Bài 2: Vốn tư nhân làm sân bay giúp giảm gánh nặng ngân sách

Một dự án xây dựng sân bay mới cần số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng và phải xem xét nhu cầu thị trường cũng như khả năng huy động nguồn lực đầu tư.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên trên cả nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với việc địa phương ồ ạt xin quy hoạch sân bay, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng, quy hoạch cần có độ mở và cần tính toán kỹ càng bài toán phát triển sân bay để có mô hình khai thác hiệu quả.

Ngoài ra, để huy động được vốn đầu tư, Nhà nước cũng nên mở cánh cửa cho tư nhân, khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm giảm gánh nặng ngân sách.

Xác minh tiêu chí ưu tiên

Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Duy Đồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, khi địa phương muốn đầu tư một cảng hàng không cần xây dựng tiêu chí cơ bản, hợp lý và phải tính đến hiệu quả kinh tế-xã hội chung theo 3 mục đích: chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế

Hệ thống sân bay tại các quốc gia khác được chia ra nhiều loại như cảng hàng không, sân bay thường, sân bay dịch vụ, sân bay lưỡng dụng,... Các địa phương phải nghiên cứu kỹ tính khả thi của các dự án như vị trí đặt sân bay để máy bay cất cánh và hạ cánh thuận tiện; lập dự án xây dựng sân bay theo đúng quy định của phát luật cũng như đảm bảo vấn đề kỹ thuật.

Cho rằng mỗi dự án cần đưa ra nhiều phương án khả thi, việc triển khai cần đảm bảo năng lực tài chính, ông Đồng nhìn nhận, một dự án xây dựng sân bay mới cần vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng và cần phải xem xét nhu cầu thị trường. Đây là yếu tố quan trọng nhất vì sân bay mới chỉ có thể vận hành hiệu quả khi thu hút được khách hàng và bán được vé.

Đối với quy hoạch mạng lưới sân bay, các tỉnh đưa ra đề xuất xây dựng sân bay mới, ông Đồng góp ý những đề xuất này cần được đưa vào quy hoạch một cách toàn diện cả sân bay lớn và sân bay nhỏ.

“Trong quy hoạch trước đây, Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam đã đưa ra các tiêu chí phân cấp cảng hàng không. Cảng hàng không tối thiểu mỗi năm phải đón 25.000 hành khách. Với lượng khách dưới 25.000 sẽ được xem là sân bay nhỏ và sân bay dịch vụ. Các tỉnh cũng cần xác định mục đích, ý nghĩa của sân bay dự kiến triển khai để đảm bảo tính khả thi của dự án,” ông Đồng phân tích thêm.

[Khoảng 400.000 tỷ đồng đầu tư vào cảng hàng không đến năm 2030]

Chung quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, các địa phương cần tính toán kỹ càng bài toán phát triển sân bay để có mô hình khai thác càng rõ ràng và chi tiết thì càng tốt, bởi sẽ giảm tối đa những sai sót.

Góp ý cho các địa phương nên tham vấn từ sớm các chuyên gia hàng không và nhà đầu tư xây dựng cụm cảng hàng không, theo ông Hiếu, các địa phương khi có sân bay nằm trong tầm quy hoạch gần nhau sẽ xây dựng kịch bản, kế hoạch bổ trợ cho nhau, bởi nhiều sân bay địa phương nằm gần nhau nhưng lại có những thị trường khác nhau.

“Bài toán vĩ mô hơn là quy hoạch tổng thể quốc gia. Hiện nay đã có tiêu chí về quy hoạch xây dựng sân bay nhưng cần phải có thêm các tiêu chí minh bạch hơn trong việc xác minh tính ưu tiên, để các địa phương khi đề xuất nếu không được cấp phép đồng thời sẽ không bị ấm ức. Quy hoạch cần sớm thông qua để địa phương căn cứ triển khai đồng thời Nhà nước cũng cần có chính sách để thúc đẩy phát triển cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch," ông Hiếu nói.

Đưa ra con số trong dự thảo quy hoạch sân bay cụm càng hàng không đến năm 2030 có 28 sân bay, đến 2050 là 31 sân bay, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đặt câu hỏi, nếu các địa phương đều đề xuất phù hợp, đưa ra đầy đủ luận cứ thuyết phục lên số 40 sân bay nhưng vì quy hoạch rồi không làm được có đánh mất cơ hội không?

“Quy hoạch rất quan trọng nhưng nếu không hợp lý sẽ là điểm nghẽn phát triển, nên quy hoạch mở và không nên chốt con số bởi có quy hoạch cứng và mềm. Quá trình điều chỉnh quy hoạch trở nên mất thời gian và kiểu xin-cho không hay và ngay từ đầu nên mở,” ông Vịnh nói.

Cần vốn tư nhân

Để có thể thực hiện quy hoạch cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư khác nhau như: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính, vốn từ xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP.

Ông Vịnh cho biết theo nghiên cứu của Bộ Giao thông Vận tải, các sân bay mới đề xuất quy hoạch cũng cần phải xác định rõ phương thức đầu tư phát triển như do Nhà nước hay khu vực ngoài Nhà nước cấp vốn, hay đầu tư theo mô hình PPP. Sẽ có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư khu vực ngoài nhà nước đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác?

Ông Vịnh cũng đánh giá việc tư nhân hóa sân bay lớn ở Việt Nam không đơn giản, nhưng hướng đi và cách làm để có sự tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng sân bay nhanh hơn tốt hơn, hầu hết các công trình đều có dấu ấn của nhà đầu tư tư nhân.

“Cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư cần phải tính đến phương án đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông khác để kết nối với sân bay. Như vậy mới hấp dẫn được các nhà đầu tư tư nhân vào đầu tư sân bay. Một điều quan trọng nữa là cần có sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân để cùng tính toán thời điểm triển khai và quy mô dự án thì triển khai mới hiệu quả,” ông Vịnh đưa ra chính kiến.

Với sự tham gia của nguồn vốn tư nhân, hạ tầng ngành hàng không sẽ ngày càng phát triển. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta luôn mặc định đầu tư hạ tầng hàng không luôn là lĩnh vực đặc thù, yêu cầu khắt khe về năng lực tài chính, kinh nghiệm, nhạy cảm về an ninh quốc phòng nên chỉ dành cho các doanh nghiệp quốc doanh.

[Huy động nguồn lực nào để 'rót vốn' đầu tư vào hạ tầng sân bay?]

Dẫn giải minh chứng sân bay Vân Đồn đánh dấu một mốc phát triển mới trong tư duy về hàng không của Việt Nam khi tư nhân cũng có thể tham gia thực hiện một hạ tầng mang tầm cỡ giá trị quốc gia, có ý nghĩa thời đại, ông Thiên nhìn nhận để giải quyết các vấn đề lớn của đất nước thì cần có sự xuất hiện của tư nhân và đưa khối này vào để thay đổi cấu trúc, giải quyết bài toán về nguồn vốn đầu tư.

Khẳng định vốn đầu tư xây dựng sây bay rất quan trọng, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam cho hay, mô hình PPP đã được áp dụng ở một số sân bay như Cam Ranh và Phnom Penh, Siem Reap (Campuchia). Mô hình này giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, địa phương, thay vào đó đặt lên vai các nhà đầu tư tư nhân.

Để tối ưu hiệu quả kinh tế, theo ông Nguyễn Duy Đồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, chúng ta cần phải đặt câu hỏi khi đầu tư cảng hàng không, sân bay thì chủ đầu tư, địa phương và Nhà nước được lợi ích gì? Ngân sách quốc gia hàng năm thu được bao nhiêu?

“Tôi hy vọng rằng với sự tham gia của nguồn vốn tư nhân, ngành hàng không chúng ta sẽ ngày càng khởi sắc và cạnh tranh lành mạnh với các lĩnh vực vận tải còn lại như đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa,” ông Đồng chia sẻ./.

[Bài 1: Địa phương kỳ vọng ‘đổi đời’ nhờ cảng hàng không, sân bay]

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục