Xuân về trên quần đảo Trường Sa

Bài 2: Quần đảo Trường Sa nhìn đâu cũng một màu xanh

Giữa biển trời mênh mông, quần đảo Trường Sa nhìn đâu cũng một màu xanh: màu xanh của cây cối, của rau xanh, vẫn vươn lên tươi tốt, bất chấp thời tiết khắc nghiệt của biển khơi.

Nhiều cây cảnh được trồng ở khu vực trung tâm đảo Trường Sa, góp phần tạo cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp trên đảo. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Nhiều cây cảnh được trồng ở khu vực trung tâm đảo Trường Sa, góp phần tạo cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp trên đảo. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Sau những giờ tác nghiệp vất vả ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi thường ngồi dưới bóng cây bàng vuông vừa nghỉ ngơi, vừa nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân nơi đây.

Mấy chị em đồng nghiệp nữ tha thẩn dạo chơi dưới bóng mát của cây phong ba, bão táp, tra, mù u, hay hàng phi lao xanh mướt như để tận hưởng hương vị của biển, đảo. Giữa biển trời mênh mông, quần đảo Trường Sa nhìn đâu cũng một màu xanh: màu xanh của cây cối, của rau xanh, vẫn vươn lên tươi tốt, bất chấp thời tiết khắc nghiệt của biển khơi.

“Phủ xanh” một vùng đất cát, san hô

Lúc chia tay Đoàn phóng viên trên Quân cảng Cam Ranh, Phó Chính ủy Vùng 4, Đại tá Nguyễn Hữu Minh chia sẻ với chúng tôi: "Trường Sa hôm nay khác lắm, các đồng chí sẽ thấy toàn một màu xanh, cơ sở vật chất khang trang. Khác nhiều với mấy chục năm trước, khi tôi còn làm nhiệm vụ trên đảo, Trường Sa chỉ toàn cát trắng và san hô, rau xanh khó trồng nên rất hiếm…."

Từng mong chờ được đi Trường Sa, nghe qua lời Phó Chính ủy càng khiến chúng tôi mong chờ được thấy những đảo xanh nổi bật giữa biển khơi. Đến đảo Trường Sa, màu xanh đó còn nổi bật hơn cả những gì chúng tôi đã hình dung. Từ bến cảng, chúng tôi đi len qua những con đường đổ bê tông sạch sẽ, dưới những tán cây ken dày, rợp bóng mát. Các đảo An Bang, Đá Tây, Song Tử Tây… cũng vậy, đâu đâu cũng tràn ngập một màu xanh của đủ các loại cây, hòa vào sắc xanh của biển trời và càng trở nên đẹp hơn khi tiết trời vào Xuân.

Thực tế, thổ nhưỡng ở Trường Sa chủ yếu là cát, san hô và đất (mang từ đất liền ra), khả năng giữ nước rất hạn chế, việc trồng cây xanh trên các đảo gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày sóng to, gió lớn, hơi nước mặn tràn qua đảo, phủ khắp bề mặt đất, trên lá và thân cây, làm thổ nhưỡng ngày một cằn cỗi, cây chậm phát triển. Thượng uý Phạm Xuân Trường, Trợ lý thanh niên Lữ đoàn 146, chia sẻ vì khí hậu khắc nghiệt nên trồng được một cây ở Trường Sa là rất quý; cán bộ, chiến sỹ Trường Sa phải chờ những ngày không có mưa, gió mới bắt đầu đổ đất rồi tranh thủ trồng cây, làm rào che chắn…

ttxvn_sac_xanh_o_truong_sa1.jpg
Đảo Trường Sa, trung tâm Quần đảo Trường Sa, được phủ xanh không chỉ tạo bóng mát cho bộ đội mà còn làm tốt vai trò che chắn gió, bão và tăng khả năng phòng thủ của đảo. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tuy vậy, quân và dân Trường Sa vốn mang trong mình ý chí dân tộc Việt, càng gian nan càng thể hiện sức mạnh vượt khó vươn lên. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân nhiều năm qua đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa,” nhằm tạo cảnh quan tươi đẹp, không chỉ tạo bóng mát cho bộ đội mà còn làm tốt vai trò che chắn gió, bão và tăng khả năng phòng thủ của đảo.

Vùng 4 đã vận động các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ hàng trăm nghìn cây xanh các loại kèm theo giá thể, đất màu, phân hữu cơ, vật chất che chắn,... Các đảo cũng xây dựng những vườn ươm cây giống tại đảo. Vườn ươm là nơi chăm sóc những cây trồng được mang từ đất liền và những cây được ươm, chiết, nhân giống từ các cây trên đảo, nhằm tự túc một phần giống cây trồng tại chỗ.

Chính trị viên đảo Trường Sa, Trung tá Phạm Tiến Điệp chia sẻ: "Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” được đẩy mạnh trên các đảo thuộc Trường Sa từ tháng 6/2023 đến nay, với quyết tâm và nỗ lực của cán bộ chiến sỹ trên các đảo. Chúng tôi đưa ra các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện chương trình này. Đối với các tổ chức quần chúng trong đơn vị, các liên chi đoàn thanh niên tổ chức xung kích ươm các loại cây hiện có trên đảo, qua đó, triển khai trồng và chăm sóc cây xanh ở các vị trí hiện nay còn chưa phủ xanh được.”

Hiện đảo Trường Sa đã phủ kín được 85% diện tích, phấn đấu phủ xanh toàn đảo trong thời gian sớm nhất. Theo Trung tá Phạm Tiến Điệp, những khu vực giáp với biển do điều kiện quá khắc nghiệt vẫn chưa phủ xanh được. Đảo đã có kế hoạch, phương pháp trồng theo kiểu lấn dần, cây sau mọc lên tạo tiền đề, che chắn cho cây trước phát triển. Cứ như vậy, các vị trí khó khăn nhất trên đảo sẽ phủ kín cây xanh, góp phần hoàn thành kế hoạch chương trình xanh hóa Trường Sa.

“Rau xanh đủ để hỗ trợ bà con ngư dân…”

Chính trị viên đảo Trường Sa, Trung tá Phạm Tiến Điệp phấn khởi ra mặt khi chia sẻ thông tin này với chúng tôi. Rau xanh do cán bộ, chiến sỹ tăng gia không chỉ đảm bảo đủ cho bộ đội, bà con nhân dân trên đảo mà còn hỗ trợ cho cả ngư dân đến đảo trú tránh, neo đậu.

ttxvn_sac_xanh_o_truong_sa2.jpg
Cây xanh phủ kín tòa nhà trung tâm đảo Trường Sa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Vui với niềm vui của Trung tá Điệp, nhưng lại thoáng nghĩ ngay tới hình ảnh những bãi cát nối dài trên các đảo Trường Sa những năm 1990, qua lời kể của anh Lưu Quang Phổ (Báo Thanh Niên): "Rau xanh lúc đó còn trồng trong chậu, phải làm giàn kê cao lên, còn phải bôi mỡ để chống lại từng đàn chuột lúc nhúc trèo lên phá hoại…."

Bữa ăn hôm ấy, Trung tá Phạm Tiến Điệp mời chúng tôi ăn “ngót Nhật,” loại rau giống ngoại ngon lành vẫn có ở trên đảo để chúng tôi thưởng thức, một cách thoải mái. Cũng ở đây cách đây gần 30 năm, đồng nghiệp của tôi cũng được mời ăn rau, nhưng đó là bữa rau quý giá vì sự khó khăn, thiếu thốn thời bấy giờ. Những ngày ở Trường Sa, được ăn những bữa rau thoải mái càng thấm thía nỗi gian khổ của những người lính đảo, của chính những đồng nghiệp của mình đã từng trải qua.

Trường Sa hôm nay đã khác. Màu xanh được phủ khắp các đảo. Đảo Trường Sa hiện có 2.000m2 trồng rau với đủ các loại rau, củ luôn tươi xanh, mỡ màng. Trung tá Phạm Tiến Điệp cho biết: “Thủ trưởng các cấp trong Lữ đoàn 146 quan tâm quy hoạch các khu vực trồng rau trong từng đơn vị. Trên cơ sở đó, các đảo tiến hành che chắn cho vườn rau để hạn chế tối đa tác động của điều kiện thời tiết. Nhờ vậy mà năng suất rau luôn đảm bảo, còn góp phần tạo không gian xanh mát trên đảo.”

Tôi cùng mấy đồng nghiệp nữ tranh thủ buổi chiều tác nghiệp ở vườn rau, vừa phụ giúp anh em lính đảo “thu hoạch” rau xanh cho bữa tối. Vườn rau ở Trường Sa, hay ở đảo Đá Tây cũng vậy, dù nằm gần biển vẫn rất kín gió do được ngăn cách bởi một hàng phi lao dày. Tôi thấy giống như mình đang được về quê hái rau, hay được trải nghiệm “một giờ làm nông dân.” Ngước mắt lên trời, vẫn là cây lá đang xào xạc, không khí trong lành, thanh bình quá đỗi.

Chiến sĩ Đinh Thành Vinh đưa tôi trở lại với thực tại: “Lính tráng tụi em tăng gia sản xuất cũng là một cách để rèn luyện sức khỏe, đoàn kết gắn bó với nhau hơn. Sau này, khi hoàn thành nhiệm vụ về địa phương, tụi em còn có thêm những kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cơ bản, hiểu được những giá trị lao động sản xuất trong cuộc sống hàng ngày….”

Ở An Bang, hòn đảo nổi tiếng với sóng, gió quanh năm, cán bộ, chiến sĩ vẫn tăng gia sản xuất, bất chấp khí hậu khắc nghiệt bậc nhất Trường Sa. Chính trị viên đảo An Bang, Thiếu tá Nguyễn Văn Công cho biết, trên đảo trồng các loại rau cải, mùng tơi, dưa leo, bầu đất trong diện tích 300m2 nhà màng. Nguồn rau tăng gia thời gian qua đảm bảo được khoảng 60% nhu cầu của đảo.

Do chật chội, độ nhiễm mặn lại cao, thời tiết sóng to, gió lớn, biển động, nên rau xanh ở đảo An Bang trồng rất khó khăn. Tuy nhiên, càng khó khăn, cán bộ, chiến sĩ An Bang càng ý thức, nỗ lực bảo nhau chăm sóc, che chắn từng cọng rau, cái lá, chăm chút bón phân, tưới nước hàng ngày. Những luống rau vẫn lên xanh tốt. Tôi cảm nhận được sức sống từ một màu xanh đang mãnh liệt vươn lên, bất chấp gió biển vẫn quật từng đợt vào lưới chắn của nhà màng…/.

Bài 3: Nghĩa tình Trường Sa

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục