Bài 2: Sáu lý do để Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản

Với tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực Đông Nam Á - trên 6%/năm, nền kinh tế có sự dịch chuyển cơ cấu sang sản xuất công nghiệp, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư và hợp tác hấp dẫn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực Đông Nam Á - trên 6%/năm, nền kinh tế đang có sự dịch chuyển cơ cấu sang sản xuất công nghiệp, xuất khẩu vượt trội cùng khả năng tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu…, nhiều doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng Việt Nam là điểm đến đầu tư và hợp tác hấp dẫn.


[Khuyến cáo về các loại tội phạm liên quan đến giao dịch tiền ảo]

Sáu lý do đến Việt Nam

Tại Diễn đàn “Đánh giá triển vọng tăng trưởng và thiết kế chính sách cho giai đoạn tới” do Nikkei Asean Review tổ chức, ngày 15/11, các nhà đầu tư của Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường năng động nhất trong khu vực, với các tiềm năng kinh doanh và cơ hội đầu tư.

Theo đại diện từ Tập đoàn Nikkei, các công ty Nhật Bản có xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, điện tử, ôtô và bán lẻ của Việt Nam với mục tiêu gia tăng sức mua của người Việt.

Ông Shosuke Mori, Phó trưởng Bộ phận Kinh doanh Quốc tế, Ngân hàng Sumitomo Mitsui chỉ ra 6 lý do Nhật Bản lựa chọn Việt Nam trở thành đối tác chiến lược, đó là lợi thế về nhân khẩu học với dân số tăng trưởng mạnh, người lao động chăm chỉ, tương đồng văn hóa, vị thế địa chính trị thuận lợi (gần Trung Quốc và Thái Lan), môi trường kinh doanh cho người nước ngoài cải thiện, môi trường chính trị-kinh tế và ổn định.

Điều này được minh chứng qua các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam liên tục tăng, từ 194 doanh nghiệp (năm 2006) lên 1.706 doanh nghiệp (năm 2016). Tại thời điểm tháng 6/2017, Nhật Bản có 3.411 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 44 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trên các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Việt Nam.

Ông Koji Shibata, Phó Chủ tịch Cấp cao, Giám đốc Bộ phận chiến lược Doanh nghiệp, Hãng hàng không ANA - đối tác chiến lược của Vietnam Airline cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn quan tâm tới hoạt động đầu tư và hợp tác với bên ngoài và trong khu vực này Đông Nam Á, Việt Nam nổi lên là một điểm đến hấp dẫn, tiềm năng nhất.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Quốc gia​-Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) Kyle Kelhofer chỉ ra những cơ hội đầu tư vào Việt Nam, một thị trường quy mô dân số 95 triệu người, quốc gia khởi nghiệp có tốc độ phát triển bền vững, nhập đầu người tăng. Ông hóm hỉnh nói: “​Tranh thủ đầu tư sớm sẽ có cơ hội thu lợi nhiều hơn.”

Cổ phần hóa “nước rút”

Trước đó vào cuối tháng 10, sự kiện “Gateway to Vietnam 2017” với chủ đề: Thị trường Vốn – Động lực tăng trưởng mới của nền Kinh tế, cũng có 25 doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam và 200 quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham dự.

Tại đây, các đại biểu trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong giai đoạn 2018 – 2020, với bối cảnh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước bước vào thời kỳ “nước rút” cuối cùng. Hơn nữa, các đối tượng cổ phần hóa trong giai đoạn này đa phần là doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – SSI nhấn mạnh, “đây thực sự là thời điểm thuận lợi, cơ hội tốt cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự thay đổi cả về chất và lượng, quy mô vốn hóa ở mức tương đương các thị trường mới nổi trong khu vực.”

Qua các sự kiện, nhìn chung các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm tới Việt Nam hơn khi mà dòng vốn đổ vào nền kinh tế đang tăng cao.

Theo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC, kế hoạch năm 2017, SCIC sẽ thoái vốn tại 85 doanh nghiệp, song hiện tại mới hoàn thành thoái vốn tại 20 doanh nghiệp. Như vậy những tháng cuối cùng của năm, nguồn cung của tổ chức này ra thị trường là rất lớn, trong đó phải kể đến những mã cổ phiếu blue-chip, như FPT, BMP (Nhựa Bình Minh), NTP (Nhựa Tiền Phong), VNM (Vinamilk), DMC (Xuất nhập khẩu Y tế Domesco), VCG (Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam), SGC (Xuất nhập khẩu Sa Giang)…

Bên cạnh đó, kế hoạch năm 2018, Chính phủ tiếp tục cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Giấy Việt Nam, Mobifone và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện…

Năm 2019, Chính phủ dự kiến cổ phần hóa 18 doanh nghiệp, với các tên tuổi lớn như Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính viễn thông, Tập đoàn hóa chất, Tập đoàn than và khoáng sản…

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như PV Oil, PV Power, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam. Như vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, “thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng

Theo báo cáo thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, toàn thị trường có 1,87 triệu tài khoản giao dịch được mở, trong đó 21.000 tài khoản là của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2016, các nhà đầu tư nước ngoài có động thái rút vốn trên thị trường cổ phiếu, song đến năm 2017, khối ngoại đã quay lại mua ròng cả cổ phiếu và trái phiếu. Tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đến tháng 10/2017, tăng 47,4% so với cuối năm 2016.

Mặc dù, thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô vốn khiêm tốn khoảng 124 tỷ USD và xếp hạng thị trường cận biên, nhưng với những diễn biến của thị trường trong thời gian qua cho thấy sự phát triển và sức hấp dẫn của thị trường vốn nói chung, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra một số điểm lạc quan về xu hướng phát triển bền vững của thị trường trong thời gian tới.

Về vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% và khả năng duy trì ở mức cao trong 5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu, tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất vốn ở mức hợp lý.

Quan điểm phát triển của Việt Nam đang có sự chuyển dịch, chính thức coi kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển thị trường vốn trong tương lai. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục