Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi và lợi nhuận để lại lớn, năm 2021 cũng là năm chứng kiến hàng loạt “làn sóng” tăng vốn của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho nhà đầu tư, chào bán cổ phần cho cổ đông hoặc tìm đối tác chiến lược…
Đây cũng là nhu cầu thường trực của các ngân hàng khi vốn chủ sở hữu đa phần còn mỏng hoặc cần gia cố thêm để nâng cao tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo các thông lệ quốc tế.
Hơn 2 tỷ cổ phiếu ngân hàng đưa ra thị trường
Năm 2021, thị trường chứng khoán đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Được ví như "mạch máu" của nền kinh tế, ngân hàng đã chứng minh được hiệu quả hoạt động khi lợi nhuận vẫn tăng trưởng, bất chấp những lo ngại về ảnh hưởng của COVID-19.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng bắt đầu từ cuối tháng 1/2021 và kéo dài cho tới giữa năm. Ở mức đỉnh vào giữa tháng Sáu, các mã VPB và SHB đều gấp hơn hai lần so với đầu năm, trong khi đó các mã được chú ý như MBB, TCB, ACB, STB, HDB cũng đều tăng mạnh. Nếu tính chung cho cả năm 2021, thị giá của nhóm này tăng trên 30%.
[Ngành ‘kinh doanh tiền’ trong mùa dịch: Dù khó khăn vẫn tỏa sáng]
So với nhóm thương mại cổ phần, các mã ngân hàng quốc doanh có phần "chậm" hơn. CTG là cái tên tăng mạnh nhất nhưng chỉ đạt 16% tính từ đầu năm, trong khi VCB gần như không đổi, còn BID giảm hơn 9%. Nhóm này cũng ghi nhận nhịp tăng trong nửa đầu năm nhưng biên độ khiêm tốn hơn phần còn lại của thị trường.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành vai trò dẫn dắt thị trường trong nửa đầu năm, ngân hàng nhường "sân khấu" cho các nhóm khác. Tính từ mức đỉnh vào giữa tháng Sáu, hầu hết mã ngân hàng đã đi ngang hoặc giảm.
Mặc dù vậy, kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho nhà đầu tư, chào bán cổ phần cho cổ đông hoặc tìm đối tác chiến lược của các ngân hàng vẫn diễn ra “sôi động.”
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, hơn 20 ngân hàng liên tục đẩy mạnh tăng vốn bằng nhiều hình thức và đã nhận được sự chấp thuận chính thức về tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước, gồm các ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV; các ngân hàng thuộc khối tư nhân như VPBank, TPBank, SHB, OCB...
Vào đầu năm 2021, BIDV là ngân hàng dẫn đầu thị trường về vốn điều lệ với hơn 40.220 tỷ đồng. Đứng sau là VietinBank, Vietcombank, Techcombank và VPBank chỉ đứng ở vị trí thứ 6. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BIDV đã rơi xuống vị trí thứ ba, trong khi VietinBank và VPBank vươn lên dẫn đầu và thứ hai với vốn điều lệ lần lượt là 48.058 tỷ đồng và 44.455 tỷ đồng.
Thế nhưng, các chuyên gia dự báo “trật tự” này sẽ thay đổi vào đầu năm 2022 khi mà những ngày cuối cùng của năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định cho BIDV tăng vốn điều lệ bằng trả cổ tức cho cổ đông. Theo đó, BIDV sẽ chốt danh sách cổ đông ngày 24/12/2021 để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 2% và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,77%. Ngày thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông là 24/1/2022. Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên 50.585 tỷ đồng.
Tại Vietcombank, ngân hàng chốt danh sách cổ đông ngày 23/12/2021 để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12%, cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 27,6%. Ngày chi trả cổ tức tiền mặt là 5/1/2022. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Ngoài 2 ngân hàng trên, VietinBank cũng sẽ tiếp tục thực hiện chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12,6%, nâng vốn điều lệ lên 54.000 tỷ đồng.
Ở khối các ngân hàng cổ phần tư nhân, ngân hàng duy nhất công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ của năm 2022 là VPBank, với mức tăng lên đến 75.000 tỷ đồng. Mặc dù các ngân hàng khác chưa công bố kế hoạch tăng vốn trong năm tới, nhưng chắc chắn với con số 75.000 tỷ đồng, VPBank sẽ giữ vị trí “nhà vô địch” về vốn điều lệ toàn hệ thống trong vài năm tới.
Ở nhóm ngân hàng tiếp theo, hai cái tên nổi trội nhất là Techcombank và MB. Hồi đầu năm nay, hai ngân hàng này lần lượt đứng thứ tư và thứ năm hệ thống về vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau khi chia cổ tức 35%, đến tháng 8/2021, MB đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 37.783 tỷ đồng, vượt qua Techcombank. Nhờ tăng vốn thành công, cuối năm nay, MB tiếp tục giữ vững vị trí thứ 5 hệ thống về vốn điều lệ, trong khi Techcombank tụt xuống vị trí thứ sáu.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đã tăng vốn như SHB (40%), Sacombank (tăng gần 32%), VIB (tăng 44,2%), SCB (tăng 32,8%), OCB (tăng 31,8%), TPBank (26%), ACB và HDBank (cùng tăng 25%)... Ước tính sơ bộ, hơn 2 tỷ cổ phiếu ngân hàng đã được đưa ra thị trường trong năm nay.
Áp lực tăng vốn
Lý giải nguyên nhân việc các ngân hàng dồn dập tăng vốn cuối năm, một chuyên gia ngân hàng cho biết bên cạnh tranh thủ lúc cổ phiếu ngân hàng đang hấp dẫn, thì động lực chính là các ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II, xa hơn là Basel III.
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, chậm nhất đến 1/1/2023, các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 8% theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đến nay, đã có 16/35 ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41. Ngay cả những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II thì áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu khi quy mô hoạt động của ngân hàng tăng lên.
Do cách tính hệ số CAR của Việt Nam khác với Basel II, nên khi áp chuẩn mới với đầy đủ 3 trụ cột theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ CAR sẽ giảm khoảng 15%-20%, thậm chí có ngân hàng giảm 25%-30% nếu có tình trạng giấu nợ xấu, không tuân thủ chặt chẽ các quy định về trích lập dự phòng.
Vì vậy, ngân hàng nào không tăng được vốn sẽ đối mặt với áp lực mua bán-sáp nhập vì cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Đơn cử như BIDV, ngân hàng này đã buộc phải thay đổi phương án để tăng vốn nhanh. Bởi tính đến cuối năm 2020, hệ số CAR của BIDV chỉ 8%, mức tối thiểu theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Chính vì vậy, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh việc tăng vốn điều lệ là “rất cấp bách”.
Hệ số CAR cũng là sức ép của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác. Các cụm từ “bức thiết” hay “cấp bách” liên tục được lãnh đạo các ngân hàng này nhắc đi nhắc lại khi đề cập đến vấn đề tăng vốn.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thời gian qua, do vốn mỏng lại gặp đại dịch COVID-19 cộng với chức năng phải hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh khiến việc tăng vốn của nhóm Big 3 bị chậm lại so với các nhóm ngân hàng cổ phần. Bên cạnh đó, từ năm nay, các ngân hàng buộc phải tham gia giảm lãi suất cho vay trong khi nợ xấu có xu hướng tăng lên. Điều này có thể kéo dài và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Vì vậy, ông Hiếu cho rằng việc tăng vốn điều lệ cho nhóm này sẽ là động lực để các ngân hàng tiếp tục dành lại thị phần trong thời gian tới. Ngoài ra, việc tăng vốn cũng góp phần tăng cường năng lực tài chính, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung-dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung-dài hạn bị siết chặt theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước. Dự báo, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022./.
Bài 3: Áp dụng chuẩn quốc tế, tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc