắc và sức sống. Hàng trăm tộc người khác nhau sinh sống trên lưu vực sông Mekong, cuộc sống và văn hóa của họ gắn bó chặt chẽ với chu kỳ tự nhiên của con sông này.

Dòng sông Mekong tự hào là một trong những ngư trường đa dạng nhất và phong phú nhất thế giới trên đất liền, cung cấp khoảng 80% nhu cầu về protein cho cư dân trong vùng, đặc biệt là các quốc gia hạ lưu vực, như Campuchia và Việt Nam. Đây cũng là dòng sông được đánh giá gần như còn nguyên vẹn nhất thế giới.

Vậy nhưng hệ thống sông xinh đẹp và trù phú này lại đang bị “đe doạ” bởi kế hoạch triển khai “Dự án cải thiện thủy lộ thượng nguồn sông Mekong” hay còn được gọi là “Dự án phá ghềnh thác sông Mekong” trên địa phận Thái Lan và Lào.

Kế hoạch nạo vét dòng chính sông Mekong để các tàu thương mại của Trung Quốc di chuyển thuận lợi, được khởi xướng vào thời điểm ký kết Hiệp định Giao thông thủy thương mại (gồm 3 giai đoạn) giữa Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan hồi tháng 4/2001, mà không tham khảo ý kiến của Campuchia và Việt Nam.

Giai đoạn đầu của kế hoạch sẽ nổ mìn 11 ghềnh đá và 10 rạn san hô ven sông để tàu 100 -150 tấn di chuyển từ Vân Nam đến Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Hoạt động nổ mìn bắt đầu ở Thái Lan vào năm 2002 với sự cho phép của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.

Tuy nhiên, sau một đánh giá độc lập của Ủy ban Mekong, bản đánh giá tác động môi trường của Trung Quốc về hoạt động nổ mìn đã bị bác bỏ do thiếu gần như toàn bộ dữ liệu về cá và sinh thái.

Tiếp đó, năm 2003, sau khi Bộ Quốc phòng Thái Lan phản đối dự án và khẳng định nếu tiếp tục được triển khai, dự án sẽ phá vỡ đường phân định biên giới Thái-Lào giữa dòng Mekong. Vì thế, Trung Quốc đã ngừng kế hoạch phá đá sau giai đoạn đầu.

Đến tháng 12/2016 vừa qua, dự án lại được tái xem xét. Kế hoạch yêu cầu Thái Lan cho nổ mìn phá đá một dải đá dài 1,6 km dọc sông Mekong ở biên giới Lào. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan cho biết sẽ chưa phê duyệt dự án cho tới khi có kết quả khảo sát và đánh giá tác động môi trường.

[Cảnh báo mất an ninh nguồn nước từ các dự án “chặt khúc” sông Mekong]

Từ góc độ chuyên gia, bà Painporn Deetes, giám đốc chiến dịch Thái Lan của Tổ chức sông ngòi quốc tế cho rằng, nếu đánh đổi dòng sông tuyệt vời nhất thế giới, nơi cung cấp nguồn thủy sản nuôi sống hơn 60 triệu người để lấy con đường vận chuyển hàng hóa trong khi đường bộ có thể đáp ứng, điều này là rất vô lý.

Trong chuyến đi thực địa trên dòng Mekong tại Thái Lan, ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia độc lập về quản lý lưu vực sông, người từng có 4 năm công tác tại Ủy ban Mekong cho biết: “Theo mô hình dự án, một khối lượng đá rất lớn sau khi bị chất nổ phá vỡ từ các đoạn ghềnh thác sẽ được các con tàu vét dồn xuống những hố sâu dưới lòng sông.”

[Bài 2: Thủy điện trên dòng chính Mekong ảnh hưởng gì đến vùng hạ lưu?]

Theo ông Quảng, ghềnh đá và rạn san hô, cũng như các hố sâu trên sông Mekong là nơi trú ẩn có tầm quan trọng sống còn đối với vô số loài cá trong suốt mùa khô, đồng thời cũng là nơi cư dân ven sông kiếm sống bằng nguồn tôm, cá.

“Vì thế, dùng chất nổ phá vỡ phá những khối đá ghềnh sẽ làm loài cá hoảng sợ, ảnh hưởng đến sự cân bằng thủy học, khiến dòng nước chảy nhanh và siết hơn. Kéo theo đó là tình trạng sạt lở bờ sông, cũng như các loại hoa màu ven bờ,” ông Quảng nói.

Những bãi đá nhô lên trên sông Mekong thuộc địa phận Thái Lan. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tác động xấu đến dòng chảy và nguồn cá

Theo nhận định của các nhà môi trường quốc tế, nếu kế hoạch phá ghềnh thác sông Mekong vẫn được triển khai, sẽ tác động tiêu cực đến dòng chảy sông Mekong - con sông vốn đang phải hứng chịu nhiều hậu quả môi trường tích lũy bởi các công trình xây đập lớn từ thượng nguồn.

Mặc dù, các nhà chức trách của Thái Lan nhận định rằng vận chuyển đường sông sẽ giảm chi phí 20% so với đường bộ, nhưng ông Saowaruj Rattanakhamfu, chuyên gia kinh tế cấp cao của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan lại bày tỏ hoài nghi về lợi ích của các dự án này.

“Với tư cách một nhà kinh tế, tôi không nghĩ cho nổ đá để phục vụ thương mại trên sông là hợp lý. Chính phủ nên nghiên cứu xem có thật sự nên đầu tư hay không vì dự án này sẽ tác động rất xấu đến những người dân nghèo,” ông Saowaruj Rattanakhamfu nói.

[Người dân lưu vực Mekong chung tay bảo vệ nguồn nước "dòng sông mẹ"]

Trong khi đó, nhìn nhận từ khía cạnh hạ lưu sông Mekong, ông Senglong Youk, Phó Giám đốc Tổ chức hành động nghề cá Campuchia cho rằng, dòng sông Mekong hiện đang thực sự quá tải khi phải “cõng” hàng loạt dự án đập thủy điện trên dòng chính.

“Vì thế, nếu Dự án phá ghềnh thác sông Mekong được triển khai, không những sẽ tác động xấu đến môi trường, dòng chảy, mà cộng đồng dân cư sinh sống ven sông, đặc biệt là đối với người dân sống trên các nhà nổi, chủ yếu dựa vào nghề chài lưới trên sông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề,” ông Senglong Youk cảnh báo.

Có chung mối quan ngại, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Điều phối Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng nhận định, nếu kế hoạch phá ghềnh thác được triển khai, dòng chảy sông Mekong sẽ trở nên rất phức tạp, nhất là tình trạng sói lở bờ sông, giảm lượng phù sa, giản sản lượng cá.

“Việc này phá ghềnh đá này cũng sẽ đe dọa đến an ninh nguồn nước, an ninh nông nghiệp của lưu vực, tác động đến cả các quốc gia hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam,” bà Vân cảnh báo./.

Bài 4: Thủy điện Mekong, ai được, ai mất trong “cuộc đua” năng lượng?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục