Những ngày trên đất nước Triệu voi, đoàn chuyên gia Việt Nam có lịch làm việc dày đặc. Chỉ trừ thời gian di chuyển trên ôtô mọi người tranh thủ nghỉ ngơi, còn hầu như không có buổi nào anh em trong đoàn được nghỉ.
Cái nắng nóng bỏng rát của Lào riết rồi cũng quen. Có những đêm nóng quá, anh em trong đoàn ngồi tâm sự và mọi câu chuyện cuối cùng cũng quy về... COVID-19. Họ đều tự nhủ phải cố gắng có sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ chi viện cho nước bạn.
Hành trình đặc biệt
Những ngày tháng 5, chuyến xe 45 chỗ chở 18 y bác sỹ xuất phát từ Hà Nội, qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), vượt qua dãy Trường Sơn uốn lượn vòng vèo với những góc cua tay áo khúc khuỷu, dốc cao cheo leo. Xung quanh đường biên giới giữa 2 nước chỉ có rừng núi hoang vu.
Hành trình này với họ thật đặc biệt, phần thì tự hào, phần lại lo lắng cho chặng đường chống dịch gian nan phía trước.
Với bác sỹ Nguyễn Xuân Nhật Duy - Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Chợ Rẫy) chuyến công tác này khác hẳn với hai đợt chống dịch tại Kiên Giang và Vũng Tàu thời gian trước đó.
[Bài 1: Chiến binh áo trắng Việt Nam tại Lào: ‘Đuổi’ COVID-19 từ con số 0]
Duy tâm sự, khi nhận được quyết định trong anh lẫn lộn nhiều cảm xúc khác nhau. Duy lo vì tuổi mình còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều trong khi lần chống dịch này mang tầm quốc tế... Thế nhưng, vượt qua nỗi lo ấy, anh thấy tự hào vì sự tin tưởng của cấp trên. Từ đó, chàng bác sỹ trẻ hạ quyết tâm tập trung dồn sức cho mặt trận chống dịch.
Chàng bác sỹ 27 tuổi bảo đây là chuyến công tác mang tính chất quốc tế lần đầu tiên trong cuộc đời. Vì vậy, Duy tâm niệm đây là môi trường để phát huy hết các khả năng và vừa là thử thách phải vượt qua để trưởng thành.
Quãng thời gian ở đất nước Triệu voi, bác sỹ Duy và đoàn công tác hoạt động ở 3 địa bàn chủ yếu là tỉnh Champasak - miền Nam Lào (11-15/5), tỉnh Savannakhet - miền Trung Lào (16-19/5) và tại thủ đô Viêng Chăn (20/5-22/5).
Thời gian rất hạn chế, mỗi tỉnh đoàn chỉ có 2-3 ngày trực tiếp làm việc với các cơ sở y tế, bệnh viện, các trung tâm cách ly… song nhờ sự hỗ trợ tích cực của phía bạn, các thành viên trong đoàn đều thoải mái làm việc và phối hợp hiệu quả với các y, bác sỹ tại địa phương trong các hoạt động chuyên môn phòng chống dịch.
Qua những cuộc làm việc, Duy ấn tượng bởi tinh thần cầu thị, thái độ học hỏi của bác sỹ Lào của các bệnh viện, cán bộ tỉnh, Sở Y tế… Những góp ý của đoàn về công tác kiểm soát nhiễm ngừa ngăn chặn lây nhiễm chéo, không để COVID-19 lây lan rộng trao đổi buổi sáng thì đến chiều địa phương đã thay đổi hoàn toàn các hoạt động, thay đổi ngay lập tức mà không chút hoài nghi, thắc mắc.
Thạc sỹ Vũ Tưởng Lân - Trung tâm cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) kể trong dịch COVID-19, anh đã đi nhiều nơi như xây dựng Bệnh viện Dã chiến Trường Sơn (Đà Nẵng). Tiếp theo, anh quay lại Hải Dương trong đợt dịch bùng phát vào đầu tháng 3/2020 và trong đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai lên Điện Biên giúp tỉnh thiết lập hệ thống y tế chống dịch COVID-19. Và, lần này sang Lào là chuyến đi chống dịch quốc tế đầu tiên.
Bác sỹ Lân trải lòng: “Nước Lào đón đoàn bằng cơn mưa rừng xối xả. Đoàn xe đi những đoạn đường xuống núi ngoằn nghèo kèm theo mưa. Từ cửa khẩu Cầu Treo, Việt Nam, đoàn sẽ có hành trình đi đến 3 tỉnh Champasak, Savannnakhet và Viêng chăn. Khi bất đồng ngôn ngữ, các chuyên gia trao đổi khi thì tiếng Việt, lúc thì tiếng Anh, khi tiếng Pháp… Nhưng hơn hết, ai nấy cũng đều nỗ lực hết sức.”
Bác sỹ Vũ Tưởng Lân kể, ngày cuối cùng đoàn đang thu dọn hành lý để rời Lào, nhận được thông báo có 2 ca bệnh trong tình trạng nặng. Khi đó, các y bác sỹ lại dỡ hành lý ra, lấy trang phục bảo hộ tới hội chẩn ca bệnh nặng. Đó là trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu hoại tử chi, biến chứng của COVID-19.
“Rất đáng tiếc, trường hợp bệnh nhân này khó can thiệp vì trang thiết bị, máy móc và nhân lực của bệnh viện hạn chế, khó triển khai các kỹ thuật cao. Nếu trường hợp này ở Việt Nam có sự hỗ trợ từ các chuyên khoa khác nhau với máy móc hiện đại thì công tác điều trị cho bệnh nhân có kết quả khác. Hai ca bệnh đó cũng khiến các thành viên trong đoàn day dứt nhưng cũng thông qua đó, đoàn Việt Nam đã lên nhiều phương án để chia sẻ cách thức làm để hội chẩn thời gian tới,” bác sỹ Lân bộc bạch.
14 ngày miệt mài “nghĩ kế” cùng bạn chống dịch
Tiến sỹ Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Trưởng đoàn chuyên gia y tế Việt Nam tại Lào cho hay các thành viên trong đoàn, vốn là những y, bác sỹ có nhiều kinh nghiệm, làm việc tại các bệnh viện lớn hàng đầu của Việt Nam, từng tham gia phòng chống dịch bệnh tại các tỉnh thành trong nước.
“Đội quân 18 anh em của chúng tôi ở tất cả các lĩnh vực khác nhau, đơn vị khác nhau, thậm chí không biết nhau từ trước. Trên một chuyến xe đi hàng trăm km, mọi người mới chỉ kịp làm quen nhau để có thể hợp tác trong công việc sắp tới,” tiến sỹ Dương nói.
Những ngày ở Lào, đoàn chuyên gia Việt đã thăm và khảo sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 2 bệnh viện tuyến Trung ương, 2 bệnh viện Quân đội, 3 bệnh viện đa khoa/chuyên khoa tuyến tỉnh, 2 bệnh viện huyện, 3 bệnh viện dã chiến, 3 Trung tâm xét nghiệm COVID-19, 5 Trung tâm cách ly tập trung, 2 làng/xã có tỷ lệ mắc cao…
Trong hành trình đến tại các tỉnh, đoàn cũng trực tiếp tham gia hội chẩn, can thiệp điều trị một số ca bệnh COVID-19 nặng với bác sỹ của các bệnh viện; tổ chức hội thảo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch; chẩn đoán điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Qua kinh nghiệm của Việt Nam, các chuyên gia về công tác dự phòng, công tác xét nghiệm, công tác quản lý vệ sinh môi trường cũng như công tác chuyên môn, y tế, công tác khám bệnh, chữa bệnh… trong đoàn đã cố gắng tối đa để đưa ra những khuyến cáo, đề xuất phù hợp nhất với điều kiện hiện có của Lào nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo ông Vương Ánh Dương, để đối phó với các biến thể mới nguy hiểm như biến thể tại Anh, Ấn Độ, đoàn chuyên gia Việt Nam đã đề xuất với các đồng nghiệp Lào về thời gian phù hợp cũng như khoảng cách giữa các lần lấy mẫu xét nghiệm, tránh tình trạng sau 14 ngày hết cách ly bệnh nhân phát bệnh gây lây lan dịch trong cộng đồng…
Họ cũng đề xuất với nước bạn Lào xây dựng kịch bản ứng phó với các cấp độ dịch phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và năng lực đáp ứng y tế từng vùng. Thiết lập tổ chuyên gia giúp việc phục vụ Ban chỉ đạo Quốc gia thu thập các thông tin đa ngành đa lĩnh vực một cách chính xác, đầy đủ và tin cậy để có được thông tin và bằng chứng phong phú nhất phục vụ việc ra quyết định can thiệp cộng đồng phù hợp.
Ngoài ra, đối với vấn đề nâng cao năng lực thu dung, quản lý điều trị COVID-19, đoàn đề xuất cần thống nhất thực hiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, bổ sung chỉ định cận lâm sàng khi nhập viện.
Về năng lực chuyên môn, có thể nói hiện tại y tế những vùng trên của nước Lào mới chỉ có thể dừng lại ở mức độ cấp cứu cơ bản, kiểm soát hô hấp bằng thở máy xâm nhập, chưa có những can thiệp ở mức sâu hơn với các tình trạng nặng như viêm phổi ARDS, cơn bão Cytokine. Do đó, Bộ Y tế Lào cần có kế hoạch chung về thu dung, quản lý điều trị, cấp cứu COVID-19 của quốc gia và hướng dẫn các địa phương thống nhất lên kế hoạch theo các cấp độ dịch.
Phía bạn cũng cần chủ động triển khai các giải pháp để rút ngắn thời gian điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19, chủ động, thần tốc truy vết, thần tốc lấy mẫu, thần tốc xét nghiệm, thần tốc đáp ứng cách ly và điều trị, nâng cao năng lực xét nghiệm.
Sự hỗ trợ hiệu quả của Đoàn chuyên gia từ Việt Nam đã giúp Lào kịp thời ứng phó, kiểm soát được sự lây lan của dịch COVID-19 ổn định cuộc sống./.
Xem toàn bộ các bài:
Bài 1: Chiến binh áo trắng Việt Nam tại Lào: ‘Đuổi’ COVID-19 từ con số 0
Bài 2: Những bước chân không mệt mỏi cùng nước bạn chống 'giặc COVID'
Bài 3: ‘Chiến binh áo trắng’ trở về an toàn từ những ‘chiến địa’ ác liệt nhất
Bài 4: Quốc tế đánh giá cao dấu ấn Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19