Bài 2: Những sợi dây dài… nối Tết cổ truyền qua Biển Đông

Trong điều kiện sóng to, gió lớn, để có thể chuyển hàng Tết đến với các nhà giàn, cán bộ, chiến sỹ hải quân buộc phải thực hiện phương pháp chuyển hàng qua biển.
Đương đầu với sóng dữ để chuẩn bị chuyển hàng qua biển (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Biển mỗi lúc một giận giữ thúc mạnh vào mạn thuyền khiến ngay cả những chiến sỹ hải quân dạn dày cũng mệt lử đử. Nước bắn trắng mũi tàu, len lỏi chảy đầy các hành lang tầng thấp. Nước ràn rạt hất thẳng vào mặt người đứng ở hai bên mạn boong.

Thượng úy thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Thịnh nhìn những đợt sóng cao tới vài mét đang táp mạnh phía mũi tàu khẽ thở dài. Nhà giàn DK1/15 đã ở ngay trước mắt mà tàu 621 không thể tiếp cận gần. Phương án tối ưu: Chuyển hàng qua dây buộc phải được thực hiện.

Trên buồng lái, thuyền trưởng trẻ tuổi đứng ngồi không yên. Sàn tàu vẫn nghiêng ngả theo từng bước sóng có khi cao tới 3m. Nhà giàn Phúc Nguyên thì sừng sững ở trước mắt, nhưng việc thả cano xuống biển lúc này đã thành bất khả thi.

Sau khi hội ý nhanh với Đại tá trưởng đoàn Trương Công Thế, Thịnh nối máy I-Com với Phúc Nguyên. Tiếng người qua sóng cực ngắn rè rè như nghẹn ứ lại trong cổ họng: “Sóng lớn quá, tàu không đưa cano vào được. Phúc Nguyên chuẩn bị đón quà Tết qua biển nhé.”

Người nhà giàn, dường như hụt hẫng vì không thể đón đoàn lên: “Phúc Nguyên nghe rõ. Anh em đã sẵn sàng.”

Ngay lập tức, một nhóm thuyền viên gần chục người được huy động xuống mặt boong. Hàng từ dưới hầm nhanh chóng được kéo lên.

Các chiến sỹ ngành boong chuẩn bị chuyển hàng qua biển (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Từ buồng lái, Thượng úy Nguyễn Tuấn Thịnh liên tục nhắc nhở anh em bọc hàng Tết thật kỹ, tránh để nước vào. Tàu 621 cũng được điều khiển đứng ngược sóng, cách nhà giàn Phúc Nguyên chừng 50m nước rồi rền vang một hồi còi báo hiệu.

Lúc này, tất cả người trên nhà giàn cũng đã sẵn sàng. Hệ thống ròng rọc được lắp đặt trên tầng 2 của “nhà” được buộc sẵn dây mồi dài cả trăm mét, đầu dây gắn chặt với phao nổi. Từ điểm cao, các chiến sỹ quăng thẳng dây, phao xuống mặt biển đang ầm ầm sóng. Dòng nước kéo phao chảy xuôi tới tàu hải quân đang ngược sóng đứng chờ.

Trung úy Nguyễn Duy Thủy, thuyền phố 621 là người trực tiếp tham gia chỉ huy đội hình “nối dây đưa Tết qua biển Đông.” Vừa thấy dây mồi được ném ra từ Phúc Nguyên, Thủy thoăn thoắt chạy lên mũi tàu, mặc sóng ràn rạt đánh thốc từ dưới lên ướt sũng.

“Đây là phương án dùng cho mùa biển động mạnh, không chắc chắn tất cả các kiện hàng lên đến nhà giàn an toàn, đầy đủ vì khả năng bị sóng đánh đứt dây, chìm xuống rất cao. Nhưng với điều kiện sóng gió hiện tại, không dùng cách này thì không còn cách nào khác. Những kiện hàng được ưu tiên là lương thực, linh kiện máy móc, các thứ đó không được để trôi đi,” Trung úy Thủy cho biết.

Vừa nói, thuyền phó sinh năm 1988 chia anh em ra làm 3 tốp nhỏ. 4 người sẽ đứng dựa sát hai bên mạn mũi tàu, dùng dây thừng gắn với móc căn đúng lúc phao mồi trôi tới để quăng ra kéo lại. Một tốp khác cũng được bố trí dọc hông tàu dùng sào dài yểm trợ.

Quăng dây móc phao mồi... (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Tàu vẫn ngược nước. Sóng đập chân trụ thép khổng lồ giữa trùng dương dội lại chốc chốc lại trùm kín mặt boong. Sàn trơn tuột và chao đảo dữ dội. Nhóm thuyền viên đã phải dựa hẳn mình vào thành thép, mắt đăm đăm nhìn phao mồi đang bị đại dương nhồi ép.

Rồi bất ngờ, hai dây móc được quăng ra vào mặt biển trắng xóa. Những tiếng hò hét vang động cả mũi tàu. Bắt được phao rồi. Anh em mặt boong, trong một lúc, đổ dồn về phía dây thừng đang căng ra hết cỡ, hò nhau kéo lệch người.

Sợi dây tình nghĩa nối “nhà trên biển” với đất liền đã được hình thành.

Lúc này, các bọc hàng đã gói kỹ nhanh chóng được buộc chặt vào dây, từ bánh kẹo, mứt, gạo đến gà, vịt, chó, heo… Thuyền trưởng Thịnh yêu cầu anh em kiểm tra lần cuối rồi lệnh cho mọi người đưa những dây quà từ đất liền đồng loạt ném xuống mặt biển.

Chuyển hàng qua đường biển (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Người Phúc Nguyên, nhận tín hiệu qua I-Com, dồn sức, kéo thật nhanh dây về phía mình. Dây hàng nổi trên mặt sóng cứ rút lại dần theo những tiếng hò dô vang dội.

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Phó Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn DK1 đến lúc này mới thở phào nhẹ nhõm. Anh bảo, chỉ tới khi, nhà giàn nhận được đủ quà, anh mới trút bỏ được gánh nặng.

“Hàng tuy ít, nhưng nó là quà quý với anh em đi xa. Chỉ cần mất một thùng là anh em phải giảm đi một phần cái Tết vốn đã rất sơ sài và thiếu thốn,” Trung tá Mạnh tâm sự.

Trong suốt hành trình kéo dài tới hơn 20 ngày trên biển, việc chuyển quà qua dây buộc phải thực hiện liên tục do sóng ngày một lớn. Những sợi dây tình nghĩa cũng liên tục nối dài, đem Tết đến khắp vùng Thềm lục địa phía Nam của Tổ Quốc.

Bài 3: Tiếng ca Tết nghẹn ngào trên thềm lục địa Phía Nam

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục