Các chuyên gia cho rằng, để đi được đến đích, trước tiên các ngân hàng thương mại cần có sự đồng thuận tuyệt đối của cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban điều hành trong việc tuân thủ Basel II. Dù vậy, để toàn bộ các ngân hàng có thể áp dụng được Basel II trong ngày một ngày hai là điều không thể vì còn quá nhiều khó khăn...
“Cửa thoát hiểm” cho ngân hàng “lỡ nhịp”
Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích những ngân hàng đã hoàn thành Basel II sớm thì được cơ quan quản lý ưu ái hơn trong các chỉ tiêu kế hoạch hoạt động kinh doanh.
Trên thực tế đã có ACB, VPBank, Techcombank, MB, TPBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng hạn mức tín dụng tăng thêm từ 3%-4%, một số ngân hàng được lên đến 17%, cao hơn mặt chung toàn ngành (13%).
Chuyên gia ngân hàng, tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết sở dĩ các ngân hàng đạt chuẩn Basel II được xem xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn là do bản thân các ngân hàng này đã quản trị rủi ro tốt, minh bạch trong hoạt động tài chính và kinh doanh. Trong khi đó, nhóm ngân hàng đang tái cơ cấu, nợ xấu cao nhiều khả năng sẽ bị hạn chế room tín dụng. Các ngân hàng còn lại tăng trưởng tín dụng dao động từ mức 10-14%.
Và có lẽ trong năm 2020, dù nhà điều hành chưa lên tiếng sẽ có cơ chế nào cho những ngân hàng “lỡ nhịp” Basel II nhưng các chuyên gia cho rằng này hình thức này vẫn được áp dụng như năm trước.
Theo các chuyên gia, hiện một số ngân hàng đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt và gặp khó khăn trong việc tăng vốn, nên khả năng thực hiện đúng lộ trình Basel II không hề dễ dàng.
Về phía cơ quan quản lý, Thông tư 22/2019/TT-NHNN mới được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã mở thêm “cửa thoát hiểm” cho các ngân hàng chưa đạt Basel II. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng chưa tuân thủ được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại Thông tư 41/2016 lùi thời gian áp dụng đến thời điểm trước ngày 1/1/2023.
[Bài 1: Nhiều ngân hàng "lỗi nhịp" với Basel II]
Đây cũng là lần thứ 2 Ngân hàng Nhà nước phải hoãn áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng theo Basel II. Lần thứ nhất vào năm 2018 khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình áp dụng thí điểm cho 10 ngân hàng.
Đồng cảm với các ngân hàng, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc áp dụng Thông tư 41 theo chuẩn Basel II không phải là chuyện dễ dàng vì các ngân hàng phải tính toán hệ số rủi ro cho nhiều món nợ khác nhau. Các ngân hàng cũng phải thu thập những dữ liệu của những năm trước về danh mục tín dụng cụ thể và đưa ra một xác suất về vỡ nợ cho khách hàng. Đặc biệt, các ngân hàng phải kêu gọi được vốn để nâng hệ số an toàn…
“Với những khó khăn như thế, một số ngân hàng sẽ không có khả năng áp dụng Thông tư 41 ngay trong năm 2020. Chúng ta hy vọng thêm 1 năm nữa thì các ngân hàng sẽ đáp ứng được yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước vì không còn lựa chọn nào khác là phải tìm mọi cách để áp dụng Thông tư 41. Đến cuối năm 2021, những ngân hàng nào không thực hiện áp dụng Thông tư 41, tôi nghĩ có thể sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt,” ông Hiếu nhận định.
Cần kiên định với mục tiêu Basel II
Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng vẫn cho rằng, dù có “nới tay” cho các ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel II song Ngân hàng Nhà nước cần kiên định với mục tiêu này vì trên thế giới hiện đã có nhiều nước áp dụng Basel III. Do đó, tới nay Việt Nam mới áp dụng Basel II là quá muộn.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ 2, Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước cho biết những ngân hàng chưa đáp ứng được chuẩn Basel II hiện gặp một số khó khăn như môi trường cạnh tranh ngày càng cao khiến các ngân hàng cần phải phát triển thêm hoạt động mới, sản phẩm mới, phân khúc thị trường mới, ứng dụng công nghệ mới trong khi việc quản lý rủi ro, tính toán tài sản có theo rủi ro trở nên phức tạp hơn và tiềm ẩn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, mỗi cuộc khủng hoảng tài chính đều đem lại những yếu tố mới, do vậy các ngân hàng thương mại tại Việt Nam và ngay cả Ngân hàng Nhà nước phải luôn luôn chủ động và linh hoạt đối với các chuẩn mực vốn mới.
Mặt khác, tại Việt Nam hiện nay cũng chưa hình thành các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, số lượng khách hàng có xếp hạng tín nhiệm không đáng kể so với quy mô toàn thị trường.
Ông Kiên cho rằng việc quan trọng hàng đầu bây giờ là nhận thức đầy đủ lợi ích, tầm quan trọng của việc áp dụng Basel II, để từ đó có những hành động quyết liệt từ cấp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và tất cả các bộ phận, đơn vị trong ngân hàng, không được coi đây là công việc của riêng quản lý rủi ro.
Đồng tình với quan điểm trên, theo ông Hiếu, trước tiên các ngân hàng thương mại cần có sự đồng thuận tuyệt đối của cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành trong việc tuân thủ Basel II và hướng đến một mô hình quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro tiên tiến và minh bạch. Việc đầu tư cho Basel II và Basel III cần được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản.
Ngoài ra, cũng cần có cơ chế khuyến khích và dỡ bỏ dần những quản lý hành chính về room tín dụng, điều kiện phát triển mạng lưới… cho các ngân hàng tuân thủ cả 3 trụ cột Basel II và áp dụng sớm Basel III.
Chia sẻ kinh nghiệm đã làm được của ngân hàng mình, ông Hà Hoàng Dũng, Giám đốc Khối quản trị rủi ro của VIB cho biết cái khó nhất đối với VIB do đây là chuẩn mực mới cần phải có thời gian lĩnh hội.
“Ở VIB, đầu tiên là có được sự quam tâm sát sao của cấp Hội đồng quản trị từ việc hoạch định chiến lược đến nội dung chi tiết. Sau khi đã có những định hướng chiến lược của Hội đồng quản trị, ở dưới cấp ban điều hành của chúng tôi bố trí sắp xếp nhân sự, dành nguồn lực thời gian về mặt vốn, về con người nghiên cứu về các chuẩn mực đó.
Những cái nào khó quá thì mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài đề họ hỗ trợ đào tạo chuyển giao công nghệ hay như cần phải xử lý những dữ liệu lớn thì phải đầu tư về mặt hệ thống. Tôi nghĩ rằng với những phối kết hợp như vậy thì mới có thể đảm bảo được việc triển khai thành công Basel II,” ông Dũng nhấn mạnh./.
Ông Hà Hoàng Dũng, Giám đốc Khối quản trị rủi ro VIB chia sẻ về thành công của ngân hàng trong triển khai Basel II: