Mía đường Nam Trung Bộ - Bài 2: Nguy cơ mất vùng nguyên liệu

Bài 2: Nguy cơ mất vùng nguyên liệu

Do thua lỗ kéo dài, nông dân các tỉnh Nam Trung Bộ đang có xu hướng phá bỏ mía để trồng các loại cây khác như sắn, keo lai, dưa hấu… và nguy cơ “khủng hoảng” thiếu nguyên liệu mía đang dần hiện hữu.
 Nhiều diện tích mía ở Phú Yên đang bị thu hẹp. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)
Nhiều diện tích mía ở Phú Yên đang bị thu hẹp. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Do giá mía xuống thấp, nông dân các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đang có xu hướng phá bỏ mía để trồng các loại cây khác như sắn, keo lai, dưa hấu… Và nguy cơ “khủng hoảng” thiếu nguyên liệu mía - thừa các loại nông sản đang dần hiện hữu.

Đồng loạt bỏ mía

Tây Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) từng được mệnh danh là “xã mía” với hơn 450ha mía nguyên liệu. Đây được xem là cây chủ lực phát triển kinh tế của người dân. Thế nhưng, diện tích mía của toàn xã hiện chỉ còn khoảng 50ha.

Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tây Thuận cho hay, mấy năm nay tình trạng nông dân phá mía diễn ra ồ ạt. Do đó, thời gian qua xã vẫn loay hoay nhưng chưa tìm ra loại cây nào hiệu quả để người dân trồng để phát triển kinh tế.

Mía và sắn được xác định là hai cây trồng chủ lực của xã nhưng trồng mía thì thua lỗ, trồng sắn thì mùa được, mùa mất. Cả chính quyền và người dân đều mất phương hướng, chưa tìm được đầu ra ổn định cho nông sản.

Năm 2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 478/QĐ-Ủy ban Nhân dân phê duyệt “Đề án rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh của tỉnh Bình Định đến năm 2020”; trong đó quy hoạch diện tích mía toàn tỉnh là 6.000ha. Thế nhưng, quy hoạch phát triển cây mía của tỉnh Bình Định hiện đang trên bờ vực phá sản.

Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, chỉ 1 năm trở lại đây diện tích trồng mía ở Bình Định đã giảm 70%.

Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 500ha mía và đang tiếp tục giảm. Các địa phương có diện tích mía lớn đang vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, không còn khuyến khích trồng mía như trước đây nên vùng mía nguyên liệu tiếp tục bị thu hẹp và có thể bị “xóa sổ.”

Thừa nhận thực tế này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định khẳng định, hiện tại tỉnh vẫn chưa tìm ra hướng đi nào tốt để giữ được vùng nguyên liệu mía theo quy hoạch.

Người trồng mía vẫn phải sống bấp bênh theo biến động giá tăng, giảm của thị trường. Hơn nữa, nhà máy đường Bình Định bị đình chỉ hoạt động cả năm nay vì không đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và đang phải thi hành án về tài sản thế chấp.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới ngành mía đường của tỉnh rơi vào khó khăn, diện tích mía giảm mạnh.

Huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên là vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa (Nhà máy đường Tuy Hòa) với diện tích hơn 5.000 ha. Ở các niên vụ trước, nông dân đã ký hợp đồng bao tiêu cây mía với nhà máy.

Riêng tại xã Đức Bình Tây với diện tích mía khoảng 1.200ha. Sau khi thu hoạch, hơn 50% số diện tích cây mía đã được nông dân phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác, bất kể đó là mía tơ.

Theo ông Trần Văn Ân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, xã Đức Bình Tây là nơi có vùng mía nguyên liệu gần với Nhà máy đường Tuy Hòa.

Những năm trước cây mía rất phát triển, được người dân đầu tư chăm sóc và cho thu nhập ổn định. Đây là cây trồng góp phần đáng kể để xã đạt được tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Thế nhưng, hiện giờ diện tích đang bị thu hẹp dần để trồng sắn hoặc cho thuê đất trồng dưa hấu. Nếu tình trạng này tiếp diễn, khoảng 2 năm nữa xã Đức Bình Tây sẽ không còn vùng mía nguyên liệu.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác, cây mía đã từng giúp gia đình bà Ngô Thị Đến, xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa thoát nghèo. Nhưng bây giờ thì đã khác, cứ đà trồng mía và giá bán thấp như 2 năm gần đây thì có khi cây mía lại khiến cho gia đình bà phải ôm nợ. Vì vậy bỏ mía đang là bài toán mà bà tính đến.

Bà Ngô Thị Đến chia sẻ thêm, không chỉ riêng bà mà nhiều người khác trong xã đã phá mía rồi. Vụ tới, những ruộng mía xấu trên đồi cao, gia đình sẽ chuyển sang trồng keo để giữ đất và nhất quyết là không đầu tư mới để trồng mía.

[Về đâu mùa ngọt mía đường Nam Trung Bộ - Bài 1: Nỗi khổ của nông dân]

Niên vụ mía 2018-2019, toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ còn 17.000ha mía, giảm 1.000ha so với niên vụ trước. Diện tích này được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, cây keo...

Các địa phương có sự chuyển đổi nhiều là Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh.

Vẫn cần nguyên liệu

Khi nông dân ồ ạt phá bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác thì các nhà máy vẫn hiện hữu và hoạt động theo công suất thiết kế. Việc thiếu mía nguyên liệu hay tranh chấp nguyên liệu tưởng chừng có vẻ xa vời trong bối cảnh hiện nay. Nhưng thực tế thì đã có.

Bài 2: Nguy cơ mất vùng nguyên liệu ảnh 1Thu hoạch mía. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Đang vào mùa vụ ép chính, nhưng Nhà máy đường Phổ Phong (tỉnh Quảng Ngãi) chỉ ép được khoảng 1.300 tấn/ngày. Trong khi đó, công suất thực tế của nhà máy khoảng 2.200 tấn/ngày. Điều này có nguyên nhân chính là thiếu mía nguyên liệu.

Để phát triển cây mía, đảm bảo vùng nguyên liệu, nhà máy đã đã ban hành quy chế đầu tư và chính sách khuyến khích phát triển.

Ông Trần Đức Triều, Phó Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong nhấn mạnh, hàng năm, nhà máy đều có chính sách phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với tình hình cho mỗi vụ ép.

Mặt khác, nhà máy còn tập trung hỗ trợ người trồng mía về chi phí làm đất và chi phí nhân giống mía mới.

Ngoài ra, chính sách tích tụ ruộng đất và chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía thì nhà máy vẫn tiếp tục hỗ trợ cho người trồng mía khoảng 2 triệu/ha. Thế nhưng vùng mía nguyên liệu ở Quảng Ngãi không tập trung. Nông dân có xu hướng bán tự do trên thị trường.

Xuất phát từ việc giá thu mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy trên địa bàn tỉnh Phú Yên có sự chênh lệch nên có hiện tượng nông dân ở huyện Sông Hinh (vùng nguyên liệu của nhà máy đường Tuy Hòa) bán mía cho tư thương vận chuyển sang nhà máy khác tiêu thụ.

Nhà máy đường Tuy Hòa đã phải hợp đồng với đơn vị bảo vệ để canh giữ vùng nguyên liệu. Điều này đã dẫn đến tranh chấp mía nguyên liệu trong các ngày 23/2/2019; 24/2/2019 và cần có sự can thiệp của Công an huyện Sông Hinh.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Hinh cho rằng, vướng mắc chung hiện nay trên địa bàn tỉnh là vấn đề giá mía. Do đó, các nhà máy cũng phải lên kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo sự công bằng để nông dân không có sự so bì cao thấp.

Bởi, nếu vấn đề này cứ tiếp diễn thì tranh chấp nguyên liệu chắc chắn sẽ xảy ra. Ban điều hành mía đường huyện Sông Hinh đã đề nghị phía nhà máy phải làm rõ việc này nhằm tạo lòng tin cho người trồng mía.

Mặc dù việc thiếu mía hay tranh chấp mía chỉ xảy ra cục bộ ở một số nơi nhưng nhà máy vẫn cần có mía nguyên liệu để sản xuất. Vì vậy, với tình trạng nông dân ồ ạt phá bỏ cây mía như hiện nay, liệu vùng nguyên liệu có còn đảm bảo để các nhà máy hoạt động? Và khi ngành đường phát triển trở lại lấy đâu ra mía để ép đường?

Đây đang là câu hỏi lớn dành cho Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Cả “3 nhà” cần phải cùng bàn bạc, tính toán kỹ để có câu trả lời cho việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía.

Cùng với đó, tránh việc chuyển đổi cây trồng một cách tự phát không theo quy hoạch dễ dẫn đến hệ lụy dư thừa; giải cứu nông sản mãi là vòng luẩn quẩn phá bỏ rồi trồng mới bám đuổi người nông dân./.

Bài 3: Vực dậy ngành mía đường Nam Trung Bộ

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục