Trong điều kiện chiến tranh, việc triển khai các hoạt động giáo dục cũng gặp vô vàn khó khăn, thách thức, thiếu và yếu từ đội ngũ giáo viên đến sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, điều kiện tổ chức trường lớp và cả việc vận động người dân đi học. Từ những con số 0 tròn trĩnh: không trường, không học sinh, không giáo trình, các nhà giáo cách mạng đã có rất nhiều sáng tạo để dựng trường, mở lớp.
Dựng lớp từ những số 0
Thầy Đỗ Trọng Văn, nguyên cán bộ Tiểu ban Giáo dục R, cho biết đội ngũ giáo viên được huy động từ ba nguồn: Chi viện từ miền Bắc, giáo viên các trường ở miền Nam đi theo cách mạng và lực lượng đào tạo cấp tốc tại chỗ. Từ năm 1962 đến 1975, đã có gần 3.000 giáo viên miền Bắc cầm bút nghiên, sách vở lên đường đi B để chi viện cho mặt trận giáo dục miền Nam. Đây đều là đội ngũ giáo viên, giảng viên giỏi, được lựa chọn từ các trường.
Tuy nhiên, lực lượng giáo dục đào tạo tại chỗ có trình độ thấp hơn với tinh thần “biết hai dạy một”, chấp nhận “cơm chấm cơm”. Theo đó, những người có trình độ cấp một, cấp hai sẽ được đào tạo cấp tốc trong ba, bốn tháng về nghiệp vụ sư phạm để đứng lớp. Để có nguồn giáo viên, nhiều cách làm sáng tạo, thậm chí có tính đột phá, đã được triển khai. Trường Sư phạm Kiến Tường, thuộc Tiểu ban Giáo dục khu 8, là điển hình của sự táo bạo khi chuyển cả đội tân binh nữ 30 người sang làm học viên, trong đó có cả những người chưa xóa mù chữ. Ai chưa biết chữ được dạy cho biết chữ rồi đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Khẩu hiệu đặt ra của giáo dục Kiến Tường là “học đến đâu, dạy đến đó” (sáng là giáo viên, chiều thành học viên), “người biết chữ dạy cho người mù chữ”. Lực lượng tân binh này sau đó đã trở thành đội ngũ giáo viên nòng cốt, cùng phong trào giáo dục “cơm chấm cơm, muối chấm muối” đưa giáo dục Kiến Tường phát triển mạnh mẽ.
Lực lượng nhân lực thiếu và yếu, tài liệu giảng dạy càng thiếu thốn hơn. Các nhà giáo từ miền Bắc khi đi chi viện cho miền Nam đều mang theo nhiều sách giáo khoa. Tuy nhiên, hầu hết phải gửi lại giao liên trên đường hành quân vào Nam vì sức khỏe giảm sút, buộc giáo viên phải hy sinh sách để giữ sức khỏe và cõng lương thực, thực phẩm.
Để có tài liệu giảng dạy, giáo viên phải tự biên soạn, hoặc lấy sách của hệ thống giáo dục của địch ở miền Nam để chọn lọc, viết lại cho phù hợp. Sách khan hiếm đến mức có khi cả tỉnh, thậm chí cả khu mới có một quyển và giáo viên, học sinh phải chuyền tay nhau chép.
Nhà giáo Trần Thư Nguyên vốn là một giáo viên khoa học tự nhiên nhưng vẫn phải nhận nhiệm vụ soạn sách lịch sử. “Đến giờ tôi không nhớ nổi khi đó mình tìm kiếm tư liệu bằng cách nào để hoàn thành được nhiệm vụ đó,” thầy Nguyên chia sẻ.
[Nhớ Mã Đà-Chiến khu D: Địa chỉ đỏ nơi miền Đông gian lao mà anh dũng]
Tài liệu có thể tự khắc phục nhưng việc tổ chức lớp học còn khó khăn hơn nhiều lần. Ở vùng giải phóng, giáo viên phải đến từng nhà để động viên, kêu gọi học sinh tới trường.
Thầy Trần Thư Nguyên, nguyên cán bộ Tiểu ban Giáo dục khu 8 vẫn không thể quên những ngày ngồi xuồng đi khắp vùng sông nước Cửu Long để vận động học sinh.
“Có khi đến nơi thì các em đã theo bố mẹ ra sông đánh cá. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì, nay tới không gặp mai lại tới. Có lẽ vì thấy thầy giáo nhiệt tình, tâm huyết nên người dân cuối cùng vẫn cho con đi học rất đông,” thầy Nguyên nhớ lại.
Vừa học vừa chạy địch càn
Ở các vùng tranh chấp hoặc vùng tạm chiếm, địa điểm lớp học tạm bợ, thay đổi liên tục. Người thầy vừa đứng lớp, vừa sẵn sàng cầm súng đánh giặc khi bị càn. Hàng trăm nhà giáo đã anh dũng hy sinh.
Khi được học cấp tốc để làm giáo viên, Đinh Lê Hà mới 17 tuổi. Lớp học của cô ở Tiểu ban Giáo dục Kiến Phong được dựng bằng tre, lợp lá dừa nước, nép dưới bóng cây tràm, ngay cạnh bờ sông. “Mỗi lần được báo địch càn, chúng tôi giấu tài liệu vào vỏ thùng đựng đạn, bọc kín rồi để xuống dưới nước. Cô trò sẽ lên xuồng vô đầm. Cũng có khi phải ‘chạy’ ngồi ở suối cạn khi trực thăng địch truy đuổi trên đầu,” cô giáo Đinh Lê Hà, nay đã 69 tuổi, kể.
Nhưng trận càn mà cô Hà nhớ nhất là năm 1969, địch đánh vào Trường Nguyễn Văn Trỗi: “Bị địch đánh lộ căn cứ, cả thầy và trò phải chạy suốt đêm về Côngpôngchàm trên đất bạn Campuchia. Chúng tôi phải chia học sinh, giao cho đoàn thanh niên phụ trách mỗi người một vài em. Lúc đầu các em còn chạy bộ được, sau đó thì chúng tôi phải cõng vì các em quá mệt. Cứ thế, vừa cõng học sinh vừa chạy.”
Nhà giáo Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm khu 8 vẫn nhớ những ngày cuối khóa đào tạo đầu tiên của trường, ghi lại trong hồi ký: “Hội đồng thi đang chấm bài thì một chiếc máy bay đầm già (máy bay trinh thám –PV) lên đảo một vòng rồi thả trái điểm ngay giữa khu vực trường. Anh em trong hội đồng thi chưa kịp ra công sự thì quả bom đầu tiên nổ cách chỗ chúng tôi hơn chục thước, tiếp theo là liên tục những quả bom và rocket. Tôi kéo các đồng chí vào một công sự chữ A thì một tiếng nổ dữ dội, khói đen bao phủ toàn bộ khu vực, chúng tôi đều có cảm giác như công sự bị sập. Sau trận ném bom kết thúc, chúng tôi nhìn thấy dấu vết một trái bom nổ sát ngay công sự nhưng may mắn miệng bom lại tạt về hướng khác.”
[Bài 1: Mặt trận giáo dục: Đặc thù riêng có của chiến tranh Việt Nam]
Trong cuộc chiến ác liệt, nhiều nhà giáo đã anh dũng hy sinh. Nhớ về những đồng đội được chi viện về tỉnh Quảng Đà cùng mình năm 1965, nhà giáo Bùi Thị Nguyên cho biết trong số 8 người thì có 4 người hy sinh, một người bị bắt đi tù Côn Đảo, ba người bị thương. Trong tấm bia tưởng niệm liệt sỹ của ngành giáo dục dựng tại Tây Ninh có danh sách của hơn 600 nhà giáo, trong đó có trên 100 nhà giáo là cán bộ từ miền Bắc đi B vào miền Nam thời kỳ chống Mỹ.
Sự càn quét ác liệt của địch cũng khiến cho nhiều kế hoạch phát triển giáo dục của ta bị đổ bể. Năm 1965, Đảng chủ trương thành lập Đại học Sư phạm và đã đưa hơn mười cán bộ của Đại học Tổng hợp Hà Nội vào Nam nhưng kế hoạch không thể triển khai khi Mỹ ồ ạt đưa quân thực hiện Chiến tranh Cục bộ. Năm 1969, hơn 200 cán bộ, giáo viên miền Bắc được bố trí theo 20 khung trường sư phạm với đủ hiệu trưởng, hiệu phó, tổ chuyên môn được chi viện cho miền Nam, sẵn sàng thành lập hệ thống trường đào tạo giáo viên cho khắp các tỉnh Nam bộ, nhưng vào đến nơi thì tình hình chiến sự thay đổi nên cũng không thực hiện được.
Tuy nhiên, giáo dục miền Nam vẫn phát triển mạnh mẽ, bất chấp mọi khó khăn thiếu thốn, mọi sự tàn khốc của chiến tranh, với nhiều cách làm sáng tạo.
Bài 3: Thư viện trong lòng đất