Bài 3: Chiến lược dự trữ quốc gia ứng phó với những thảm kịch ngộ độc
Hiện nay, tình trạng ngộ độc thực phẩm, ngộ độc các loại hóa chất, ma túy… ngày càng gia tăng.
Theo quy định hàng năm, các bệnh viện đều phải thống kê danh mục thuốc hiếm cần nhập để gửi lên Sở Y tế duyệt và trình Bộ Y tế để duyệt nhập thuốc hiếm về. Dù vậy, năm nào cũng rơi vào tình trạng thiếu thuốc hiếm....
Bài học từ hóa chất Paraquat
Theo báo cáo gần đây nhất của Bộ Y tế, trong tháng 4/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong.
Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…
Theo đánh giá từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), tất cả các trường hợp nhiễm hay ngộ độc nói chung hay ngộ độc Botulinum nói riêng, bao gồm nhiễm độc từ thực phẩm, nhiễm độc tố từ vết thương đã xảy ra từ hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên, việc chẩn đoán, phát hiện các trường hợp nhiễm độc tố này vô cùng khó khăn, rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Việc này đòi hỏi nhiều yếu tố không đơn thuần chỉ là kiến thức. Các bác sỹ trong đó bao gồm Trung tâm Chống độc luôn luôn cảnh giác với các bệnh nhân bị ngộ độc, đặc biệt là các ca nhiễm độc Botulinum.
Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc phân tích: “Hiện nay, số lượng bệnh nhân nhiễm độc, ngộ độc rất cao, cao hơn thực tế rất nhiều. Với các trường hợp đó có nhiều tác nhân có, nguyên nhân hoàn cảnh có, trong nhiều hầu hết các trường hợp có thể chẩn đoán được, có thể phòng tránh được nếu quyết tâm.”
Chẳng hạn như với ngộ độc hóa chất diệt cỏ Paraquat, cách đây vài năm ngày nào Trung tâm Chống độc cũng có 3-4 thậm chí còn nhiều hơn bệnh nhân tử vong và xin về. Như vậy trên toàn quốc trong 1 ngày có khoảng 10 bệnh nhân tử vong vì Paraquat (gần bằng 1/3 ca tử vong tai nạn giao thông) - đó là riêng 1 chất Paraquat. Vì vậy, khi nghiên cứu, điều trị, chúng tôi cần phải thông báo, báo cáo cơ quan chức năng biết để có các giải pháp kịp thời. Sau đó Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cho dừng, cấm sử dụng loại thuốc diệt cỏ Paraquat, như vậy một năm đã cứu sống được hàng nghìn người. Điều đó cho thấy kinh phí cho việc chống độc và chạy chữa gần như bằng không.
Còn các loại ngộ độc khác như ngộ độc thực phẩm chức năng, cồn, rượu… khi công tác thanh kiểm tra được đẩy mạnh, việc xử lý cho thấy đã có hiệu quả rõ. Như vậy, trong công tác phòng chống ngộ độc, nếu như công tác phòng chống, từ kiểm soát lưu hành hóa chất, phân phối, trường hợp nghiêm trọng có thể dừng lưu hành chất đó đi thì… thì sẽ tránh được các nguy cơ.
Bài học kinh nghiệm từ các nước
Theo bác sỹ Nguyên, vấn đề thuốc hiếm, thuốc giải độc là bài toán tồn tại đã lâu, từ khi thành lập chuyên ngành chống độc trong nước và thế giới đều đã gặp phải. Bởi đây là những thuốc hiếm gặp, bệnh hiếm gặp, nhà sản xuất ít, việc kinh doanh theo cơ chế đặc biệt, giá cao do độc quyền vì vậy không nhà sản xuất nào muốn kinh doanh, vì nó đặc thù và nguy cơ rất dễ gặp rủi ro trong kinh doanh. Do vậy, chúng ta nếu mua sắm theo cơ chế bình thường thì chắc chắn không thể mua được, phải có cơ chế đặc thù riêng. Kể cả quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo việc này nên giao cho nhà nước mua, bởi các loại thuốc như vậy xếp vào thuốc “mồ côi,” thuốc đặc biệt, nhà nước phải lo, còn các đơn vị, các bệnh viện riêng lẻ, kể cả các bộ ngành nếu không có cơ chế đặc biệt thì không thể mua được và điều này trông chờ vào vai trò của Chính phủ, Quốc hội.
Tiến sỹ Nguyên dẫn chứng, đây là tình huống mà các nước và khu vực xung quanh cũng gặp phải tương tự, họ cũng đã từng như vậy và cũng đề xuất cơ chế, ý tưởng giống như Việt Nam hiện nay.
“Những tình huống thiếu thuốc mà Việt Nam đang gặp cũng giống như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) đã gặp đây cách đây vài năm. Khi có vụ việc, chúng tôi cũng gọi điện trao đổi với các đồng nghiệp bên đó và các nước xung quanh trên thế giới. Họ sẵn sàng trả lời, đó là cơ chế liên quốc gia. Hiện nay WHO xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai thảm hoạ, WHO còn có kho dự trữ chung, trong nước chúng ta cũng vậy, cần có một kho chiến lược để ở các vùng, các tỉnh chuyển về các điểm khác nhau, việc điều phối không chỉ giữa các tỉnh với trong nước với nhau mà còn điều phối mang tính chất quốc gia,” Giám đốc Trung tâm Chống độc phân tích.
Do đặc thù là những trường hợp, sự cố ngộ độc khẩn cấp, tai nạn thương tích, dịch bệnh rất thất thường, thay đổi liên tục không biết trước nên công tác dự trù thuốc rất khó, trong khi đó lại trong tình huống khẩn cấp, vì vậy các cơ quan chức năng nên tách làm hai phần, kho dự trữ thuốc hiếm và một bên là kho dự trữ chiến lược quốc gia.
Dự trữ thuốc hiếm như đóng bảo hiểm
Nói về vấn đề thiếu thuốc hiếm, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn: “Thực tế ở Việt Nam, nhiều năm nay, chúng ta thiếu thuốc giải độc cơ bản cho đến thuốc hiếm. Do số lượng bệnh nhân ngộ độc thất thường cũng như nhu cầu không ổn định nên ít công ty nghiên cứu, sản xuất, phân phối tham gia. Nhiều rủi ro, chi phí cao dẫn tới số thuốc giải độc đã không nhiều lại càng ít, độc quyền, giá thành cao, nguồn cung ứng hạn chế, không ổn định. Bên cạnh đó, cơ chế đấu thầu, mua sắm khó khăn. Chúng ta cũng khó mua thuốc giải độc dạng hiếm theo quy định thông thường.”
Nhiều năm nay, các đơn vị liên quan đã cố gắng cải thiện, khắc phục, tháo gỡ dần khó khăn. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Bộ Y tế phải là đầu mối, đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự phòng cho cả nước là bao nhiêu trường hợp, dự trữ trong kho thuốc với điều kiện chuyên biệt, có thể ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để khi có vụ việc sẽ điều chuyển kịp thời.
“Chúng ta phải hiểu và chấp nhận đây là dự trữ quốc gia, nếu một năm không có ai phải dùng tới thì mừng quá, hủy cũng không tiếc tiền. Chứ các đơn vị sự nghiệp, bệnh viện khó bố trí được kinh phí khi dự trữ loại thuốc mấy nghìn USD/một liều. Ở góc độ quốc gia khi đàm phán giá với công ty sản xuất, phân phối với thời gian biết trước và số lượng theo từng năm, người ta sẽ cân đối được kế hoạch để có số lượng lớn với giá thành rẻ hơn,” đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Vì vậy, theo đại biểu Lan: “Dự trữ quốc gia phải có, bắt buộc khi cần phải có. Không xảy ra, không cần là tốt hơn. Giống như đóng bảo hiểm, đâu có ai bao nhiêu năm ngẫm lại, uổng quá mình chưa xài bao giờ, thôi ráng bệnh đi để xài. Cứ nhìn những trường hợp vừa qua, khi các bác sỹ cấp cứu mà biết chắc không cứu được, không có thuốc giải thì bệnh nhân sẽ cứ từ từ tê liệt các cơ rồi không qua khỏi, tiền chạy máy thở còn lớn hơn so với 1 liều thuốc. Đứng trước sinh mạng của người dân thì tiền bạc là vô nghĩa.”
Trước đây, các bệnh viện thường hay dự trù hàng năm về các loại thuốc hiếm, nhưng khi mua về do thủ tục rất phức tạp, trong đó có việc xin số đăng ký của Bộ Y tế… nên nhiều bệnh viện đã không dự trữ thường xuyên. Để tránh xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc kể trên khi cần có thuốc hiếm để chữa trị thì phải có chiến lược dự trữ quốc gia về thuốc phòng ngừa ngộ độc Botulinum và một số sản phẩm khác.
Phân tích về câu chuyện dự trữ nguồn thuốc hiếm, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai thành việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước. Số lượng danh mục các thuốc dữ trữ khoảng từ 15-20 loại và Botulinum cũng là 1 trong các loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này.
Cục Quản lý Dược cũng đang họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, và làm sao để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam, ở các nước khu vực, cũng như các kho của WHO.
Hiện nay, căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ, do đó, Cục Quản lý Dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh, cũng như dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: “Chính phủ cần có chính sách và chỉ đạo rõ ràng, tránh trường hợp đã xảy ra trong quá khứ, như cúm A, dự trù thuốc Tamiflu, dự trù xong, sau đó lại kết luận Bộ Y tế lãng phí vì không sử dụng phải hủy bỏ… Sinh mạng người dân không đợi quy trình cho nên chúng ta không được quan liêu, phải làm cho tròn trách nhiệm của người thực thi công vụ"./.
Đón đọc toàn bộ chùm bài:
Bài 1: Thiếu thuốc hiếm - “Phương trình” nhiều năm vẫn chưa có lời giải thỏa đáng
Bài 2: Bức tranh về ngộ độc ở Việt Nam: Quá nhiều mối nguy đang rình rập
Bài 3: Chiến lược dự trữ quốc gia ứng phó với những thảm kịch ngộ độc