Lạc vào thế giới khác trên "nóc nhà thứ hai của Đông Dương"

Bài 2: Lạc vào thế giới khác trên "nóc nhà thứ hai của Đông Dương"

Từ độ cao khoảng 2.600m, lúc này trời đã sáng bảnh mắt, chúng tôi như lạc vào thế giới cổ tích. Đâu đó vẳng lại tiếng chim kêu vượn hót làm bừng tỉnh cả núi rừng Pu Ta Leng buổi sớm mai.
Bài 2: Lạc vào thế giới khác trên "nóc nhà thứ hai của Đông Dương" ảnh 1Từ độ cao khoảng 2.600m, những gốc đỗ quyên cổ thụ ẩn hiện trong rừng trúc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Từ độ cao khoảng 2.600m, lúc này trời đã sáng bảnh mắt, chúng tôi như lạc vào thế giới cổ tích. Phía trên, những thân cây cổ thụ mốc meo rêu, sần sùi và địa y quấn quýt rủ xuống như tấm mành hờ hững; vòm lá tỏa rộng nhìn lên như vòm hoa in trên nền trời xanh ngăn ngắt. Bên dưới, mặt đất xốp và mềm mịn nhờ những lớp lá mục rơi dày tụ từ năm này qua năm khác, cảm giác chân đi êm như nhung.

Và kia, đến rừng trúc thẳng tăm tắp, đan nhau vươn mình đón nắng cũng không đủ để hong khô thân ẩm ướt. Gió rít ầm ào, thi thoảng kéo mây mù mịt ở đâu về lạnh tái tê. Đâu đó vẳng lại tiếng chim kêu vượn hót làm bừng tỉnh cả núi rừng Pu Ta Leng sớm mai.

Một thế giới khác

Cũng từ độ cao 2.600m mở ra cả rừng đỗ quyên với đủ sắc trắng, đỏ, hồng tím… rực rỡ dưới nắng vàng. Những tấm thảm xác hoa sặc sỡ vớt vát đôi chút tươi tắn cho vẻ thâm u của rừng già. Nhón chân trên thảm hoa như sợ làm dập nát, đón dăm ba tia nắng xuyên qua tán cây rọi xuống lấp lóa, thi thoảng rùng mình vì gió rừng rít buốt tai, chui qua những vòm trúc ẩm ướt… là cảm giác vừa phấn khích, thích thú vừa lâng lâng dễ chịu. Một cảm giác thật khó tả thành lời.

[Khu rừng cổ tích đầy ma quái và lãng mạn trên đỉnh Pu Ta Leng]

Cứ mải miết dưới những tán hoa đỗ quyên cổ thụ, mê mải ngắm nhìn, mân mê từng cánh hoa mỏng manh rơi rụng, tôi ngỡ mình đang lạc vào một thế giới khác, nơi chỉ có gió, có cây, có hoa, có rêu và núi rừng ôm ấp. Chỉ có vẻ đẹp của thiên nhiên mới khiến tâm hồn con người phải thẫn thờ đến thế.

Bài 2: Lạc vào thế giới khác trên "nóc nhà thứ hai của Đông Dương" ảnh 2Thảm hoa đỗ quyên rực rỡ tô điểm cho vẻ thâm u của cánh rừng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Gần 8 giờ chúng tôi đặt chân đến khu vực đặt mốc Pu Ta Leng, khoảng đất nhỏ được phát quang để lấy chỗ đứng, có những cây cao bao bọc. Để có tầm nhìn rộng ngắm cảnh và chụp ảnh, tôi và “đồng bọn” đã leo thoăn thoắt lên tận ngọn cây đỗ quyên.

Từng đóa hoa kiêu hãnh vươn mình khoe sắc trên đỉnh núi. Đứng đó, mặc cho nắng sói rát mặt, cho gió thổi người ngả nghiêng, lạnh tím tái tay chân… chúng tôi vẫn kiên gan phóng tầm mắt ra xa thưởng ngoạn khung cảnh như chốn bồng lai.

Những ngọn núi cao sừng sững giờ nhìn từ xa giống như những ốc đảo ẩn hiện giữa đại dương mây trên độ cao 3.049 m. Phía xa xa, nơi như miếng bánh kem trắng muốt có đỉnh màu xanh là Bạch Mộc Lương Tử, kế đó là Nhìu Cồ San và đằng kia là “nóc nhà Đông Dương” Fansipan.

Cảnh tượng thật kỳ ảo với tầng tầng lớp lớp mây trắng kẹp giữa màu xanh dương của bầu trời và màu xanh lá của núi rừng, trông như lớp kem mịn mượt kẹp giữa hai lớp bánh xanh khổng lồ.

Chỉ có khoảng nửa giờ đồng hồ để tận hưởng khung cảnh và cảm giác thần tiên này, rồi chúng tôi phải lên đường trở lại lán ngay để thu dọn hành lý xuống núi và về Hà Nội Nội trong đêm (mà lẽ ra theo kế hoạch, sẽ ngủ hai đêm trong rừng thì sáng nay chỉ việc thong thả leo đỉnh rồi quay về lán ăn uống tưng bừng mừng chiến thắng, ngủ thêm một đêm trong rừng thảo quả).

Bài 2: Lạc vào thế giới khác trên "nóc nhà thứ hai của Đông Dương" ảnh 3Vẻ đẹp rực rỡ của hoa đỗ quyên trên đỉnh Pu Ta Leng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Một chuyện lạ lùng nhất mà tôi và hai thành viên trong đoàn được chứng kiến khi xuôi từ đỉnh xuống lán, có chú chim họa mi đất ở đâu bay đến dẫn đường. Giữ khoảng cách chỉ khoảng chục mét nhưng cứ bay một đoạn chim lại dừng ngó nghiêng chúng tôi đi, lại bay tiếp rồi lại dừng theo đúng lối mòn như hoa tiêu. Cứ thế, một hồi ra khỏi quãng rừng trúc um tùm chim mới mất dạng. Lúc đó, anh chàng “porter” và một thành viên “trâu” nhất đã đi trước, sau nghe tôi kể lại nhưng nhất định không tin dù đã có hai bạn đồng hành làm chứng.

Và thực tế, trong chuyến đi này, đoàn chúng tôi đã “vỡ kế hoạch” khi hoàn thành chặng đường chinh phục đỉnh cao chỉ trong 02 ngày 01 đêm.

Cánh rừng thuần khiết

Chặng về đi theo hướng Tả Lèng. A Páo bảo, nếu đi liên tục khoảng 8 giờ tối sẽ tới cửa rừng và kịp bắt xe khách chuyến 9 rưỡi tối về Hà Nội. Lúc đó, chỉ nghĩ tới viễn cảnh sắp được về thành phố Lai Châu uống lon coca đá mát lạnh thôi chúng tôi đã tỉnh cả người, khí thế lại hừng hực lên đường.

Trong khi cả đoàn ngả lưng khoảng nửa tiếng lấy sức cho quãng đường 8 tiếng xuyên rừng thì A Páo đã kịp đun nồi nước suối và nấu cơm mang theo.

Bài 2: Lạc vào thế giới khác trên "nóc nhà thứ hai của Đông Dương" ảnh 4Cột mốc trên đỉnh. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Nếu đi từ hướng Hồ Thầu có rừng cây bao phủ, che chắn mát mẻ và hệ sinh thái đa dạng (dài 17km) thì xuôi hướng Tả Lèng sẽ xa hơn khoảng chục km (khoảng 27km), khô và nắng nóng hơn, xuyên qua những cánh rừng thảo quả với nhiều khung cảnh đẹp ngỡ ngàng. Trên nhiều thân cây mục ruỗng mầm non bật lên xanh mướt, quả rừng rụng đầy đất, hoa rừng ngát đưa hương… Đôi chỗ bắt gặp những lán nhỏ của bà con dân bản, nơi vừa ăn nghỉ vừa dùng làm lò sấy thảo quả sau mỗi vụ thu hoạch.

Suốt cả hành trình điều khiến tôi an tâm nhất là không gặp rác thải dọc đường, những món đồ như vỏ chai, giấy ướt, vỏ đồ hộp… như những cung đường khác. Chỉ mong sao cánh rừng nguyên sinh này sẽ mãi giữ được sự thuần khiết như bây giờ.

Nguyễn Thức, chàng trai cao nhất đoàn có sở trường không cần ăn chỉ cần uống sữa để sống, do hôm trước bị chuột rút, căng cơ nên hôm nay phải cà nhắc. Cũng may một bước của cậu bằng hai bước người thường nên vẫn cố gắng bám được đoàn.

Thi thoảng gặp được đoạn suối ai nấy mừng như vớ được vàng, đua nhau cởi giày ngâm cả chân xuống dòng nước lạnh ngăn ngắt, kinh nghiệm làm như vậy để thư giãn cơ. Cứ mải miết đi dưới tán rừng già và say mê ngắm nghía những tán cây lạ lùng, những vách đá rêu phong,… 6 giờ cửa rừng đã hiện ra trước mắt (chúng tôi lại vượt kế hoạch 2 tiếng đồng hồ).

Thấy bà con dân bản, thấy xe máy, thấy những nóc nhà như thấy sự sống của thế giới văn minh. Mặc dù chân gần như lê không nổi tôi vẫn sung sướng như được về nhà, cảm giác 400km để về với Thủ đô trước mắt còn gần hơn cả 45km đường rừng vừa đi trong hai ngày. Ngửa mặt nhìn trời bỗng lâng lâng vì hành trình vừa trải nghiệm, rừng nguyên sinh và hoa đỗ quyên, núi cao và dốc đứng, rêu phong và suối mát…/.

Bài 2: Lạc vào thế giới khác trên "nóc nhà thứ hai của Đông Dương" ảnh 5Cánh rừng hoa đỗ quyên. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục