Bài 3: Bảo tồn ca trù: Những tranh luận chưa có hồi kết

Nếu không có công chúng, người thưởng thức thì di sản không thể “sống” khỏe. Nói vậy, không có nghĩa rằng, mục tiêu đặt ra là ca trù được phổ biến như nhạc trẻ.
Bài 3: Bảo tồn ca trù: Những tranh luận chưa có hồi kết ảnh 1Cách thức bảo tồn ca trù vẫn là câu chuyện tranh cãi chưa có hồi kết. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thực trạng của ca trù đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, từ đó, hướng tới việc đề nghị UNESCO chuyển ca trù từ Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy nhiên, hiện nay, cách thức bảo tồn ca trù vẫn là câu chuyện tranh cãi chưa có hồi kết với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Thái độ ứng xử với di sản

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, xét tổng thể, ca trù hiện nay được cộng đồng - chủ nhân của di sản đón nhận và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc bảo tồn di sản này chưa thực sự được chú trọng.

Vấn đề trên có thể được nhìn thấy từ chính thực tế Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 (diễn ra từ ngày 1-5/11 vừa qua tại Hà Tĩnh).

“Hai trung tâm lớn của di sản ca trù (Vĩnh Phúc, Nam Định) không có đơn vị, câu lạc bộ ca trù nào tham gia liên hoan mặc dù ban tổ chức đã gửi thông báo, hướng dẫn cụ thể về các địa phương. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình, tạo điều kiện để các đơn vị, câu lạc bộ ca trù tham dự liên hoan toàn quốc. Đó là điều đáng buồn và đáng trách,” ông Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho biết, Vĩnh Phúc và Nam Định là những địa phương đã ký cam kết tham gia chương trình hành động quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân có tên trong hồ sơ quốc gia đều thuộc những địa phương này.

“Liên hoan cũng là dịp kiểm kê di sản. Bởi vậy, việc tham gia các kỳ liên hoan toàn quốc là trách nhiệm của địa phương trong việc thực hành di sản. Đây không thể là việc thích thì làm, không thích thì thôi,” ông Đặng Hoành Loan bày tỏ.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết, ngoại trừ một số địa phương (Hà Nội, Hải Dương, Quảng Bình…), nhiều tỉnh có di sản ca trù chưa chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không có kế hoạch hành động cụ thể, không tổ chức các chương trình liên hoan, sinh hoạt ca trù thường xuyên cho cộng đồng. Điều này phản ánh thực trạng đội ngũ quản lý chưa nhận rõ giá trí trị di sản trong đời sống đương đại.

Bài 3: Bảo tồn ca trù: Những tranh luận chưa có hồi kết ảnh 2Ca trù được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới từ năm 2009. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hướng đi nào cho tương lai?

Tuy nhiên, ở góc độ khác, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, việc có quá nhiều luồng ý kiến khác nhau (thậm chí trái chiều) trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng khiến cho cộng đồng lúng túng, các nhà quản lý văn hóa cũng không ngoại lệ.

Đưa ra ví dụ cụ thể, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng, phải bảo tồn nguyên vẹn, tuyệt đối những gì cha ông truyền lại. Thế nhưng, ở góc độ khác, có luận điểm rằng, việc bảo tồn không nên quá cứng nhắc, cần sự linh hoạt để phù hợp với đời sống hiện đại.

“Trước hai luồng ý kiến ấy, những nhà quản lý ở các tỉnh chưa mạnh dạn đưa ra những tư duy cá nhân, hành động riêng cho địa phương của mình. Việc đưa ra một quyết sách về việc này là vô cùng cần thiết, chúng ta phải lựa chọn rõ ràng, dứt khoát đường hướng của mình. Khi có nhận thức đúng, rõ ràng thì việc bảo vệ không phải điều quá khó,” ông Đặng Hoành Loan nói.

[Mega Story: Ngô Hồng Quang - Sứ giả của cuộc đối thoại Đông-Tây]

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể luôn có sự vận động theo đời sống, có những biến đổi theo thời gian. Ngôn ngữ biến đổi, sinh hoạt thay đổi, cuộc sống đổi khác kéo theo những biến đổi trong nghệ thuật.

Từ đó, nhà nghiên cứu này đưa ra quan điểm: “Chúng ta phải đi bằng hai chân, bảo tồn chặt chẽ và phát triển mạnh mẽ. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần một nhận thức đúng và sự hiểu biết sâu sắc thực sự. Trên cơ sở xây dựng một chiếc lược tổng thể, mỗi địa phương sẽ có những biện pháp cụ thể phù hợp với điều kiện, tình hình.”

Bài 3: Bảo tồn ca trù: Những tranh luận chưa có hồi kết ảnh 3Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

Nhiều nghệ sỹ hiện nay (như Đặng Tuệ Nguyên, Ngô Hồng Quang, Phó An My…) đã kết hợp nghệ thuật truyền thống của dân tộc với nghệ thuật phương Tây và những loại hình, yếu tố đương đại; tạo cho nghệ thuật Việt Nam dáng hình, âm sắc riêng, thu hút được công chúng.

Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang cũng từng chia sẻ, để âm nhạc truyền thống của Việt Nam đến được với cộng đồng quốc tế, anh vẫn “đi bằng hai chân.” Bên cạnh các sản phẩm âm nhạc có sự kết hợp giữa âm nhạc cổ truyền của dân tộc với nhạc cụ phương Tây, Ngô Hồng Quang vẫn tham gia các show diễn đặc biệt (các loại hình nghệ thuật truyền thống được biểu diễn theo đúng bản cổ, không hề phá cách và đưa vào những yếu tố đương đại) và các hội thảo trình bày rất kỹ về âm nhạc dân tộc Việt Nam, cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cũng như cách chơi các bài cổ… Những chương trình này được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Hà Lan, Đức….

Nhờ vậy, văn hóa truyền thống Việt Nam đến được với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế hơn.

“Nếu không có công chúng, người thưởng thức thì di sản không thể ‘sống’ khỏe. Nói vậy, không có nghĩa rằng, mục tiêu đặt ra là ca trù được phổ biến như nhạc trẻ. Điều đó là không thể. Dẫu vậy, vẫn cần xây dựng kế hoạch thu hút khán giả cho ca trù. Tôi cho rằng, nên có một nhà hát chuyên về các di sản âm nhạc truyền thống, trong đó có ca trù, để tạo một địa chỉ, thói quen tiếp nhận cho công chúng,” giáo sư Tô Ngọc Thanh bày tỏ.

Bài học từ những cuộc “chuyển mình”

Sự chuyển mình của các di sản khác trong thời gian qua cũng đưa đến nhiều bài học kinh nghiệm cho những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù.

Năm 2017, Hát Xoan đã được đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bài 3: Bảo tồn ca trù: Những tranh luận chưa có hồi kết ảnh 4Hát Xoan là di sản đầu tiên trên thế giới được UNESCO đồng ý rút khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, chuyển sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)

“Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại,” ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định.

“Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền đã đầu tư khá nhiều vốn và nguồn nhân lực vào việc bảo vệ truyền thống. Các biện pháp bảo vệ được đề xuất là thực tế và khả thi, bao gồm: thành lập quỹ bảo vệ Xoan, hỗ trợ cho mỗi Hội Xoan, phục hồi không gian Xoan, tổ chức các các khoá tập huấn, các lễ hội có trình diễn Xoan, xuất bản sách, tài liệu về hát Xoan và xây dựng các chương trình truyền thông thường xuyên. Khảo sát về tính khả thi của di sản được thực hiện thường xuyên,” thông báo của Ủy ban Liên Chính phủ chỉ rõ một trong những tiêu chí để Hát Xoan được chuyển từ danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết, hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị ca trù được thực hiện theo ba đường hướng cơ bản: trao, truyền kỹ thuật biểu diễn cho lớp người trẻ; quan tâm đến việc khai thác, phục dựng vốn cổ; tìm cách phóng tác nhằm mục đích làm phong phú thêm kho tàng ca trù. Điều này cần tiếp tục mở rộng, phát triển trong tương lai để ca trù có thể ra khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục