Bài 3: Đảng viên ra trường và câu chuyện “rơi hạt giống đỏ”
Nhìn hơi nước bay lên từ cốc trà nóng giữa mùa đông, khi Hà Nội đang trong đợt rét đậm, Hòa chia sẻ: Khi chấp nhận bị xóa tên khỏi danh sách đảng, cô đã vô cùng tiếc nuối.
“Cả tuổi thanh xuân phấn đấu, nỗ lực, thế là bay theo gió như hơi nước kia, nhưng điều còn lại là tôi vẫn sống tốt như một đảng viên và cống hiến cho đất nước theo cách của một quần chúng ưu tú,” Hòa vừa nói vừa ngậm ngùi chìa cho người viết xem chiếc thẻ đảng mà cô vẫn lưu giữ như một báu vật trong chiếc ví suốt hơn mười năm qua.
Bài toán chuyển sinh hoạt đảng
Tích cực trong hoạt động đoàn và có thành tích học tập xuất sắc, Hòa được kết nạp đảng khi đang học năm thứ tư đại học. “Ngày đó, việc tôi được vào Đảng là niềm tự hào cho cả gia đình. Bố mẹ đi khoe khắp làng trên xóm dưới,” Hòa kể.
Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đỏ, Hòa đầu quân cho một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bắc Ninh. Công ty không có tổ chức đảng, Hòa xin để lại hồ sơ đảng tại trường. “Hai năm đầu, tôi rất vất vả trong việc phải đi lại giữa trường và nơi làm việc để sinh hoạt Đảng trong khi nơi làm việc cũng thay đổi liên tục, khi thì Bắc Ninh, khi thì Vĩnh Phúc. Việc đóng đảng phí vẫn đầy đủ vì đóng luôn cả năm, nhưng sinh hoạt đảng thì vì thế mà thưa dần. Trường buộc phải yêu cầu tôi chuyển sinh hoạt đảng đến nơi phù hợp hơn,” Hòa kể.
Cô trở về trường, mang hồ sơ đến nơi thuê trọ để đăng ký sinh hoạt đảng, nhưng những chuyến công tác dài ngày liên miên cũng làm cho việc sinh hoạt đảng khó được thực hiện đều đặn khi lịch sinh hoạt của chi bộ luôn trùng với lịch làm việc. Những buổi sinh hoạt đảng bởi thế lại thưa dần...
“Ngày bác bí thư chi bộ gọi điện động viên tôi trở lại sinh hoạt đảng, nếu không các bác buộc phải đề nghị xóa tên cũng là lúc tôi đang phải đi công tác. Tôi nghĩ mình là đảng viên mà không tuân thủ đúng theo điều lệ đảng thì không xứng đáng. Vì thế, tôi đã chấp nhận việc bị xóa tên...” Hòa chậm rãi nói, đôi mắt nhìn xa xăm.
Theo ông Bùi Đức Hùng, Phó Bí thư thường trực – điều hành công tác của Đảng bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những câu chuyện như của Hòa cũng là vấn đề mà một phó bí thư Đảng bộ trường như ông luôn đau đáu.
Để được kết nạp đảng, thông thường các sinh viên phải mất ba năm phấn đấu không mệt mỏi. Các đảng viên là sinh viên đều là những em rất xuất sắc. Tuy nhiên, trường chỉ là nơi các em học 4-5 năm, sau đó các em buộc phải chuyển sinh hoạt đảng, thậm chí có em chưa kịp chuyển đảng chính thức đã ra trường.
“Các em có thể chuyển sinh hoạt đảng đến nơi làm việc, nơi cư trú. Nhưng sinh viên mới ra trường rất khó để có công việc ổn định ngay, nhiều công ty không có tổ chức đảng. Nếu ở trọ, các em cũng thường xuyên thay đổi nơi cư trú. Chuyển sinh hoạt đảng đi đâu là câu hỏi khó với nhiều đảng viên sinh viên. Có em lại khó hòa nhập với chi bộ đảng ở địa phương khi đa phần đảng viên là các cán bộ về hưu. Vì thế, nhiều em sau một thời gian ra trường bỏ sinh hoạt đảng, dẫn tới bị xóa tên,” ông Hùng cho hay.
[Phát triển đảng viên trong trường đại học: Để không rơi hạt giống đỏ]
Cũng theo ông Hùng, Đảng bộ trường có tạo điều kiện cho các đảng viên sinh viên tiếp tục sinh hoạt sau khi ra trường nhưng không quá 6 tháng vì không thể quản lý được các em.
“Hiện nay chưa có tổ chức nào thống kê lượng đảng viên là sinh viên sau khi ra trường bị xóa tên. Chúng ta mới chỉ quan tâm một mặt là kết nạp được bao nhiêu...,” ông Hùng nói.
Rào cản cho phát triển Đảng trong sinh viên
Theo ông Hùng, một đảng viên sau khi bị xóa tên sẽ rất khó khăn để có thể kết nạp lại, con đường chính trị vì thế mà chông chênh hơn.
“Xóa tên là anh tự nguyện bỏ Đảng. Vì thế khi xem xét kết nạp lại phải thẩm tra hồ sơ rất kỹ, phải trình cấp cao hơn xem xét, trong khi đó có rất nhiều hồ sơ khác không có ‘vết đen’ đương nhiên sẽ được ưu tiên hơn. Đó là thực tiễn. Cũng bởi thế, người đi trước nói với người đi sau nên nhiều sinh viên băn khoăn với việc kết nạp đảng khi còn ngồi trong ghế nhà trường,” ông Hùng phân tích.
Là người thường xuyên tiếp xúc với các sinh viên, Đỗ Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết với nhiều bạn trẻ, việc vào Đảng là rất xa vời. Các sinh viên có rất nhiều mục đích, động cơ khác nhau: Có người muốn đi du học sau khi ra trường, có người muốn làm việc ở công ty nước ngoài hoặc có cơ hội tìm công việc tốt sau khi ra trường nên sẽ ưu tiên tập trung cho việc học để có bảng điểm đẹp, bằng loại ưu.
Nhiều sinh viên xác định ra trường làm việc cho công ty tư nhân hoặc lo công việc chưa ổn định nên không mặn mà với việc vào Đảng. Trong khi đó, nếu phấn đấu vào Đảng, sinh viên sẽ phải phân bổ thời gian cho các hoạt động xã hội, ảnh hưởng nhất định đến việc học. “Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển đảng viên là sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng,” Thắng nói.
Hiểu những tâm tư này, ông Bùi Đức Hùng cho biết thị trường lao động ngày nay đã dịch chuyển sang khối ngoài Nhà nước và việc sinh viên phải tính toán là tất yếu: “Hiện chưa có thông tin nào về việc khối tư nhân có ưu tiên nhận hồ sơ của những người là đảng viên khi có hồ hai hồ sơ tương đương hay không, thậm chí còn có thông tin ngoài luồng về việc là đảng viên sẽ khó vào công ty tư nhân hay công ty nước ngoài. Điều này sẽ tác động đến tâm tư của các sinh viên, nhất là các sinh viên xuất sắc. Từ đó thiệt thòi cho chính các bạn và thiệt cho Đảng.”
Trong khi đó, ở Đại học Luật Hà Nội, nơi đào tạo các nhân sự cho ngành tòa án, lượng hồ sơ xin kết nạp đảng lại luôn dồi dào. Theo Bí thư Đảng bộ Chu Mạnh Hùng, đặc thù nghề nghiệp đào tạo của trường là sinh viên sau khi ra trường đa số làm việc trong đơn vị Nhà nước.
“Tòa án là nơi đòi hỏi phẩm chất đạo đức, chính trị rất cao nên nếu hồ sơ của sinh viên là đảng viên sẽ là một điểm cộng trong tuyển dụng. Vì vậy, các em có động cơ rõ ràng trong việc phấn đấu kết nạp đảng,” ông Hùng cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, việc phát triển đảng ở các trường đại học còn gặp những khó khăn khác mang tính đặc thù. Việc học theo tín chỉ làm phá vỡ mô hình lớp học truyền thống, khiến cho việc sinh hoạt tập thể của sinh viên khó khăn khi mỗi em một lịch học riêng. Các sinh viên theo đó cũng ít có sự kết nối để có thể hiểu và giới thiệu được các nhân tố điển hình cho Đảng.
Bên cạnh đó, đảng viên trong chi bộ sinh viên có tính biến động rất cao. Một năm có khoảng 100 đảng viên mới gia nhập chi bộ và cũng có chừng đó em chuẩn bị chuyển đi nơi khác. Có em chỉ kết nạp được mấy tháng là ra trường, thậm chí có em còn chưa kịp chuyển đảng chính thức, nên rất khó trong việc theo dõi sự phát triển của đảng viên đó./.
Bài 4: Chuyển sinh hoạt đảng khi ra trường: Lời giải từ chính đảng viên trẻ