Hàng hiệu nhái “thượng vàng hạ cám” đánh chiếm thị trường

Bài 2: Hàng hiệu nhái “thượng vàng hạ cám” đánh chiếm thị trường

“Nếu không sành sỏi cũng khó có thể phân biệt một chiếc áo ‘nhái’ cao cấp và một chiếc áo chính hãng, trong khi giá cả của nó chênh lệnh quá lớn.”
Bài 2: Hàng hiệu nhái “thượng vàng hạ cám” đánh chiếm thị trường ảnh 1Các cửa hàng “Made in Việt Nam” rộ lên như “nấm sau mưa.” (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Vài năm trở lại đây trên thị trường, các cửa hàng thời trang gắn biển hiệu “Made in Việt Nam” đã rộ lên như “nấm sau mưa.” Nếu trước đây các loại bảng hiệu này chỉ phát triển ở các trung tâm thành phố thì nay nó còn trở nên phổ biến cả ở những vùng nông thôn.

Thiên đường… nhãn mác

Tại các cửa hàng này, các loại quần áo thời trang phần lớn được gắn mác những thương hiệu thời trang quốc tế như H&M, Mango, Zara, Forever 21…

Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ của phân khúc bán lẻ,  bởi “thánh địa” miền Bắc của vô vàn chủng loại thời trang thương hiệu quốc tế, từ bình dân đến cao cấp như Levi Strauss &Co., Hermes, Louis Vuitton, Versace, Lacoste, Tommy, Nike, Adidas, Zara, D&G, Gucci, Burberry, Chanel, GAP.… lại là những chợ đầu mối nổi tiếng như Đồng Xuân, Ninh Hiệp…

Nếu như trước đây, từ đường quốc lộ vào tới khu vực buôn bán của làng Ninh Hiệp cũng phải đi chừng 2km và hàng hóa chủ yếu là vải vóc và nguyên liệu phụ kiện cung cấp cho ngành may mặc, thì nay, hệ thống các cửa hàng quần áo thời trang mọc lên san sát, kéo dài từ ngoài đường cái kéo dài vào tận trung tâm chợ.

Bên cạnh chợ Nành truyền thống, các chợ mới như Baza và hai trung tâm thương mại Sơn Long, Phú Điền đi vào hoạt động khiến chợ Ninh Hiệp trở nên sầm uất, có quy mô phải nói là lớn nhất khu vực miền Bắc.

Chị Phạm Quỳnh Anh, Long Biên, Hà Nội mua một chiếc áo có gắn mác thương hiệu Burberry với giá 300.000 đồng tại đây, vui vẻ cho biết là mình rất am hiểu về thương hiệu Burberry. Theo chị, giá một chiếc áo chính hãng như trên tay chị cầm thường có giá khoảng 200USD, đương khoảng 4,3 triệu đồng.

“Nếu không sành sỏi cũng khó có thể phân biệt một chiếc áo ‘nhái’ cao cấp và một chiếc áo chính hãng, trong khi giá cả của nó chênh lệnh quá lớn,” chị Quỳnh Anh nói.

Một thực tế, quan sát chiếc áo sơ mi chị Quỳnh Anh mua, đường kim mũi chỉ may rất ngay ngắn, từ khuy, chỉ đến nhãn mác, mã số mã vạch đều rất đồng bộ, rõ nét và nếu được để cạnh một sản phẩm chính hãng tương tự cũng không có mấy cách biệt.

Vậy, nguồn gốc của các sản phẩm thời trang này có xuất xứ từ đâu? Anh Mai Đình Dũng, một chủ kinh doanh trên chợ Đồng Xuân hé lộ, “người mua hàng có thể nhầm, còn người bán thì không bao giờ. Kể cả các cửa hàng ‘Made in Vietnam,’ hàng xuất khẩu lỗi, hàng sản xuất dư thì khi bán cũng phải cắt bỏ mác. Bởi các hãng nước ngoài có những cơ chế quản lý kiểm tra rất ngặt nghèo về các nguồn hàng này.”

Đồng tình với quan điểm trên,ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty may Hưng Yên cho rằng, “người tiêu dùng đang bị lừa, trong khi khâu thị trường lại không quản lý nổi.”

Ông Dương phân tích, cả nước có khoảng 50 triệu người đang trong độ tuổi mặc sơ mi nam, bình quân mỗi người mặc bốn chiếc áo thì một năm cần sản xuất khoảng 200 triệu chiếc, như vậy trên thị trường phải có đến 30%-60% là hàng giả.

Từ “vô tư” đến “vô tâm”

Bài 2: Hàng hiệu nhái “thượng vàng hạ cám” đánh chiếm thị trường ảnh 2Không dễ phân biệt hàng nhái cao cấp và hàng chính hãng. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Hỏi Chị Hoàng Hải Anh, Linh Đàm, Hà Nội, một “tín đồ” của các cửa hàng “Made in Vietnam” quan tâm ra sao về nhãn mác sản phẩm thì được biết, chị không hề quan tâm những sản phẩm mình đang mặc có nhãn mác gì, đơn giản là nó được may mặc ở Việt Nam và chất lượng tốt.

Không chỉ chị Hải Anh, mà một số người người tiêu dùng sử dụng hàng “nhái mác” sản xuất trong nước cũng cho biết họ thích kiểu dáng, chất liệu, giá cả hợp lý thì mua, thậm chí không nhất thiết phải gắn mác thương hiệu nước ngoài.

Còn đối với chị Quỳnh Anh, “khi mua hàng về tôi thường cắt mác, nhất là mấy cái logo gắn phô trương bên ngoài sản phẩm. Nói thật là rất ngượng, bởi cơ quan làm việc có nhiều người hay đi nước ngoài nên mình mặc hàng ‘nhái’ sẽ bị nhận diện rất dễ dàng. Nói thật, việc đi một chiếc xe máy tầm tầm mà khoác trên người mấy món hàng Louis Vuitton, Versace, Gucci… chắc chắn là không ổn rồi.”

Một điều khá ngạc nhiên, không chỉ nhãn mác thương hiệu nổi tiếng bị “nhái,” mà anh Nguyễn Mạnh Cường, một chủ xưởng may mặc tại Hà Nội còn cho biết: “Sản phẩm sản xuất ra phải có nhãn mác, với những sản phẩm giá rẻ người ta cũng có thể mua lại nhãn mác chữ Trung Quốc, bởi nó bán theo cân, nên tính ra chưa đến 100 đồng/mác.”

Biển hiệu 'Made in Việt Nam' tràn ngập trên các phố tại một khu chợ ở Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Biển hiệu 'Made in Việt Nam' tràn ngập trên các phố tại một khu chợ ở Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Hàng hiệu nhái 'thượng vàng, hạ cám' được bày bán công khai. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hàng hiệu nhái 'thượng vàng, hạ cám' được bày bán công khai. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhãn hiệu, nhãn mác nổi tiếng quốc tế được gắn bừa trên quần áo. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Nhãn hiệu, nhãn mác nổi tiếng quốc tế được gắn bừa trên quần áo. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Những chiếc áo phông nhái thương hiệu quốc tế có chất lượng vải tốt, đường may cẩn thận bao lót theo tiêu chuẩn hàng chính hãng được bán lẻ với các mức giá 50.000 đồng-65.000 đồng/chiếc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những chiếc áo phông nhái thương hiệu quốc tế có chất lượng vải tốt, đường may cẩn thận bao lót theo tiêu chuẩn hàng chính hãng được bán lẻ với các mức giá 50.000 đồng-65.000 đồng/chiếc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thương hiệu Burberry thuộc dòng thời trang quốc tế cao cấp, song một chiếu áo sơmi nhái được bán lẻ với mức giá 100.000 đồng-130.000 đồng/chiếc. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Thương hiệu Burberry thuộc dòng thời trang quốc tế cao cấp, song một chiếu áo sơmi nhái được bán lẻ với mức giá 100.000 đồng-130.000 đồng/chiếc. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Nếu không có kinh nghiệm, người tiêu dùng bằng mắt thường khó phân biệt đâu là hàng thật và hàng nhái. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nếu không có kinh nghiệm, người tiêu dùng bằng mắt thường khó phân biệt đâu là hàng thật và hàng nhái. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhãn mác, nguyên phụ liệu… các thương hiệu từ cao cấp đến bình dân, từ trong nước đến quốc tế đều có đủ và được bán theo cân. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Nhãn mác, nguyên phụ liệu… các thương hiệu từ cao cấp đến bình dân, từ trong nước đến quốc tế đều có đủ và được bán theo cân. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Thời trang cho trẻ em cũng không thoát khỏi vòng xoáy hàng nhái kém chất lượng. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Thời trang cho trẻ em cũng không thoát khỏi vòng xoáy hàng nhái kém chất lượng. (Ảnh: Minh Sơn-Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Một chủ cửa hàng kinh doanh quần áo tại chợ Ninh Hiệp cho biết, gia đình anh cũng đã có một thương hiệu đăng ký bản quyền, song không có chi phí khuếch trương thương hiệu và cũng như năng lực bảo vệ bản quyền sản phẩm, nên với những mặt hàng do gia đình thiết kế ra và bán chạy, thì ngay lập tức các đối tượng cạnh tranh sẽ… bắt chước, rồi họ vô tư lắp vào hàng loạt các nhãn mác khác.

“Cửa hàng nào chẳng muốn xây dựng cho mình một thương hiệu, một nhãn mác. Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ phía những người buôn bán trong nước với nhau mới là phức tạp,” người chủ cửa hàng trên nói.

Theo anh Cường, quần áo được sản xuất ra để bán theo thói quen sẽ gắn vào đó một cái nhãn mác và nếu nhà sản xuất, chủ cửa hàng nào đó không có khả năng xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu riêng của mình thì họ sẵn sàng lắp vào đó những nhãn mác từ nổi tiếng đến vô danh một cách “vô tư”, miễn là sao bán được hàng.

Không chỉ ở phía người bán, việc nhãn mác hàng hóa bị sử dụng bừa bãi và trở nên tràn lan có phần đóng góp rất lớn từ sự… “vô tâm” từ phía người tiêu dùng.

Quả thực, trên góc độ kinh doanh, triết lý “bán hàng thời trang với mức giá mà số đông có thể mua được thì cơ hội kiếm lời là rất cao,” của Erling Persson (người sáng lập hãng thời trang H&M-Thụy Điển) đang được không ít nhà sản xuất nội địa ứng dụng hết sức triệt để với một phương cách “méo mó”.

Theo giới chuyên gia trong nước và quốc tế, triển vọng kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam trong năm 2015 là khả quan. Theo ước tính, khu vực thương mại tự do giữa các thành viên lên tới 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, TPP dự kiến sẽ đem lại những cam kết ở mức độ cao hơn nhiều so với các cam kết có trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bao gồm nhiều lĩnh vực mới chưa có trong WTO, trong đó vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung đàm phán quan trọng. Chắc chắn khi đó, các nhà sản xuất khai thác thị trường nội địa sẽ là người chịu ảnh những áp lực lớn nhất từ sự cạnh tranh của các nước thành viên.

Không thể không đặt câu hỏi, một khi công xưởng sản xuất không tôn trọng và xây dựng được uy tín, thương hiệu, bản quyền…, liệu nhà sản xuất trong nước còn giữ được thế thượng phong nữa hay không một khi Việt Nam tham gia TPP?

Bài 3: Thị trường may mặc nội địa, vì sao “người ngay sợ kẻ gian”?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục