Mặc dù thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, song để góp phần bình ổn thị trường, nhiều doanh nghiệp đầu mối đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung ứng, đồng thời tăng mạnh sản lượng bán ra trong hệ thống, hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng.
Xáo trộn chuỗi cung ứng
Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng, dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn đã tác động trực tiếp tới việc nhập khẩu xăng dầu.
Còn trong nước, việc sụt giảm công suất từ nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tại một số thời điểm đã ảnh hưởng đến nguồn cung. Cộng với đó, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc giảm mạnh thời gian bán hàng khiến thị trường chịu nhiều tác động.
[Bộ Công Thương nêu các nhóm giải pháp để đảm bảo cung ứng xăng dầu]
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mặc dù trên địa bàn có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 doanh nghiệp đầu mối và 60 thương nhân phân phối. Tuy vậy, tính đến ngày 14/10, toàn thành phố có 137 cửa hàng ngưng phục vụ tạm thời, dẫn đến tình hình thị trường bị xáo trộn.
Theo ông, điều này xuất phát từ nguồn cung xăng sụt giảm, năng lực hoạt động của một số doanh nghiệp hạn chế, tín dụng ngân hàng siết chặt…
“Mỗi ngày toàn thành phố tiêu thụ trung bình khoảng 6-7 triệu lít xăng, dầu. Để ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn, Sở Công Thương đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố và các cấp có thẩm quyền hỗ trợ cấp tín dụng cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị tính toán lại chi phí vận chuyển theo cự ly địa lý để đảm bảo lợi ích hài hòa trong chuỗi cung ứng,” ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, do việc "càng bán càng lỗ" trong thời gian vừa qua, tâm lý của một số doanh nghiệp chủ yếu là đảm bảo nguồn ở mức chỉ đủ cho hệ thống phân phối.
“Những đại lý, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý có cam kết mang tính chất hợp đồng chặt chẽ. Đâu đó, cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng,” ông Bảo nói.
Còn theo ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVOIL, trước sự xáo trộn về nguồn cung xăng dầu, trong hai ngày 8-9/10, sản lượng bán lẻ xăng của hệ thống PVOIL tăng 60% và dầu tăng 25% so với ngày bình thường.
“PVOIL đã chỉ đạo toàn hệ thống cửa hàng xăng dầu nỗ lực đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, tuyệt đối không xảy ra tình trạng găm hàng trong hệ thống của PVOIL,” ông Cao Hoài Dương cho hay.
Xây dựng các giải pháp bình ổn thị trường
Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đã góp phần giảm bớt áp lực căng thẳng về nguồn cung xăng dầu những tháng cuối năm.
Đại diện PVOil thông tin, trong 9 ngày đầu tháng 10/2022, sản lượng xăng dầu PVOIL cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%.
Cá biệt, tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, sản lượng xăng dầu do PVOIL cung cấp cho các đầu mối phân phối cũng vượt tới 28% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 35%.
“PVOIL cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là PVOIL Sài Gòn và TIMEXCO tăng cường tối đa bán hàng thông qua hệ thống 21 cây xăng để phục vụ nhu cầu gia tăng đột biến của khách hàng trong giai đoạn nhất thời hiện nay,” đại diện PVOIL cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết dù còn nhiều khó khăn song doanh nghiệp vẫn nỗ lực đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
“Ngoài nguồn cung từ thị trường nội địa, một phần xăng dầu thiếu hụt sẽ được nhập khẩu. Dự kiến, lượng xăng dầu được bổ sung những ngày tới bảo đảm được nguồn cung đủ cho đến giữa tháng 11/2022,” ông Hùng nói.
Mặc dù vẫn phải nhập khẩu, song nguồn cung trong nước hiện chiếm hơn 70%, do vậy, về phía hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần bình ổn thị trường.
Ông Cao Tuấn Sĩ, Phó Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cho biết hiện tại Nhà máy đang vận hành an toàn, ổn định ở 107% công suất. Sắp tới, theo nhu cầu của thị trường và yêu cầu của Bộ Công thương, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể hoạt động ở mức trên 110% công suất, góp phần ổn định thị trường đang có nhiều biến động.
Ngoài việc tăng công suất vận hành, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ triển khai các công tác hỗ trợ vận chuyển, giao hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
“Trong thời gian tới, đơn vị sẽ điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, tăng cường sản xuất xăng dầu để đảm bảo lượng xăng dầu cung ứng trong thị trường nội địa,” đại diện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho hay.
Ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên, Phó Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn thông tin, quý 2 và 3 nhà máy đã sản xuất tương đối tốt, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng đã cam kết, thậm chí quý 3 lượng xăng đã vượt so với ký kết. Quý 4 sản lượng của nhà máy cam kết sản xuất đều vượt mức so với thời gian trước đây.
“Với sản lượng này đảm bảo cung cấp sản lượng đã cam kết với hợp đồng thương nhân đầu mối,” ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên chia sẻ.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cho biết hiện chi phí nhập xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh, song chi phí nhập khẩu về vẫn tăng rất cao, nên Bộ Công Thương tiếp tục báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết cho doanh nghiệp.
Ngoài ra bộ cũng đề xuất các giải pháp để các ngân hàng hỗ trợ về room tín dụng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng và nhập hàng./.
Bài 4: Bình ổn xăng dầu không nên chỉ bằng biện pháp hành chính
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện đang triển khai dự án nâng cấp mở rộng nhà máy với tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Cấu hình công nghệ dự kiến sau khi nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ đạt 171.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 7,6 triệu tấn/năm), công suất hiện tại của Nhà máy là 6,5 triệu tấn. Sau khi nâng cấp mở rộng sẽ cho ra các loại sản phẩm xăng RON 92, RON 95, dầu Diesel đạt tiêu chuẩn EURO V. |