Bài 2: Ngôi sao thứ sáu trên bầu trời bóng đá nữ Việt Nam

Ngày 20/5/2016 mãi mãi trở thành một cột mốc lịch sử của bóng đá nữ Sơn La. Trận hòa 0-0 với Hà Nội II chính thức mang về cho Sơn La 1 điểm đầu tiên tại giải vô địch nữ quốc gia 2016.
Trận hòa với Hà Nội II (áo đỏ) đã mang về cho Sơn La điểm số đầu tiên trong lịch sử ở giải vô địch nữ quốc gia. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Ngày 20/5/2016 mãi mãi trở thành một cột mốc lịch sử của bóng đá nữ Sơn La. Trận hòa 0-0 với Hà Nội II chính thức mang về cho Sơn La 1 điểm đầu tiên tại giải vô địch nữ quốc gia 2016. Để có điểm số vô giá ấy, bóng đá nữ Sơn La đã mất đúng nửa thập kỷ.

Nói về sự ra đời và phát triển của bóng đá nữ Sơn La, chúng ta phải hiểu về bối cảnh bóng đá nữ Việt Nam. Từ năm 2001 tới 2005, bóng đá nữ Việt Nam thống trị SEA Games với ba chức vô địch liên tiếp. Nhưng kể từ đó tới nay, chúng ta chỉ vô địch thêm một lần. Nguyên nhân của sự sa sút ấy tới từ chất lượng đào tạo trẻ. Trong khi Thái Lan và Myanmar tiếp tục đầu tư mạnh mẽ thì bóng đá nữ Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ. Cả nước chỉ có năm cơ sở đào tạo bóng đá nữ là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Thái Nguyên và Quảng Ninh.

Những người làm bóng đá nữ Việt Nam vẫn mỏi mắt tìm kiếm và vận động. Nhưng không có địa phương nào đồng ý tham gia. Làm bóng đá nữ rất khó: khó tìm nguồn vận động viên, khó thu lợi nhuận, khó có danh tiếng. Thuyết phục một địa phương hàng năm bỏ ra cả tỉ đồng, cam kết gắn bó dài hạn với môn thể thao được quá ít sự quan tâm là việc rất khó khăn. Phải tới năm 2011, “ngôi sao thứ sáu” mới xuất hiện. Đó là Sơn La.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch hai tỉnh Sơn La và Hà Nam là nguyên nhân dẫn tới sự ra đời ấy. Ban đầu, lãnh đạo Sơn La dự định xuống học hỏi mô hình... tennis của Hà Nam. Nhưng khi có mặt ở địa phương, trực tiếp chứng kiến sự phát triển của bóng đá nữ Hà Nam, các lãnh đạo ngành của tỉnh Sơn La đã nghĩ lại. Quyết định được đưa ra rất nhanh. Hà Nam sẽ cử người lên giúp Sơn La xây dựng phong trào bóng đá nữ. Hành trình tuyển quân bắt đầu sau đó vài tháng. Người đứng đầu kế hoạch ấy là cựu huấn luyện viên trưởng Phong Phú Hà Nam Phạm Hải Anh.

Để nói về thầy Hải Anh, chúng ta cần một bài viết lớn hơn. Ông Hải Anh là người đã trực tiếp gây dựng và phát triển phong trào bóng đá nữ Hà Nam từ năm 1998. Bây giờ, ông tiếp tục đi ươm mầm cho bóng đá nữ Sơn La. Sáu cơ sở bóng đá ở Việt Nam thì có hai nơi do ông gây dựng. Trong số ấy, Hà Nam là địa phương có phong trào mạnh nhất nhì cả nước.

Đội bóng nữ Sơn La thành lập năm 2012 với 25 thành viên lúc ban đầu. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Cùng với hai huấn luyện trẻ khác của Sơn La (một người là Lường Văn Chuyên), họ đã lặn lội qua bao thác ghềnh, đá sỏi, vượt qua bao nhiêu cung đường hiểm trở, đi tới từng địa phương, tìm kiếm, thuyết phục từng gia đình. Hành trình ấy kéo dài gần một năm trời. Đầu năm 2012, với 25 vận động viên ban đầu, đội bóng đá nữ Sơn La được thành lập.

Giải vô địch U19 nữ quốc gia 2013 là lần đầu tiên những cô gái Sơn La ra trận. Năm ấy, họ không giành được điểm nào, thủng lưới tới 15 bàn. Nhưng sự có mặt của họ đã là một thành công lớn. Giữa năm 2014, bóng đá nữ Sơn La đăng cai lượt về giải U19 nữ quốc gia. Hai năm sau, họ lần đầu tham dự giải vô địch quốc gia. Ngày 20/5 vừa qua, Sơn La giành 1 điểm đầu tiên ở hạng đấu cao nhất của bóng đá nữ sau trận hòa 0-0 với Hà Nội II. Để có điểm số vô giá ấy, bóng đá nữ Sơn La đã đi một hành trình dài.

Suýt tan rã

Do đặc thù vị trí địa lý, Sơn La ở rất xa các địa phương có phong trào bóng đá nữ phát triển. Điều đó khiến cho việc tập luyện, thi đấu của bóng đá nữ Sơn La gặp nhiều khó khăn. Nếu muốn tìm đối thủ giao hữu, đội Sơn La không thể xuống Hà Nội, Thái Nguyên hay Hà Nam.

Họ thậm chí không tìm được các đội bóng nam trẻ để làm “quân xanh” vì tỉnh Sơn La không có bóng đá nam. Sơn La đành hài lòng với đội bóng “phủi” ở địa phương hoặc chấp nhận tập chay. Điều đó gây nhiều khó khăn cho Sơn La vì các đội bóng “phủi” thường không sở hữu các đặc điểm kỹ, chiến thuật phù hợp với sân 11. Thi đấu với họ không giúp đội nữ Sơn La nâng cao trình độ về chuyên môn.

Bóng đá nữ Sơn La mới xây dựng được năm năm nên lực lượng cũng không đầy đặn. Họ từng phải đối mặt với khủng hoảng lực lượng hồi năm 2015. Lứa cầu thủ đầu tiên của Sơn La từng dự giải U19 đã quá tuổi và không thể tiếp tục tham dự. Nhưng tỉnh Sơn La lại chưa có kế hoạch tham dự giải vô địch quốc gia (không giới hạn tuổi).

Mâu thuẫn ấy khiến đội nữ Sơn La thiếu hụt lực lượng. Năm 2015, họ không thể tham dự bất kỳ giải đấu nào, đội bóng đứng trước nguy cơ tan rã. Phải tới đầu năm nay, sau khi mượn được vài cầu thủ từ các đội bóng khác, bóng đá nữ Sơn La mới hồi sinh với quyết định tham dự giải vô địch quốc gia.

Đội bóng nữ Sơn La từng đối mặt với nguy cơ giải thể hồi năm 2015 trước khi hồi sinh mạnh mẽ trong năm 2016. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Vận động viên đã ít, Sơn La còn không có đủ huấn luyện viên. Ông Phạm Hải Anh đã quay về Hà Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ hồi năm 2012. Huấn luyện viên Lường Văn Chuyên và một trợ lý phải tiếp quản toàn bộ công việc. Chỉ với hai người, họ phải vừa lo huấn luyện đội một và đội trẻ, vừa lo tập luyện, vừa lo thi đấu, vừa lo tuyển chọn tân binh, vừa duy trì hoạt động bên lề của đội bóng. Lãnh đạo Sơn La cũng chưa có giải pháp nào để bổ sung cho ban huấn luyện. Vì thế, dù có rất nhiều tiềm năng, bóng đá nữ Sơn La vẫn chưa bứt lên mạnh mẽ.

Đội bóng nữ Sơn La được đánh giá rất cao về thể lực nhưng luôn kém về kỹ chiến thuật. Bản thân huấn luyện viên Văn Chuyên còn rất trẻ, kinh nghiệm cũng còn nhiều hạn chế. Kỹ thuật cũng là điểm yếu đặc thù của bóng đá nữ. Một cầu thủ nữ bình thường cần có 7 tới 10 năm để rèn kỹ thuật trong khi đội bóng nữ Sơn La mới thành lập hồi năm 2012.

Dù vậy, bóng đá nữ Sơn La đã có được những thành công nhất định bước đầu. Cùng với việc liên tục tham dự giải U19 và giải vô địch quốc gia, những cầu thủ nữ Sơn La đầu tiên đã xuất hiện trong thành phần các đội tuyển trẻ và được đánh giá cao. Đây là sự động viên lớn cho Sơn La tiếp tục bước đi trên con đường mà họ đã lựa chọn./.

Bài 3: Đội bóng đá nữ chỉ thích ăn cơm nếp và cá rán giòn

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục