Thu phí tự động không dừng: Lợi đã rõ, sao dân không 'mặn mà'?

Bài 2: Thu phí tự động không dừng: Lợi đã rõ, sao dân không 'mặn mà'?

Muốn hệ thống thu phí không dừng thành công cần tạo ra hệ sinh thái đa mục tiêu cho thẻ này, có thể đi được tất cả các đường quốc lộ, cao tốc, các khu bến bãi của sân bay, các điểm đỗ…
Tỷ lệ chủ xe sử dụng thu phí tự động không dừng vẫn còn rất thấp. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Tỷ lệ chủ xe sử dụng thu phí tự động không dừng vẫn còn rất thấp. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) hiện đang được nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… triển khai. Tại nước ta, nhiều trạm thu phí đã thực hiện triển khai làn thu phí tự động không dừng nhưng tỷ lệ chủ xe sử dụng vẫn thấp. Vậy vì sao một loại hình có nhiều ưu điểm, tiện lợi, minh bạch sau nhiều năm vẫn chưa thu hút được nhiều người sử dụng tại Việt Nam?

Chỉ có 30% xe sử dụng

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến nay, cả nước đã dán xấp xỉ 800.000 thẻ thu phí tự động (E-tag) trên tổng số 3,5 triệu xe ôtô cả nước (Công ty VETC dán 600.000 thẻ, hệ thống các đơn vị đăng kiểm dán khoảng 200.000 thẻ).

Ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá tiến độ dán thẻ là rất chậm bởi hiện tại quy định của Nhà nước mới chỉ khuyến khích, chưa có chế tài bắt buộc. Mặt khác, nhiều lái xe cho rằng, dán thẻ chưa mang lại hiệu quả thiết thực vì dán thẻ nhưng qua nhiều trạm không có làn thu phí tự động không dừng.

“Đặc biệt, chủ phương tiện dán thẻ, nộp tiền, mặc dù cả tháng không đi qua trạm nào nhưng hệ thống tự động vẫn tự động trừ 10.000 đồng mỗi tháng. Số tiền ít nhưng người dân vẫn không cảm thấy thoải mái. Đây là vấn đề cần suy nghĩ và có giải pháp hợp lý,” ông Bình cho hay.

[Thu phí tự động không dừng: Bao giờ cho đến... tháng Mười?]

Còn theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC, trong số những xe đã dán thẻ E-tag, tỷ lệ chủ xe đã nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng mới chỉ đạt khoảng 30%, một con số quá thấp so với kỳ vọng.

Ông Vinh thừa nhận thời gian qua, VETC đã mở rất nhiều hình thức như dán ở các trung tâm đăng kiểm và 210 điểm dán thẻ trực tiếp trên địa bàn cả nước. Mỗi xe dán thẻ chỉ 5 phút nên tốc độ và thời gian là cơ bản đáp ứng.

“Nhiều khách hàng ý kiến xe có thẻ ETC nhưng khi đi vào làn ETC lại vướng các xe không dán thẻ. Vì thế, cần có quy định những xe không dán thẻ sẽ không được vào làn ETC, khách hàng mới thấy được quyền lợi sử dụng thẻ ETC là tiện lợi, không bao giờ ách tắc,” ông Vinh đưa ra giải pháp thúc đẩy thu phí không dừng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đề xuất 2 phương thức trả trước như đang làm và trả sau khi thanh toán dịch vụ thu phí không dừng.

“Nếu chủ xe dùng thẻ thu phí không dừng bằng thanh toán trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Làm cách này, doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào, từ đó sẽ kiểm soát được khoản phí, công khai, minh bạch với lái xe,” ông Quyền gợi ý.

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, mỗi doanh nghiệp taxi có 2.000 đầu xe, chỉ cần mỗi tài khoản phải nạp khoảng 500.000 đồng đã phải “giam” 10 tỷ đồng trong ngân hàng. Số tiền này doanh nghiệp phải đi vay và trả lãi suất nhưng vẫn phải nạp cho lái xe để chấp hành quy định.

“Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều trả lương cho tài xế qua tài khoản. Vấn đề đặt ra là tại sao không tận dụng tài khoản riêng của lái xe kết nối với tài khoản thu phí không dừng?,” ông Hùng đưa ra thắc mắc.

Cần tạo ra hệ sinh thái cho thẻ thu phí

Giải đáp những thắc mắc này, theo ông Vinh, Bộ Giao thông Vận tải đã có lộ trình thu phí tự đông không dừng với 4 giai đoạn. Giai đoạn hiện đang triển khai là giai đoạn sơ khai có barie, có số dư. Nhưng giai đoạn mơ ước là giai đoạn 4, không có bước thu phí, không có barie, các xe cứ qua rồi trả tiền sau và căn cứ tình hình sẽ triển khai từng giai đoạn.

Trả lời về việc tại sao khách hàng đi mà không trừ tiền trực tiếp từ tài khoản của ngân hàng mà lại phải chuyển vào tài khoản ETC, ông Vinh cho hay chia sẻ từ kinh nghiệm của nước ngoài, tài khoản ngân hàng khi xe đi qua trạm sẽ không đủ thời gian để trừ trực tiếp từ hệ thống ngân hàng để kiểm tra số dư. Vì điều kiện xe đi qua trạm chỉ 0,02 giây không đủ thời gian truy nhập nhiều lớp bảo mật của ngân hàng.

“Giải pháp của VETC là liên kết với ngân hàng để ngân hàng tự động trừ một số tài khoản dư nào đó để phục vụ cho việc chủ tài khoản sử dụng thẻ ETC. Mục tiêu phải triển khai để tạo thuận lợi cho cả người sử dụng và cho ngân hàng,” ông Vinh nói.

[Cuối 2020 các trạm thu phí phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng]

Là chủ đầu tư dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 với 33 trạm, theo ông Võ Anh Tâm, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp (Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel), hệ thống mà Viettel đang thiết kế dành cho thu phí không dừng đang thanh toán rất tiện lợi. Bản thân Viettel có hệ thống thanh toán điện tử như ViettelPay… Các thẻ tín dụng hiện nay cũng hoàn toàn có thể đưa vào thanh toán. Ngoài ra, hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang thông qua chương trình Mobil Money nên các kết nối thanh toán rất thuận tiện và đơn giản.

“Muốn hệ thống thu phí không dừng này thành công thì cần tạo ra hệ sinh thái đa mục tiêu cho thẻ này, có thể đi được tất cả các đường Quốc lộ, cao tốc, các khu bến bãi của sân bay, các điểm đỗ… Người sử dụng sẽ thấy việc này có hiệu quả hơn,” ông Tâm đề xuất.

Bài 2: Thu phí tự động không dừng: Lợi đã rõ, sao dân không 'mặn mà'? ảnh 1Phương tiện chưa dán thẻ thu phí tự động không dừng nhưng cố tình đi vào làn này sẽ bị phạt theo Nghị định 100/2019. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết nhằm phát huy hiệu quả dự án, điểm quan trọng nhất sửa đổi Quyết định 07/2017 lần này là thay vì bắt buộc tất cả các làn thu phí không dừng sẽ duy trì 1 làn hỗn hợp mỗi chiều lưu thông cho xe chưa kịp dán thẻ hay nạp tiền lưu thông, đến khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ các làn sang thu phí không dừng.

“Để giải quyết tình trạng xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng, các trạm sẽ phân làn thuần thu phí không dừng, xe nào đi vào làn này sẽ bị phạt theo Nghị định 100/2019,” ông Huy khẳng định.

Đề cập việc tháo gỡ khó khăn tài chính, ông Huy cho biết Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung quy định trong trường hợp việc trích chi phí cho dự án thu phí không dừng không đảm bảo tính khả thi theo phương án tài chính, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại một số trạm thu phí sau khi hết thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án để hoàn vốn cho dự án ETC.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy định chế tài, bao gồm cả việc dừng thu phí đối với trạm BOT không thực hiện việc triển khai ETC đúng tiến độ yêu cầu đồng thời đề xuất bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc phối hợp, hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến thanh toán điện tử liên ngân hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục