Bài 2: Số phận những ngôi mộ nằm ngoài rìa nghĩa trang liệt sỹ

Trái ngược với vẻ quy củ của khu Liệt sỹ, khu Từ trần của huyện Trần Văn Thời đang có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều ngôi mộ thậm chí đã bị “vô danh hóa” khi toàn bộ thông tin trên bia hoàn toàn xóa nhòa.
Bài 2: Số phận những ngôi mộ nằm ngoài rìa nghĩa trang liệt sỹ ảnh 1Rất hiếm dịp, khu Từ trần thuộc Nghĩa trang Trần Văn Thời mới có người đến thắp hương, dọn dẹp như này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nghĩa trang huyện Trần Văn Thời hiện là nơi yên nghỉ của hàng trăm liệt sỹ đã ngã xuống tại mảnh đất này. Cũng trong khuôn viên của nghĩa trang rộng hàng ngàn mét vuông ấy, từ rất lâu, người ta dựng thêm một khu mang tên Từ Trần để chôn cất người có công với huyện Trần Văn Thời cũng như các cán bộ hưu trí.

Trái ngược với vẻ trang nghiêm, quy củ của khu Liệt sỹ, khu Từ trần đang có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều ngôi mộ thậm chí đã bị “vô danh hóa” khi toàn bộ thông tin trên bia đã hoàn toàn xóa nhòa. Có ngôi mộ bị sụt lún nghiêm trọng.

Điều đáng nói hơn, trái với lời khẳng định của các cán bộ huyện Trần Văn Thời rằng: Khu Từ trần chỉ là nơi chôn cất cán bộ hưu trí, người có công với huyện nhà, thực tế, tại đây vẫn có nhiều mộ liệt sỹ được quy tập về từ các đợt.

Những ngôi mộ ở “ngoài rìa”

Nằm sát ngay bên bờ sông Đốc, nghĩa trang huyện Trần Văn Thời hiện tại có quy mô khá bề thế. Công trình được phân chia làm hai khu vực rõ rệt, bao gồm một phần diện tích lớn được dành để làm nơi an nghỉ của các liệt sỹ đã hy sinh và một phần đất nhỏ hơn được dành để chôn cất người có công và cán bộ hưu trí của huyện.

Dẫn chúng tôi vào khu nghĩa trang mang tên Từ trần, bà Trần Nguyệt Ảnh (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) không sao giấu nổi nỗi buồn. Cha bà, ông Trần Văn Tuất được coi là người có thời gian “cư trú” lâu nhất với hơn 30 năm tại khu vực này.

Chỉ tay ra khoảng đất rộng chừng 200m2 lô nhô các loại mộ, bà Ảnh cay đắng: “Nằm ngay sát chân nghĩa trang liệt sỹ khang trang, nhưng khu vực được gọi là Từ trần lại khác biệt quá trời.”

Hàng chục ngôi mộ nhiều kích cỡ nằm im lìm dưới cái nắng cực độ của tháng Tư Cà Mau. Xung quanh, cỏ dại bị đốt cháy vàng vọt phủ đầy.

Sau khi run rẩy thắp bó nhang chuẩn bị sẵn từ nhà, bà Ảnh bắt đầu khóc nấc lên ngay bên phần mộ của cha mình. Bà ấm ức kể: “Năm 1982, khi cha tôi mất, ổng được đưa vào đây chôn. Suốt từ bấy đến nay, ổng vẫn nằm nguyên đấy.”

Cũng chính vì vậy, hơn ai hết, bà Ảnh là người nắm rõ nhất sự thăng trầm của khu đất. Theo bà Ảnh, thời gian trước kia, khu vực này chưa được đặt tên là Từ trần. Đây cũng chỉ là mảnh đất sình lầy nằm sát ngay nghĩa trang của huyện Trần Văn Thời. Vì vậy, trong vòng nhiều năm, các ngôi mộ tại khu vực này đã bị tàn phá nghiêm trọng.

Từ năm 2013, bà Ảnh có kiến nghị về việc khu vực trên bị xuống cấp. Chỉ đến lúc này, huyện Trần Văn Thời mới bơm thêm cát vào… khiến hàng chục ngôi mộ “chìm” xuống, chỉ còn nhô lên một phần.

“Như mộ ông già tôi, giờ chỉ còn nhô lên một chút, đau lòng lắm,” bà Ảnh rấm rức khóc.

Ngay cạnh đó, nhiều ngôi mộ khác bỗng dưng hóa “vô danh” khi toàn bộ thông tin trên bia đã bị bào mòn, xám xịt. Dãy mộ ngoài cùng sát bên phải thậm chí còn bị sụt lún hẳn xuống nhưng cũng không được nâng cấp, tu sửa.

Bài 2: Số phận những ngôi mộ nằm ngoài rìa nghĩa trang liệt sỹ ảnh 2Nhiều ngôi mộ tại khu vực này đã bị hư hỏng, sụt lún nghiêm trọng trong thời gian dài nhưng không được tu sửa lại (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

 Chỉ cách đó vài chục bước chân, khu liệt sỹ lại được xây dựng hết sức kiên cố, chắc chắn khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Theo lý giải của cán bộ huyện Trần Văn Thời, khu Từ trần với 22 ngôi mộ được dành để chôn cất cán bộ hưu trí và những người có công với huyện nhà. Còn các liệt sỹ được an nghỉ tại khu vực lớn hơn bên cạnh.

Tuy nhiên, thực tế, theo xác nhận của nhiều nhân chứng, năm 1985 – 1986 có 4 ngôi mộ liệt sỹ được quy tập từ các xã về, vì mới chết chưa xếp cột được nên còn để nguyên hòm và chôn cùng một hàng với mộ của ông Trần Văn Tuất.

Bà Võ Thị Xinh, nguyên Phó phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Trần Văn Thời những năm 1980 cho hay: 4 liệt sỹ này được chính tay bà đưa về trong các đợt truy tập từ các xã trên địa bàn huyện.

Bà Xinh cũng cho biết thêm: Mặc dù bản thân bà đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên cho tới nay, các trường hợp liệt sỹ này vẫn chưa được xem xét giải quyết và di chuyển.

Trong lúc chờ đợi, các ngôi mộ liệt sỹ này đã xuống cấp nghiêm trọng, không có người thờ cúng, hương khói. Họ phải nằm lạnh lẽo bên ngoài rìa nghĩa trang liệt sỹ khang trang chỉ cách đó vài bước chân đi bộ.

33 năm một lời hứa bất thành

Cùng chung số phận nằm “ngoài rìa” như 4 ngôi mộ liệt sỹ khác tại khu từ trần, trường hợp của ông Trần Văn Tuất thậm chí còn ngang trái hơn.

Năm 1983, ông Trần Văn Tuất đột ngột từ trần tại bệnh viện Quân y Cần Thơ. Mặc dù, gia đình có nguyện vọng chôn cất ông tại nhà cho tiện việc thờ cúng nhưng chính quyền huyện Trần Văn Thời khi ấy đã tìm nhiều cách vận động họ đưa thi thể vào mai táng vào nghĩa trang huyện nhà. Họ cũng hứa sẽ di chuyển hài cốt của ông vào khu nghĩa trang liệt sỹ.

Thế nhưng, đã 33 năm trôi qua, lời hứa ấy vẫn chưa một lần trở thành hiện thực.

Bà Võ Thị Xinh, nguyên Phó phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Trần Văn Thời vào thời điểm ông Tuất mất tỏ ra hết sức bức xúc khi suốt 33 năm ròng, lời hứa của huyện dành cho gia đình ông vẫn chưa thể thực hiện.

Bà Xinh hồi tưởng lại: Năm 1982, ông Trần Văn Tuất mất khi đang điều trị tại bệnh viện Quân y Cần Thơ. Lúc này, theo Nghị quyết chung của Huyện ủy, ông Tuất sẽ được chôn cất tại nghĩa trang huyện Trần Văn Thời do những công lao của ông với huyện nhà.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, nghĩa trang liệt sỹ huyện Trần Văn Thời đang được xây dựng dang dở nên trực tiếp bà Xinh cùng nhiều lãnh đạo khác đã chỉ đạo để ông nằm ngoài khu mộ một thời gian, đến khi bốc cốt sẽ đưa ông vào yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ.

Bài 2: Số phận những ngôi mộ nằm ngoài rìa nghĩa trang liệt sỹ ảnh 3Ông Hồ Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện Trần Văn Thời xác nhận lời hứa 33 năm về trước (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Xác nhận lời của bà Xinh, ông Hồ Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Trần Văn Thời lúc bấy giờ thậm chí còn kể tường tận hơn:“Ông Hai Tuất bệnh là bệnh trên đơn vị chứ không phải về nhà mới bị, ông ấy đi bệnh viện xã huyện tùm lum, phát bệnh kéo dài đến lúc sắp mất mới về nhà. Lúc ông Tuất từ trần làm lễ rất chu đáo. Bà Ba Dân là bí thư huyện chỉ đạo mang vào nghĩa trang vô danh chôn, sau này cải táng mới đem vô nghĩa trang liệt sỹ.”

“Hồi ông Hai Tuất mất lãnh đạo xuống nhiều lắm, nghi lễ đàng hoàng. Bí thư huyện khi đó cũng hứa là bằng mọi cách phải đem ông vào khu mộ liệt sỹ chôn, đấy là chủ trương của huyện ủy”, ông Út Sơn nhấn mạnh.

Trước lý giải: Do ông Tuất hiện đang nằm yên nghỉ tại khu Từ trần vốn là dành cho người có công và cán bộ hưu trí nên không được công nhận liệt sỹ, tất cả các nhân chứng đều nhấn mạnh: Các cấp chính quyền cần phải tôn trọng sự thật lịch sử. Thực tế thời điểm ông Tuất mất, khái niệm khu Từ trần chưa bao giờ tồn tại.

Về vấn đề này, bà Võ Thị Xinh nói: “Lúc ổng mất [ông Trần Văn Tuất-PV] làm gì có nghĩa trang Từ trần nào.”

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Sơn cũng khẳng định: Từ giai đoạn 1981-1985, nghĩa trang huyện Trần Văn Thời chỉ có hai khu, bao gồm khu liệt sỹ với các mộ liệt sỹ có tên và khu liệt sỹ không tên hoặc liệt sỹ vô danh chứ không hề có khu từ trần. Phải mãi về sau này, Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời mới quy hoạch rõ hai khu như hiện nay.

Cả ông Sơn và bà Xinh đã nhiều lần kiến nghị lên Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời đề nghị di chuyển hài cốt ông Tuất vào nghĩa trang liệt sỹ theo đúng tinh thần lời hứa 33 năm về trước. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận.

Ông Sơn thẳng thắn: “Sự thật là 33 năm về trước, lãnh đạo huyện đã hứa với gia đình anh Hai Tuất, vì vậy họ mới đồng ý cho huyện chôn cất ảnh tại đây. Nếu bây giờ, các cấp chính quyền không chấp thuận thì phải làm rõ trách nhiệm của những lãnh đạo trước đây, cũng như phải xin lỗi công khai gia đình, tiến hành di chuyển hài cốt ông Hai về cho gia đình thờ cúng.”

Trong lúc mòn mỏi đợi chờ, bà Trần Nguyệt Ảnh vẫn ngày ngày ôm di ảnh cha mình, nuốt vào lòng những giọt nước mắt. “Dù còn chút hơi thở cuối cùng tôi vẫn dành để đòi lại danh dự cho ba.”

Để tìm câu trả lời chính xác cho những vấn đề trên, chúng tôi đã tìm đến Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Trần Văn Thời. Tuy nhiên, trong cả 3 lần chúng tôi có mặt, những người có thẩm quyền đều cáo bận.

Ngày 29/3, sau nhiều lần bị từ chối, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với Phó Chánh văn phòng nhân dân huyện Trần Văn Thời. Hơn 1 tiếng chờ đợi, sau khi kết nối điện thoại với Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện, bà Phó Chánh văn phòng cho hay: Vị trưởng phòng này đề nghị chúng tôi trực tiếp gọi điện để hẹn lịch tiếp. Tuy nhiên, mặc dù phóng viên đã liên tục vào số này nhưng không có ai bắt máy.

Thậm chí, ngay cả khi chúng tôi nhắn tin nội dung làm việc, vị trưởng phòng cũng không hề hồi đáp.


Cũng trong những ngày ở Cà Mau, chúng tôi còn đau lòng hơn khi chứng kiên một sự thật khó chấp nhận, rằng, có những liệt sỹ đã nằm xuống hàng chục năm, nhưng họ vẫn phải oằn lưng “nuôi” các cán bộ cấp xã. Thậm chí, những người có chức vị ở một xã của huyện Cái Nước còn nhẫn tâm hơn khi bắt người chết sống thêm trên giấy tờ 10 năm nữa để họ được hưởng lợi.

Những câu chuyện nhỏ về chính sách dành cho người có công tại Cà Mau trở nên buồn hơn bao giờ hết.

Bài 3: Ăn chặn tiền xương máu của gia đình liệt sỹ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục