Cỗ xe tăng tốc chóng mặt thiếu phanh!

Bài 2: Y tế tư nhân: Cỗ xe tăng tốc chóng mặt thiếu phanh!

Với những bất hợp lý rõ như ban ngày, khi cứ cấp phép y tế tư nhân ào ạt dù không kiểm soát nổi, liệu đây có phải là cách hành xử “sống chết mặc bay”.
Bài 2: Y tế tư nhân: Cỗ xe tăng tốc chóng mặt thiếu phanh! ảnh 1Trên những tấm biển quảng cáo tư nhân kín đặc các dòng chữ giới thiệu dịch vụ. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+) 

Một sự thực không thể chối cãi về vụ việc tử vong tại Thẩm mỹ viện Cát Tường vừa qua, là do cơ quan quản lý đã “bỏ lửng,” không quản lý được các cơ sở y tế ngoài công lập, để họ mặc sức “tung hoành” hoạt động, vượt quá phạm vi cho phép.

Sau khi vụ việc vỡ lở, ngành chủ quản “than thở” rằng một phần là do lực lượng thanh tra y tế “quá mỏng” không đủ sức để thanh tra hết. Và đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, với những bất hợp lý rõ như ban ngày, khi cứ cấp phép y tế tư nhân ào ạt dù không kiểm soát nổi, liệu đây có phải là cách hành xử “sống chết mặc bay” đối với người dân.

Bởi như lời Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: “Giả sử ngành y tế có tăng thêm 1.000 thanh tra viên thì cũng không thể hậu kiểm được hết 30.000 cơ sở y tế tư nhân.”

“Cháy nhà ra mặt chuột”

Không thể phủ nhận, đã có những phụ nữ đã đẹp hẳn lên, như được “đổi đời” sau khi trải qua các cuộc trùng tu nhan sắc. Nhưng cũng phải nhìn nhận lại rằng, luôn có những rủi ro, tai biến đi kèm với các ca phẫu thuật thẩm mỹ.

Nguyên nhân thì quá dễ hiểu: Một nghề mà lợi nhuận quá cao, chi phí đầu vào thấp đã cuốn hút người ta đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân mong kiếm lời bất chấp điều đó có thể trả giá bằng tính mạng của người làm dịch vụ.

Bài 2: Y tế tư nhân: Cỗ xe tăng tốc chóng mặt thiếu phanh! ảnh 2Đã có rất nhiều người phụ nữ đẹp lên nhờ phẫu thuật thẩm mỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sự việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường làm chết khách hàng rồi ném xác phi tang xảy ra đã lâu nhưng vẫn gây xôn xao dư luận bởi hành vi táng tận lương tâm của một thầy thuốc. Nó cũng gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân cũng như chăm sóc sắc đẹp.

Lật lại hồ sơ của cơ sở thẩm mỹ viện này, cơ quan chức năng và giới truyền thông đều bất ngờ về sự tồn tại khó hiểu của một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đã hoạt động suốt gần 6 tháng dù chưa được cấp phép đủ điều kiện hoạt động.

Chỉ sau khi xảy ra vụ tử vong trên, những kẽ hở, lỗ hổng trong công tác quản lý các cơ sở y tế tư nhân nói riêng mới được đưa ra ánh sáng. Người ta không thể không đặt ra câu hỏi: Ngoài Thẩm mỹ viện Cát Tường, đã có bao nhiêu cơ sở thẩm mỹ đã lợi dụng những lỗ hổng trên để “tung hoành,” hành nghề trái phép?

Theo báo cáo của Phòng y tế - Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, cơ sở Thẩm mỹ Cát Tường số 45 Giải Phóng đã được Phòng Tài chính-Kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp giấy đăng ký kinh doanh số 01D8022624 ngày 3/5/2013, tên hộ kinh doanh là Thẩm mỹ viện Cát Tường, hành nghề kinh doanh là dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa ngoại, phẫu thuật tạo hình.

Tuy nhiên, cơ sở Thẩm mỹ viện 45 Giải Phóng vẫn chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép hoạt động chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Bộ phận Quản lý hành nghề y, dược tư nhân của Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động chuyên môn của cơ sở thẩm mỹ Cát Tường - 45 Giải Phóng.

Được biết, tháng 5/2013 thẩm mỹ viện Cát Tường được cấp phép kinh doanh. Theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thẩm mỹ viện này phải làm hồ sơ gửi lên Sở Y tế để được xét duyệt cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được phép hoạt động.

Tuy nhiên, chủ cơ sở đã bỏ qua bước này, đi vào hoạt động ngay, và hoạt động cả những lĩnh vực bị cấm thực hiện (dù là phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép đủ điều kiện), đó là hút mỡ và nâng ngực.

Điều lạ lùng là cũng trong từng đó thời gian hoạt động, phòng phẫu thuật thẩm mỹ này chưa một lần bị cơ quan chức năng “sờ gáy” kiểm tra để phát hiện ra những sai phạm dẫn tới cái chết đau lòng của nạn nhân dù trên trang web hay biển hiệu đều quảng cáo công khai các dịch vụ của thẩm mỹ viện này.

Bài 2: Y tế tư nhân: Cỗ xe tăng tốc chóng mặt thiếu phanh! ảnh 3Trong sáu tháng hoạt động, Thẩm mỹ viện Cát Tường chưa một lần bị "sờ gáy." (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến thừa nhận: “Vẫn còn khoảng trống pháp luật hiện nay về vấn đề này. Thanh tra sở rõ ràng có đi thanh tra thường xuyên trong năm. Tôi có gặp nhân viên thanh tra và họ cho biết trên Sở thì thanh tra sở chỉ đi thanh tra những nơi đã được cấp giấy chứng nhận, còn những cơ sở làm chui thì chưa kiểm soát được vì họ không có bảng danh sách của những cơ sở đó.” “Hiện nay, trong luật chưa đưa ra vai trò của y tế xã phường, nhưng thành phố Hà Nội đã có chỉ thị thành lập tổ công tác liên ngành ủy ban phường và trạm y tế phường tham gia vào công tác này. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Sở y tế Hà Nội phải làm rõ trách nhiệm này,” bà Tiến nhấn mạnh. Cơ quan quản lý: Đã buông lỏng lại kém phối hợp Tại cuộc họp chiều 28/10 về triển khai kế hoạch tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở y tế tư nhân để chấn chỉnh chất lượng hoạt động của các cơ sở này ở thành phố Hà Nội và trong cả nước do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, không phải đến khi vụ việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường xảy ra, Hà Nội mới siết chặt quản lý các cơ sở y dược ngoài công lập. Trước đó, để tránh những lổ hổng về mặt pháp lý trong công tác này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị số 10 ngày 2/5/2013 về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập. Trong đó, Hà Nội quy định rõ Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác quản lý và tăng cường trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố về hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn. Đại diện cho chính quyền, ông Vũ Đình Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng cũng thừa nhận, sự việc xảy ra lần này có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ủy ban Nhân dân quận đã tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, giao cho các cơ quan có trách nhiệm kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan. Trong đó, nguyên nhân một phần là khối lượng công việc quá lớn (với hơn 500 cơ sở y tế tư nhân, 17 bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn) mà nhân lực lại quá thiếu. Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành y tế Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận trách nhiệm của ngành y tế trong việc đôn đốc thực hiện việc kiểm tra giám sát các cơ sở. Theo ông Hiền, ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở Y tế đã họp lãnh đạo Sở, các bộ phận liên quan kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này. Ông Hiền cũng bày tỏ, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa ngành y tế cấp quận, huyện trên địa bàn là một phần nguyên nhân của tình trạng này. “Khi ngành y tế cấp giấy phép hành nghề thì gửi danh sách cho quận huyện, ngược lại quận huyện khi cấp giấy phép kinh doanh cũng thông báo để Sở Y tế theo dõi, giám sát. Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường sơ suất là không có sự thông báo, trao đổi giữa các đơn vị,” ông Hiền nói. Như vậy, rõ ràng việc phân cấp quản lý, kiểm tra các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, chưa có sự thống nhất cao độ, chính vì vậy đã tạo ra những hậu quả đáng tiếc trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bài 2: Y tế tư nhân: Cỗ xe tăng tốc chóng mặt thiếu phanh! ảnh 4Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền. (Ảnh: TTXVN)
Lỗ hổng của cả hệ thống? Sau vụ Cát Tường bị phanh phui, nhiều người hoài nghi và bức xúc về năng lực cũng như chức năng của cơ quan thanh tra y tế đã không phát hiện ra những sai phạm trên. Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, sau vụ việc trên, ngành y tế cũng phát hiện những khó khăn tồn tại trong công tác thanh kiểm tra tại địa phương, gồm cả vấn đề nhân sự, cơ chế chính sách. Cả nước chỉ có 240 thanh tra y tế, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhất, Hà Nội nhiều thứ 2 (14 người). Có những tỉnh chỉ có 2-3 người thanh tra về y dược tư nhân. Hệ thống thanh tra này không thể đủ số lượng, chất lượng và lực lượng để thanh tra. “Phải tăng cường hơn nữa, phối hợp với các trung tâm y tế quận huyện, xã phường, Ủy ban Nhân dân phường mới có thể giám sát, thanh kiểm tra hệ thống này. Đây là một lỗ hổng cần có sự tham gia của cả hệ thống. Còn nếu chỉ dựa vào lực lượng thanh tra là không hiệu quả,” bà Tiến khẳng định. Chỉ đạo về vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân nhận định: việc phát triển y tế ngoài công lập quá nhanh khiến ngành y tế phải suy nghĩ tới một phương pháp phù hợp hơn. Theo con số thống kê, ngành y tế ngoài hơn 800 bệnh viện công lập trên toàn quốc còn có 157 bệnh viện tư nhân và hơn 30.000 phòng khám tư nhân, như vậy Phó Thủ tướng đã đặt ra câu hỏi: Với cách làm hiện nay khi mà các cơ sở y tế tư nhân phát triển nhanh chóng, liệu ngành y tế có đủ khả năng hậu kiểm được không? “Tôi sợ ngành y tế không đủ sức để hậu kiểm các cơ sở y tế ngoài công lập, không thể làm được. Nếu không hậu kiểm được sẽ không chấn chỉnh được, vậy hậu kiểm như thế nào? Giả sử ngành y tế có tăng thêm 1.000 thanh tra viên thì cũng không thể hậu kiểm được hết 30.000 cơ sở y tế tư nhân. Vì vậy, ngành y tế cần có biện pháp hợp lý để công tác thanh tra được tốt hơn,” Phó Thủ tướng nhắc nhở và yêu cầu./. Bài 3: Bài toán tỷ lệ nghịch số lượng bác sỹ và y đức
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục