Bài 3: Đội bóng đá nữ chỉ thích ăn cơm nếp và cá rán giòn

HAGL chỉ có một cầu thủ dân tộc duy nhất đã khiến cả làng bóng phát sốt. Còn bóng đá nữ Việt Nam đang có cả một đội bóng người dân tộc thiểu số. Đó là đội nữ Sơn La với 14/19 cầu thủ dân tộc Thái.
70 % đội bóng nữ Sơn La là người dân tộc Thái. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khi Hoàng Anh Gia Lai trình làng chàng cầu thủ người Gia Rai Ksor Úc hồi năm 2014, cả làng bóng Việt đã không khỏi ngạc nhiên. Ksor Úc là cầu thủ người dân tộc thiểu số duy nhất suốt 2 khóa đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal JMG, là cầu thủ dân tộc hiếm hoi chơi bóng ở hệ thống giải chuyên nghiệp của Việt Nam.

Nhưng Hoàng Anh Gia Lai chỉ có một cầu thủ dân tộc duy nhất. Còn bóng đá nữ Việt Nam đang có cả một đội bóng người dân tộc thiểu số. Đó là đội bóng nữ Sơn La với 14/19 cầu thủ dân tộc Thái trong đội hình.

Tại sao sự xuất hiện của cầu thủ dân tộc thiểu số lại đặc biệt đến vậy?

Người dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở các vùng miền núi và trung du. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, sự xa cách về địa lý khiến người dân tộc thiểu số không tham gia nhiều vào các hoạt động thể thao chuyên nghiệp. Trong 36 đội bóng đang thi đấu ở hệ thống giải chuyên nghiệp Việt Nam (cả bóng đá nam và nữ), chỉ có bốn đội bóng tới từ vùng miền núi và trung du: Đắk Lắk, Sơn La, Thái Nguyên và Gia Lai. Số lượng cầu thủ dân tộc trong các đội bóng cũng cực kỳ hạn chế. Bởi vậy, sự xuất hiện của một đội bóng có tới hơn 70 % là người dân tộc thiểu số như Sơn La thật sự rất đặc biệt.

Sự khác biệt về dân tộc dẫn tới rất nhiều sự khác biệt trong văn hóa, lối sống. Phía sau đội bóng nữ Sơn La, có rất nhiều câu chuyện thú vị liên quan tới các tập tục, thói quen sinh hoạt của người Thái.

Sơn La có lẽ là đội bóng chuyên nghiệp có nhiều cầu thủ dân tộc nhất. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Đầu tiên là chuyện ngôn ngữ. Đồng bào dân tộc chỉ muốn nghe tiếng của họ. Đi tuyển quân mà không biết tiếng Thái là “chết rồi”. Huấn luyện viên Phạm Hải Anh từng nhiều lần tuyển quân thất bại vì đồng bào không hiểu tiếng Kinh và không muốn nghe người Kinh. Phải khi Văn Chuyên hoặc người phiên dịch trực tiếp nói chuyện, họ mới xuôi tai. Sự tương đồng về ngôn ngữ dễ dẫn tới sự đồng cảm và tin cậy. Có tin tưởng thì các gia đình mới đồng ý cho con em về đội tập bóng.

Cả khi các em nhỏ đã về đội, sinh hoạt trong cùng một tập thể với kỷ luật chung, sự khác biệt về dân tộc vẫn chưa hết. Văn Chuyên kể tiếp: “Thời gian đầu lên tập trung đội, nhiều em dân tộc còn không ăn được cơm. Các em chỉ ăn được cơm nếp, không ăn được gạo tẻ. Suốt thời gian đầu, phụ huynh hay gửi xôi lên. Một số đứa còn phải chạy sang phòng, mượn nồi nhỏ của thầy để tự đồ xôi. Thế là trên mâm cơm, hai nhóm học sinh ăn hai loại gạo khác nhau. Quá trình ấy kéo dài suốt hàng tháng trời cho tới khi chúng tôi buộc phải vận động để thay đổi.”

“Chuyện ăn cá cũng vậy. Có rất nhiều em chỉ ăn được cá rán chứ không ăn được cá kho. Cá nấu canh dưa, kho riềng các kiểu, các em bảo tanh không ăn được nhưng cá rán giòn thì lại ăn được hết.”

Với đặc thù dân tộc, Sơn La sở hữu nhiều điểm khác các đội bóng khác. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Chuyện ăn uống đã vậy, việc sinh hoạt tâm linh của các cầu thủ cũng hết sức phức tạp. Người Thái có rất nhiều lễ cúng, lễ hội, lễ cầu mưa, ma chay... Rất nhiều hoạt động trong số đó đòi hỏi sự có mặt của tất cả các thành viên trong gia đình.

Bản thân nhiều cầu thủ nữ cũng nặng nề chuyện tín ngưỡng. Suốt một thời gian dài, họ hay bỏ tập về làm lễ cùng gia đình. Chuyện này kéo dài gây ảnh hưởng tới việc tập luyện của đội bóng. Giải quyết vấn đề này, huấn luyện viên Lường Văn Chuyên rất khó xử. Bản thân anh cũng là người Thái, không thể coi nhẹ phong tục của dân tộc. Cuối cùng, Chuyên vẫn phải nhiều lần gọi điện về các gia đình để giữ vận động viên ở lại, ngăn không cho họ về nhà.

Những rào cản kiểu ấy thậm chí từng khiến Sơn La mất một tuyển thủ U14 quốc gia. Nữ vận động viên nhí này được triệu tập xuống Hà Nội tập trung cùng đội tuyển. Nhưng do tuổi còn nhỏ, sống thiếu sự quan tâm của gia đình, khác biệt về ngôn ngữ và phải cạnh tranh trong môi trường đội tuyển, tâm lý của em đã bị ảnh hưởng. Em xin về gia đình, rút học bạ, rời đội tuyển, rời đội Sơn La và bỏ luôn bóng đá nữ. Dù huấn luyện viên đã nhiều lần lên nói chuyện với gia đình nhưng không thuyết phục được họ đổi ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục